Đặc sản cá đét: A-Z “hành trình” từ biển lên bàn nhậu
Ở vùng biển Sông Cầu (Phú Yên), có một đặc sản nổi tiếng đó là cá đét. Những con cá được người dân thu mua từ lúc 2 giờ sáng khi ghe mới vào bờ. Họ xẻ cá và phơi khô dưới nắng trong 2 ngày.
Chị Lê Thị Non, thị xã Sông Cầu làm nghề chế biến cá đét khô đã 10 năm. Cứ đều đặn 2 giờ sáng chị ra bến để mua cá chở về trại làm. “Cá đét có thân dài khoảng 30 – 40 cm, gần giống cá hình nhưng nhỏ va dẹt hơn. Có lẽ vì thế nên nó được gọi là cá đét. Thịt cá ngọt lịm, giòn giòn, thơm phức. Loại cá này có nhiều nhất ở Phú Yên, nhưng nhiều nhất là ở biển thị xã Sông Cầu”.
Cá đét có thân dài khoảng 30 – 40 cm, gần giống cá hình nhưng nhỏ va dẹt hơn. (Ảnh: Dương Thanh Xuân)
Để làm khô cá đét ngon ngọt, dứt khoát phải chọn cá thật tươi. Ngoài ra còn phụ thuộc vào bí quyết ướp cá, tùy theo kinh nghiệm và thời tiết mà “độ muối”, “độ nắng” cũng thay đổi. Cá vừa mới bắt được các ngư dân làm ngay bằng cách cắt bỏ đầu, rửa sạch, xẻ đôi rồi nấu nước muối pha ít hạt nêm với độ mặn vừa phải để ngâm cá.
Video đang HOT
Cá đét đem đi phơi khô. (Ảnh: Dương Thanh Xuân)
Cá sau khi ngâm muối vớt ra để ráo tiếp tục tẩm muối ớt. Công đoạn cuối và cũng quan trọng nhất là đem phơi nắng. Cá được trải lên vỉ đặt lên giàn cao, cách mặt đất từ 1-1,5m để phơi, tránh bị dính cát. Nắng vừa đủ gắt để cá se mình, dẻo thịt, không bở mà vẫn giữ nguyên vị ngọt của cá. Cá đét khô đạt chuẩn khi lớp ngoài ráo hẳn nhưng bên trong thịt vẫn còn tươi rói. Mỗi lứa cá đét khô cần 2 nắng (phơi hai ngày) là vừa khô tới.
Theo chị Non, ngày nắng cá được phơi khô tự nhiên, nhưng nếu có mưa, người làm phải dùng củi để hong cho khô. Ảnh: Dương Thanh Xuân
Cứ 5 kg cá tươi mới làm được 1 kg cá khô. Những con to sẽ được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg, với những con nhỏ hơn sẽ có mức giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Nhiều người dân ở Phú Yên vừa cười vừa cho hay, ăn cá đét khi nhậu còn ngon hơn cả khi ăn với cơm (Ảnh: IT)
Cá đét mềm, ít xương, khi ăn ngọt thịt và có mùi nồng nồng, hăng hăng khá đặc trưng. Được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm khô cá đét được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước, từ Hà Nội cho tới TP. Hồ Chí Minh.
Theo Danviet
Thơm ngon con hến sông Ba
Hến nấu cháo, nấu riêu, nấu canh mồng tơi, rau tập tàng,... thơm sực mà nhẹ nhàng lắng đọng, không "to miếng, đắt tiền" như nhiều loài thủy sản khác.
Trong mấy ngày Tết vừa qua, sáng nào anh Phan Văn Tiến (43 tuổi, ở xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cũng xuống sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba) để cào hến. "Lạnh cắt da cắt thịt nhưng quen rồi. Một ngày đãi được 20kg hến, 5.000 đồng/kg nguyên vỏ, kiếm được 100.000 đồng" - anh nói khi đang dầm mình dưới dòng sông mờ sương.
Theo anh Tiến, nghề cào hến có thể túc tắc làm quanh năm, trừ những ngày bão lũ. Ban đầu cũng rất ngại ngâm mình dưới dòng nước buốt, lặn cào rất đau lưng, nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải cố làm. Nhà anh cũng đã có mấy thế hệ cào hến trên sông Ba. Buổi sáng ở khúc sông gần cửa Đà Diễn đổ ra biển, luôn có hàng trăm người ngâm mình cào hến. Vùng cửa sông giàu phù sa, là điều kiện lý tưởng để hến sinh sôi nảy nở dưới lớp bùn cát đáy sông. Dụng cụ bắt hến là những bàn cào nối với lồng lưới sắt mắt nhỏ để giữ hến lại; khi kéo dàn cào dưới đáy sông thì sỏi và hến sẽ bị giữ lại trong lồng lưới. Người khỏe bền sức có thể ra giữa dòng sông cào đãi, sau đó lên bờ gạt bỏ sỏi để lấy những con hến đem ra chợ bán. Cũng có người tách lấy thịt hến rồi mới giao hàng.
Nghề cào hến trên sông Ba. Ảnh: Hùng Phiên
Hến tươi đem về ngâm trong nước sạch hoặc nước vo gạo một đêm để hến nhả sạch bẩn rồi cho vào nước sôi để bung tách vỏ, lọc lấy thịt. Một thau hến to chỉ lấy được một rổ nhỏ thịt hến, ngồi chia ra từng túi nhỏ để chạy phiên chợ sáng. Chất liệu tươi ngon nên người chế biến ít cần cầu kỳ khi làm món với hến. Hến nấu cháo, nấu riêu, nấu canh mồng tơi, rau tập tàng,... thơm sực mà nhẹ nhàng lắng đọng, không "to miếng, đắt tiền" như nhiều loài thủy sản khác.
Tuy nhiên, khoái khẩu phổ biến ở Tuy Hòa là món hến xào sả ớt, xúc với bánh tráng nướng. Không nhiều nguyên liệu chen vào như món hến xào ở mấy nơi khác, hến xào sả ớt ở đây đúng như tên gọi, chủ lực chỉ là thịt hến, sả và ớt. Chỉ việc cho dầu ăn nóng lên rồi cho ớt, sả xắt mỏng, thịt hến vào trộn đều tay trên lửa lớn, nêm nếm vừa miệng, chờ hến chín săn lại, rắc thêm vài cọng rau mùi, 5 phút thế là xong! Lai rai xúc bánh tráng rồi làm tô cháo hến nóng sực, là có một bữa hến căng kềnh...
Từ chỉ dùng ăn trong gia đình, giờ các món hến đã được đưa vào thực đơn của nhiều nhà hàng ở Tuy Hòa. Nhưng có lẽ nhâm nhi món hến thú vị nhất là trên chiếc du thuyền đậu quanh quẩn bên bến Đà Rằng, gần kề nơi người ta cào hến mỗi ngày. Ông chủ đơn vị du lịch này ngó ra mặt sông bảo: Mình định lập tour ngâm mình cào hến, hổng biết liệu có... hút du khách?
Theo Danviet