Đặc sản Hội An nổi danh khắp cả nước nhờ hương vị thơm ngon
Bánh su sê (bánh phu thê) là loại bánh đặc sản phổ biến ở Hội An, Quảng Nam. Bánh là món ăn vặt đường phố yêu thích của nhiều người. Ngoài ra, nó còn được dùng trong các đám cưới, hỏi, lễ Tết.
Bánh su sê thường hay xuất hiện trong các đám cưới, hỏi với ý nghĩa nhắn nhủ các đôi vợ chồng sống chung thủy bên nhau. Đây là thứ đặc sản mà đến Hội An các bạn sẽ dễ dàng bắt gặp trên nhiều con phố, một món ăn chơi dân dã nhưng cũng không thể thiếu trong mâm cỗ mỗi dịp lễ Tết của người Quảng Nam.
Bánh phu thê có nguồn gốc từ Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nhưng ở Việt Nam, nơi sản xuất bánh phu thê nhiều nhất và nổi tiếng nhất là Hội An. Mỗi nơi có cách làm bánh khác nhau nhưng tựu chung bánh phu thê được đánh giá là ngon và có nhiều ý nghĩa, cao sang, luôn có mặt một cách trịnh trọng trong các tráp lễ hỏi, lễ cưới của hàng triệu gia đình Việt Nam.
Làm bánh su sê không khó nhưng lại mất nhiều công đoạn và thời gian. Nhân bánh được làm từ đậu xanh và dừa. Đậu xanh được ngâm trong nước cho mềm, đãi sạch vỏ rồi hấp chín. Khi đậu xanh nguội thì đem tán nhuyễn, cho đường vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi đặc quánh lại không dính tay là được. Để thêm vị thơm ngon, người ta còn cho thêm vào một chút nước hoa bưởi. Dừa thì được nạo thành sợi, trụng qua nước sôi với chút muối để sợi dừa giòn dai.
Bánh phu thê được dùng trong đám hỏi, cưới. Ảnh minh họa.
Công đoạn quan trọng nhất là nấu bột làm vỏ bánh. Bột được hòa với nước theo một tỉ lệ, cho đường vào khuấy tan. Tiếp đến cho dừa đã trụng sơ qua vào rồi để lên bếp nấu với lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi bột sánh lại dạng nửa sống nửa chín có thể chảy thành dòng chứ không đặc là được.
Điểm đặc biệt của những chiếc bánh su sê Hội An chính là những chiếc khuôn vuông nhỏ xinh làm từ lá dừa tươi, không giống với bánh hình tròn dẹt gói bằng giấy kính ở trong Nam hay ngoài Bắc nên nhìn rất đẹp mắt. Đầu tiên, người ta đổ một lớp mỏng bột đã nấu với dừa vào khuôn rồi cho nhân đậu xanh vào và đổ tiếp một lớp bột nữa lên trên rồi đem đi hấp chín.
Hấp bánh là một trong những công đoạn quan trọng nhất bởi nếu để bột bị sống cũng không được quá chín sẽ mất vị dai giòn. Hấp bánh đến khi thấy bột trong vắt, nổi lên màu vàng óng của phần nhân ở giữa là được. Bánh sau khi hấp chín thì lấy ra để nguội, rồi lấy nắp khuôn đậy lên trên.
Video đang HOT
Khi ăn bánh su sê, ta sẽ thấy ngay vị ngọt dai dai của bột, sần sật của dừa, đậu xanh ngọt và thơm mùi nước hoa bưởi và lá dừa. Chính vì thế, loại bánh này không chỉ hút khách ở các dịp cưới xin mà cả những ngày thường.
Theo Lương Ngọc/Khoa học & Phát triển
Thưởng thức xôi trứng kiến của người dân tộc
Đối với người miền núi và trung du tỉnh Bắc Giang, món trứng kiến để ăn và chúng được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, ngon và chữa bệnh hiệu quả.
Xôi trứng kiến là một trong những đặc sản của người dân tộc Tày, đặc biệt vào mùa xuân, kiến ở trong rừng đẻ nhiều trứng nên đây là thời điểm vàng để thưởng thức món ăn lạ miệng thơm ngon này. Người dân tộc Tày hay còn có tên gọi khác là người Thổ, có dân số đông và phổ biến thứ hai sau dân tộc Kinh và phân bố chủ yếu ở các vùng núi thấp và trung du phía Bắc nước ta. Bản làng của người Tày thường tập trung gần rừng, núi và ven suối.
Xôi trứng kiến - đặc sản của người Tày
Mỗi dân tộc đều có một đặc trưng văn hóa ẩm thực riêng, người dân tộc Tày cũng vậy, những món ăn độc đáo làm nên bản sắc rất riêng của họ, và phần lớn những món ăn này đều có nguồn gốc từ những loại thực phẩm phổ biến trong bản, trong rừng mà họ sinh sống.
Một trong những món ăn lạ miệng đó có món "xôi trứng kiến" - đặc sản của người dân tộc Tày mà nếu có cơ hội thưởng thức bạn sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, ngòn ngọt, bùi béo mà lại không hề ngấy của món xôi hấp dẫn này.
Xôi trứng kiến có màu sắc hấp dẫn cùng hương vị thơm ngon
Trứng kiến nhỏ, nên có khi phải đi cả ngày đường mới có thể tìm được một, hai cân. Mà cũng không phải là trứng của loại kiến nào cũng có thể lấy để nấu xôi đâu nhé, chỉ có loại kiến nâu làm tổ trên ngọn cây, có nơi còn gọi là kiến ngạt, kiến cong trôn mới cho trứng béo ngậy và nhiều đạm.
Tìm được tổ kiến rồi, công đoạn lấy trứng cũng lắm gian nan. Lấy trứng cũng phải có nghệ thuật nếu không sẽ bị kiến tấn công ngay. Dụng cụ lấy trứng cũng rất đơn giản, chỉ là một chiếc câu liêm, một chiếc rựa, một thúng và một sàng. Khi đã lấy được tổ kiến xuống rồi, bạn phải thật khéo léo để gỡ trứng ra khỏi những con kiến.
Quan sát nhưng chẳng ai thấy kiến chúa bao giờ và cũng chẳng biết chúng sinh hoạt ra sao, chỉ biết chúng thường làm tổ trên những chạc cây không cao lắm. Tổ bé thì bằng cái tô, to bằng ấm hãm nước uống. Tổ được kết từ lá khô mục, gió rung không rụng, mưa xối không ướt. Từng đàn kiến ra vào trong trật tự, không cắn nhau mà cũng chẳng tranh giành.
Trứng kiến là thành phần chính của món xôi trứng kiến
Sang xuân kiến vào mùa sinh sản, nhưng thật sự mùa trứng kiến chỉ từ tháng ba đến tháng tư âm lịch. Tiết trời ấm áp, cây cối xanh tươi, khi những hạt trứng li ti lớn dần trong tổ, to bằng hạt gạo là lúc người dân thu lượm mang về. Dụng cụ là một chiếc rá to được buộc cán dài hơn sải tay, thân cán buộc túm hoa cỏ tranh để kiến không theo cán mà bò vào người.
Người dân trong vùng thường dùng cách thả một chiếc lá vào giữa thúng cho kiến mẹ bu lấy chiếc lá rồi đem vứt đi. Cứ làm như vậy cho tới khi hết kiến, chỉ còn những hạt trứng tròn, béo ngậy và vàng óng thì thôi.
Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị.
Để loại bỏ con kiến, người ta thường cho lá hoặc cành cây vào để kiến bám lên
Những hạt trúng nhỏ li ti như giọt sương mai buổi sớm được đãi nhẹ với nước ấm, để ráo rồi ướp với bột canh, hành khô và phi với mỡ cho tới lúc tỏa hương thơm lừng làm háo hức những cái dạ dày tham lam. Sau đó mới dùng một chiếc lá chuối ngự gói trứng kiến vào để mùi thơm của trứng lẫn với hương lá chuối, thử hỏi, trên đời còn thứ gì ngon hơn.
Đặt chõ lên bếp, nấu cho xôi chín, bắc ra, mở gói trứng kiến rắc đều lên trên, dùng đũa xới nhẹ cho thật đều, đơm lên đĩa ăn nóng. Xôi nếp dẻo thơm phưng phức; trứng kiến béo ngầy ngậy, nhai chậm lắng nghe tiếng trứng kiến vỡ lép bép trong miệng, thoáng hơi mỡ gà, hành phi và hương thơm lá chuối ngự.
Một số nơi của dân tộc này, trứng kiến còn được bày bán ở chợ
Món xôi trứng kiến còn là một món ăn không thể thiếu được trong lễ hội của người Tày, đặc biệt là trong dịp tết Hàn Thực ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, người dân tộc Tày đều thổi xôi trứng kiến hoặc bánh trứng kiến để cúng tế Thành Hoàng làng. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi.
Theo Amthuc365
Cá sơn gà ngon hương thịt gà Các chàng trai cô gái vùng biển duyên hải miền Trung đã hát về loại cá sơn gà: "Thịt cá mà như thịt gà/Đố em biết được đó là cá chi?" hay "Ăn cá mà tưởng ăn gà/chính là vị cá sơn gà đó anh!"... Những câu hát vừa nhắc tới loài cá đặc biệt này lại vừa như gợi nhớ hương vị...