Đại biểu Lê Như Tiến: Chưa cán bộ cấp cao tham nhũng nào bị xử
“Công chức nào đó nhận phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỷ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói.
- Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông cáo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền. Ông đánh giá như thế nào về những vi phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ?
- Những người khác làm những việc này đã không chấp nhận được, ông Trần Văn Truyền là Tổng Thanh tra Chính phủ – cơ quan thanh tra các cơ quan khác về thi hành pháp luật thì càng không thể chấp nhận. Đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng, lẽ ra ông phải gương mẫu nhất.
Vụ ông Trần Văn Truyền có hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất là không minh bạch về tài sản, có những tài sản không thuộc về phạm vi, chế độ, tiêu chuẩn của mình nhưng vẫn xin mua, xin thuê. Thậm chí sau khi nghỉ hưu 3 năm ở quê rồi mới trả lại nhà công vụ. Nhà ở quê thì nói là do con cái đầu tư nhưng tôi cho rằng thực chất cũng là tài sản của ông Truyền. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy ông Truyền có tới 6 trường hợp về nhà, đất là quá nhiều so với những cán bộ thông thường và so với các bộ cao cấp khác.
Thứ hai là ông Truyền trước khi về hưu đã bổ nhiệm ồ ạt tới 60 cán bộ cấp vụ, phòng ở Thanh tra Chính phủ. Trong số đó có nhiều người không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, tạo ra cái họa, vì họ không có uy tín để làm việc, một số vẫn đang phải “nợ” tiêu chuẩn.
Tôi cho rằng cả chuyện nhà đất lẫn chuyện bổ nhiệm cán bộ ồ ạt như vậy chắc chắn có vấn đề, những dấu hiệu trục lợi đằng sau. Đồng thời, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng, công tác bổ nhiệm cán bộ.
Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng cần phải xử lý vụ nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, nếu không sẽ không bao giờ xóa được hoài nghi của nhân dân là “Phòng chống tham nhũng chỉ tắm từ vai trở xuống”.
Video đang HOT
- Với những sai phạm đó trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc tiếp theo cơ quan chức năng cần làm để lấy lại lòng tin của nhân dân là gì, thưa ông?
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rõ ràng thì chắn chắc sau đó các cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tham nhũng sẽ phải vào cuộc. Tôi từng phát biểu trên Quốc hội, căn bệnh tham nhũng biệt thự và nhà công vụ là vấn đề hết sức lớn hiện nay. Khi cán bộ công chức nào đó nhận phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỷ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai. Lần này, nếu không xử nghiêm thì chúng ta không bao giờ xóa được hoài nghi của nhân dân là “phòng chống tham nhũng chỉ tắm từ vai trở xuống”.
- Theo ông trách nhiệm của các địa phương như Bến Tre, TP HCM, nơi đã cấp đất, bán nhà cho ông Truyền là gì?
- Việc làm của tỉnh Bến Tre và TP HCM không phải là nể nang mà là làm sai, vi phạm pháp luật. Tôi đặt dấu hỏi là liệu có đi có lại hay không, như tôi hóa giá cho anh một căn nhà thì anh tạo điều kiện cho tôi việc gì đó? Đây là lỗi cả hai phía, cả cơ quan Nhà nước và bản thân ông Truyền.
Vấn đề những cán bộ của TP HCM và Bến Tre do “nể nang” mà làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền là rất đáng xem xét. Nếu như địa phương nào, cơ quan nào cũng nể nang như vậy thì luật pháp có còn được thực thi hay không? Cứ nể nang như vậy xã hội sẽ bị rối loạn.
Đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có lỗi của cơ chế, công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm. Thực tế Quốc hội cũng có trách nhiệm trong đó vì Quốc hội là đơn vị phê chuẩn ông Truyền làm thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hiện nay, những thông tin trình lên Quốc hội đôi khi không đủ để xem xét một con người.
“Vì vậy, chúng ta phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ để thấy được những lỗ hổng, từ đó có cách khắc phục cả hệ thống hiện nay”, ông Quyền nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá rất cao trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra trung ương trong vụ việc này. Theo ông Cương, kết luận hợp lòng dân đó là minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, khẳng định rằng không có vùng cấm cho bất cứ ai.
Ông Cương cho rằng, điều đáng tiếc là người tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng nhưng lại có những sai phạm như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên qua vụ việc này, những sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng đã lộ rõ.
“Tôi nghĩ rằng nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm mà được thực hiện nghiêm túc, do chính thanh tra Chính phủ tham mưu thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi”, ông Cương nhận định và giải thích, kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương cho thấy quá trình thực hiện kê khai tài sản lần đầu và những lần sau đã không trung thực. Nếu nó được thực hiện trung thực thì các cơ quan đã phát hiện ra. Điều đó cũng cho thấy việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là một tiền lệ rất tốt, khẳng định Đảng, Nhà nước quản lý cán bộ không chỉ lúc đương chức mà còn cả khi đã về hưu, loại bỏ được tư tưởng “hạ cánh an toàn”. Đây cũng là bài học lớn cho việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp trong phòng chống tham nhũng.
“Vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, giải quyết vụ việc này triệt để sẽ giúp lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng, đối với pháp luật. Sai phạm được phát hiện đến đâu phải được xử lý đến đó, như tài sản bất minh phải được thu hồi, tài sản có sai phạm một phần thì xử lý một phần”, ông Cương chia sẻ.
Hoàng Thuỳ ghi
Theo VNE
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng quyền cho Thủ tướng
Chiều nay 21.11, thảo luận về dự án luật Tổ chức Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung thêm quy định để tăng thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, vừa qua, trong quản lý nhà nước, có một số vấn đề các Bộ không phối hợp được với nhau, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới giải quyết công việc chậm và kém hiệu quả. "Ở đây, theo tôi, có vấn đề về trách nhiệm giải quyết của Chính phủ", đại biểu An nói.
Đại biểu Bùi Thị An đề nghị tăng thẩm quyền cho Thủ tướng - Ảnh: Ngọc Thắng
Cũng theo bà An, "có một số trường hợp, có những vấn đề gay cấn, chồng chéo giữa các Bộ thì Thủ tướng cần phải có ý kiến, để chịu trách nhiệm trước dân và Đảng".
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) nói: "Cần có quy định bổ sung giúp Thủ tướng lãnh đạo thống nhất, thông suốt, nhất là quyền quyết về nhân sự ở các cấp hành chính bên dưới". Theo ông Khánh, điều này sẽ giúp củng cố kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh cũng lưu ý thêm, dự án luật cần có quy định phân định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng và Chính phủ. "Hiện chưa có quy định làm rõ quyền hạn của Chính phủ với Thủ tướng. Có phần chưa rõ quy định về trách nhiệm mà mới chỉ nêu được về nhiệm vụ, quyền hạn trong các quy định về mối quan hệ của Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ", ông Khánh dẫn chứng.
Đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật quy định chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng "quá dài, quá chi tiết", chưa kể, những chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng còn quy định rải rác trong các luật, từ luật Chính quyền địa phương đến các luật chuyên ngành. "Ta cái gì khó cũng đẩy lên Thủ tướng. Nên cân đối, sắp xếp lại. Các nước họ quy định rất ngắn là Thủ tướng chỉ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đứng đầu cơ quan hành chính T.Ư", bà Khánh nói.
Hà Nguyễn
Theo Thanhnien
Định giá để chống độc quyền, nâng giá dịch vụ tại sân bay Thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam sáng 21/11, Quốc hội thống nhất quy định nhà nước định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không để khắc phục tình trạng DN lợi dụng vị thế độc quyền, nâng giá dịch vụ phi hàng không. Có 404 trên tổng số 409 đại biểu...