Đặc sản rêu đá
Từng là món ăn mời khách của người Thái, người Tày vùng núi phía bắc, rêu đá đang dần mất đi khi môi trường sống của chúng thay đổi.
Rêu đá thường dùng để tiếp đãi khách quý, hoặc dùng trong những bữa ăn quan trọng như tiệc cưới, mừng nhà mới. Chúng chúng chỉ sinh sống ở những vùng nước sạch chưa bị ô nhiễm, như quanh các tảng đá trong lòng suối có nước chảy. Mùa thu hái chủ yếu diễn ra vào giữa đông, đầu xuân, khi những cơn lũ rừng chưa tới.
Tùy môi trường sống mà có những quần thể rêu dài đến 3 – 4 m. Trên ảnh là rêu mọc ở suối Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Người Tày phân rêu đá làm 3 loại: phổ biến nhất là Quẹ, loại rêu mọc dài ở chỗ nước chảy, sợi cứng cáp màu xanh thẫm. Ngoài ra còn Quẹ Nhão, loại rêu ngắn hơn, sợi mềm mảnh mầu xanh nõn chuối và Quẹ Tàu, loại rêu mềm mịn mọc tại những vùng nước lặng không có đá.
Người thu hái rêu đá phải có kinh nghiệm và kỹ năng nhất định, khi di chuyển qua các tảng đá trơn trượt giữa vùng nước lạnh. Thông thường, họ sẽ hái rêu từ cuối dòng suối ngược trở lên để rêu không bị bám bụi bẩn, đất cát.
Rêu hái về được rũ nhẹ nhàng dưới dòng suối chảy, để loại bỏ cành lá mục, đất cát cùng tạp chất. Tiếp đó sẽ vắt khô nước và bày lên tảng đá mịn ven suối, dùng đá hoặc chày đập cho tơi mềm. Trong cộng đồng người Tày, chỉ có phụ nữ mới thu hái rêu đá.
Rêu đá có mùi thơm rất riêng và vị ngọt mát. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Video đang HOT
Tùy từng loại rêu mà cách chế biến cũng độc đáo khác nhau. Phổ biến và ngon nhất là món Quẹ chí, rêu đá ướp xả, lá chanh rồi bọc kín trong lá chuối nướng trên than hồng, khi ăn chấm với mắm chanh. Rêu đá có mùi thơm riêng biệt, chỉ cần đi ngang qua cũng có thể biết nhà nào đang làm Quẹ chí. Rêu có thể xào cùng với xả, thịt băm. Quẹ nhão hay Tàu thường được nấu canh. Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp.
Ngày nay khi môi trường tự nhiên có nhiều biến đổi, nguồn nước ở một số nơi ô nhiễm nên rêu đá ngày càng trở nên khan hiếm, những món ăn từ rêu đá chỉ còn trong tiềm thức của người lớn tuổi. Men theo con suối giữa rừng nguyên sinh vào mùa đông, luồn tay vớt vạt rêu đá mát lạnh, hay chầm chậm thưởng thức món rêu nướng thơm lừng bên bếp lửa nhà sàn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với du khách.
Rêu đá nướng bọc lá chuối. Ảnh: Nguyễn Minh Chuyển.
Đặc sản rêu suối có gì đặc biệt mà khiến thực khách nhớ mãi
Đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng có văn hóa ẩm thực dân tộc rất phong phú và đa dạng với những món ăn thú vị và hấp dẫn.
Một trong số những món ẩm thực được thực khách nhắc nhiều đến là món rêu nướng, một trong những món ăn được chế biến mang đậm hương vị riêng biệt...
Khi nhắc đến đặc sản Sơn La, người ta thường nghĩ đến các món như cơm lam, thịt trâu gác bếp, măng, rau rừng,... Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết đến một món ăn đặc sản rất đặc biệt của người Thái Sơn La, đó là đặc sản rêu đá. Từ lâu tại con suối bắt nguồn từ bản Thong Sản (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chảy đến bản Mòng, xã Tà Hộc thường xuất hiện loại rêu đá xanh mướt. Không biết có từ bao giờ, đồng bào dân tộc Thái nơi đây đã hái rêu về làm món ăn phục vụ bữa cơm hàng ngày trong gia đình. Sau đó trở thành món ăn đặc sản, được chế biến đãi khách quý và trong các ngày lễ, tết.
Người Thái sinh sống ở bản Mòng (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang hái rêu đá dưới suối.
Theo Chị Lò Thị Châu, bản Mòng (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), chia sẻ: Rêu đá thường mọc bám vào các gờ đá ở nơi lòng suối, xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối để vớt. Khi hái rêu thì nhìn theo hướng nước chảy, rồi lấy tay quơ ngang, những cái nào non nhất thì lấy. Rêu chỉ sống trong 1 tuần, tức là khi nó mọc lên khoảng 4 ngày là phải vớt ngay nếu để quá thì rêu sẽ trở thành màu trắng và không ăn được nữa".
Rêu đá có màu xanh lá cây, mềm mại và thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông.
Rêu đá ở suối bản Mòng, xã Tà Hộc (Mai Sơn) có đặc điểm dài hơn các loại rêu khác, dày và xanh êm mát, từ lâu đã trở thành món ăn quý của người Thái nơi đây. Muốn cảm nhận được vị ngon của rêu thì phải ra tận suối hái rêu, thò tay xuống nước cho rêu mơn man, lượn lờ như vũ nữ dưới làn nước trong vắt giống như loại cá thủy tinh sinh sống trên lòng hồ sông Đà. Khi mùa đông tràn về, cũng là thời điểm đàn bà con gái Thái chuẩn bị tay nải, sọt cùng nhau ra suối hái rêu về phơi khô để chuẩn bị làm món ăn trong dịp tết Nguyên Đán. Rêu dài, mềm mại và dập dờn trong bụng nước, lúc vớt lên còn lưu luyến lóng lánh bám nhiều giọt nước. Các cô gái Thái ở bản Mòng, xã Tà Hộc vắt rêu thành từng nắm tròn như quả bóng bay để mang về nhà.
Sau khi hái rêu đá từ suối về, bà con dân tộc Thái tiến hành đập và loại bỏ các tạp chất bám trong rêu, rồi mang đi chế biến thành các món ăn hấp dẫn.
"Việc hái rêu tốn rất nhiều công sức, thế nhưng việc đập rêu loại bỏ tạp chất còn cực nhọc hơn. Khi nhấc rêu ra khỏi mặt nước, phải đợi rêu róc nước từ từ cho hết rồi mới bỏ vào sọt... Tiếp đó sẽ là công đoạn đập rêu, chúng tôi đặt lên thớt hoặc 1 hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rêu bong ra các tạp chất. Khi đập rêu cũng cần kỹ năng đập sao để rêu không bị nát, không bị mất đi màu xanh tự nhiên và những dưỡng chất có trong đó. Sau khi vò thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, rêu có thể được đem đi chế biến thành các món ăn tùy thích", chị Lò Thị Châu, bản Mòng, xã Tà Hộc cho biết.
Sau khí hái xong, rêu sẽ được vắt thành từng nắm tròn to bằng quả bóng bay, để tiện lợi cho việc mang về nhà.
Theo chị Châu, rêu suối tuy nhiều nhưng loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con dân tộc Thái rêu là một món ăn quý giá. Chị Châu cho hay: "Rêu đá có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Rêu hấp, canh rêu, rêu xào gừng, nộm rêu, rêu nướng... Nói chung tùy theo sở thích của mỗi người, thích ăn như thế nào thì chế biến món đó. Thông thường người dân chúng tôi thì hay chế biến món rêu nướng là nhiều nhất. Bởi món này ăn rất ngon, mà lại dễ chế biến không phải cầu kỳ.
Từ lâu món rêu đã trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn của người Thái.
Để chế biến món rêu nướng thì cần chuẩn bị các nguyên liệu và gia vị sau: Đầu tiên phải loại bỏ hết tạp chất bám trong rêu, sau đó rửa sạch qua nước trộn hạt mắc khén cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh, rồi thêm ít thịt mỡ. Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ. Sau đó dùng lá dong hoặc lá chuối để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm hai đầu. Bước tiếp theo đem nướng trên bếp than hồng khoảng 1 tiếng đồng hồ thì lôi ra.
"Khi nướng rêu, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là món ăn đã chín. Lúc đó có thể mang rêu ra thưởng thức với cơm nếp. Món rêu nướng ngon nhất khi nhâm nhi với 1 chén rượu chuối, trong khung cảnh quây quần bên bếp lửa những ngày lạnh giá thì quá tuyệt vời", chị Lò Thị Châu nói.
Không chỉ hái rêu đá về chế biến các món ăn hấp dẫn. Rêu đá còn được người Thái đựng vào túi nilong mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập.
Nếu ai đã từng 1 lần thưởng thức món rêu nướng, sẽ nhớ mãi mùi vị đậm đà khó quên của các gia vị hòa đều với hương thơm phát ra từ rêu. Hiện nay đang bước vào mùa rêu đá, nhiều hộ sinh sống ở bản Mòng (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thường xuống suối lấy về làm các món ăn phục vụ gia đình.
Bà con dân tộc Thái nơi đây còn chia thành từng túm nhỏ đựng rêu vào túi nilong mang ra bán ven tỉnh lộ 110 với giá 10.000 đồng - 15.000 đồng/túi, để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Thỉnh thoảng còn có 1 số tiểu thương xuống thu mua rêu, mang lên bán tại khu chợ Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) cho người dân ở thị trấn và thành phố Sơn La.
Tiệm bánh hàu hơn 40 năm tuổi ở Trung Quốc Bánh hàu là một trong những món ăn nổi tiếng ở Hạ Môn, thành phố ven biển của Trung Quốc. Thực khách có thể nhìn thấy rất nhiều tiệm bán chúng trên khắp thành phố.