Đặc sản miền Nam Trung Bộ – Bánh Căn
Nếu ai đã một lần đến các tỉnh miền Nam Trung Bộ và thử món bánh căn, đặc sản của nơi này, hẳn sẽ không thể nào quên món ăn dân dã nhưng đậm đà tình quê ấy.
Đến dải đất Nam Trung Bộ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món bánh căn ở bất kỳ hàng quán nào. Bánh có dạng tròn, thoạt nhìn rất giống với bánh khọt ở Vũng Tàu, nhưng công thức chế biến lại hoàn toàn khác.
Nguyên liệu để làm bánh cũng rất đơn giản, gồm: bột gạo, mỡ hành và nước chấm. Tuy nhiên, để có thể làm được món bánh ngon phải tốn khá nhiều công sức và có bí quyết riêng. Thông thường, để cho bánh xốp, dai, giòn, người ta thường dùng gạo cũ, ngâm qua đêm. Bí quyết nằm ở chỗ khi xay gạo, phải trộn thêm vào chút cơm nguội, bánh ngon hơn.
Đổ bánh căn cũng là một nghệ thuật, người đổ bánh phải khéo léo, và kiên nhẫn. Khác với bánh khọt Vũng Tàu, được làm chín bằng phương pháp chiên, bánh căn thường được đổ vào khuôn bằng đất nung, có nhiều lỗ tròn, rồi nướng trên những lò than bập bùng lửa. Hơ khuôn trên lửa cho đến khi bắt đầu có hơi nóng bốc lên, dùng vá múc bột đã khuấy đều đổ vào khuôn. Bánh chín rất nhanh, nên người chế biến cũng phải múc bột thật nhanh tay. Không cần đổ bột đầy khuôn, chỉ cần đổ khuôn, bánh nở sẽ vừa đúng khuôn. Bánh căn khi nướng xong sẽ phủ một lớp da vàng rộm bên ngoài, bột bánh dẻo và dai.
Nguồn ảnh: binhthuan
Để món ăn thêm phong phú, người ta chế biến nhiều loại nhân, làm thành nhiều loại bánh khác nhau như: bánh căn trứng, bánh căn thịt, bánh căn tôm, bánh căn mực. Mỗi loại bánh có hương vị riêng.Với bánh căn thịt, thịt được băm thành những viên nhỏ, xào lên, sau khi đổ bánh, đổ thêm thịt vào, bánh chín thịt cũng vừa chín. Các loại bánh căn khác cũng làm tương tự. Bánh căn mực thì sau khi đổ bánh, cho mực đã thái nhỏ vào. Miếng bánh ngon khi ăn có chút giòn của bánh, chút sần sật của mực đang còn nóng hổi, rất lạ miệng. Bánh căn tôm cho vị ngọt tôm rất đậm đà. Bánh căn trứng có sắc vàng rực rỡ mà vị ngon cũng không kém phần hấp dẫn.
Video đang HOT
Nướng bánh xong, người ta thường phết lên mặt bánh một lớp mỡ hành bóng loáng, bánh sẽ dậy mùi thơm phức.
Nguồn ảnh: gocbep
“Linh hồn” của chiếc bánh căn là nước chấm. Nước chấm của bánh căn có thể làm từ nước mắm pha loãng, kết hợp với một chút tỏi, ớt hay xíu mại, hành mỡ phi thơm. Để cho món ăn thêm phần đậm đà, có thể cho thêm cả nước cá kho vào nước chấm.
Gắp một miếng bánh phủ lớp mỡ hành màu xanh, cho vào chén nước chấm, màu trắng của bánh kết hợp với sắc vàng nhè nhẹ của trứng hay chút hồng nhạt của tôm… làm thực khách chưa ăn đã thấy thèm. Cắn miếng bánh, bạn cảm nhận cái giòn tan của vỏ bánh, độ dai của nhân bánh, vị đậm đà của nước chấm hòa trong vị cá kho…. Có lẽ nhờ vậy mà món bánh căn, đặc sản của nơi này, được nhiều khách du lịch nhắc mãi chỉ sau một lần nếm thử !
Nguồn ảnh: static
Theo tapchimonngon
Khi bánh căn và bánh khọt được đặt lên cân
Mình cùng "cân đo, đong, đếm" xem hai loại bánh này có những nét tương đồng và điểm khác biệt gì nhé!
Chắc hẳn chúng mình không còn xa lạ với những cái tên như bánh căn, bánh khọt, thế nhưng, không ít người nhầm tưởng hai loại bánh này giống nhau không chỉ về hình dáng và hương vị. Thực ra, chúng khác xa nhau đấy các bạn ạ! Chúng mình cùng tìm hiểu kĩ hơn về hai món bánh này để tìm ra những nét khác biệt giữa chúng nhé!
Ghé chân đến thăm các tỉnh miền Nam Trung Bộ, sẽ không quá khó khăn để bắt gặp món bánh căn ở bất cứ hàng quán lớn nhỏ nào. Với hình dáng dạng tròn, làm từ bột gạo được đúc trong khuôn đúc đặc biệt, bánh căn nhỏ nên thường tính theo cặp chứ ít khi tính theo chiếc đơn lẻ, ở giữa mỗi chiếc có thể quét thêm mỡ hành. Nhân bánh căn cũng rất phong phú nào bánh căn trứng, bánh căn mực bánh căn tôm, bánh căn thịt xay... đều có cả.
Chiếc khuôn đúc bánh căn được gọi là chiếc khuôn đặc biệt sở dĩ là bởi chiếc khuôn này thường làm bằng đất nung, có nhiều lỗ tròn nhỏ thành các khuôn nhỏ bên trong, công đoạn có vẻ phức tạp nhưng lại rất dễ các bạn nhé!
Nguyên liệu để làm bánh gồm: bột gạo, mỡ hành, trứng (mực tươi, thịt xay, tôm...) và nước chấm. Có thể thấy rằng nguyên liệu làm bánh căn khá đơn giản nhưng để có thể làm được món bánh ngon phải tốn khá nhiều công sức và có bí quyết riêng đấy! Thông thường, để cho bánh nở xốp, người ta thường dùng gạo cũ, ngâm qua đêm. Bí quyết nằm ở chỗ khi xay gạo, phải trộn thêm vào chút cơm nguội, bánh sẽ ngon hơn. Tiếp đó là giai đoạn đổ bánh, sau khi chuẩn bị sẵn sang một lò than, ta đặt khuôn lên lò, rồi thoa vào mỗi khuôn một lớp mỡ (chỉ một chút để bột không bị dính khuôn thôi các bạn ạ!). Tiếp đó, chờ cho khuôn nóng đều trút bột vào từng khuôn, rồi cho tiếp vào từng khuôn bột phần nhân là trứng đánh đều, mực, hay thịt heo, tôm... và đậy nắp khuôn kín, đến khi thấy có mùi bột cháy xém là bánh đã chín rồi! Quết thêm một lớp mỡ hành lên trên là đã có những chiếc bánh căn ngon lành, thơm phức. Bánh căn được ăn kèm với nước chấm gồm xíu mại, mỡ hành hay có thể chỉ đơn giả là bát mắm có thêm chút ớt, tỏi, xoài băm. Bánh căn ngon nhất là khi còn nóng hổi, nhúng ngập nước chấm trước khi dùng các bạn nhé!
Và các bạn biết không? Món bánh căn giản dị, dân dã này lại rất hay bị nhầm với một bánh khọt (còn được gọi là bánh trứng rồng) đấy! Đây loại bánh phổ biến được làm từ bột gạo, có nhân tôm, được chiên và ăn kèm với rau sống, ớt tươi, nước chấm. Điểm khác biệt lớn nhất giữa bánh khọt và bánh căn đó chính là thay vì bánh căn được nướng trong khuôn đúc đặc biệt thì bánh khọt lại được chế biến bằng cách chiên. Đặc điểm của bánh khọt ở các vùng miền cũng có chút biến đổi khác nhau. Bánh khọt của người miền Tây thường được pha thêm nghệ vào bột gạo, lúc đổ khuôn lại được cho thêm tôm tươi, ăn kèm với rau cải, xà lách và dưa leo muối. Trong khi đó, người miền Nam lại chỉ sử dụng bột gạo, thêm vào vài quả trứng gà để bột nở xốp hơn, và không cho tôm tươi vào bánh mà lại sử dụng tôm chấy. Hay với người miền Trung, bánh khọt lại được ăn kèm với dưa leo, đu đủ thái mỏng, cà pháo được ngâm trong mắm tôm pha loãng.
Mặc dù nguyên liệu và cách chế biến ở mỗi vùng lại có đôi chút khác nhau nhưng về cơ bản đều phải trải qua những công đoạn giống nhau. Cùng làm từ bột gạo nhưng cách chế bột của hai loại bánh này cũng đã khác nhau rất nhiều. Và cũng như bánh căn, trong các công đoạn làm bánh khọt thì chế bột là công đoạn quan trọng nhất, gạo phải là loại gạo ngon, bột bánh gồm gạo xay bột ướt, gạo nấu thành cơm và làm bún để nguội rồi xay đặc. Việc trộn các loại bột theo tỉ lệ thế nào là đã trở thành bí quyết riêng của mỗi gia đình. Nhân bánh khọt thường là nhân tôm, loại tôm sắt tươi, to vừa phải, bóc vỏ. Chọn tôm và bóc vỏ tôm sao cho giữ được màu sắc tôm khi rán bánh cũng vô cùng quan trọng. Thêm nữa là mỡ được dùng để chiên bánh không phải là loại mỡ bình thường đâu nhé! Phải dùng loại mỡ heo đã phi hành cùng lá hẹ thì bánh mới thơm ngon được. Đến công đoạn đổ bánh, ta cần để khuôn hình tròn vô chảo, lấy mỡ đã chế nóng tráng khuôn, đổ bánh vào trong khuôn và ấn con tôm vào giữa, đậy vung chờ bánh chính. Khi bánh chín, màu trắng đục của bột, sắc đỏ của nhân tôm, màu xanh của lá hành, lá hẹ, đan xen tạo nên một chiếc bánh xinh xinh mà bắt mắt vô cùng. Nước chấm của bánh khọt cũng khá khác so với nước chấm của bánh căn. Thưởng thức chiếc bánh giòn tan cùng với sốt mắm tôm tự chế từ nước mắm, tôm và cà chua, pha thêm chút thanh, kèm đu đủ xanh xắt lát mỏng, nhúng bánh vô nước chấm và ăn kèm rau sống quả thật không còn gì bằng!
Tìm hiểu đến đây thì chắc teen chúng mình không còn ai nhầm lẫn giữa bánh căn và bánh khọt đâu nhỉ? Hai món bánh giản dị, dân dã là vậy, nhưng mỗi món bánh lại có cái ngon, cái thu hút riêng, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một nét văn hóa ẩm thực rất đặc trưng của người Việt Nam.
Theo Pháp Luật XH
Ngọt thơm bánh tầm bì Sóc Trăng Những con tằm trắng mềm hoà cùng vị béo của nước cốt dừa, thêm vị giòn tan của đậu phụng sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm vị giác lý thú. Ẩn dưới cái tên bún nước lèo Sóc Trăng nên sau nhiều lần "quần nát" con đường ven kênh của một khu nhà giàu quận 8, tôi mới có thể đĩnh...