Đặc sản bồn bồn rộ vụ, mỗi ngày nhà nông Cái Nước có ngay 1,5 triệu đồng
Đang mùa thu hoạch rộ, gia đình ông Võ Huy Hoàng, ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) trung bình mỗi ngày thu hoạch được khoảng 60kg bồn bồn tươi. Thương lái đến tận nhà thu mua với giá dao động từ 25.000- 35.000 đ/kg. 4 năm nay, ông Hoàng bỏ nuôi tôm chuyển sang trồng 1ha bồn bồn kết hợp nuôi cá động cho hiệu quả kinh tế cao.
Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút nước, xoa dịu cái nắng oi ả của những ngày hè, thì cũng là thời điểm thu hoạch rộ bồn bồn- một loại thực phẩm được khép vào hàng đặc sản của Cà Mau.
Mấy ngày này, đi dọc theo QL1 đoạn qua xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, chúng ta dễ dàng bắt gặp ở hai bên đường những túp lều được người dân dựng tạm để bày bán bồn bồn. Những bó bồn bồn tươi hay dưa bồn bồn trắng muốt nhìn bắt thèm.
Trồng cây bồn bồn và chế biến bồn bồn đem lại nguồn lợi kinh tết khá cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Nếu như trước đây, bồn bồn chỉ mọc dại tràn lan và chủ yếu được dùng để làm thực phẩm phục vụ cho bửa cơm gia đình, thì giờ đây cây bồn bồn mang lại giá trị kinh tế rất cao. Thêm vào đó, cây bồn bồn vốn rất dễ trồng và thích nghi với môi trường ngập mặn, đất trũng phèn như ở xã Tân Hưng Đông nên được người nơi đây trồng rất nhiều và diện tích cũng vì thế mà tăng dần qua các năm.
Đối với những hộ có đất rộng trồng bồn bồn từ 20- 30 công, cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/năm. Những hộ đất ít trồng bồn bồn cũng thu nhập trên dưới vài chục triệu đồng/năm. Hiện, trên địa bàn xã Tân Hưng Đông có 35ha diện tích đất trồng bồn bồn, trên 50 hộ làm nghề buôn bán bồn bồn.
Video đang HOT
Gia đình ông Võ Huy Hoàng (ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông) hiện có 1ha đất, trước đây, ông Hoàng dùng đất này để nuôi tôm, tuy nhiên, 4 năm nay, ông đã chuyển sang trồng bồn bồn và nuôi cá đồng. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông Hoàng thu hoạch được khoảng 60kg bồn bồn tươi. Thương lái đến tận nhà thu mua với giá dao động từ 25.000- 35.000 đ/kg. “Cây bồn bồn dễ trồng lắm, mà lại đỡ công chăm sóc. Trồng khoảng 3 tháng là bắt đầu thu hoạch được rồi. Với giá như hiện tại, sau khi trừ hết chi phí tui lời được vài triệu đồng/ha/ tháng)”- ông Hoàng vui mừng nói.
Bồn bồn tươi được chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Bà Võ Lệ Hồng (ngụ cùng ấp) cũng không dấu được niềm vui tiếp lời: “Thu nhập đều đều. Sáng thì đi nhổ sớm về chặt ra bán tươi, ngày cũng được vài trăm ngàn”. Bồn bồn tươi được dùng để xào với thịt bò, tôm, nấu canh chua…hoặc ăn kèm như một loại rau sống hay nhúng lẩu thì ngon “bá cháy”.
Ngoài bồn bồn tươi, người dân nơi đây còn đem bồn bồn đi làm dưa bằng cách ngâm bồn bồn với nước cơm vo cùng một ít muối, sau 1 tuần là dùng được. Dưa bồn bồn với vị chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn đã trở thành đặc sản của huyện Cái Nước. Giá thành của dưa bồn bồn dao động từ 40.000- 45.000 đ/kg.
Cũng vì những ưu điểm này, mấy năm gần đây, thị trường tiêu thụ bồn bồn ngày càng được mở rộng. Từ Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng cho đến TP Hồ Chí Minh, sản phẩm bồn bồn tươi, đặc biệt là dưa bồn bồn của Cái Nước được thực khách khá ưa chuộng. “Bồn bồn dưa mà chấm với nước cá kho thì ăn một lần là nhớ mãi. Bởi vậy lần này có dịp đi ngang đây nên tôi mua nhiều nhiều trữ trong tủ lạnh ăn dần”- chị Chị Lan Thương- một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh vui vẻ nói.
Bồn bồn không chỉ đem đến thu nhập cao cho người trồng, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ. “Đến mùa là mình đi thu hoạch bồn bồn thuê, mỗi ngày cũng được cả trăm ngàn”- anh Tư Lân đang vác trên vai bó bồn bồn vừa thu hoạch được phấn khởi chia sẻ. Còn vợ anh Lân thì nhận lột bồn bồn thuê, ngày cũng được vài chục ngàn.
“Tui che cái chòi, tranh thủ lột bồn bồn cho người ta, rồi cũng mua bồn bồn để bán lại kiếm thêm tiền lời. Coi vậy mà cũng đủ tiền lo cơm nước hàng ngày khỏe re đó”- chị Tư Lân tươi cười bảo. Hiện tại, diện tích bồn bồn trên địa bàn huyện Cái Nước khoảng 35ha, chủ yếu tập trung tại xã Tân Hưng Đông. Với giá trị kinh tế khá cao, vượt trội so với các loại cây trồng khác nhiều hộ dân gắn bó với cây trồng này đã vươn lên khá giả với nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng bồn bồn trên địa phận các xã dọc theo tuyến quốc lộ từ xã Tân Hưng Đông cho đến xã Phú Hưng”- ông Nguyễn Trúc Giang- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Nước cho biết.
Theo Trần Ngọc (TTMT)
Xả nước "cứu" rừng khiến hàng nghìn ha nông nghiệp bị ảnh hưởng
Việc các công ty lâm nghiệp mở cống thoát nước chống ngập úng rừng tràm trong những ngày gần đây đã khiến hàng nghìn ha nông nghiệp của tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng.
Ngày 22/6, tin từ UBND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) xác nhận, đơn vị này đã có kiến nghị đến UBND tỉnh và các ban ngành chuyên môn về một số nội dung liên quan đến vấn đề sản xuất lúa, tôm của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng do cơ quan quản lý lâm nghiệm U Minh Hạ (Cà Mau) và U Minh Thượng (Kiên Giang) đồng loạt mở cống xả nước "cứu rừng" mà không thông báo và không thực hiện đúng thời gian đã thông báo.
Theo đó, thời gian gần đây có đến hàng nghìn hecta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình bị ảnh hưởng do việc xả nước "cứu rừng" như nói trên.
Cụ thể, xã Biển Bạch Đông đã có đến khoảng 3.500 ha bị ảnh hưởng; xã Tân Bằng có hơn 3.000 ha bị ảnh hưởng...
Hàng nghìn ha đất tôm, lúa ở Cà Mau bị ảnh hưởng vì đập xả nước.
Theo báo cáo của UBND các xã nói trên, việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ chỉ thông báo thời gian xả nước bắt đầu từ ngày 7/6, nhưng lại không thông báo cụ thể thời gian đóng cống nên người dân ở các xã không chủ động được việc lấy nước phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, nguồn nước do mở cống, khui đập xả ra có màu đen, nhiễm phèn nặng gây khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, việc mở cống 12 và 13 để thoát úng mà Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) đã thông báo thì chỉ mở cống từ ngày 25/5 đến hết này 31/5, nhưng đến ngày 15/6 cả 2 cống mới được đóng.
Các địa phương nhận định, việc mở cống, xả đập dẫn đến tình trạng nước bị đen, nhiễm phèn rất ô nhiễm gây khó khăn không chỉ cho việc lấy nước vào vuông tôm phục vụ sản xuất mà còn ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người dân.
Trước vấn đề trên và để tháo gỡ khó khăn cho người dân các xã bị ảnh hưởng, UBND huyện Thới Bình đã có kiến nghị đến UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ trước khi mở cống xả nước phải có thông báo quy định cụ thể thời gian mở cống và thời gian đóng cống để người dân thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ sản xuất.
UBND huyện Thới Bình cũng kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau có văn bản kiến nghị đến Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang về việc quy định thời gian mở cống và đóng cống đúng thời gian như đã thông báo để không ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Tuấn Thanh
Theo Dantri
Năm 2050, chất thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn... cá! Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tới năm 2050, lượng chất thải nhựa trên biển sẽ vượt cả... số lượng cá. Tại tuần lễ "Biển và Hải đảo Việt Nam" năm 2017 tổ chức tại tỉnh Cà Mau ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi...