Đặc sản Huế nổi tiếng nhất bạn nên thử khi đến du lịch
Đặc sản Huế có những món ăn nào đặc sắc? Huế là vùng đất với vô vàn những món ăn ngon miệng, độc đáo. Nếu bạn đang du lịch tại Huế và chưa biết nên ăn gì, cũng như mua món đặc sản Huế nào để làm quà, hãy điểm qua một số gợi ý dưới đây.
1. Bún Bò Huế
Khi nhắc đến đặc sản Huế, món ăn đầu tiên bật ra ngay trong suy nghĩ của hầu như tất cả mọi người không gì khác chính là bún bò Huế. Đây cũng có thể được cho là món ăn đại diện cho vùng đất cố đô.
Điểm đặc trưng của bún bò Huế chính là hương vị đậm đà của nước dùng, được kết hợp bởi vị cay nồng của ớt, mùi thơm của sả, và một ít mắm ruốc. Tất cả những thứ đó là dậy lên một mùi vị đặc trưng, một mùi vị rất “Huế”.
Bên cạnh đó, có thể nhiều người chưa biết, loại bún được sử dụng trong món đặc sản Huế này là bún có sợi nhỏ, hay thường được gọi là bún tươi, bún gạo. Loại bún giống như khi bạn ăn gỏi cuốn, bún cá, bún riêu,… chứ không phải loại sợi to như nhiều hàng quán đang sử dụng.
Bún bò Huế có hương vị đậm đà, hấp dẫn
Khi vào miền Nam, hương vị của bún bò đã phần nào được thay đổi. Nhằm hợp với khẩu vị chung của những người dân nơi đây, nước dùng của món bún bò trở nên ngọt thanh dễ chịu hơn do được hầm từ xương.
Còn ở Huế, người ta sẽ chắt xác ruốc để làm hương vị chính cho tô bún. Chính vì lẽ đó, một tô bún bò Huế truyền thống, chuẩn đặc sản Huế sẽ có vị mặn nồng, đậm đà hơn nhiều. Khi đến Huế, kể cả trong nhà hàng lớn, hay những quán ăn vỉa hè với chỉ hơn hai chục ngàn một tô, bạn cũng có thể cảm nhận rõ từng chút một sự đậm đà, thơm lừng của nước dùng.
2. Mè xửng
Một danh sách về đặc sản Huế không thể hoàn thiện nếu không nhắc đến kẹo mè xửng. Đây được ví như là một niềm tự hào của tất cả những người dân xứ Huế, khi mà ai đã ăn một lần rồi đều nhớ mãi dù là đang ở gần hay đi xa. Mè xửng, loại kẹo dai dai, vị kẹo ngọt thanh không bị gắt kết hợp với vị thơm của mè khiến người ta ăn mãi không ngán.
Tuy gọi là đặc sản Huế, nhưng sự kết hợp để tạo nên món ăn này lại hết sức bình dị và dễ tìm. Mè (hay nhiều nơi còn gọi là vừng) và xửng (cách hoàn đường) kết hợp với nhau tạo thành tên của món kẹo này. Mùi của lớp vỏ gồm mè, đậu phộng rang thơm lừng hòa quyện với vị ngọt thanh của đường mạch nha, bột gạo khiến ai ăn cũng mê.
Kẹo mè xửng là một món đặc sản Huế vô cùng bình dị
Ở vùng đất cố đô, có rất nhiều cơ sở nổi tiếng, uy tín sản xuất loại kẹo đặc sản Huế này. Ví dụ như Song Hỷ, Thiên Hương, Thanh Bình, Nam Thuận, Hồng Thuận… với mức giá dao động từ 20 đến 50 nghìn một gói, tùy theo loại, khối lượng thương hiệu.
Trước đây, kẹo mè xửng thường được sản xuất theo kiểu truyền thống, tạo cảm giác dai dai và dính răng khi ăn. Nhưng hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của nhiều người, yêu thích hương vị của món đặc sản Huế này nhưng ngại cảm giác dính dính, khó chịu, kẹo mè dẻo, mè giòn, mè đen, mè gương,… đã được ra đời.
Nếu bạn đi du lịch và muốn mang về một món đặc sản Huế làm quà cho bạn bè và người thân, đừng nên bỏ qua mè xửng nhé. Lưu ý, khi mua bạn nên kiểm tra kẹo để biết được chất lượng của chúng. Nếu kẹo có màu vàng trong, khi bóp vào thấy mềm mềm, không bị gãy, thả tay ra thân kẹo trở về hình dạng cũ thì khả năng cao đây là mè xửng loại tốt.
3. Bánh bột lọc
Cố đô Huế thường được một số tín đồ ăn uống ví như vùng đất của những loại bánh làm từ bột gạo. Tuy có điểm chung về nguyên liệu chế biến là vậy, nhưng mỗi loại lại có một hương vị ngon đặc trưng riêng. Một trong số những loại bánh đặc sản Huế nổi tiếng nhất không gì khác chính là bánh bột lọc.
Bánh bột lọc ở Huế được chia thành hai loại, bao gồm loại được gói bằng lá dong hoặc lá chuối (thường gọi là bánh gói), và một loại không được gói trong lá (gọi là bánh trần). Cả hai loại đều có khả năng làm thực khách phải mê mẩn, khen ngon tấm tắc.
Bánh bột lọc là bánh đặc sản Huế nổi tiếng
Video đang HOT
Vỏ bánh làm từ bột năng được nhào kĩ nên đạt được độ dai, và mềm mềm vừa ăn. Phần vỏ trong suốt làm lộ rõ nhân tôm bên trong chính là điểm đặc sắc của món ăn này. đặc sản Huế bánh bột lọc rưới thêm chút mỡ hành bên trên, rồi ăn cùng nước mắm chua ngọt, nghĩ thôi đã đủ thèm rồi!
4. Bánh bèo
Bánh bèo là một loại bánh rất nổi tiếng ở Việt Nam mà nhiều người yêu thích. Vậy nhưng ít ai biết rằng đây chính là một món đặc sản Huế. Phần vỏ bột của bánh bèo không dai dai như của bánh bột lọc, hoặc bánh ram ít, mà tương đối mềm, dễ nhai, dễ nuốt.
Bánh bèo đúng chuẩn đặc sản Huế là phải được đựng trong những chiếc chén nhỏ
Ăn bánh bèo đúng chuẩn kiểu đặc sản Huế là khi phục vụ, bánh sẽ được đặt trong những chiếc chén nhỏ nhỏ. Bên trong là vỏ bánh trắng tinh, chính giữa là màu cam nhè nhẹ của thịt, tôm, và hành phi. Nhiều nơi còn cho thêm một lớp mỡ hành, hoặc đặt lên những miếng tóp mỡ bùi bùi, giòn rụm.
Khi ăn, bạn chỉ cần múc một thìa nước mắm chua ngọt chan lên phía trên mặt bánh rồi xắn một miếng cho vào miệng là có thể thưởng thức vị ngon khó cưỡng của món đặc sản Huế này.
5. Tré Huế
Bên cạnh các loại bánh bột gạo hấp dẫn, đặc sản Huế còn có những món nhậu vô cùng hấp dẫn, dân dã, trong đó bao gồm tré Huế. Thoạt nhìn, bạn có thể sẽ bị nhầm lẫn giữa tré Huế và nem Huế vì chúng có nhiều điểm tương đồng với nhau.
Tré Huế gồm hai loại là tré bò và tré heo. Tré bò có màu nâu và vị ngọt đậm hơn. Tuy gọi là tré bò nhưng nhân bên trong vẫn phải có thịt ba chỉ rán vàng, thái sợi. Tre bò được trộn với riềng, tỏi, thính, bên ngoài bọc lá ổi và gói lá chuối tương tự như nem chua.
Còn tré heo có màu đỏ nâu, được làm từ thịt ba chỉ rán vàng, thái sợi nhỏ rồi trộn với riềng, tỏi, và thính. Tré heo có vị ngọt ngọt, hơi chua nhẹ và thơm mùi thính. Bên ngoài món đặc sản Huế này được bọc bằng lá đinh lăng và gói lại bằng lá chuối.
Tré Huế được chia thành tré bò và tré heo
Nếu người thân của bạn thích những món mồi nhậu dân dã, đừng quên mua một ít tré heo về làm quà sau chuyến du lịch thưởng thức đặc sản Huế bạn nhé!
6. Mắm tôm chua
Mắm tôm chua là một món đặc sản Huế mà bạn khó tìm thấy được hương vị y hệt khi ở những tỉnh thành khác. Vị thanh mát của tôm hòa lẫn với vị ớt cay cay, cung một chút đường ngọt nhẹ và nhiều gia vị khác tạo nên một món đặc sản Huế trứ danh.
Mắm tôm chua ăn với gỏi cuốn thịt heo hoặc cơm nóng đều hợp
Những loại tôm được chọn để làm thành loại mắm này chính là tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đất nhỏ chứ không dùng tôm biển. Sở dĩ người Huế chọn tôm như vậy là vì tôm bé sẽ dễ thấm gia vị hơn. Ngoài ra, sử dụng tôm bé khi bày biện, trang trí món ăn, hoặc xếp vào hũ mắm sẽ dễ làm và đẹp mắt hơn, cũng như số lượng tôm được nhiều hơn so với tôm to.
Mắm tôm miền Bắc được dùng để ăn bún đậu, bún riêu, thịt chó. Còn mắm tôm chua Huế thường được sử dụng để ăn kèm với gỏi cuốn thịt luộc, cùng các loại rau thơm, rau sống khác. Nếu bạn không có thời gian, hoặc cảm thấy ăn cuốn phải chuẩn bị quá lích kích, có thể dùng ăn với cơm nóng cũng ngon tuyệt vời.
7. Bánh canh Nam Phổ
Sở dĩ món này có tên gọi là bánh canh Nam Phổ, vì nó xuất phát từ làng Nam Phổ – một nơi cách trung tâm thành phố hơn 10 cây số, và là món ăn hàng rong phổ biến tại ngôi làng này.
Ngày nay, bánh canh Nam Phổ đã phát triển rộng hơn, trở thành món đặc sản Huế được lòng nhiều người dân địa phương. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở nhiều nơi ngay trong trung tâm thành phố mà không cần di chuyển đến tận làng Nam Phổ.
Bánh canh Nam Phổ xuất phát từ làng Nam Phổ của Huế
Bánh canh Nam Phổ được nấu từ bột lọc và bột gạo theo tỉ lệ 3 gạo 1 lọc. Vì thế, nước bánh hơi đục và có độ sánh nhẹ. Khi ăn, bạn nên thêm vào tô bánh canh một chút ớt đề tăng độ cay và cảm nhận được trọn vẹn và rõ ràng hơn hương vị khi thưởng thức món ăn đặc sản Huế.
8. Mắm sò Lăng Cô
Nếu bạn và người thân yêu thích các loại mắm dân gian của Việt Nam, đừng quên mua ngay một chai mắm sò Lăng Cô khi đến du lịch tại Huế nhé. Món đặc sản Huế này nghe thì dân dã, bình bị nhưng để chế biến ra nó cần trải qua một quy trình công phu, tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian.
Mắm sò Lăng Cô được chế biến vô cùng tỉ mỉ
Việc đầu tiên khi làm mắm sò Lăng Cô chính là chọn sò tươi ngon, chắc thịt. Sau đó, sò sẽ được làm sạch và tẩm ướp gia vị kĩ càng như riềng, bột ớt, muối hột,… rồi mới mang đi ủ. Thời gian ủ trung bình là nửa tháng, hoặc đến khi sò nổi lên là được.
Mắm sò Huế có màu đỏ tươi, hương vị thơm ngon đặc biệt, khiến người ta khi ăn món đặc sản Huế này một lần thì khó mà quên được.
9. Kẹo cau
Tên gọi “kẹo cau” khiến nhiều người liên tưởng rằng loại kẹo này được làm từ nguyên liệu chính là cau. Thực tế, tên gọi đó là để chỉ hình dáng giống múi cau được bổ ra của loại kẹo này. Món đặc sản Huế này đã có từ khá lâu, là một loại quà vặt được rất nhiều trẻ em thời xưa yêu thích.
Kẹo cau là đồ ăn vặt được yêu thích của trẻ em thời xưa
Nguyên liệu của món kẹo cau cũng vô cùng đơn giản. Bên trong, tượng trưng cho hạt cau là phần nước đường hoa mai màu vàng nhạt đã đóng cứng. Bọc bên ngoài là lớp bột trộn cùng đường kính, tượng trưng cho thịt cau. Đừng lo vì kẹo cau không bị ngọt gắt mà có vị ngọt thanh nhẹ nhàng, vô cùng dễ chịu khi ăn.
Trước đây, kẹo cau được để nguyên hình viên tròn, gói gọn trong lớp lá chuối khô. Nhưng ngày nay, chúng đã được bổ ra thành từng múi và gói trong bọc kiếng sạch sẽ. Món đặc sản Huế kẹo cau có thể được tìm thấy ở nhiều khu chợ lớn nhỏ, hoặc các địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng.
Ẩm thực Việt Nam là muôn màu muôn vẻ, và ẩm thực Huế cũng vậy. Vừa rồi là 9 món đặc sản Huế bạn không thể bỏ qua khi đến du lịch tại mảnh đất cố đô. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến đi du lịch tại đây.
Bạn đã thử qua bao nhiêu loại bánh gói lá?
Nhân ngày đầu năm, xin dông dài một chút về các món bánh gói lá của người Việt.
Nói đến bánh gói lá, đa phần người Việt thường nghĩ đến món quà quê ngày còn bé, mỗi lần mẹ đi chợ về lục tìm trong giỏ, khi thì cái bánh tráng, khi thì cái bánh ít, bánh ú, tán đường đen... Cái bánh gói lá thường ít được vinh hạnh nằm trong thực đơn những nhà hàng sang trọng. Nếu có, đa phần chúng hiện diện ở các nhà hàng ẩm thực Huế với cách bày biện công phu, đẹp mắt nhưng lại thiếu nét dân dã, hồn quê.
Bánh ít
Theo tôi, bánh gói lá đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm (tất nhiên với trường hợp bánh còn trong thời hạn sử dụng) bởi bánh được nấu chín kỹ và có "bao bì" sạch. Tùy địa phương, bánh gói lá có nhiều tên gọi, cách gói khác nhau nhưng có hai điểm chung là thường dùng nếp hay bột gạo và có nhân. Rất nhiều loại lá có thể dùng gói bánh: dừa, chuối, dong, sen... Tính vùng miền, thổ nhưỡng, khí hậu thể hiện rất rõ qua nguyên liệu lá. Nếu miền Bắc chọn lá dong, sen, chuối, bàng... để gói bánh thì miền Nam thông dụng lá chuối, dừa.
Giống nhau về nguyên liệu và cách gói ở các vùng miền có lẽ là bánh tét hay bánh chưng. Một loại bánh tương tự, tiện cho việc ăn sáng, là bánh ú. Còn có một loại bánh ú làm từ nếp ngâm với nước tro. Người ta lấy cây mè, cây gòn, rau sam đất hay rau dền gai phơi khô và đốt lấy tro rồi hòa tro với nước và lắng lấy nước trong. Khi luộc xong, cái bánh trong vắt nhìn thấy nhân đậu xanh. Bánh ú tro gói bằng lá chuối, lá dong hay lá tre theo hình chóp.
Miền Bắc có loại bánh tương tự nhưng không nhân gọi là bánh gio (miền Bắc gọi tro là gio). Thành phẩm chỉ là một khối bột trong, khi ăn chấm với mật mía hay mật ong. Bánh thường được gói với lá tre lồ ô. Nếp ngâm với nước tro đốt từ cây mận, đu đủ rừng, lá trầu không, vỏ chuối tiêu... Nói chung, tùy vùng miền mà người ta chọn loại cây đốt thành tro để làm bánh.
Bánh ít mặn
Bánh ít là loại bánh đặc biệt. Cũng bột nếp và nhân đậu xanh nhưng chỉ xét riêng miền Trung, cách gói ở Bình Định, Quảng Nam hay Khánh Hòa... đã có sự khác biệt lớn. Nhân ngọt có bánh ít lá gai. Nếu người xứ Quảng gói bánh hình thang (kiểu gói xôi) thì ở Khánh Hòa, cái bánh ít có hình chóp.
Lá gai rửa sạch, luộc, giã nhuyễn. Bột nếp sau khi tách nước bỏ vào quết chung với lá gai, quết càng nhuyễn màu bột sau khi hấp càng đen bóng. Cho đường đã thắng vào bột đã giã trộn đều rồi hấp. Đậu xanh luộc chín, xay nhuyễn, cho đường vào sên, vo viên làm nhân. Có người thích thêm vào ít dừa bào sợi. Rứt từng cục bột xoa tròn, ép ra và cho nhân vào giữa, vo kín, hấp lần nữa. Thành phẩm có ít mè bên ngoài. Lá chuối sau khi hơ lửa cho mềm mới gói bánh. Cũng cách làm với nguyên liệu tương tự, miền Bắc gói với lá chuối khô gọi là bánh gai.
Bánh ít trắng có hai loại: ngọt và mặn. Bánh ít ngọt thường có nhân dừa hay đậu xanh. Nhân đậu xanh cách làm giống như trên còn nhân dừa là dừa bào sợi xào với đường. Nhân bánh ít mặn làm công phu hơn: thịt ba rọi hay nạc vai thái nhỏ, tôm tươi, nấm mèo thái chỉ xào với hành, tiêu giã nhuyễn; thêm ít gia vị. Đậu xanh đã xay nhuyễn trộn vào xào chín rồi vo viên đặt bên trong cục bột nếp.
Một điều rất thú vị, cũng cục bột đã nhồi nhân bên trong, nếu hấp thì thành bánh ít nhưng nếu đem chiên giòn thì lại thành bánh rán (bánh cam), nếu không gói lá thì gọi là bánh ít trần. Nếu làm bằng nếp than, bánh sẽ có màu tím thẫm.
Người Huế có món bánh nậm mà nhiều nơi khác còn gọi là bánh lá hay bánh gói. Nhân gồm tôm bóc vỏ, thịt nạc xay. Ướp tôm, thịt với gia vị cho thấm đều rồi xào nhanh tay. Bột gạo trộn với bột năng, thêm ít dầu ăn và muối. Hòa bột với nước rồi bắc lên bếp khuấy đến khi bột hơi đặc và chuyển màu trong, mịn. Lá chuối hơ qua lửa, cắt thành miếng hình chữ nhật. Bôi dầu lên lá chuối, rải một lớp bột mỏng vừa, cho nhân tôm thịt vào giữa rồi gói bánh. Đặt bánh lên mặt phẳng vuốt nhẹ sao cho bột tán đều rồi đem hấp. Bánh ăn với nước mắm ớt tỏi.
Tương tự nguyên liệu và cách làm, miền Bắc có món bánh tẻ đặc biệt. Biến tấu thêm vào phần nhân thịt xay, nấm mèo, gia vị... phổ biến cả hai miền Nam, Bắc là bánh giò.
Còn có bánh bột lọc làm bằng bột năng, nhìn thấu nhân tôm bên trong. Bánh bột lọc gói bằng lá chuối có cột dây cũng bằng lá chuối hoặc để trần, ăn với nước mắm ớt tỏi pha đặc. Từ Huế vào đến Sài Gòn, bèo - nậm - lọc có lẽ là bộ ba thích hợp cho bữa ăn xế, ăn vặt.
Bánh bột lọc
Có một loại bánh gói bằng lá dừa nổi tiếng, tên gọi thống nhất các miền là bánh phu thê, người miền Trung còn gọi là bánh su sê. Bánh làm từ bột năng. Nhân đậu xanh xay nhuyễn trộn với đường và dừa bào sợi. Bánh được bỏ trong hai lớp lá, bên trong lót miếng lá chuối nhỏ, bên ngoài là lá dừa được làm thành khuôn có nắp. Trong các mâm lễ cưới hỏi không thể thiếu bánh
phu thê.
Ở các chợ miền Trung, vào ngày rằm, mùng Một có bán đầy đủ: bánh ít lá gai, bánh ít trắng nhân mặn/ngọt, bánh su sê... Sau này lang thang các tỉnh miền Tây, tôi biết thêm vài loại bánh gói lá dân dã quê mùa ăn một lần nhớ mãi.
Bánh dừa gói bằng lá dừa thành hình trụ nhưng hai đầu loe nhọn. Nguyên liệu làm bánh cũng giống như bánh tét nhưng ngọt, béo nhờ cốt dừa. Có hai loại nhân: đậu xanh hay chuối, cũng có loại không nhân. Bóc cái lá dừa vòng tròn quấn quanh cũng là một cách thưởng thức thú vị khi cái bánh dần hiện ra lớp nếp có vài hạt đậu đen.
Một loại nữa là bánh cúng. Nhiều người cho rằng ngày xưa nó có tên là bánh cuốn do cách làm khuôn bánh phải cuốn miếng lá chuối lại nhưng sau này, để tránh nhầm lẫn với món bánh cuốn nóng nhân thịt, người ta gọi trại thành bánh cúng. Cũng có người cho rằng bánh mang tên đó do dùng cúng giỗ ông bà.
Bánh cúng
Bánh có dạng thuôn dài, đường kính khoảng một đốt ngón tay gói bằng lá chuối, bó lại thành chục. Bánh làm từ bột gạo, nước cốt dừa, ít đường, xíu muối tạo vị đặc trưng; có thể cho thêm ít hành lá hay xay chung với lá dứa cho bánh vừa thơm vừa đẹp. Bột đổ vào đầy khuôn lá chuối và cột lại, hấp khoảng 30 phút, chờ bánh thật nguội mới bóc ra. Miếng bánh có vị béo của nước cốt dừa hòa với vị mặn và ngọt, rất ngon và thơm.
Còn có bánh khoai mì nhân chuối. Chuối sứ lột vỏ, ướp với đường, ít rượu trắng, để ngăn mát tủ lạnh khoảng 8 giờ. Ướp lâu như vậy thì khi bánh chín, chuối có màu tím thẫm đẹp mắt. Khoai mì rửa sạch, lột vỏ, ngâm nước khoảng một giờ rồi bào nhuyễn, vắt lấy nước, lắng thành tinh mì. Trộn phần khoai mì đã vắt ráo nước và tinh mì, cho thêm bột năng, nước đường, cốt dừa trộn đều. Trải hỗn hợp khoai mì lên lá chuối, đặt một trái chuối vào giữa rồi cuốn lại sao cho khoai mì bọc đều chuối bên trong rồi cột bằng lá chuối, hấp khoảng hai giờ.
Lang thang nhiều nơi trên khắp đất nước, tôi đã thưởng thức bấy nhiêu loại bánh gói lá. Tôi nghĩ, trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, còn nhiều loại bánh gói lá đặc trưng vùng miền nữa mà tôi chưa biết, bởi cái bánh gói lá như một thương hiệu riêng cho mỗi vùng. Đặc biệt, khi cả thế giới đang loay hoay về bao bì thực phẩm thì người Việt Nam đã sử dụng bao bì sạch từ hàng trăm năm qua, thật thú vị phải không?
Món bánh bột lọc gói lá chuối ngon như người Huế Món bánh bột lọc gói lá chuối cực kỳ hấp dẫn với phần bột dai dai hòa quyện cùng nhân tôm thịt đậm đà, thêm một ít vị cay cay của nước chấm rất tuyệt vời. Vậy các bạn hãy nhanh tay cùng Thế Giới Ẩm Thực vào bếp và cùng học cách làm bánh bột lọc gói lá chuối này ngay nhé!...