Đặc sản mít hông Tam Kỳ khiến giới trẻ mê mẩn
Bên cạnh những món ăn nổi tiếng xứ Quảng như mỳ Quảng, cao lầu…, món mít hông với vị ngọt bùi, beo béo đã trở thành món quà vặt không thể bỏ qua mỗi dịp đặt chân đến TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Ở Quảng Nam, trái mít ngoài để ăn chín còn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như như mít non luộc xắt phay chấm mắm ruốc, mắm cái (mắm nêm) hoặc làm gỏi mít; mít già xắt phơi khô để ghế (xáo) cơm; mít chín ngào gói trong mo cau cất nơi gác bếp là thứ “kẹo dẻo” khiến trẻ con luôn mê mẩn.
Một đĩa mít hông vàng ươm, khi ăn rắc thêm một ít đậu phộng rang và dừa nạo phía trên trở thành món ăn quen thuộc với nhiều bạn trẻ Tam Kỳ
Đặc biệt, mít hông (mít hấp) tuy là món ăn dân dã nhưng mỗi khi nhắc tới khiến nhiều người không khỏi xuyến xao. Đó còn là món quà vặt quen thuộc, tự hào với bao thế hệ người dân Tam Kỳ, hay các bạn sinh viên đã từng có dịp học tập tại đây.
Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) có nhiều quán mít hông nổi tiếng, nhưng quán ăn dân dã được nhiều bạn sinh viên yêu thích là của cụ bà Nguyễn Thị Nhạn (SN 1937) với ngót nghét hơn 30 năm gắn bó
“Để có được miếng mít hông ngon phải biết cách chọn những trái mít mật đã bắt đầu “trở tiếng” (gần chín) chứ không chọn quả già, chín quá. Đã có nhiều người ở các địa phương khác tìm đến quán bà học cách làm mít hông về quê mở quán nhưng rồi chẳng ai trụ được lâu, bởi họ không nắm được bí quyết làm nên múi mít thành phẩm ngon”, bà Nhạn chia sẻ
Mùa mít rộ từ tháng 2 đến tháng 3 (âm lịch), bà Nhạn hay ra chợ Tam Kỳ mua mít quê được tập kết từ các huyện trên địa bàn Quảng Nam đổ về (chủ yếu từ huyện Tiên Phước), những tháng trái vụ bà phải đặt mua từ Gia Lai, Lâm Đồng
Video đang HOT
Nhân bỏ trong múi mít không cầu kỳ, tốn kém mà được làm từ hạt mít luộc chín. Hạt mít đã lột vỏ cho vào cối xay nát, sau đó lấy muỗng múc ra thau và dùng đũa bếp đánh tơi ra. Sau đó trộn thêm đậu đỏ đã luộc chín, cà nhuyễn cùng các gia vị “bí truyền”
Công đoạn làm nhân mít có tính chất quyết định mùi vị của món mít hông. Đó cũng là bí quyết riêng của mỗi chủ quán để hương vị của từng múi mít níu giữ chân khách “một lần đến là nhiều lần quay lại”
Mít sau khi thêm nhân sẽ được xếp đều vào xửng để mang đi hấp, nhân chỉ cho vừa phải để không đổ ra sau khi hông (hấp) mít
Mít hấp cách thủy chừng 20-30 phút tùy vào số lượng mít đặt vào xửng. Sau khi thành phẩm múi mít mướt, có màu vàng ươm, nhân không đổ ra ngoài là đạt
Dừa nạo cùng đậu phồng giã nhuyễn là những nguyên liệu đi kèm không thể thiếu với món mít hông Tam Kỳ
Múi mít hông ăn lúc nóng bốc hơi thơm lừng nơi mũi, khi nhai vị ngọt hòa quyện lan tỏa cùng vị béo, bùi của dừa, của đậu phộng… Hương vị dân dã, gợi nhớ gợi thương với bao thế hệ người dân Tam Kỳ, cả du khách đã từng có dịp thưởng thức
Món mít hông thường bán kèm với bò bía để tăng thêm món ăn vặt cho thực khách, đặc biệt là các bạn trẻ
Theo bà Nhạn, ngoài người dân Tam Kỳ, các bạn sinh viên từng học tập tại đây, hay các du khách trong và ngoài tỉnh từng được thưởng thức mít hông đều sẽ quay lại nếu có dịp ghé ngang Tam Kỳ, hoặc mua về làm quà
Khau nhục, món ngon xứ Lạng
Món khau nhục thần thánh nghi ngút hơi trên mâm. Miếng khau nhục đưa vào miệng đã tan ra, đủ các vị ngọt bùi mà không ngấy béo.
Trình bày cách làm món khau nhục của người Nùng chính gốc ở Thất Khê, Lạng Sơn như tôi thấy khi đi làm thủy điện, để cho mọi quý cô, quý bà có thể nấu, thi triển khoe sự khéo tay trong những ngày lễ vốn quá nhiều ở nước ta. Như thế có vẻ thiết thực hơn hoa hoét và những lời chúc suông có cánh.
Con lợn đen nhà nuôi bộ không bơm tăng trọng, cũng chẳng thuộc loại tiêm thuốc siêu nạc, đã hơn 7 chục ký béo võng lưng. Ngả ra chọc tiết cạo lông ngày đầu đông gió mới. Nhớ cạo bằng nước sôi truyền thống, cạo sống kiểu các lò lợn bây giờ bằng dao sắc, lông đi nhưng chân lông vẫn còn. Điều đó mọi người thấy ngay hậu quả khi chọn mua bóng bì lợn nấu cỗ. Ăn miếng bóng mềm, nhưng thấy chân lông heo vẫn lổm nhổm đầy trong miệng.
Khi pha thịt lợn, phải nhớ để nguyên đôi miếng ba rọi lớn vuông vức hai bên dẻ sườn và cấm rửa nước. Tuyệt đối cấm! Luộc chần sơ hai tảng thịt này bằng nồi lớn, nước sôi già, sao cho khi vớt ra bì ngoài đã chín nhưng bên trong vẫn đỏ thịt. Trải thịt ra trên nong lót lá chuối, hong ngoài gió đông cho mau nguội.
Nguội hẳn rồi nhỉ. Bây giờ cần tỉ mẩn chút, là lấy tăm nhọn làm công tác xăm trổ tattoo dày trên mặt bì. Việc này nên giao cho một đôi trẻ đang yêu nhau làm, bởi khi chút chít ngồi bên nhau cùng tattoo con lợn, họ sẽ rất kiên nhẫn.
Sau đó lật ngửa miếng thịt, trải lá mắc mật bánh tẻ thái chỉ, rắc tiêu xay rối vào mặt trong, cuộn chặt hai tấm thịt ba rọi đã ướp lòng vào hai cây mai tươi thẳng thớm mới ngả, đã cạo tinh mặt ngoài sạch sẽ. Cố định chắc chắn bằng dây thép.
Than hoa bếp dài đã vừa lửa đượm. Đặt hai cây mai cuộn ống thịt lên nướng, xoay chậm vừa nhiệt cho chín đều. Để cho bì có vị và lên màu đẹp, người ta quét mật ong rừng đều tay lần lượt từng lớp mỏng. Bao giờ bì chín vàng rộm, phồng rộp lên từng lớp óng ánh là được.
Xin nói luôn, trong công thức nấu món khau nhục xem trên mạng, các bà nội trợ ảo khuyên người ta mang miếng thịt xăm cho vào chảo rán vàng bì. Làm như thế là làm tắt, khi không có điều kiện hay thời gian, là ăn cướp công đoạn. Tất nhiên sẽ không ngon với những kẻ kỹ mồm.
Lại nhớ có cô nhà báo gì chuyên trị viết về món ăn trên mạng. Cô nổ kinh lắm! Nào hôm nay ngày mưa, bỗng nhớ món khoai sọ hầm với xương của cha. Mấy tuần sau, lại kể hôm nay ngày lạnh, bỗng nhớ món khoai tây xào với thịt của mẹ. Toàn món có xương cha thịt mẹ kinh chết lên được! Tất nhiên cô ấy không phải là Giới Tử Thôi, và để mọi người đừng hiểu nhầm, hãy nên dùng tiếng Việt một cách cẩn trọng rõ ràng nhất.
Đến đâu rồi nhể? À, bây giờ dỡ thịt ra khỏi ống tre mai, dùng dao sắc thái ngược sao cho bì miếng thịt không bị vỡ. Bì là phần ngon nhất của món kỳ công này, nên không thể để miếng thịt nào không có bì, dễ dẫn đến mất đoàn kết. Đậu xị cùng chao (đậu phù nhự, đậu men thối) nghiền nhừ, thêm tỏi, xì dầu, củ cải muối hay rau chua xắt chỉ, chút hồi và thảo quả giã nhỏ là các gia vị ướp tiếp.
Bây giờ xếp so le miếng thịt kẹp miếng khoai môn vào trong thố, hấp cách thủy trong khoảng 5h - 6h. Nhớ là dùng xì dầu chứ tuyệt đối không dùng nước mắm. Người Tày, Nùng truyền thống không dùng nước mắm. Cho nước mắm vào món khau nhục như một số quý bà viết bậy xui dại trên mạng là phá món, là rất vô lương tâm, là loại không biết gì lại tỏ ra nguy hiểm.
Nhân đây cũng nói thẳng luôn: Người Tày, Nùng chỉ có đàn ông mới là người đứng bếp. Đàn bà hãy đi ra chỗ khác, vác dao quắm lên nương, đi chăn chó gà ngan vịt, cùng lắm là cầm đàn lên đỉnh núi như một cô giáo trong bài hát cũng chẳng ai nói. Từ xa xưa, đàn bà đã không được phép vào bếp. Nay đời sống văn minh, có thể một số vùng gần thị trấn, phố phường đã thay đổi thói quen này. Tuy nhiên, ở vùng sâu như chỗ tôi làm thủy điện, truyền thống này vẫn được giữ nguyên.
Nồi đã sắp thịt, đặt lên bếp hầm đất đắp. Bếp dùng củi gộc gỗ sau sau chắc nịch, đun nhỏ lửa qua đêm cho bữa cỗ sớm mai. Nồi hầm khau nhục sôi liu riu. Hương ngậy thơm món ăn vướng vít quanh quất lan xa vài khoảnh nương quế mới trồng. Đám trai bản lạ đi qua hít hà, biết nhà có đám, tạt vào tợp với gia chủ dăm bẩy chén đêm. Khói bếp tỏa qua mái rạ dày, la đà như say trong một bầu sương khuya chất ngất.
Cỗ dọn ra cùng lúc món khau nhục đã hoàn thành. Món khau nhục thần thánh nghi ngút hơi trên mâm. Miếng khau nhục đưa vào miệng đã tan ra, đủ các vị ngọt bùi mà không ngấy béo. Thêm một vài vò rượu Mẫu Sơn rót ra lênh láng các mâm vui.
Chủ ngất ngư chủ, khách ngây ngất khách. Miếng ăn trên đời, miếng nào cũng khau nhục như thế này, thiết tưởng chẳng gì hơn.
Bê thui Cầu Mống - món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam Cầu Mống là một địa danh thuộc xã Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam), nổi tiếng khắp nơi nhờ món bê thui trứ danh và được công nhận kỷ lục quốc gia về top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Theo kinh nghiệm của các nghệ nhân ẩm thực xứ Quảng, để làm được món bê thui Cầu Mống...