Đại biểu Quốc hội: Không thể nói khơi khơi “nước mắm chứa thạch tín” rồi để đó!
Cho rằng không thể chỉ nói khơi khơi kết quả khảo sát của một hội bảo vệ người tiêu dùng rằng “nước mắm chứa thạch tín” rồi để đó, đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng Nhà nước phải vào cuộc và sớm đưa ra câu trả lời chính thức cho công luận.
Liên quan đến câu chuyện chất arsen trong nước mắm đang thu hút sự quan tâm của dư luận, sáng nay (21/10), phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM):
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM (ảnh: BD)
Nước mắm truyền thống vẫn được xuất khẩu đấy thôi!
Cách đây vài ngày, kết quả khảo sát về nước mắm được Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) được đưa ra và sau đó là một danh sách các nhãn hiệu nước mắm quen thuộc “rò rỉ” và được lan truyền trên mạng xã hội. Những thông tin trên lập tức đã tạo ra không ít hoang mang đối với người tiêu dùng cả nước. Cá nhân bà đã tiếp nhận thông tin này ra sao?
- Chúng ta đang sống trong xã hội bùng nổ thông tin nên việc đầu tiên khi đối diện với những thông tin kiểu như trên là phải hết sức thận trọng.
Ở góc độ chuyên môn, tôi nhận thấy xã hội có sự phân công rõ ràng, rằng cơ quan quản lý Nhà nước mới là đơn vị chính thống để tổng hợp tất cả các thông tin, từ đó có thể có những quyết định cảnh báo, bảo vệ người tiêu dùng.
Đương nhiên trong thực tế cũng có trường hợp những cảnh báo này đôi khi bị chậm, không theo kịp nhu cầu cấp thiết của cuộc sống. Song nếu chậm thì bản thân các cơ quan Nhà nước có chức trách đó phải khắc phục và làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và nhanh hơn.
Còn vai trò của các Hội cũng rất quan trọng, thế nhưng, nếu tôi là thành viên của Hội đó, khi có những thông tin như vậy thì tôi sẽ gửi đến cơ quan chức năng, và sau đó nếu có phát ngôn cũng cần hết sức thận trọng để phản ánh đúng sự thật.
Ở đây không phải chúng ta bao che bưng bít cho một việc gì đó mà cần tính đến một thực tế là bao đời nay, ông cha ta đã sử dụng, đã làm nước mắm rồi đấy thôi.
Bà sử dụng nước mắm truyền thống hay công nghiệp?
- Cá nhân tôi vẫn ủng hộ nước mắm truyền thống hơn nước mắm công nghiệp. Nhưng khi xã hội tiến đến xã hội hóa, công nghiệp hóa thì nước mắm sản xuất công nghiệp đôi khi chiếm ưu thế hơn, có những lợi thế về thời gian, chi phí để tiếp cận với người tiêu dùng với giá cả phù hợp nhất.
Chắc chắn khi làm thủ công như ông bà ta ngày xưa đến giờ thì giá thành không cạnh tranh được với nước mắm công nghiệp rồi.
Nhưng nói về chất lượng, từ xưa đến giờ, ông bà ta sống bằng cái gì? Còn câu chuyện những cơ sở sản xuất thủ công họ có đảm bảo đúng quy trình truyền thống cũng như bảo đảm đúng chất lượng hay không thì đấy là ý thức và là vấn đề cần kiểm soát của cơ quan quản lý.
Ta cũng phải đặt vấn đề rằng, vì sao khi xuất khẩu thì hầu hết là nước mắm truyền thống? Việc vội vàng đánh giá hàm lượng arsen tổng thể rồi cho rằng nước mắm truyền thống độc hại là chưa đúng.
Video đang HOT
Việc kết luận vội vàng có thể giết chết cả một ngành truyền thống (ảnh: DĐDN)
Nghe đến thạch tín ai chẳng sợ
Hiện tại, bà trông chờ động thái gì của cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan trong vụ việc này?
- Không xới lên vấn đề thì thôi, nhưng khi đã xới rồi thì phải làm đến cùng. Đây cũng có thể coi là một sự kiện và cú hích đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước mà ở đây là Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm phải có động thái quyết liệt, nhanh hơn và có câu trả lời chính thức để người dân an tâm để biết sử dụng sản phẩm nào là an toàn.
Không thể cứ nói khơi khơi kết quả khảo sát do một Hội tiêu dùng đưa ra được. Nghe đến thạch tín thì ai chẳng sợ!
Trong giới làm khoa học, người làm chuyên môn thì mới hiểu, arsen hay thạch tín cũng có nhiều loại, có loại độc hại và có loại an toàn, và phải thận trọng khi công bố.
Trong khi tâm lý người tiêu dùng rất nhạy cảm với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì trên mạng xã hội thỉnh thoảng lại đưa ra một kết quả khảo sát, một nghiên cứu nào đó gây hoang mang dư luận. Có ý kiến cho rằng, không loại trừ đây là những chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh?
- Không phải chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mà bản thân cá nhân người tiêu dùng nếu cảm thấy lo ngại thì vẫn có quyền mua sản phẩm đó và đem đến một trung tâm hay đơn vị có chức năng kiểm định và phân tích dịch vụ.
Nhưng khi có kết quả thì luôn luôn phải chú thích rõ kết quả này chỉ đúng cho mẫu gửi thôi chứ không có nghĩa nó đại diện cho toàn bộ sản phẩm trên thị trường.
Việc tổ chức khảo sát, lấy mẫu của cơ quan Nhà nước dù sao vẫn có sự khách quan hơn. Nếu một cá nhân hay đơn vị nào đó thực hiện, không loại trừ trường hợp là một chiêu trò nhằm chơi xấu đối thủ cạnh tranh.
Tôi nhấn mạnh rằng, việc lấy mẫu khảo sát phải đảm bảo đủ một cỡ mẫu cần thiết theo đúng tiêu chuẩn khoa học khi đó mới có quyền kết luận là toàn bộ sản phẩm của đơn vị đó như thế nào. Còn với một vài sản phẩm mà do một bên nào đó lấy thì chỉ có giá trị cho mẫu đó thôi.
Thực tế trong câu chuyện nước mắm này cũng vậy, việc kết luận nước mắm chứa arsen như vậy là quá vội vàng. Kết luận quá vội vàng sẽ giết chết cả một ngành công nghiệp truyền thống.
“Chúng ta nói quá nhiều…!”
Là một người tiêu dùng nữ, một đại biểu Quốc hội, một nhà khoa học, một nhà quản lý về lĩnh vực y tế, bà suy nghĩ thế nào về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay?
- Việc lo ngại cho sức khỏe cộng đồng và cá nhân là hết sức chính đáng, nhưng cũng phải tỉnh táo.
Ai cũng hiểu, bên cạnh một số người có hành vi sai trái khi trộn các chất cấm vào thức ăn chăm nuôi, vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm mục đích kiếm tìm lợi nhuận thì vẫn còn rất nhiều người nông dân làm ăn rất đàng hoàng.
Nếu không sản xuất có chất lượng thì tại sao hiện giờ giá trị xuất khẩu nông sản, thực phẩm lại có thể vượt qua giá trị xuất khẩu của gạo và dầu thô đem lại?
Còn bản thân đơn vị quản lý nhà nước phải có nhiệm vụ kiểm soát thị trường, ở đây là kiện toàn cơ quan quản lý thực phẩm. Khi đóng góp về Luật Dược, tôi cũng đã kiến nghị phải có một mô hình tương tự FDA của Hoa Kỳ, bảo vệ người dân trong nước – tương tự, thực phẩm cũng phải được kiểm soát, giống như chúng ta đang kiểm soát dược phẩm và mỹ phẩm…
Giờ chúng ta nói nhiều quá, cơ quan cũng nhiều quá mà cơ quan nào cũng có quyền. Một thực phẩm khi phát hiện sai phạm thì phụ thuộc quá nhiều cơ quan để xử phạt, răn đe, “cha chung không ai khóc”, trong khi nguồn lực có.
Truyền thông cũng vậy, tôi cảm thấy cần có định hướng, khi có một vụ việc nào đó thì ai cũng hoảng hốt, cùng nhau đưa thông tin lên.
Song song với chuyện dập tắt những vi phạm thì chúng ta phải xây dựng được những chuỗi thực phẩm an toàn…
Còn với người tiêu dùng, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta phải bảo vệ mình, dùng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, khi thấy cái gì quá rẻ cũng nên đặt dấu hỏi.
Xin cảm ơn bà!
Bích Diệp (thực hiện)
Theo Dantri
Nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng: Bộ Y tế lên tiếng
Dù là nước mắm công nghiệp hay truyền thống vẫn phải công khai nhãn mác đầy đủ, các hàm lượng trên từng sản phẩm.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế
Kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố cho thấy, có khoảng 67% mẫu nước mắm trên toàn quốc không đạt chỉ tiêu thạch tín (asen) theo quy định.
Trước thông tin này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế - đơn vị đề xuất xây dựng quy chuẩn chất lượng nước mắm.
Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào trước kết quả khảo sát nước mắm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa công bố?
Việc hội người tiêu dùng đưa ra các số liệu khảo sát liên quan đến thực trạng sản xuất và tiêu thụ nước mắm tại Việt Nam là kết quả đáng phải suy nghĩ.
Tuy nhiên, đối với một sản phẩm nước mắm hay nước chấm muốn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng phải đảm bảo giới hạn cho phép của quy chuẩn mà Bộ Y tế ban hành. Cụ thể: Quy chuẩn về kim loại nặng và quy chuẩn về vi sinh. Nếu vượt mức cho phép thì vi phạm, không đảm bảo an toàn.
Khi sản xuất nước mắm hay nước chấm với phương pháp công nghiệp hay truyền thống phải công khai nhãn mác đầy đủ, các hàm lượng trên sản phẩm.
Việc hội người tiêu dùng khảo sát chứ không phải thanh tra kiểm tra để công khai các doanh nghiệp tiêu thụ nước mắm. Nếu định hướng dư luận xã hội thì phải công khai đối tượng nghiên cứu (bao gồm các doanh nghiệp nào, nghiên cứu theo phương pháp nào) để đảm bảo minh bạch, khoa học và thực tiễn.
Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho rằng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra kết quả khảo sát nước mắm như vậy là không có trách nhiệm và cần có nghiên cứu và đưa quy chuẩn cho đúng thực tế và công bằng? Ông nghĩ sao?
Nếu là cuộc thanh kiểm tra, sẽ phải công khai tên doanh nghiệp, nhưng đây là cuộc khảo sát nên không thể nghiêng về bất kỳ về doanh nghiệp nào.
Tôi thấy khảo sát này cũng là cảnh báo về mặt xã hội, có 2 tác dụng: Thứ nhất Hội Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khiến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm tự nhìn nhận về sản phẩm có đảm bảo các tiêu chuẩn công bố hay không? Có vi phạm các quy định về kim loại nặng, vi sinh hay không?; Thứ hai, giúp người tiêu dùng khi mua sản phẩm sẽ tìm hiểu và đòi hỏi sản phẩm cụ thể về việc công khai các hàm lượng trên sản phẩm .
Vậy khảo sát này có gây ra cuộc chiến giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống không, thưa ông?
Tôi nghĩ không có cuộc chiến giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống vì pháp luật không cấm sản xuất theo truyền thống hay công nghiệp. Pháp luật chỉ cần cạnh tranh lành mạnh và các sản phẩm khi công bố phải công khai, minh bạch tới người tiêu dùng.
Đối với nước mắm truyền thống, làm bằng phương pháp thủ công lâu nay vẫn có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế tức là họ đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để kết luận chính xác nhất phải có kiểm tra, kiểm nghiệm.
Như vậy, để sản xuất nước mắm truyền thống hay công nghiệp vẫn cần nguyên liệu từ cá. Với các nước mắm này, cá có độ đạm càng lớn, bảo đảm chất lượng tốt hơn (theo quan niệm từ trước đến nay). Tuy vậy, sản xuất vẫn phải đảm bảo quy định.
Vậy, đến khi nào Bộ Y tế có quy chuẩn về chất lượng nước mắm?
Chưa có mốc thời gian cụ thể vì sắp tới chúng tôi mới đề xuất nghiên cứu thêm những quy chuẩn liên quan đến nước mắm tại Việt Nam. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có sản phẩm đảm bảo. Các sản phẩm truyền thống hay sản phẩm nước mắm công nghiệp sẽ khẳng định được giá trị thật.
Xin cảm ơn ông!
Kết quả thanh tra nước mắm sẽ có trước ngày 22/10 Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, trước 22/10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm. Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP.HCM, sắp tới sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang)... Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường. Ông Phong khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố. "Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10", ông Phong nói. Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, Bộ đã giao thanh tra các địa phương rà soát và lấy mẫu nước mắm làm cơ sở cho việc thanh tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như mặt hàng nước mắm trên toàn quốc vào năm 2017. Đây là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm nước mắm sau những lo ngại của dư luận đối với chất lượng của mặt hàng này.
Theo Diệu Thu (thực hiện) (Dân Việt)
Phó chủ tịch TP.HCM làm Trưởng ban quản lý nguồn gốc thịt heo UBND TP.HCM vừa có quyết định thành lập Ban quản lý Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo - thuộc mô hình Chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP...