Đại biểu Quốc hội không dám xem hết clip nữ sinh đánh nhau
“Khi xem trên mạng một số clip các em nữ sinh đón đường để đánh nhau, xé quần áo nhau…, dù là người cứng rắn nhưng tôi cũng không dám xem đến hết” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ tại hội trường Quốc hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Quochoi.vn).
Sáng 24.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường, cho ý kiến về dự thảo Luật bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Trước đây, dự thảo quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng, nếu là tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải chịu trách nhiệm hình sự, hoặc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, nhưng với 3 tội danh: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Hiếp dâm và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cho ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định: Trẻ em nhận thức còn hạn chế, chủ yếu không nhận thức được các tội phạm ở tầng cao như các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế trẻ thường chỉ phạm các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, bạo lực học đường…
“Để răn đe, giáo dục, chúng ta nên xử lý hình sự. Nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em, chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, hành chính, giáo dục, thậm chí miễn chấp hành hình phạt” – đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu Nhưỡng cho rằng, vấn đề nhân đạo cũng cần phải có đạo lý, không dựa trên nền cảm tính.
Video đang HOT
“30 năm qua chúng ta đã xử lý vấn đề theo quan điểm này trong bối cảnh đất nước khi đó còn lạc hậu, trẻ em chưa được chăm sóc giáo dục đến nơi đến chốn. Bây giờ xã hội phát triển, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn trước rất nhiều” – đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu đoàn Bến Tre nói thêm: “Tuy là người rất cứng rắn, nhưng khi xem trên mạng một số clip các em nữ sinh đón đường để đánh nhau, xé quần áo nhau…, thực lòng tôi cũng không dám xem hết. Nếu đưa ra thế giới, cho người nước ngoài xem, liệu họ có đồng quan điểm với chúng ta là không xử lý các em?”.
Theo đại biểu Nhưỡng, hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là tốt nhất. “Nhưng nếu chỉ giáo dục đơn thuần, chúng ta không đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm. Tất cả các quy định của pháp luật đều có một chức năng quan trọng là dự báo để phòng ngừa. Có đại biểu nói nếu làm vậy, chúng ta không có đủ trại giam. Ở đây có ai nói phải bỏ tù các em? Xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau” – đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu quan điểm ủng hộ phương án 2, đó là quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Ông phân tích: Việc quy định như vậy phù hợp với thực trạng đấu tranh phòng chống tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. “Theo số liệu thống kê trong 5 năm của TAND Tối cao cung cấp cho thấy, tỉ lệ tội phạm từ 14 đến dưới 16 không đáng kể” – đại biểu Học nói.
Về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đối với độ tuổi này, nhiều nước chỉ loại trừ trách nhiệm hình sự với tội vô ý, còn tội cố ý thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Nhưng chính sách nằm ở nguyên tắc xử lý chứ không phải ở độ tuổi. Nguyên tắc nữa là tất cả các vụ án liên quan đến trẻ em, ở nước ngoài họ xử kín để đảm bảo trẻ không bị ảnh hưởng, có cơ hội sửa sai.
Theo Danviet
Chủ tịch Quốc hội: Nhân dân lo lắng về tham nhũng, lãng phí
Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước có nhiều chuyển biến với nhiều thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh Đàm Duy).
Sáng 22.5, tại Hà Nội, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của nhân dân và toàn bộ bộ máy nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế trong nước cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển; du lịch đang tiếp tục tăng trưởng; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.
Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục có bước chuyển biến. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả tốt đẹp. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên...
"Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đất nước vẫn còn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Kinh tế tiếp đà tăng trưởng nhưng chưa bền vững, một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Biến đối khí hậu tiếp tục gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.
Vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên, khoáng sản đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; ô nhiễm môi trường xảy ra nhiều nơi nhưng việc khắc phục và cải thiện còn chậm. Các vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; trong quản lý, sử dụng đất đai; các hiện tượng tham nhũng, lãng phí vẫn là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, lo lắng..." - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Một số dự án liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành kinh tế - xã hội...
Trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; thảo luận và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; nghe Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tăng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lên ba ngày. Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thảo luận Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Cùng với các nội dung quan trọng trên, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thảo luận và quyết định một số dự án quan trọng khác...
Theo Danviet
Đoàn ĐBQH khoá XIV viếng Lăng Bác trước khi khai mạc kỳ họp thứ 3 Trước lễ khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, 7 giờ 15 sáng 22.5 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nghi lễ thường lệ trước mỗi kỳ họp Quốc hội nhiều năm qua. Đoàn đại biểu xuất phát từ phía tòa nhà Quốc...