Đặc nhiệm Australia ‘giết tù nhân để rèn lính mới’
Binh sĩ đặc nhiệm Australia được cho là tham gia hành quyết 39 người Afghanistan, bao gồm các vụ giết tù nhân để lính mới “quen mùi máu”.
Thẩm phán tòa án quân sự Australia Paul Brereton ngày 19/11 công bố báo cáo điều tra cho biết một số binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Không quân (SAS) và các trung đoàn biệt kích đã sát hại 39 dân Afghanistan “một cách tàn bạo” trong 23 vụ riêng biệt.
Cuộc điều tra được Brereton thực hiện trong hơn 4 năm qua, trong đó một số binh sĩ đặc nhiệm bị tố “cắt cổ” nạn nhân, bày tỏ thái độ hả hê, thực hiện hành vi “đếm xác” và đặt vũ khí cùng một số thiết bị khác lên thi thể để biện minh cho hành động của mình.
Theo báo cáo điều tra, các nạn nhân bị sát hại “không trong tình huống giao chiến”, “không tham chiến hoặc không còn là người tham chiến”. 25 người được xác định trực tiếp phạm tội hoặc có liên quan, một số đang phục vụ trong quân đội Australia.
Video đang HOT
Đặc nhiệm Australia tại Afghanistan. Ảnh: BQP Australia .
Báo cáo cho biết phần lớn nạn nhân bị sát hại đều “đã bị bắt và bị kiểm soát”, đồng nghĩa với việc họ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế về tù nhân chiến tranh.
Báo cáo điều tra cho biết một số lính mới của đội đặc nhiệm được cấp trên ra lệnh hành quyết tù nhân một cách tàn nhẫn để giúp họ “quen mùi máu” sau khi ghi nhận “chiến tích giết người đầu tiên”.
“Thông thường, chỉ huy đội tuần tra sẽ chọn một tù nhân và một lính mới, sau đó ra lệnh cho người lính này giết tù nhân”, báo cáo có đoạn. “Vũ khí, bộ đàm sau đó sẽ được đặt cạnh thi thể và một câu chuyện sẽ được bịa ra trong báo cáo tác chiến để biện minh cho hành động giết người”.
Báo cáo của Brereton cho biết khiếu nại từ dân địa phương hoặc các nhóm nhân quyền bị bác bỏ với lý do là “hoạt động tuyên truyền của Taliban” hay nhằm đòi tiền bồi thường.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gọi điện cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani để xin lỗi trước khi báo cáo điều tra được công bố.
Brereton mở cuộc điều tra với các đặc nhiệm Australia khi nhận nhiệm vụ kiểm tra hàng chục vụ án ở Afghanistan năm 2005-2016. Đội điều tra xem xét 20.000 tài liệu cùng 25.000 bức ảnh và đặt câu hỏi với 423 nhân chứng.
Brereton đề nghị truy tố hình sự và thu hồi huy chương của các binh sĩ liên quan đến hành vi sát hại 39 người Afghanistan, bồi thường lập tức cho nạn nhân và gia đình của họ, thu hồi bằng khen các đơn vị có liên quan thuộc Nhóm Tác chiến Đặc biệt.
Giới chức Australia hồi tháng 3 mở cuộc điều tra một đặc nhiệm nghi hành quyết dân thường Afghanistan, sau khi video cuộc đột kích năm 2012 được truyền thông công bố. Video cho thấy thanh niên Afghanistan ngồi dưới đất không mang vũ khí và không chống cự bị một đặc nhiệm Australia nã ba phát đạn vào người.
Australia triển khai đặc nhiệm chiến đấu cùng quân đội Mỹ và đồng minh tại Afghanistan từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Các lực lượng này rút về nước vào năm 2014.
Nhật Bản - Australia tăng cường quan hệ quốc phòng
Ngày 17/11, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và người đồng cấp Australia Scott Morrison, đang ở thăm Tokyo, đã đạt được một thỏa thuận mở rộng về hợp tác quốc phòng song phương nhằm tạo khung pháp lý để hai nước tăng cường hợp tác về an ninh, quốc phòng trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có những diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (phải) chào đón người đồng cấp Australia Scott Morrison tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo, ngày 17/11/2020. Ảnh: Kyodo
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận cơ bản về việc ký kết Thỏa thuận Tiếp cận qua lại (RAA) để thiết lập khuôn khổ pháp lý cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Australia đến thăm để đào tạo và tiến hành các hoạt động quân sự chung.
Cũng trong cuộc hội đàm, Thủ tướng chủ nhà Suga nhận định Nhật Bản và Australia là hai đối tác chiến lược đặc biệt cùng có chung lợi ích chiến lược và các giá trị quan cơ bản. Do đó, Tokyo mong muốn tăng cường liên kết với Canberra trong các vấn đề an ninh, quốc phòng và hợp tác để thực hiện chính sách hướng tới khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoài ra, hai bên cũng đã thảo luận các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Suga cho biết RAA là bước đi nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Nhật Bản và Australia trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Ông bày tỏ mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực này. Về phần mình, Thủ tướng Morrison cho biết hai bên đã đạt được đồng thuận chung về RAA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác và là bằng chứng cho việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Thỏa thuận trên là hiệp ước đầu tiên của Nhật Bản kể từ hiệp định về quy chế lực lượng năm 1960 với Mỹ, đặt cơ sở pháp lý cho khoảng 50.000 lính Mỹ hoạt động tại và xung quanh Nhật Bản theo hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Để có hiệu lực, thỏa thuận được đàm phán trong suốt 6 năm qua này phải được quốc hội hai nước phê chuẩn.
Thủ tướng Australia Morrison đang có chuyến thăm trong các ngày 17 - 18/11 tới Nhật Bản. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ nước ngoài tới Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Suga lên cầm quyền từ ngày 16/9.
Mục đích chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Australia Ngày 17/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản 2 ngày theo lời mời của người đồng cấp Suga Yoshihide nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đến sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản ngày 17/11, bắt đầu chuyến thăm 2 ngày...