‘Đặc nhiệm tình yêu’ ở Ấn Độ
Ở Ấn Độ, tình yêu vẫn được xem là điều vô nghĩa trong những cuộc hôn nhân sắp đặt, nhưng có một nhóm người đang ra sức bảo vệ những tình cảm bị bủa vây, và họ được gọi là “đặc nhiệm tình yêu”.
Bị gia đình phản đối, Rajveer Singh và Madhuri vẫn quyết tâm bảo vệ tình yêu. Ảnh: BBC
Rajveer Singh là một chàng thanh niên đẹp trai, trẻ trung 23 tuổi. Anh có đôi mắt to, ánh nhìn tha thiết và mái tóc rủ xuống che vầng trán. Anh là một chàng trai lực lưỡng, trầm lặng và chu đáo.
Khi Rajveer mới 12 tuổi, một gia đình mới chuyển đến căn nhà ở cuối ngõ. Lần đầu tiên nhìn thấy Madhuri, lúc đó 14 tuổi, Rajveer nói rằng anh đã yêu. “Tôi tự nhủ mình rằng “đây chính là cô gái mà tôi muốn lấy làm vợ”. Cô ấy rất láu lỉnh, có một nụ cười tuyệt đẹp, và tôi biết cô ấy cũng sẽ để ý đến tôi”.
Madhuri, một cô gái nhỏ nhắn với đôi mắt sáng và nụ cười chiến thắng, cho biết cô cũng có cảm giác đó. Trong nhiều năm, khi Rajveer và Madhuri cùng nhau đi học và chia sẻ với nhau những hy vọng cao đẹp nhất hay những mối lo lắng đáng sợ nhất, họ cảm thấy thực sự thuộc về nhau.
Video đang HOT
Và bạn biết điều gì sẽ xảy ra không. Đây là Ấn Độ, nơi các bậc cha mẹ sẽ cân nhắc một đối tác hôn nhân tiềm năng chẳng khác gì cách các nhà khoa học NASA kiểm tra chiếc tàu con thoi không gian trước khi rời bệ phóng trên nhiều phương diện: đẳng cấp, màu da, lá số tử vi, chiều cao, tính cách, bằng cấp, gia đình, thói quen ăn uống. Tình yêu không phải là yếu tố để xem xét.
Vì thế mà khi Rajveer và Madhuri nói với hai bên gia đình rằng họ muốn được kết hôn, câu trả lời là “không”. Gia đình của Rajveer là Thakurs, còn gọi là địa chủ. Còn gia đình nhà Madhuri là Banias, hay là thương nhân. Hoàn toàn không tương xứng.
Nhưng đôi trai gái này đã không hề nản chí. Khi gia đình nhà Madhuri đưa cô quay trở về làng để ép cô đính hôn với một chàng trai phù hợp hơn, Rajveer đã ngấm ngầm tiến hành một kế hoạch. Anh gọi điện thoại cho các “đặc nhiệm tình yêu”.
Có thể bạn đang vẽ ra hình ảnh của họ trong đầu – họ là những người đàn ông cao lớn, hào hiệp mặc áo giáp, tay cầm kiếm và hoa hồng. Nhưng “đặc công tình yêu” thực ra là những doanh nhân và nhà báo luống tuổi, họ bắt tay vào hoạt động cách đây 10 năm để bảo vệ những người đang yêu khỏi sự quấy rối của những người theo đạo Hindu và Hồi giáo bảo thủ.
Một trong những người sáng lập ra nhóm này là Sanjoy Sachdeva – một nhà văn viết thuê với mái tóc rối, bạc trắng. “Hãy đến rạp chiếu phim Imperial. Đến một mình thôi. Một trong những đặc công của tôi sẽ gặp bạn”, ông nói với một phóng viên.
Trong một con hẻm ở Paharganj, gần ga xe lửa New Delhi nơi những khách tây ba lô nhâm nhi hỗn hợp nước ép trái cây tại các quầy hàng giá rẻ và nơi những chiếc ti vi cũ được tháo tung ra để sửa chữa ngay bên đường, Sanjoy ngồi tại một trong những chỗ trú ẩn bí mật nhất của các “Đặc nhiệm tình yêu”.
Chỗ ấy trông chẳng khác gì một gian nhà kho hẹp. Nhưng ở Ấn Độ, nơi việc yêu ai đó giống như một tuyên bố đầy khiêu khích về mặt chính trị và xã hội, một căn dù là nhà kho nhỏ nhưng an toàn có thể sẽ rất hữu ích.
Madhuri đã trốn khỏi nhà của người họ hàng trong làng để đến gặp Rajveer ở ga tàu. Cả hai biết rằng họ sẽ được bảo vệ tại nơi trú ẩn ở Delhi.
Cũng trong tối hôm đó, họ đến căn cứ của các “Đặc nhiệm tình yêu” để tìm hoa, quần áo và một số đồ trang sức đơn giản cho Madhuri. Và điều quan trọng hơn, họ tìm kiếm những nụ cười động viên và những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho họ.
Mấy tiếng sau, họ chính thức nên duyên vợ chồng.
Rajveer Singh và Madhuri chụp ảnh cùng các “đặc công tình yêu” ở New Delhi. Ảnh: BBC
Trên sách báo, chuyện tình của họ nghe có vẻ giống với thiên tình sử củaRomeo và Juliet, nhưng trên thực tế, việc giải cứu cho các đôi tình nhân rất tốn kém và khó khăn. Chỉ riêng ở Delhi thôi thì chi phí hoạt động của “Đặc công tình yêu” đã lên tới 5.000 USD mỗi tháng.
Sau khi vừa hút thuốc vừa giảng giải một hồi về tình yêu, Sanjoy ngước đôi mắt buồn rầu nói: “Chúng tôi cần có tiền. Chúng tôi chẳng còn đồng nào. Bạn bè chúng tôi cũng thế. Tôi không dám chắc chúng tôi có thể duy trì tình trạng này đến bao giờ”.
Tuy nhiên, Sanjoy và những “đặc công tình yêu” khác vẫn luôn tin rằng cách duy nhất để thay đổi xã hội hiện bị chia rẽ và phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ là thông qua những cuộc hôn nhân có tình yêu. Họ hy vọng rằng những đứa trẻ được sinh ra trong những hôn nhân như thế sẽ được tự do và bình đẳng hơn.
Nhưng con đường để hy vọng của họ trở thành hiện thực rất ghập ghềnh. Năm ngoái, sau khi cặp đôi này quay về làng gặp họ hàng, Rajveer đã bị bốn người đàn ông chĩa dao khống chế. Họ đưa anh tới một bãi đất hoang, trói và đánh anh thậm tệ rồi bỏ đi.
Ban đầu, cảnh sát không có phản ứng gì. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các đặc công, họ cuối cùng đã lập biên bản. Không có ai bị buộc tội. Madhura thì tin rằng gia đình cô có liên quan tới việc này. Cô cho biết gần đây có người ném gạch từ mái nhà xuống giường ngủ của họ, nhưng may mắn là họ đã không ở đó.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), gần 40% dân số Ấn Độ có độ tuổi dưới 18. Việc yêu một ai đó không phải chuyện dễ, nhưng ngày càng có nhiều cặp đôi đã lựa chọn tình yêu và dũng cảm đối mặt với hậu quả. Đối với những “đặc nhiệm tình yêu”, tình yêu chính là chiến đấu.
Và miễn là họ có thể cầm cự được cuộc chiến đó, họ sẽ không đầu hàng.
Theo VNExpress