Đặc sản cá Hồ Núi Cốc
Cá hồ Núi Cốc có nhiều loại nhưng chủ lực vẫn là trắm đen, trắm trắng, cá chép, cá bống, cá mè, cá sông. Tuy nhiên, trong các loại cá trên ngon nhất vẫn là cá sông và trắm đen.
Đến với hồ Núi Cốc, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của một vùng lòng hồ mênh mông sông nước, cây trái sum suê; đắm say với câu chuyện tình nàng Công, chàng Cốc mà còn bởi những ẩm thực nổi tiếng như: dê núi, gà đồi, cá sông, lợn mán, dúi rừng…Trong đó, không thể không kể đến hai món cá mang hương vị riêng chỉ có ở hồ Núi Cốc: Đó là món cá sông và cá trắm đen.
Cá sông là loại cá nhỏ chỉ bằng ngón tay trỏ. Mặc dù loại cá này sống trong lòng hồ Núi Cốc nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là cá sông. Loại cá này có thể chế biến thành các món: món cá chiên giòn hoặc có thể kho tương; hoặc nấu với măng rừng. Tuy nhiên, cách mà nhiều người thích thưởng thức hơn cả vẫn là cá chiên giòn, cuộn với lá lốt chấm nước mắm tỏi hoặc nước tương gừng. Để làm món này không khó lắm: Trước tiên là khâu sơ chế bằng cách rửa sạch, mổ ruột, để ráo nước. Sau đó ướp với gừng đã giã nhỏ, nêm một chút nước mắm, mỳ chính để ngấm 15 phút. Tiếp theo đổ ra giá cho ráo nước rồi trộn với một chút bột chiên giòn.
Bắc chảo lên bếp, cho mỡ vào đun nóng già mới cho cá vào chiên. Trong quá trình chiên không được đảo quá nhiều mà chỉ lấy một chiếc đũa khơi nhẹ một chút cho các con cá không bị dính vào nhau. Khi thấy cá có màu vàng cánh gián thì vớt ra rổ (có lót giấy để thấm bớt mỡ trên con cá), rồi cho ra đĩa; ăn nóng. Bên cạnh có thêm một đĩa lá lốt để khi ăn có thể cuộn cá với lá lốt chấm nước mắm tỏi. Một trong bí quyết làm cho món cá đạt đến độ ngon hoàn hảo còn là ở cách pha nước chấm. Tùy khẩu vị và sở thích của mỗi người, có người thì thích chấm cá với nước tương gừng, có người thì chấm với nước mắm tỏi. Song hợp vị nhất vẫn là cá cuộn lá lốt chấm với nước mắm tỏi. Khi thưởng thức chúng ta có cảm giác miếng cá giòn, thịt ngọt có mùi thơm của cá sống ở nước tự nhiên.
Video đang HOT
Du khách thưởng thức đặc sản cá tại Nhà hàng Hồ Núi Cốc Plaza.
“Tiếng lành đồn xa”. Chính vì sự hấp dẫn của món cá sông nên mỗi khi khách đến với Nhà hàng Hồ Núi Cốc Plaza đều gọi món cá sông chiên giòn. Chẳng mấy khi khách dừng lại ăn một đĩa, mà thường gọi thêm để thưởng thức cho đã. Ăn xong rồi còn muốn mua về làm quà cho bạn bè và người thân. Bởi vậy, vào mùa cá Nhà hàng thường mua dự trữ cá tươi nhằm đáp ứng khách có nhu cầu mua về làm quà. Còn vào trái mùa, nhà hàng cũng có cá ép chân không để khách mua khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, cá sông ở hồ Núi Cốc không dễ mua. Các nhà hàng muốn mua đều phải đặt trước người đánh cá. Vào mùa nước lớn (rơi vào tháng 6 và tháng 7), đây cũng là mùa cá đẻ nên rất khó bắt. Còn tháng 3 và tháng 4 nước cạn, cá bắt dễ nhưng nhu cầu khách thất thường nên người dân thường chủ động mang đi chợ xa để bán hoặc hấp lên, phơi khô, hút chân không để dành ăn quanh năm nên khó gặp.
Một trong những món cá cũng được du khách ưa thích mỗi khi đến với hồ Núi Cốc chính là món cá trắm đen. Loại cá này ăn lúc ngon nhất phải có cân nặng khoảng 6 đến 7 kg. Cá trắm đen có thể chế biến được khá nhiều món: cá hấp bia; cá om dưa trên bếp cồn; sốt ngũ liễu… Những con to có thể xẻ thịt ra làm món cá chiên vừng, nướng than hoa. Đầu và đuôi cá nấu cháo đỗ xanh hoặc canh măng dọc mùng rất bổ dưỡng.Tuy nhiên, món ngon nhất vẫn là cá hấp bia. Để làm món này không khó: Trước tiên rửa cá sạch; bóc mang cho khỏi tanh, rồi mổ bóc sạch ruột. Lấy khăn mặt sạch (đã tẩm nước muối hoặc dấm) lau khô để cá không tanh, hết chất nhớt trong bụng. Chuẩn bị gia vị gồm có: gừng ta, hành, nghệ, rau răm, sả, thì là. Khi cá sơ chế xong thì ướp một phần các gia vị trên vào cá và nêm thêm chút nước mắm, mì chính, hạt nêm đều trên mặt cá; một phần ướp vào bụng cá.Tiếp theo rót một chút tương bần lên mình cá. Hấp cá có hai cách, có thể cho vào lồng hấp cách thủy hoặc hấp trực tiếp bằng chảo trên bếp ga. Nếu hấp trên chảo, khi cá ướp xong đổ bia và một chút nước xâm xấp cá rồi đun lên 15 đến 20 phút. Khi thấy mình cá tẽ ra thì tiếp tục rót thêm bia lần thứ hai vào; phi hành khô rắc lên cá, cho thêm vài cọng hành tươi, vừa đẹp mắt vừa tăng thêm hương vị, sự hấp dẫn của món ăn.
Người ta bảo cá ở hồ Núi Cốc ngon là do nguồn nước ở đây được hội tụ từ những khe nước dưới chân núi Tam Đảo đổ về nên nước rất sạch và ngọt. Do sống trong nguồn nước tự nhiên nên đặc điểm của cá là không có mùi tanh, ăn chắc thịt, ngọt và thơm. Riêng cá trắm thường rất khỏe, da mầu đen, thịt trắng hồng, do ăn bằng thức ăn tự nhiên nên ruột cá rất bé, màu sẫm hồng, màng ruột trắng; thân rất dài. Bình quân một con trắm đen nặng từ 3 đến 4 kg dài 60 cm; con to nhất cũng nặng đến 40 kg. Mới đây người dân đã bắt được một con trắm đen nặng đến 20 kg.
Chị Nhâm Thị Hạnh, quản lý Nhà hàng Hồ Núi Cốc Plaza cho biết: “Do nhiều năm gắn bó với nhà hàng nên chúng tôi đã nắm được sở thích ẩm thực của du khách mỗi lần đến với Hồ Núi Cốc. Vì thế, Nhà hàng Bến Đợi và Nhà hàng Hồ Núi Cốc Plaza (thuộc Công ty CP Khách sạn Du lịch Công đoàn Hồ Núi Cốc) thường xuyên đưa các món cá vào thực đơn để thết đãi khách, trong đó không thể thiếu hai món chủ lực là cá sông và cá trắm đen hấp bia. Từ đó, chúng tôi luôn chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách cả những khi khan hiếm hàng. Cũng từ lý do này, nên các đoàn tham quan lớn, các đoàn khách dã ngoại khi đến Núi Cốc thường chọn Nhà hàng hồ Núi Cốc PLaza làm điểm dừng chân, bởi nơi đây không chỉ có không gian rộng, cảnh đẹp mà du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản hấp dẫn của vùng lòng hồ như: cá sông, gà đồi, lợn mán, dúi rừng… trong đó có thể thưởng thức món cá sông và các món làm từ cá trắm đen bất cứ lúc nào.
Mặn mòi đặc sản cá thính Lập Thạch
Với vị chua chua, mằn mặn của thịt cá được ướp thính rang vàng, món này không những là thức ăn dự trữ mà còn làm quà biếu anh em bạn bè thành phố, nơi chỉ có những mâm cao cỗ đầy và miếng cá thính sẽ giúp họ góp phần làm đầy hơn thi vị của cuộc sống.
Mặn mòi vị quê
Lớn lên ở vùng quê nghèo nơi miền trung du Bắc Bộ, từng địa danh, món ăn và sở thích của Vĩnh Phúc dường như đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Có lẽ vì vậy, mà dù đã xa quê lâu ngày nhưng lúc nào có thời gian là tôi ngẫm và nhớ, nào món bánh hòn, bánh tẻ, đến con cá tép Đầm Vạc và khi nói đến cá thì tôi không thể không nhớ đến là vị mặn mòi của món cá thính chua.
Đặc sản cá thính Lập Thạch. Ảnh: Trần Trung - TTXVN
Chị Trần Tố Uyên - quê gốc Vĩnh Phúc về làm dâu tại Lập Thạch chia sẻ: Cá để làm thính có rất nhiều loại và phải chọn cá loại to nhiều thịt mới ngon. Theo kinh nghiệm truyền đời, cá dùng để làm cá thính phải là cá có vảy; trong đó cá chép, cá trắm, cá mè luôn là sự lựa chọn hàng đầu.
Khi mùa nước lên tràn vào hai con sông Lô, sông Đáy tràn vào đồng ruộng, cá theo dòng nước vào đồng chiêm, ở đó có nguồn thức ăn vô cùng phong phú: thóc, ngô, cây cỏ chìm dưới nước làm thức ăn cho cá nên cá trong vùng này luôn béo, chắc thịt và ngon nhất. Cá mang về rửa sạch, cắt khúc, không cạo vảy, trên mỗi miếng cá khía hai đường nhỏ để dễ việc ướp muối rồi cho vào chum đậy kín để khoảng mười ngày. Khi cá đã ngấm muối, chị Uyên thường lấy cá ra ép hết nước muối và để miếng cá ráo nước, bề mặt cá se se lại rồi rắc thính.
Tuy nhiên, để làm được mẻ thính ngon, thơm và nổi lên độ vàng tạo sức hấp dẫn cho miếng cá thì đó là cả một nghệ thuật. Thính được làm từ ngô hoặc gạo tẻ, gạo nếp, đỗ tương rang vàng cộng với lửa phải nhỏ liu riu và rang đều tay để hạt ngô vàng đều và có độ giòn thơm. Hơn nữa, thính để làm cá không không được giã thành bột mà là những hạt ngô vỡ nhỏ như hạt tấm để có thể hút cho miếng cá khô không chảy nước và không bị tanh.
Vào những ngày nắng, những người dân nơi miền sơn cước này thường trải nong ra sân và rải đều miếng cá ra phơi. Những miếng cá to được xát đầy thính bên trong và đường khía bên ngoài miếng cá đến khi nào miếng cá có màu vàng ươm là được. Sau khi được khoác trên mình những lớp thính dày, họ cẩn thận cho vào chiếc lọ sành và dưới đáy lọ không quên rắc một lớp thính. Lần lượt như vậy, từng lớp cá và thính đan xen cho đến khi gần đầy miệng lọ thì quận tròn từng cọng rơm và nhét chặt vào miệng lọ, dùng mười que nẹp tre đan chéo miệng lọ lại.
Bật mí về việc tạo độ chua cho cá, chị Trần Tố Uyên vừa nói tay cầm cái bát loa múc một bát nước lã, sau đó úp ngược lọ cá lại sao cho miệng lọ ngậm nước nhưng lớp rơm trong lọ không bị ướt. Cá thường để trong vòng khoảng 6 tháng mới ngấm thính và lên chua khi đó ăn mới ngon. Thú vui của tôi thích nhất là được ăn cá thính khi được kẹp vào thanh tre tươi nướng trên bếp than củi. Sau khi được xoay trong trên ngọn than hồng, cá vàng đều và có mùi thơm của thính. Nhẹ tay bóc lớp da cá bên trong là thịt cá màu hồng hồng lại thêm vị chua chua, bùi béo, đậm đà nơi đầu lưỡi. Dù bây giờ công nghiệp hóa, các gia đình không còn mấy ai nướng than nữa và thường cho vào chảo mỡ sôi để nhỏ lửa rán vàng. Nhưng cái vị cá ấy vẫn giữ được hương vị béo ngậy riêng khi ăn với chén cơm nóng nhất là những ngày mưa rét thì thật khó tìm nơi thành phố.
Tìm lại bản sắc
Tại một buổi hàn huyên với nhóm bạn cấp 3 mới đây, tôi vô tình được biết Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển món ăn này theo mô hình truyền thống. Nếu du khách thập phương đến Văn Quán thăm quan và được một lần thưởng thức món cá thính, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên được hương vị đặc biệt của món ăn này.
Không dừng lại ở đó, UBND xã Triệu Đề (Lập Thạch) còn phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật làm cá thính cho 20 hộ dân trên địa bàn xã. Điều này cho thấy chính quyền nơi đây đang muốn lưu truyền và phát huy giá trị truyền thống văn hóa từ xa xưa nhằm xây dựng thương hiệu đặc sản cá thính phục vụ khách thập phương trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, để tìm lại bản sắc cho phong vị xưa và đưa cá thính đến gần hơn với bạn bè quốc tế, Hội Chế biến Cá thính Lập Thạch đã phổ biến kiến thức, áp dụng một quy trình sản xuất, quảng bá giới thiệu sản phẩm và thống nhất phương pháp bảo quản, tiêu thụ cũng như đảm bảo chất lượng mặt hàng này. Bản thân các hộ dân chế biến cá thính cũng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cải tiến khâu đóng gói, giúp khách hàng thuận tiện khi mua sản phẩm mang về làm quà cho người thân cũng như bảo quản sản phẩm cá thính được lâu hơn.
Theo ông Đỗ Văn Hải, Chủ tịch Hội chế biến Cá thính Lập Thạch, những người làm nghề rất mong muốn nghề chế biến cá thính phát triển, có sức sống bền vững trên thị trường và trở thành thương hiệu riêng cho vùng quê nghèo miền trung du. Chính cái dân dã, đơn sơ và đậm đà dư vị đã làm cho những ai đã thưởng thức cá thính dù chỉ một lần sẽ nhớ mãi không quên; trong đó có tôi, một người con Vĩnh Phúc.
Những món cá đặc sản của Quảng Ngãi Bởi Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển, vì thế không có gì lạ khi nơi này có đa dạng các loại cá. Cá cơm, cá bống, cá niên, những món cá dù không phải cao lương mĩ vị, nhưng lại có một sức hút kỳ lạ, đặc biệt với những người con Quảng Ngãi xa quê. Ảnh: Instagram gom.miu.home Cá cơm Vào...