Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Có vấn đề khi cây “quái thú” lọt qua 16 tỉnh
Chất vất Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc cây “quái thú” lọt qua 16 tỉnh thành là có vấn đề.
Sáng 4/6, phát biểu tại phiên chất vấn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề cập việc các phương tiện không đủ điều kiện vẫn được phép lưu hành. “ Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ trước có nêu nguyên nhân là tình trạng đối phó như ô tô còn mượn thùng bệ và các phụ tùng khác để đăng kiểm, sau đó thay đổi hết. Vậy bộ trưởng cho biết liệu có giải quyết được tình trạng này không?”, ông Cương hỏi.
Đại biểu đoàn Bình Thuận cũng nêu tình trạng vi phạm luật lệ giao thông rất tràn lan, trong khi đó việc xử phạt chỉ đạt được 15 – 20%, số còn lại thì bị bỏ qua hoặc nhận tiền chung chi. Từ đó, ông Cương đề nghị Bộ trưởng Thể đánh giá về vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay?.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn Bộ trưởng GTVT trước Quốc hội
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể xác nhận có hiện tượng như đại biểu Cương phản ánh về các phương tiện không đảm bảo. Ông Thể cho hay, Bộ GTVT cùng với các cơ quan chức năng như Cục đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện các giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ hiện nay là trong giấy phép lưu hành của các phương tiện, nhất là xe tải thì đã ghi lại hình ảnh, kích thước của các thùng.
Khi các cơ quan chức năng xem xét, kiểm tra 1 xe thì căn cứ thùng xe đã được kiểm định với kích thước đó. Nếu kích thước bên ngoài không phù hợp hoàn toàn có thể xử lý để tránh tình trạng khi đi đăng kiểm thì sử dụng thùng xe nhỏ, khi lưu hành lại dùng xe lớn.
Về công tác xử phạt, theo Bộ trưởng GTVT, hiện nay tình hình vi phạm luật giao thông đường bộ tương đối phổ biến. Với mức độ xử phạt tỷ lệ 15 – 20% thì bản thân ông không thể xác định được.
“Khi xử phạt có thanh tra giao thông, CSGT và chính quyền địa phương, con số thống kê có lẽ căn cứ vào dư luận xã hội mà các phóng sự phản ánh, tôi không bình luận về tỷ lệ 15 – 20%”, ông Thể nói.
Ông Thể thống nhất về tình hình vi phạm luật giao thông đường bộ hiện nay diễn ra nghiêm trọng ở 1 số TP lớn.
Chưa thoả mãn với phần trả lời của Bộ trưởng GTVT, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, giải pháp chuyện đăng kiểm là có hình ảnh, nhưng khi có hình ảnh rồi các phương tiện quá khổ, quá tải vẫn cứ lộng hành ở khắp mọi nơi?
Đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị Bộ trưởng Thể nếu trưa nay không bận thì ra đứng ở ngã tư độ khoảng 10 phút đếm tỷ lệ vi phạm diễn ra và xử phạt sẽ thấy tỷ lệ 15 – 20% như đại biểu nêu nó còn là quá cao.
Ông Cương cũng nêu lại vấn đề liên quan đến cây “quái thú” được dư luận phản ánh trong thời gian qua. Theo đại biểu, việc cây “quái thú” lọt qua 16 tỉnh thấy là có vấn đề.
Video đang HOT
“Tôi có tiếp xúc 1 trạm trưởng trạm kiểm soát giao thông trên QL1A thì họ nói là sếp có nhờ bọn em bỏ qua, nhưng đến khi bị phát hiện thì sếp phủi tay, trách nhiệm bổ lên đầu bọn em”, ông Cương kể và đề nghị Bộ trưởng GTVT đánh giá vai trò của lực lượng CSGT.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời trước Quốc hội sáng nay
Trả lời câu hỏi của đại biểu Cương, ông Thể cho biết, việc vận chuyển cây lớn đi qua nhiều tỉnh các cơ quan chức năng đã vào cuộc, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý. Ông Thể cho biết, nếu có vấn đề, sẽ xử lý nghiêm.
Trao đổi làm rõ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, để xử lý triệt để các phương tiện vi phạm thì ta cũng có chế tài. Như các chủ phương tiện không thực hiện nghiêm theo hồ sơ đang được phép thì có thể thu hồi giấy phép hoặc xử lý hành chính.
Theo ông, nếu cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc, tăng cường kiểm tra ở quốc lộ, tỉnh lộ và các khu dân cư thì có thể xử lý triệt để hiện tượng này.
Về việc xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ, ông Thể cho hay, vi phạm không đội mũ bảo hiểm ở TP lớn còn diễn biến phức tạp, thậm chí lực lượng chức năng cũng bỏ qua và không gọi lại để xử lý.
Ông Thể cho hay bản thân không đồng tình việc bỏ qua như vậy mà khi phát hiện phải có biện pháp xử nghiêm theo luật giao thông đường bộ.
“Tôi cũng cám ơn đại biểu có mời ra xem xét, bản thân tôi cũng nhìn thấy việc này, tôi xin tiếp thu ý kiến này. Có lẽ ngoài tôi thì còn lực lượng CSGT, lực lượng chức năng tiếp thu phối kết hợp thực hiện cho tốt”, ông Thể phản hồi về lời mời của đại biểu Cương.
Về việc vận chuyển cây “quái thú” qua nhiều tỉnh, Bộ trưởng GTVT cho hay, Phó Thủ tướng Trương hoà Bình cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát 1 cách cụ thể, xử lý đúng người, đúng tội. Nếu các cơ quan cá nhân có vi phạm thì xử lý nghiêm.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Thể, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm: “Trưa nay mời bộ trưởng ăn rồi nghỉ ngơi, nghiên cứu chiều trả lời chất vấn tiếp, chứ không phải ra ngã tư”.
Quang Phong
Theo Dantri
Tân Bộ trưởng Giao thông: 'Không tư túi, không vì lợi ích nhóm'
Ông Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tập trung vào nhiệm vụ đầu tư cao tốc Bắc - Nam; xây sân bay Long Thành; giải quyết tồn tại của BOT.
Chiều 26.10, Quốc hội đã phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải với tỷ lệ 93,98% tổng số đại biểu đồng ý.
Trả lời báo chí sau đó, ông Nguyễn Văn Thể chia sẻ: "Được tín nhiệm thực hiện nhiệm vụ này là vinh dự của tôi. Đồng thời, trong điều kiện ngân sách nhà nước và đầu tư công eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và huy động từ xã hội rất khó khăn, thì đây cũng là thách thức rất lớn cho bản thân tôi và ngành giao thông vận tải".
Những công việc đầu tiên ông dự định sẽ làm trên cương vị mới là gì?
- Giao thông vận tải đang là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, đồng thời là một trong ba khâu đột phá cần tập trung tháo gỡ. Do vậy, với cá nhân tôi, có rất nhiều công việc cần phải làm trên cương vị Bộ trưởng.
Trong giai đoạn trước mắt, bản thân tôi và toàn ngành sẽ tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách như: Đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020; sớm triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành; sớm hoàn thành các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và TP.HCM.
Chúng tôi cũng sẽ đề xuất giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông cho Hà Nội, TP.HCM và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; giải quyết các tồn tại liên quan đến các dự án BOT giao thông...
BOT là vấn đề nóng, được người dân đặc biệt quan tâm. Ông sẽ giải quyết "bài toán" này như thế nào sau khi được bổ nhiệm?
- Vấn đề này được dư luận, báo chí nêu rất nhiều thời gian qua. Bộ Giao thông Vận tải cách đây 3-4 năm đã tập trung rất nhiều tâm huyết để cụ thể hóa Nghị định 108 của Chính phủ nhằm phát triển giao thông.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai chủ trương BOT, bản thân Bộ cũng nhận thấy có nhiều vấn đề đặt ra. Do vậy, Bộ đã chủ động mời Bộ Xây dựng tham gia đi kiểm tra tại các tỉnh, cùng với Bộ Tài chính để xác định vị trí các trạm thu phí, cùng với chính quyền các địa phương để triển khai các dự án BOT cho đúng quy định.
Giai đoạn vừa qua, cùng với các dự án nhà nước đầu tư, các dự án giao thông BOT đã tạo nên một diện mạo mới cho ngành giao thông cả nước, song các hạn chế cũng còn nhiều. Chủ trương về BOT là rất đúng, nhưng trong quá trình triển khai thì Bộ Giao thông dù đã chủ động song việc tuân thủ luật pháp còn chưa đầy đủ.
Nguyên nhân của những vấn đề liên quan đến BOT mà ông vừa nêu là gì?
- Nguyên nhân một phần do áp dụng theo Nghị định 108, đây là nghị định dành cho hình thức đầu tư PPP của tất cả các ngành, trong đó có giao thông. Gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị định 15, 30 quy định cụ thể hơn về các dự án BOT nên việc triển khai các dự án BOT theo 2 nghị định này đã chặt chẽ hơn.
Cách đây vài ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có nghị quyết về vấn đề BOT. Tôi nghĩ tới đây, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, nếu cần thiết thì có thể nâng cấp Nghị quyết, Nghị định về BOT thành một pháp lệnh hoặc luật về PPP. Lúc đó chúng ta sẽ thực hiện các dự án BOT theo đúng quy định pháp luật.
Tôi nghĩ rằng có làm thì cũng có đúng, có sai. Nhưng quan trọng là cái tâm của những người làm giao thông chúng tôi phải vì lợi ích chung, không tư túi, không vì lợi ích nhóm. Những người nào làm sai, có vấn đề thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm. Cuối cùng là phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp. Còn về cái chung, tôi nghĩ là nếu không làm BOT thì trong giai đoạn hiện nay chúng ta không thể phát triển hạ tầng giao thông được.
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về các giải pháp khắc phục tồn tại liên quan đến các dự án BOT?
- Theo tôi được biết, thời gian qua Bộ Giao thông đã tiến hành tổng kết 5 năm đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011-2016 và đã đánh giá khách quan, tổng thể những mặt được, cũng như hạn chế của hình thức đầu tư này.
Bộ Giao thông cũng nghiên cứu, xem xét để đưa ra chính sách đồng nhất nhằm giải quyết tồn tại của các dự án BOT trên toàn quốc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời có chủ trương dừng thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường hiện có; chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân và các phương tiện.
Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, phải kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo thì phải tham vấn đầy đủ ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến cả Quốc hội.
Tôi cũng được biết, việc triển khai các dự án BOT, Bộ đã vận dụng tối đa những điều cho phép của Nghị định 108, Nghị định 15 và Nghị định 30. Trong quá trình thực hiện dự án BOT, theo quy định của pháp luật nhiều bộ cùng cộng đồng trách nhiệm như: Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định dự toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, Bộ Tài chính quyết định về giá qua trạm... Tuy nhiên, do thể chế còn chưa chặt chẽ nên đã phát sinh một số bất cập. Và trong quá trình làm, các cơ quan kiểm toán, thanh tra cũng đã vào cuộc cùng với Bộ Giao thông để kịp thời phát hiện và xử lý những bất cập phát sinh.
Ông đặt mục tiêu cụ thể nào để phát triển ngành Giao thông vận tải, tiếp tục gỡ điểm nghẽn về hạ tầng?
- Như trên tôi đã nói, BOT là kênh huy động vốn rất quan trọng để phát triển hạ tầng trong điều kiện ngân sách khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc huy động vốn vẫn chủ yếu tập trung nhiều ở lĩnh vực đường bộ, hàng không.
Về lâu dài, chúng ta phải tìm giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển cân bằng và hiệu quả các loại hình giao thông vận tải, nhất là phát huy hiệu quả của đường thủy nội địa, đường sắt và đường biển để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thể 51 tuổi, quê ở Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; tiến sĩ ngành giao thông; hiện là Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 12, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, sau đó học Đại học Giao thông đường bộ Moskva (Liên Xô cũ), khi về nước năm 1989, ông Thể làm việc tại Công ty Dịch vụ thiết bị vật tư Giao thông - Thủy lợi huyện Tháp Mười và chuyển về Phòng Giao thông Công chánh huyện Tháp Mười năm 1992.Ông lần lượt giữ các chức vụ như Phó giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế giao thông tỉnh Đồng Tháp; Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Huyện ủy Tân Hồng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.Tháng 6.2013, ông được điều động ra làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tháng 10.2015, Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Văn Thể giữ chức bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo Hoàng Thuỳ - Đoàn Loan (VnExpress)
Tranh luận nóng về BOT: Nói giảm giá vì dân "như ban phát, xin cho" Tranh luận với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về các vấn đề thu phí BOT, đại biểu Mai Sỹ Diễn (Thanh Hóa ) nói "Bộ trưởng nói vì lợi ích hài hòa và vì người dân mà giảm giá, nếu nói thế giống như ban phát, xin cho". Sáng nay (4.6), đăng đàn đầu tiên với nhóm nội dung về giải pháp...