Đặc sản khách Tây… “khóc thét”: Hà thành phải chờ đến mùa để thưởng thức
Món chả được làm từ con rươi, loài động vật thân mềm, họ giun khiến nhiều khách nước ngoài hoảng sợ, nhưng là đặc sản của Hà Nội mỗi độ cuối thu khiến bao người háo hức chờ đón thưởng thức.
Con rươi còn được nhiều địa phương gọi là rồng đất. Là loại động vật thân mềm, họ giun, trên mình có nhiều tơ. Loài này ưa sống ở vùng nước lợ, đồng bằng vùng trũng hoặc ở các con sông, con lạch có thủy triều lên xuống như các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…
Những con rươi ngoe nguẩy trong thùng xốp khiến nhiều thực khách khiếp vía.
Là loại động vật thân mềm, họ giun nên hình dáng bên ngoài của rươi khiến nhiều khách nước ngoài e ngại, có phần hoảng sợ. Tuy nhiên, đây lại là đặc sản ở Việt Nam mà nhiều người yêu thích.
Rươi nổi tiếng nhất là vùng đất Tứ Kỳ, Hải Dương vì to, mập và nhiều sữa nên khi chế biến món ăn cũng thơm ngon và ngọt hơn.
Tại Hà Nội, có nhiều quán chả rươi ngon, trong đó phải kể đến quán nhỏ nằm bên cạnh di tích lịch sử nổi tiếng Ô Quan Chưởng (Hà Nội). Quán đã tồn tại ngót nghét 30 năm nay, chủ quán là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
“Trước đây tôi làm cho công ty nghiên cứu thị trường, nhưng đành bỏ, quay về tiếp quản để giữ lấy nghề làm chả rươi gia truyền có từ đời ông ngoại tôi”, chị Nga, chủ quán chả rươi chia sẻ.
Chị còn cho biết thêm: “Vì rươi là nguyên liệu rất đặc biệt, nó không phổ biến như thịt, cá, nên khi thực khách đến mua hàng, họ tò mò về món ăn tôi sẽ phải giới thiệu, mô tả chi tiết cho người ta hiểu. Những người thân trong gia đình tôi đều không ngại ngần chia sẻ cách làm bởi vì nó rất dễ, không có gì phải giấu giếm”.
Rươi chỉ xuất hiện theo mùa, khoảng tháng 9 tới đầu tháng 12 âm lịch. Lúc thuỷ triều lên cao, mùa rươi tới cũng là mùa quýt tới – giống quýt hôi của Quang Thuận, Bắc Kạn, bởi mùi hương “thần thánh” của nó không thức quả nào có thể thay thế khi làm chả rươi. Nên mỗi khi tới mùa, thực khách lại tấp nập tìm mua để thưởng thức cho bằng được đặc sản này.
Chị Nga cho biết, rươi chỉ xuất hiện theo mùa vụ nên giá thành rất cao: “1kg rươi dao động từ 500.000 – 550.000 đồng, nếu Trung Quốc thu mua nhiều thì giá càng tăng và biến động theo từng giờ. Tôi lấy rươi của rất nhiều tỉnh mới đủ nguồn hàng, từ Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình”.
Để miếng chả rươi ngon, công đoạn quan trọng nhất là phải chọn rươi tươi, những con có màu hồng hoặc đỏ, bơi khỏe và béo mập.
Cùng với rươi còn có thịt lợn xay nhỏ, trứng, hành lá, thì là và vỏ quýt, đây được xem là nguyên liệu không thể thiếu cho bất kỳ món ăn nào được chế biến từ rươi. Trộn đều các nguyên liệu, sau đó chiên ngập trong dầu ở lửa to.
Video đang HOT
Miếng chả rươi ngon đúng điệu khi có lớp vỏ bên ngoài vàng ươm của trứng, bên trong mềm và ngọt đậm vị rươi, thơm của thì là. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của đặc sản này, thực khách nên ăn nóng kèm với rau mùi, húng thơm cùng nước chấm chua ngọt pha chanh ớt và hạt tiêu rang thơm lừng.
Cái vị béo ngậy, thơm thơm đặc trưng của món ăn có thể “đốn tim” bất kỳ một tín đồ ẩm thực sành ăn nào, ăn một lần nhớ mãi. Món chả rươi đặc biệt đến nỗi nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã từng giới thiệu món ăn này như một nét đặc trưng hiếm có của ẩm thực Việt.
Mới đây nhất, tờ báo South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông có bài viết giới thiệu về món chả rươi rất hấp dẫn.
Tác giả bài viết mô tả: “Những con rươi được luộc lên, sau đó trộn cùng thịt xay nhỏ, trứng, vỏ quýt và rau thơm rồi đem chiên vàng. Miếng chả giòn vàng bên ngoài, mềm và thơm ngậy bên trong”.
Để phục vụ mọi đối tượng, từ cao cấp cho đến bình dân. Chị Nga chia thành từng loại, chả nhiều rươi có giá 35.000 đồng/cái, chả ít rươi từ 17.000 – 22.000 đồng/cái.
Chị Nga cũng chia sẻ thẳng thắn: “Nhà tôi đông khách nhất từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Vụ rươi chiêm (tháng 3 đến tháng 6 âm lịch) và vụ rươi cuối thu thì ngày nào nhà tôi cũng làm chả từ rươi tươi 100%. Những tháng còn lại chả được làm từ rươi đông lạnh”.
“Để chả ngon, bí quyết của gia đình tôi là làm thật, không pha trộn bột”, chị Nga vừa rán chả vừa nói dứt khoát.
“Chả rươi ở đây giữ được hương vị từ xưa đến giờ, tôi ăn 6 năm nay rồi. Ngoài vị béo ngậy của con rươi, trứng, thịt, thì hương thơm của vỏ quýt được thêm vào rất hợp”, anh Trần Ngọc Chiến (Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ.
Dù trời mưa, nhưng bà Đào Lan Hương và bà Nguyễn Thị Thái ở phố Ô Quan Chưởng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn rủ nhau đi ăn bún chả rươi, 2 bà vui vẻ nói: “Tôi thường ăn bún chả rươi nóng hổi ngay tại quán, miếng chả tròn vị. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn ăn ở đây thôi, quen hương vị rồi”.
Cùng với phở, bún, bánh mỳ… chả rươi là món ăn độc, lạ ghi dấu trên “bản đồ ẩm thực” Việt.
Loạt đặc sản "nhìn thì sợ, ăn thì mê" không phải ai cũng dám thử ở Việt Nam
Dù có vẻ bề ngoài khiến nhiều người e dè, thế nhưng: thịt chuột đồng, lẩu rắn hổ hành, chả rươi... lại được xem là đặc sản ngon khó cưỡng.
Thịt chuột đồng
Là loài gặm nhấm có hình thù đáng sợ thế nhưng chuột đồng lại là đặc sản được nhiều vùng miền ưa chuộng như: làng Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội), làng Giống (Hải Dương), chuột ở Đình Bảng (Bắc Ninh)...
Dù có vẻ ngoài đáng sợ nhưng chuột đồng được ví như đặc sản ngon khó cưỡng được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Hà Hiền
Chuột đồng sau khi bắt về được chần qua nước sôi ở 70 độ C, sau đó làm sạch lông, rồi để khô mới đem thui rơm. Tiếp đến, châm lửa, quạt liên tục để lửa bùng to thui phần lưng trước, sau đó lật lại và thui nốt phần bụng cho vàng óng.
Những con chuột đồng được thui da vàng óng trong rơm. Ảnh: Hà Hiền
Chuột đồng được chế biến thành các món như: Luộc, hấp sả, nấu giả cầy, xào sả ớt..., nhưng phổ biến nhất là chuột giả cầy hay một số địa phương còn gọi là món rựa mận. Thịt chuột có vị béo ngậy, ngọt thơm khi ăn kèm với gia vị được nhiều người ví là "ngon không gì sánh nổi".
Sá sùng
Sá sùng là loại đặc sản quý hiếm, ở Việt Nam chúng có nhiều ở Vân Đồn hay Quan Lạn (Quảng Ninh). Loài động vật này có nhiều tên gọi khác nhau như: sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển...
Sá sùng tươi trông giống như một con giun khổng lồ, thân mềm oặt, màu hồng nhạt. Chúng thường có độ dài khoảng 5-10 cm, cũng có những con có độ dài đến 15-40cm.
Sá sùng là đặc sản quý hiếm và có giá bán đắt đỏ trên thị trường
Sá sùng có thể chế biến nhiều món ăn như: nướng chấm muối ớt vắt chanh, rang khô... Sá sùng vừa giòn, mềm, lại dai dai, có vị béo và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon.
Sá sùng có thể chế biến được nhiều món và đều có vị thơm ngọt đặc trưng
Ngoài ra, sá sùng khô còn được ví như "mỳ chính nhà giàu" thường được dùng nấu cháo, nấu nước phở rất thơm ngon, đậm đà. Trước đây, loại đặc sản này thường được dùng để tiến vua, ngày nay chúng cũng được xem là món ăn của nhà giàu vì có giá thành khá đắt đỏ.
Rươi
Đây là đặc sản có nhiều ở tỉnh Hải Dương. Hình dáng của con rươi khiến nhiều người e ngại, thậm chí là sợ nhưng những món ăn chế biến từ loài vật này thì ai cũng phải gật gù thừa nhận "ngon khó cưỡng".
Hình dáng bên ngoài của rươi khiến nhiều thực khác e dè. Ảnh: Hà Hiền
Một năm có hai mùa rươi là từ tháng 4, 5 và tháng 9, 10 âm lịch. Rươi có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất là chả rươi. Rươi sau khi sơ chế được trộn cùng với thịt nạc băm, trứng gà, hành hoa, thìa là, ớt tươi và không thể thiếu là vỏ quýt hôi.
Chả rươi là món ăn hấp dẫn thực khách bởi vị béo bùi đặc trưng. Ảnh: Hà Hiền
Khi hỗn hợp đủ dẻo, người ta sẽ đưa lên chảo rán. Món rươi thành công khi có phần vỏ ngoài vàng ruộm màu cánh gián, ruột mềm ngọt đậm. Khi ăn, thực khách thưởng thức với cơm nóng, ăn kèm với rau thơm, nước mắm pha ớt. Vị béo bùi của rươi, trứng, thịt hòa quyện như tan chảy trong miệng, ăn mãi không biết chán.
Sâu muồng
Sâu muồng là ấu trùng của loài sâu trên cây muồng, có màu xanh như lá cây. Ở vùng miền Trung - Tây Nguyên, cây muồng thường được trồng để cây tiêu bám vào, còn loài sâu này chỉ ăn lá muồng nên nông dân không phun thuốc trừ sâu, chờ đến khi chúng đóng kén thì thu hoạch.
Loại sâu này có vị ngọt béo rất đặc trưng. Ảnh: Văn Tuấn
Sâu muồng có vị bùi béo đặc trưng của các loại ấu trùng sâu, thường người dân đợi cho loài sâu này đóng kén rồi mới thu hoạch, chế biến làm thức ăn.
Cũng giống như nhộng tằm, bạn có thể chiên, xào, lăn bột, luộc hay thậm chí là ăn sống... Loại sâu này có vị ngọt béo rất đặc trưng. Người chưa quen ăn lúc đầu có phần e dè, nhưng khi nếm xong thì khó có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của món ăn này.
Lẩu rắn hổ hành
Rắn hổ hành - một loại rắn chuyên ăn ếch, nhái được xem là đặc sản ngon trứ danh ở miền Tây Nam Bộ. Từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, miền Tây vào mùa nước nổi, loài rắn hổ hành không còn nơi trú ngụ nên buộc phải di chuyển ra ngoài. Đây cũng là khoảng thời gian cho các thợ săn đi bắt rắn.
Rắn hổ hành đặc sản của miền Tây sông nước. Ảnh: sieuthicontrung
Rắn hồ hành ngon nhất là những con chừng nửa kg, thịt ngọt mềm. Rắn sau khi bắt về được chặt bỏ đầu, rồi đem hơ rắn trên lửa ngọn hoặc trụng nước sôi.
Rắn sau khi sơ chế xong không cần tẩm ướp, cho thẳng vào nồi cùng sả đập dập, đổ nước vừa ăn và cho lên bếp đun sôi chừng 20 phút. Tiếp đó, bỏ củ cải đã cắt khúc vào nấu thêm 10 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn. Mùi thơm của sả sẽ giúp cho rắn loại bỏ được mùi hoi khó chịu.
Gắp một miếng thịt rắn, chấm với nước mắm cốt Phú Quốc, thịt rắn giòn, rai ngọt thấm đều trong từng thớ thịt. Ảnh: Lẩu rắn miền Tây
Lẩu rắn có nước trong, vị ngọt đậm đà của thịt rắn. Khi ăn, thực khách thưởng thức thức cùng rau mồng tơi, mướp thái vát, lá lốt và các loại rau đặc sản của sông nước miền Tây.
Gắp một miếng thịt rắn, chấm với nước mắm cốt Phú Quốc, thịt rắn giòn, rai ngọt thấm đều trong từng thớ thịt. Đặc biệt, các loại rau nhúng với nước lẩu, ăn đến đâu cảm nhận được vị ngọt tan chảy nơi đầu lưỡi đến đó. Món ăn này thường được người miền Tây ăn kèm với bún tươi.
"Rồng đất" mỗi năm chỉ có một mùa, chị em tranh thủ mua dù rất đắt Mỗi năm chỉ có vào cuối Thu, đầu Đông nên dù giá lên tới hơn nửa triệu đồng/kg nhưng loài "rồng đất" được coi là đặc sản hiếm có này lại được nhiều người đặt mua thưởng thức. "Rồng đất" là tên gọi khác của rươi- món ăn giàu đạm, thơm ngon và cực kỳ bổ dưỡng được truyền tai từ nhiều đời....