Đặc sản xứ Nghệ: Cam Bù Sen giá “trên trời” sao ai cũng khen?
Đề có được giống cam Bù Sen bản địa như ngày hôm nay, người dân xã Khai Sơn, Hội Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã trải qua nhiều thăng trầm theo thời gian.
Đến nay, dù giá bán ra thị trường dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, nhưng bà con vẫn không có hàng để bán, ai ăn vào cũng khen vì quả cam có vị ngọt, thơm đặc trưng…
Giống cam bản địa, cho thu nhập cao
Gia đình ông Trần Văn Hải trú tại thôn 10, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) từ lâu nay nổi tiểng vì có vườn cam Bù Sen bản địa chất lượng thơm ngon. Ngoài giống cam Bù Sen quý này, ông còn trồng nhiều loại trái cây ăn quả khác, nhưng cam Bù Sen vẫn là thế mạnh và đã trở thành thương hiệu của gia trại gia đình mình.
Theo đó, ngoài 1.200 gốc cam Bù Sen đang trong thời kỳ thu hoạch, ông Hải còn nhân giống thêm 2.500 gốc cam với tổng diện tích hơn 6 ha, hiện đang cho quả bói… Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hải còn bỏ túi gần 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội làm Vườn Nghệ An thăm vườn cam Bù Sen của gia đình ông Trần Văn Hải.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Hải cho hay: “Gia đình tôi đã trồng, gắn bó với cây cam được 20 năm nay, trong vườn tuy có nhiều loại cam khác, tuy nhiên, giống cam Bù Sen vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình tôi…” – ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, cây cam Bù Sen là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng chục năm và tồn tại đến ngày nay. Mùa thu hoạch cam bù Sen bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau.
Nói về vườn cam của gia đình, ông Hải cho biết được HTX Các Cụ xã Thạch Sơn trồng tại vùng núi Kim Nhan từ năm 1972, đến năm 1986, ông Bùi Xuân Lạng xã Thạch Sơn trồng, lưu giữ và đến năm 1996 vườn cây này được chuyển nhượng cho ông Hải chăm sóc bảo vệ thu hoạch cho đến nay.
Vườn cam Bù Sen trĩu quả đến ngày thu hoạch của ông Trần Văn Hải.
Trong quá trình chăm sóc, gia đình ông Hải luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng vườn cây đầu dòng đạt chuẩn để lấy mắt ghép sản xuất cây giống.
Năm 2018, ông Hải đã làm các thủ tục đăng ký vườn cây đầu dòng với cây cam Bù Sen, hay còn gọi là Cam Bù Kim Nhan. Đến tháng 2/2019, Sở NN&PNT tỉnh Nghệ An và Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng tỉnh Nghệ An đã về làm việc, lấy mẫu đánh giá để làm các bước thực hiện quy trình công nhận cây đầu dòng về giống Cam Bù Kim Nhan. Hiện nay, tại xã Hội Sơn đã thành lập tổ hợp tác trồng cam Bù gồm 6 hộ dân, trong đó 3 bố con ông Trần Văn Hải trồng 3.000 gốc, 3 hộ còn lại trồng 200 gốc…
Cũng giống như ông Hải, ông Phạm Văn Ngọc, xóm 2, xã Khai Sơn cho biết: “Gia đình anh trồng dòng cam này đã qua ba đời, từ đời ông nội ở làng Sao Sa, Khai Sơn, sau chuyển vào đây sinh sống tiếp tục đưa giống cam Bù Sen này về đây trồng nên dòng cam này đã xuất hiện ở địa phương từ hơn 100 năm nay. Đến nay, gia đình anh vẫn tích cực chăm sóc vườn cam để bảo tồn nguồn giống quý và cho thu nhập ổn định…”.
Hiện tổ hợp tác dòng cam bù xã Khai Sơn đã thu hút 20 hộ tham gia, với số lượng khoảng 1.190 gốc, bình quân mỗi hộ trồng 10 gốc, riêng nhà anh Ngọc trồng 1.000 gốc trên diện tích 2 ha.
Cần lưu giữ, bảo tồn, phát triển nguồn gen quý giống cam Bù Sen
Để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý của cây cam Bù Sen, thời gian qua, Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng tỉnh Nghệ An thành lập Hội đồng bình tuyển và cử chuyên gia, cán bộ kỹ thuật đi khảo sát thực tế tại huyện Anh Sơn theo dõi, khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của giống cam Bù Sen để đăng ký công nhận cây đầu dòng.
Qua khảo sát, ngành nông nghiệp đã lựa chọn được 6 cây cam có đầy đủ các yếu tố, phẩm chất, nhiều đặc điểm nông sinh học, giống với giống gốc để lựa chọn, bình tuyển làm cây đầu dòng, kết quả đã có 4 cây được công nhận là cây đầu dòng.
Cam Bù Sen có giá dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg.
Dòng cam Bù Sen có nhiều đặc tính vượt trội so với các cây khác, trong cùng điều kiện chăm sóc, như: Có khả năng chống chịu sâu bệnh; cây sinh trưởng khỏe, có năng suất cao, ổn định hàng năm khoảng 15 tấn/ha; chịu hạn hán, chịu rét tốt; chiều cao cây 5,2 m, đường kinh thân (gốc) 20 – 25 cm, đường kính tán cây 4,5 – 5 m; quả tròn hơi dẹt quả, có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm…
Mùa thu hoạch cam Bù thường bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Hiện thương lái đang thu mua tại vườn với giá từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, với năng suất 15 tấn cam/ha, nông dân có thể có thu nhập từ 1,1 – 1,3 tỷ đồng.
Vườn cam Bù Sen trĩu quả của gia đình anh Phạm Văn Ngọc ở xóm 2, xã Khai Sơn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết: “Dòng cam Bù huyện Anh Sơn (còn gọi là cam Bù Sen), là dòng cam bản địa, hiện đã xác định được cây đầu dòng, rất phù hợp với chất đất nơi này, phù hợp với kinh tế vườn đồi và lao động địa phương, lại cho chất lượng và giá thành cao, do đó các cơ quan chức năng nên nghiên cứu lập đề án bảo tồn, và phát triển thành cây đặc sản, làm cây chủ lực của địa phương, để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Theo Danviet