Đại biểu Quốc hội: Mức độ xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em còn tồn tại nhiều khoảng trống cần lấp đầy.
Các em học sinh tham gia đạp xe, phát tờ rơi với thông điệp thành phố an toàn cho trẻ em gái. (Nguồn: Plan International Việt Nam)
Liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em, sáng 3/6, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV), bà Triệu Thị Thu Phương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho rằng những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, gây bức xúc lớn trong xã hội. Đặc biệt, mức độ các vụ việc ngày càng nghiêm trọng.
Số liệu thống kê của Thư viện Quốc hội cho thấy, trong hai năm (2017, 2018) và quý 1 (năm 2019), trên cả nước xảy ra có hơn 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện; trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm khoảng 60%.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương nhấn mạnh, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao (với 21,3%). Ngoài ra, có gần 60% trẻ em bị xâm hại bởi hàng xóm, người quen. Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 68,4% trẻ (trong độ tuổi từ 1-14 tuổi) phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tâm lý bởi người thân trong gia đình…
“Nhiều vụ xâm hại, bạo lực trẻ em báo động sự suy đồi đạo đức xã hội như hiếp dâm tập thể, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh…,” bà Triệu Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Video đang HOT
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, nhiều hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em khi mức độ chạm ngưỡng hình sự mới được phát hiện, xử lý. Bởi vậy, những con số nêu ra có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn vì trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác (do gia đình sợ gây ảnh hưởng đến thông tin cá nhân, cuộc sống riêng tư của trẻ em…).
Theo bà Triệu Thị Thu Phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. “Không ít trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm,” bà Phương chỉ rõ.
Ngoài ra, cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em còn có những khoảng trống: thiếu các quy định triển khai chính sách về bảo vệ trẻ em, thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và còn thiếu sự quan tâm, giám sát của cơ quan dân cử…
Bà Triệu Thị Thu Phương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. (Ảnh: TTXVN)
Từ đó, bà Triệu Thị Thu Phương cho rằng, thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cần có một cơ chế hình thành lá chắn vững chắc hơn bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ở góc độ khác, ông Lê Xuân Thân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ: “Tại nhiều nơi, cử tri đặt câu hỏi: tại sao hệ thống cơ quan, ban, ngành chức năng nhiều như vậy (từ Trung ương tới cơ sở) mà tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra?”
Từ đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi giám sát để xác định trách nhiệm cụ thể các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và có những giải pháp cụ thể để việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Xuất phát từ thực tế trên, Chuyên đề giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em được đa phần đại biểu nhất trí khi Quốc hội bỏ phiếu trong phiên làm việc sáng nay.
Trước đó, bắt đầu phiên làm việc sáng 3/6, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, tiêu chí lựa chọn, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát 2020 được dựa trên các tiêu chí cơ bản: vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Đề xuất nội dung chuyên đề giám sát và dự kiến cơ quan chủ trì, ông Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ, tính đến ngày 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung cụ thể: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung). Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh chuyên đề giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em, chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 cũng sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án…./.
Theo Nhóm PV (Vietnam )
Thảo luận dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng 3/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
Sáng 3/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 29/5, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ, cụ thể hơn theo hướng ưu tiên những dự án cần thiết, tránh dàn trải trong đầu tư công trung hạn, đồng thời việc phân bổ nguồn vốn phải đảm bảo theo đúng tiêu chí, chú ý ưu tiên các dự án an sinh xã hội...
Sau khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ giải trình, làm rõ môt sô vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên làm việc chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Tranh luận đến cùng tại Quốc hội, làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan tâm Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, trong 2,5 ngày, từ 4/6 đến sáng 6/6, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội...