Đặc sản thịt chua của người Mường ở Phú Thọ
Thịt chua không chỉ là món ăn dân dã, mà còn trở thành đặc sản của đồng bào Mường được nhiều thực khách ưa chuộng.
Ẩm thực của đồng bào Mường khá phong phú, trong đó có món thịt chua được bà con lưu truyền từ xưa đến nay. Thịt chua không chỉ là món ăn dân dã, mà còn trở thành đặc sản của đồng bào được nhiều thực khách ưa chuộng.
Thịt chua của người Mường Phú Thọ.
Bà Sa Thị Tâm, người Mường ở xóm Xuân, xã Kim Thượng, huyện Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ là người có nhiều kinh nghiệm về cách chế biến thịt chua. Ba Tâm cho biết: Muốn thịt chua ngon, thơm, nguyên liệu phải chọn con lợn khoảng 25 đến 30 kg để thịt, thường là lợn bà con nuôi dông dài. Thịt xong, thui cho bì lợn vàng đều, quay cho thịt lợn gần chín tới. Sau đó mới chọn những phần thịt mông, vai, thăn, hoặc ba chỉ thái mỏng, miếng nhỏ, lọc hết gân.
Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu chính là thịt thì tiếp theo là phần rang thính. Đối với thịt chua, thính là nguyên liệu không thể thiếu được. Sau khi chọn được gạo, ngô loại ngon, sạch thì đem rang đều tay. Nếu rang non quá thì thính không thơm, còn già lửa thì thính lại bị khét.
Sản phẩm thịt chua đóng hộp.
“Có 2 cách: một là làm toàn thịt, 2 là làm từ thịt cho đu đủ vào, nếu cho đu đủ vào thì sẽ nhanh chua, xong ướp thính. Tốt nhất thính làm bằng ngô. Ngô rang lên sau đó xoay nhỏ nhuyễn ra rắc vào thấy thơm đã muốn ăn rồi, món đặc sản của người Mường đấy.” – bà Tâm cho biết.
Video đang HOT
Theo bà Tâm, ngày xưa bà con làm thịt chua để làm thức ăn dự trữ. Sau khi trộn thịt với thính xong, chọn ống nứa không già quá, không non quá. Lúc nhồi thịt vào ống lấy một ít lá ổi lót đáy ống để chống ẩm, mốc và tạo quá trình cho thịt lên men. Khi nhồi thịt phải nhồi chặt không cho có hơi ở ống, nếu không thịt chua sẽ không lên men và không thơm.
“Ngày xưa người ta cho thịt ướp thính vào ống nứa xong treo lên gác bếp để ăn hàng tháng. Nếu để khoảng 1 tuần thịt sẽ ngon, người ta bảo thịt 3, cá 7, tức là thịt chua thì 3 ngày ăn được, còn cá thì để 7 ngày mới ăn được” – bà Tâm nói.
Bây giờ, thịt lợn có sẵn nên lúc nào cũng có thể làm thịt chua, nhà nào cũng có thể làm được. Thịt chua ủ khoảng 3, 4 ngày là đem ra ăn. Thường thì ăn thịt chua có thể ăn kèm với rau sống như lá sung, lá đinh lăng, lá nhội, lá ổi. Khi ăn có vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hòa quyện với vị chua chua của thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây rừng hòa vào vị cay của tương ớt. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà con người Mường ở Phú Thọ còn chế biến thịt chua ống nứa, thịt chua hộp, thịt chua tỏi ớt và các sản phẩm được bày bán trong các nhà hàng, siêu thị.
Sản phẩm thịt chua ống nứa.
“Sản phẩm thịt chua của Hợp tác xã dịch vụ Thanh Sơn hiện nay đã được tiêu thụ hầu hết ở các tỉnh phía bắc và đang mở rộng thị trường sang các tỉnh phía Nam. Thị trường trọng điểm là Hà Nội, Thái Bình, Lào Cai, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung. Năm 2018, sản phẩm của chúng tôi được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ” – anh Đinh Mạnh Thắng, thành viên của Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết.
Thịt chua của đồng bào Mường thơm ngon là thế. Vậy nên, đến bản làng của người Mường nơi đây, du khách đừng quên thưởng thức đặc sản của đồng bào./.
Theo VOV
Món ngon làm từ thịt lợn nhất định phải thử: Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua Thanh Sơn là món đặc sản của đồng bào dân tộc Mường Phú Thọ. Món này được làm từ thịt lợn, trải qua quá trình tẩm ướp, lên men, đã tạo ra một món ăn đặc biệt thơm ngon, lạ miệng, thơm mùi thính làm từ ngô, gạo...
Bao đời nay, do cuộc sống của đồng bào Mường gắn liền với thiên nhiên, núi non, sông suối nên văn hoá ẩm thực của bà con cũng gắn liền với núi rừng, vừa dân dã, vừa độc đáo hấp dẫn, trong số đó có món thịt chua ngon lạ miệng.
Thịt chua đặc sản xứ Mường Thanh Sơn, Phú Thọ.
Chúng tôi may mắn được thưởng thức món thịt chua của người Mường trong Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc thông qua hội thi ẩm thực dân tộc. Người dân và du khách mặc sức được thưởng thức món thịt chua đặc sản xứ Mường, với hương vị thơm ngon khó cưỡng, nhiều du khách xuýt xoa ăn một lại muốn ăn hai.
Thịt chua đang trở thành món ăn hấp dẫn nhiều thực khách.
Nói về cách chế biến thịt chua đặc sản xứ Mường, anh Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn, cho biết: Thịt chua là món ăn tổng hợp của nhiều gia vị, nguyên liệu chính là thịt lợn nạc, bì lợn và thính. Sau khi thịt lợn được làm sạch, lọc bỏ gân, mỡ thì đem áp chảo qua cho chín khoảng 30%. Phần bì được cạo sạch, loại bỏ tạp chất, sau đó thịt và bì cùng được đem thái mỏng.
Thịt chua được làm từ thịt lợn nạc, bì lợn và thính ướp gia vị tỏi, ớt.
Một trong những nguyên liệu không thể thiếu của món thịt chua chính là thính. Thính được làm từ gạo, ngô rang chín, rồi nghiền thành bột đem trộn với thịt và bì lợn, ướp thêm với gia vị tỏi, ớt. Thịt và thính khi đã thấm gia vị sẽ được nhồi vào ống nứa khô, bên trong lót lá ổi, đem bọc kín hai đầu bằng lá chuối hoặc lá dong. Với quá trình ủ, lên men tự nhiên, thịt sẽ chín dần và sau 3 - 5 ngày là bắt đầu ăn được.
Sản phẩm thịt chua được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.
Theo anh Thắng, thịt chua được ăn kèm với lá sung, lá mơ, lá ổi, lá nhội và đinh lăng... tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng riêng, mùi thịt chua lẫn mùi thính quyện cùng lá ổi thơm nồng, vị chua của thịt, vị giòn của bì, hương thơm bùi bùi của thính hòa quyện tạo nên món ăn vô cùng hấp dẫn, khó cưỡng.
Ngoài sản xuất thủ công ngày nay các hộ gia đình người Mường Phú Thọ còn đầu tư công nghệ sản xuất xuất với quy mô lớn, bán rộng rãi trên thị trường.
"Thịt chua vốn là món ăn truyền thống của người Mường. Trước đây, qua thực tế sinh hoạt hằng ngày, người Mường nghĩ ra cách bảo quản thịt bằng cách ướp muối chua thịt để ăn dần. Dần dần thịt chua trở thành món ăn phổ biến và là đặc sản của người Mường", anh Thắng chia sẻ.
Thịt chua nhồi trong ống nứa.
Ngày nay, thịt chua không chỉ nổi tiếng là đặc sản xứ Mường được nhiều thực khách ưa chuộng mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa có mặt trên khắp các vùng miền, góp phần mang lại thu nhập cho người dân.
Theo Danviet
Chả cuốn lá bưởi Người Mường có nhiều món ăn ngon, trong đó chả cuốn lá bưởi được xem là một trong những món ăn đặc sắc. Du khách khám phá mảnh đất Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) sẽ được sống với những nét văn hóa khá đặc sắc của bà con người Mường nơi đây. Đặc biệt, sẽ được thưởng thức nhiều món ăn khai thác...