“Đại án nghìn tỷ”: VKS bác đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
Cho rằng thân chủ không chiếm đoạt tiền của Agribank CN6, hai luật sư bào chữa cho Dương Thanh Cường đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Ngày 29/10, tại phần bào chữa cho 11 bị cáo trong vụ án gây thất thoát 966 tỷ đồng tiền Nhà nước xảy ra tại Agribank Chi nhánh 6 TPHCM, phần lớn nội dung bào chữa đều cho rằng các bị cáo không phạm tội như quan điểm của VKS nêu. Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ quan điểm luận tội trước đó. Đáng chú ý nhất là những tình tiết tranh luận tội đối với hai bị cáo Dương Thanh Cường và Hồ Đăng Trung.
Bác đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
Trong phần tranh tụng tại tòa với đại diện VKS, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thanh Cường, nguyên tổng giám đốc Cty Tấn Phát là luật sư Nguyễn Đăng Trừng và luật sư Trần Kim Ni đã tranh luận sôi nổi, đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung để làm rõ các tình tiết vụ án. Tuy nhiên, đại diện VKS tại phiên tòa bác đề nghị này vì cho rằng không có cơ sở và giữ nguyên quan điểm luận tội trước đó.
Thế nhưng trong phần tranh luận, hai luật sư vẫn giữ quan điểm việc bị cáo này bán hai dự án bất động sản và hoán đổi tài sản thế chấp là 23 quyền sử dụng đất bằng 38 ha đất ở Long An chưa được làm rõ.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Việt Văn.
Trước HĐXX, luật sư Trần Kim Ni cho rằng bị cáo Dương Thanh Cường không chiếm đoạt 564 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 TPHCM. Mà theo luật sư, bị cáo Cường đã bán 2 dự án số 10 Âu Cơ và dự án đường Hòa Bình cho Cty Thảo Loan với giá 1.150 tỷ đồng. Trong khi đó Cường thế chấp 2 tài sản trên để vay tiền ngân hàng Phương Nam 490 tỷ. Sau khi trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng Phương Nam thì Cường còn dư 660 tỷ đồng.
Còn luật sư Trừng cho rằng bị cáo Dương Thanh Cường đã bán hai lô trên thì ông Trầm Bê đã đặt điều kiện với Cường là số tiền dư từ việc bán đất sau khi trả hết tiền gốc và lãi vay tại ngân hàng Phương Nam phải mua 38 ha đất của ông ở Long An.
Luật sư Trừng đã đưa ra hồ sơ thẩm định của Nhà nước đối với 38 ha đất là 561 tỷ đồng, cũng như giấy tờ, biên bản cuộc họp thế chấp và hoán đổi giữa các lô đất cho HĐXX để làm rõ thêm nguồn gốc tài sản được thế chấp và hoán đổi giữa lô đất số 10 Âu Cơ và 38 ha đất ở Long An, cũng như 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Bình Chánh. Ông cho rằng đại diện VKS bác đề nghị điều tra bổ sung vụ án là không có cơ sở.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng rất trân trọng những chứng cứ, tình tiết mới được các luật sư đưa ra và sẽ xem xét.
Video đang HOT
Đề nghị chuyển tội danh
Theo luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Hồ Đăng Trung, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 6 đã đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo này, từ tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng sang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Hoài cho rằng đại diện VKS thoát ly ra khỏi kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa chính là chưa xem xét quá trình giám định hậu quả thiệt hại của vụ án còn rất nhiều bất cập, có nhiều số liệu khác biệt và thiếu căn cứ, bỏ sót nhiều khả năng giải quyết khắc phục hậu quả.
Đối với dự án cho vay 628 tỷ đồng đối với Công ty Thanh Phát với 23 tài sản thế chấp, đại diện Viện kiểm sát cũng chưa xem xét đến quá trình tranh chấp giấy tờ nói trên giữa Agribank CN6 và Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) và xử lý vật chứng như thế nào.
Theo luật sư Hoài thì việc bị cáo Hồ Đăng Trung cho mượn tài sản thế chấp là phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước quan điểm này, đại diện VKS cũng đã bác đề nghị chuyển tội danh vì cho rằng quan điểm truy tố của VKS là đúng người đúng tội. Các bị cáo trong nhóm cán bộ ngân hàng Agribank đã thực hiện quy trình ngược trong việc cho Dương Thanh Cường vay tiền. Mặc dù biết rõ hồ sơ cho vay không đủ điều kiện nhưng Hồ Đăng Trung vẫn chỉ đạo cấp dưới cho vay.
Không đồng tình với đại diện VKS về việc tách vụ án ngân hàng Phương Nam ra xử lý sau, luật sư Hoài cho rằng về tài sản là các giấy tờ quyền sử dụng đất nói trên là vật chứng của vụ án, cần phải được xử lý theo hướng trả lại cho người bị hại là Agribank Chi nhánh 6 để đảm bảo giải quyết hậu quả của vụ án nên cần phải được giải quyết chung trong vụ án này, không thể tách ra xử lý sau được vì sẽ làm sai lệch bản chất, sự thật khách quan của vụ án.
Trong khi đó, luật sư Trần Giáng Hương bào chữa cho bị cáo Lê Thành Công cho rằng thân chủ không phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản nên đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh chứ không đồng tình với quan điểm bác đề nghị này của đại diện VKS.
Ngày 30/10, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng./.
Theo Văn Minh
Theo_VOV
Siêu lừa "vượt mặt" Trầm Bê đã gặp đối thủ... cao tay hơn
Nếu Dương Thanh Cường là siêu lừa đến cả Trầm Bê cũng không tha thì Lê Thành Công còn cao tay hơn khi lừa cả Thanh Cường...
Siêu lừa bị lừa
Ngày 27/10, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng 966 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh 6, TPHCM (Agribank chi nhánh 6). HĐXX cùng đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa và các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo.
Bị cáo Lê Thành Công, nguyên giám đốc Công ty Dệt Kim Đông Phương (gọi tắt công ty Đông Phương) cho biết, khi được Dương Thanh Cường (tổng giám đốc Công ty Bình Phát) hỏi vay 10 tỉ đồng thì dù không có tiền nhưng Công vẫn nảy ra phương thức "bứt râu ông nọ, cắm cằm bà kia".
Cụ thể, Công ký hợp đồng số 11/TCM - DP với Đinh Công Hùng (Giám đốc Công ty cổ phần dệt Thành Công, gọi tắt là Công ty Thành Công) với nội dung Công ty Kim Đông Phương vay của Công ty Thành Công 10 tỉ đồng với lãi suất 1%/15 ngày.
Dương Thanh Cường (trái) và Lê Thành Công (phải) được ví như "kẻ cắp gặp bà già"
Sau khi nhận được tiền, ngày 26/12/2007, Công chỉ đạo Phòng kế toán lập ủy nhiệm chi 9,5 tỉ đồng cho Dương Thanh Cường. Nhưng theo khoản 1, điều 17 luật doanh nghiệp về quản lý sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định số 199/2004/NĐ - CP thì hoạt động cho vay của Công đối với Cường là trái quy định.
Trong "thương vụ" làm ăn này, "siêu lừa" Dương Thanh Cường lại bị một kẻ cao tay hơn là Lê Thành Công "ăn chặn". Theo đó, dù cho Cường vay không đủ và số tiền lãi của 10 tỉ đồng chỉ hơn 82 triệu đồng nhưng Lê Thành Công đã bắt Cường phải trả 500 triệu đồng tiền lãi cho 10 tỉ đồng.
Sau khi nhận được 500 triệu đồng, Công chỉ trả cho Công ty dệt Thành Công số tiền hơn 82 triệu đồng và tự đút túi mình hơn 400 triệu đồng.
Tài sản vô định và cuộc đấu giành lại tài sản
Theo bản cáo trạng, ngày 28/9/2007, phía Dương Thanh Cường đã mang tài sản số 10 Âu Cơ (bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AĐ542999, diện tích 17.136 m2, thửa số 7, tờ bản đồ số 49 tại số 10 Âu cơ, quận Tân Phú, TPHCM) thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 để lấy tiền.
Sau đó, với thủ đoạn tinh vi, Cường mượn lại được sổ đỏ của bất động sản tại số 10 Âu Cơ cùng nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác rồi đem sang Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) thế chấp để tiếp tục vay tiền.
Với việc vay tiền chồng chéo này, Cường đã đẩy hai ngân hàng là Agribank và Phương Nam vào thế phải giành - giữ lấy tài sản để có thể bù lại khoản lỗ và khoản nợ mà Cường đang bỏ lại.
Nếu Dương Thanh Cường là siêu lừa đến cả Trầm Bê cũng không tha thì Lê Thành Công còn cao tay hơn khi lừa cả Thanh Cường
Tại phiên tòa, đại diện của Agribank nhiều lần đề nghị HĐXX trả lại cho ngân hàng này 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin nhận lại 38 ha đất tại tỉnh Long An.
Cũng theo vị đại diện của Agribank, các tài sản mà Cường thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 đều đã được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của ngân hàng. Đồng thời, Cường thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Agribank chi nhánh 6 đầu tiên trước khi chuyển sang Phương Nam. Vì vây, việc trả lại sổ đỏ cho ngân hàng Agribank là điều hợp lý.
"Việc thế chấp của Cường đã được Cổng thông tin của ngân hàng cho đăng tải. Vì vậy, khi các ngân hàng khác chấp nhận cho vay chồng lên tài sản đã được thế chấp là chuyện của nơi đó, chúng tôi không liên quan, không chịu trách nhiệm về chuyện này", vị đại diện Agribank khẳng định.
Trái ngược lại ý kiến của Agribank, đại diện Ngân hàng Phương Nam cho biết, ngày 23/3/2010, Dương Thanh Cường đã ký gán sổ đỏ cho Ngân hàng Phương Nam. Vì vậy, các giấy tờ đất đai liên quan đã được hoàn tất. "Chúng tôi không đòi tài sản, vì nó đã là của chúng tôi", vị đại diện Ngân hàng Phương Nam quả quyết.
Quế Sơn
Theo Dantri
Nguyên Giám đốc Agribank 6 "năn nỉ" đại gia Trầm Bê để chuộc lại sổ đỏ Khi biết khách hàng cầm 23 sổ đỏ đang thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 sang vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6 đã sang gặp đại gia Trầm Bê để "năn nỉ" ông này trả lại sổ đỏ cho ngân hàng mình. Ngày 26/10, phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án tham nhũng...