Đại án ở Ngân hàng Xây Dựng và những cái “nhất”
Số tiền rút ra và gây thất thoát nhiều nhất; là vụ án có các bị cáo là cán bộ ngân hàng và giám đốc nhiều nhất; là vụ án có nhiều luật sư và người liên quan nhất. Ngoài ra, Ngân hàng Xây dựng cũng là ngân hàng âm vốn chủ sở hữu nhiều nhất, có cổ đông nắm quyền chi phối với số cổ phần lớn nhất…
Đại án ở Ngân hàng Xây Dựng và những cái “nhất”
Đại án Phạm Công Danh và 35 bị cáo làm thất thoát nghìn tỷ tại Ngân hàng Xây Dựng đang thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Đây là vụ án mà có nhiều kỷ lục được ghi nhận trong những án liên quan lĩnh vực kinh tế.
Có cổ phần của một cổ đông và người liên quan chiếm tỷ lệ cao nhất
TrustBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Đầu năm 2012 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng do nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sở hữu 84,92% cổ phần.
Số cổ phần này sau đó được nhóm Phú Mỹ chuyển nhượng cho nhóm Phạm Công Danh. Hiện cơ quan điều tra đang giữ 21 sổ chứng nhận sở hữu cổ phần tại VNCB và các giấy tờ ủy quyền ký sẵn liên quan đến 84% cổ phần VNCB của Phạm Công Danh.
Tất nhiên, các giấy tờ này chỉ có giá trị chứng minh 84% cổ phần đó là của Phạm Công Danh. Danh nhờ người thân quen đứng tên, chứ không còn giá trị thực tế vì VNCB đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng/cổ phần.
Dẫu vậy, đây cũng là trường hợp một cá nhân và người liên quan sở hữu số cổ phần trong một ngân hàng lớn đến như vậy, chỉ thua mỗi Nhà nước sở hữu vốn ở BIDV.
Theo luật TCTD 2010 đang áp dụng thì cá nhân và người liên quan chỉ được sở hữu không quá 20% vốn ở ngân hàng và một cá nhân không được sở hữu quá 5%.
Ngân hàng thua lỗ và âm vốn nhiều nhất
Video đang HOT
Từ 9/2/2012 đến 10/7/2012, Ngân hàng Nhà nước quyết định thanh tra TrustBank, kết luận thực trạng tài chính của Trustbank là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu âm 2.854,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là gần 6.062 tỷ đồng.
Kể từ khi nhóm Phạm Công Danh vào điều hành ngân hàng (tháng 7/2012), kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ngày 10/7/2012 của NHNN thì tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.
Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, ngân hàng ghi nhận lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.
Trong hệ thống ngân hàng, tính đến thời điểm này thì Ngân hàng Xây dựng là ngân hàng có phần thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu nặng nhất.
Đại án gây thất thoát số tiền nhiều nhất
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An và Cáo trạng của VKSNDTC, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện 10 phi vụ rút tiền khỏi ngân hàng Xây dựng, tổng cộng 18.687 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân hàng 15.260 tỷ đồng.
Tuy nhiên các hành vi và khoản tiền liên quan đến 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank được tách ra vụ án khác, nên trong đại án lần này chỉ bị xét xử vì liên quan đến 7 phi vụ rút tiền tổng cộng hơn 12.000 tỷ và gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng 9.133 tỷ đồng.
Số tiền bị rút ra và gây thất thoát cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng trong 1 vụ án là lớn nhất trong lịch sử tố tụng từ trước tới nay (gấp đôi đại án Huyền Như).
Nhiều bị cáo là giám đốc nhất trong một án kinh tế từ trước tới nay
Trong vụ án lần này, ngoài các bị cáo nguyên là chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ở Ngân hàng Xây dựng, còn có hơn 20 vị mang chức danh Tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc.
Cụ thể, có 2 giám đốc chi nhánh của VNCB là bị cáo (VNCB Sài Gòn và VNCB Lam Giang), 15 giám đốc, tổng giám đốc của các công ty, 1 giám đốc trung tâm công nghệ thông tin ngân hàng, 2 phó giám đốc chi nhánh.
Tổng số 36 bị cáo thì có đến 20 người đang công tác tại Ngân hàng Xây dựng trước khi bị khởi tố.
Nhiều người liên quan, nhiều luật sư nhất
Đại án lần này có 45 luật sư bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan. Đây là một trong 2 đại án kinh tế có số luật sư tham gia nhiều nhất (án Huyền Như có 47 luật sư).
Ngoài ra, còn có 156 người/tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập đến – đại án có số người tham dự nhiều nhất.
Theo Cafef
Đại án VNCB: Góc khuất những khoản hoa hồng tiền gửi
Điểm nhấn trong tuần đầu tiên xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là việc tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về việc huy động vay - trả và rút ruột khoản tiền gần 5.500 tỷ đồng tại VNCB.
Theo bị cáo Thành Mai, việc gửi, vay lại, chuyển tiền cho bị cáo Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012
Trước áp lực mất thanh khoản trong thời gian đầu tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB (tiền thân là TrustBank) đã chỉ đạo cấp dưới trả lãi suất ưu tiên ngoài (vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước), với số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng cho khoản tiền gửi trên 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích.
Trong phiên thẩm vấn các bị cáo ngày 22/7, trả lời tòa, bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB thừa nhận, 5.190 tỷ đồng là cứu cánh của VNCB thời điểm đó. Theo lời khai của bị cáo Thành Mai, để thu hút khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ phải tự điều chỉnh tỷ lệ trả riêng cho khách hàng (ngoài lãi suất quy định), có thể lên tới 10% khoản tiền (vào năm 2013) và giảm dần trong các năm sau. Toàn bộ số tiền trả ngoài này không có giấy tờ, khách hàng đến gửi tiền sẽ nhận được hoa hồng ngay lập tức.
"Bị cáo biết rằng, việc cho nợ chứng từ này là sai, nhưng vì áp lực thanh khoản, chủ trương của Ngân hàng lúc đó là phải giữ khách"
- Bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân cũng cho thấy, tại cơ quan điều tra, để huy động được khoản 5.190 tỷ đồng tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, bị cáo Phạm Công Danh đã phải chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng từ 2-4%/năm theo từng thời điểm. Theo lời khai, tổng số tiền đã trả lãi ngoài cho nhóm này vào khoảng 2.500 tỷ đồng.
Cũng trong phiên tòa ngày 22/7, Hội đồng xét xử đã xét hỏi đối với Hoàng Đình Quyết (33 tuổi), trú tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang về trách nhiệm của bị cáo đối với số tiền 5.190 tỷ đồng của Trần Ngọc Bích. Bị cáo Quyết cho biết, tình hình khó khăn của Ngân hàng đã tồn tại từ trước, có thời điểm khách hàng đến rút tiền nhưng cả tuần không có tiền để trả. Do đó, toàn bộ cán bộ nhân viên Ngân hàng đều phải tìm cách thu hút khách hàng gửi tiền và ưu đãi trả tiền ngoài lãi suất của Ngân hàng lên tới 4%/năm.
Đồng thời, bị cáo Quyết khai, nhận thấy nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng quan trọng, lại có quen biết với Phạm Công Danh, cùng với đó là áp lực thanh khoản của VNCB nên bị cáo đã cho nợ chứng từ kế toán.
"Bị cáo biết rằng, việc cho nợ chứng từ này là sai, nhưng vì áp lực thanh khoản, chủ trương của Ngân hàng lúc đó là phải giữ khách. Tại thời điểm đó, VNCB không có nhiều khách hàng gửi tiền, nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng có khoản tiền gửi lớn nên được ưu tiên, giao dịch thực hiện nhưng có thể nợ chứng từ", bí cáo Quyết nói.
Không chỉ có nhóm của Trần Ngọc Bích gửi tiền được VNCB trả lãi suất ưu tiên "khủng" vượt trần quy định, mà các khách hàng gửi tiền khác cũng nhận được chính sách ưu tiên này.
Những khoản tiền gửi của khách hàng VNCB sau đó được nhóm Trần Ngọc Bích vay lại dưới hình thức cầm cố sổ tiết kiệm và cuối cùng lại "chảy" vào tài khoản của bị cáo Phạm Công Danh. Theo lời khai của bị cáo Quyết, số tiền 5.190 tỷ đồng đã được Trần Ngọc Bích gửi vào VNCB dưới các sổ tiết kiệm mang tên nhiều người, sau đó những người này lại làm hợp đồng thế chấp chính những sổ tiết kiệm này để vay tiền của VNCB.
Đường đi của dòng tiền này, theo bị cáo Quyết biết, đó là Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB và giữ các sổ tiết kiệm, các sổ này đứng tên các cá nhân là người thân trong gia đình và nhân viên công ty của Trần Ngọc Bích. Các nhân viên này sau đó thế chấp các sổ tiết kiệm cho VNCB để vay tiền. Tiền sẽ được chuyển ngược về tài khoản của các cá nhân và bà Bích. Tuy nhiên, sau đó, số tiền được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh và một số cá nhân khác rồi được mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản. Việc gửi tiền, vay lại tiền, chuyển tiền cho bị cáo Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012 thông qua rất nhiều hợp đồng gửi tiền, vay tiền, cũng như các bản sao kê tài khoản với cùng cách thức như trên.
Theo Tin Nhanh Chứng Khoán
'Đại án' Phạm Công Danh: Đường đi lằng nhằng của 5.490 tỉ đồng Hôm nay (25.7), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác trong nhóm bà Bích phải có mặt tại phiên xét xử sơ thẩm "đại án" Phạm Công Danh. Bị cáo Quyết (ngồi) và Phạm Công Danh trước phiên xử ngày 22.7 * Trang "phố núi" đã xuất cảnh Việc này...