Đã tính toán kỹ việc “Tăng tuổi làm, giảm lương hưu”?
“ Việc thực hiện lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian làm việc của người lao động đã tính tới yếu tố về sức khỏe, khả năng làm việc và giảm thiểu tác động đối với thị trường lao động, cơ hội việc làm của người lao động trẻ”.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã Hội (Bộ LĐTB&XH) đã khẳng định như vậy khi trao đổi TS về dự thảo luật BHXH sửa đổi sắp trình Quốc hội xung quanh việc tăng tuổi nghỉ hưu và thay đổi cách tính BHXH.
Bà Trần Thị Thúy Nga
Luật BHXH sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 5 này, từ năm 2015, lương hưu của khu vực nhà nước sẽ lấy mức bình quân đóng BHXH của cả quá trình đóng, thay vì 10 năm cuối cùng của quãng đời làm việc như hiện nay, bà có thể cho biết xuất phát từ đâu mà có đề xuất này?
Cùng với lộ trình về cải cách chính sách tiền lương, sửa đổi quy định về mức tiền lương làm căn cứ tính đóng và hưởng BHXH, quy định trên nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng trong thực hiện chính sách BHXH, đảm bảo khả năng cân đối quỹ BHXH theo đúng nội dung đã được nêu tại các Nghị quyết của Trung ương.
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào cuối tháng 5 tới đây, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/7/2015 trở đi (thời điểm dự kiến Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành) thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân tiền lương tháng của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Theo quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH phải có đủ 20 năm trở lên, nên người sớm nhất thuộc khu vực Nhà nước nghỉ hưu từ tháng 8/2035 mới áp dụng quy định này.
Đối với những người thuộc khu vực Nhà nước đang tham gia BHXH trước thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH như quy định của Luật BHXH hiện hành.
Theo dự thảo, tuổi nghỉ hưu tăng lên, nhiều người lo lắng tỷ lệ lao động trẻ ra trường sẽ thêm khó có cơ hội tìm được việc làm, trong khi càng về gia khả năng lao động và sáng tạo không thể bắt kịp với lớp trẻ nếu như phải kéo dài tuổi nghỉ hưu?
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bắt đầu từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Như vậy, với lộ trình trên thì phải sau 15 năm, từ 2031 trở đi đối với khu vực hành chính sự nghiệp và từ 2035 trở đi đối với khu vực doanh nghiệp mới bắt đầu có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
Việc thực hiện lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian làm việc nêu trên đã tính tới yếu tố về sức khỏe, khả năng làm việc của người lao động và giảm thiểu tác động đối với thị trường lao động, cơ hội việc làm của người lao động trẻ.
Nhưng nếu nâng tuổi nghỉ hưu nhiều người cho rằng do về hưu quá già nên khi được về hưu thì ốm đau thường xuyên, trong khi lương thấp sẽ không đủ lo trang trải cho cuộc sống, thậm chí có người chưa nghỉ hưu đã chết. Vậy khi xây dựng dự thảo có tính đến thực tế này không?
Video đang HOT
Theo số liệu của Tổng cục Dân số thì tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 73 tuổi.
Như đã nói ở trên, việc thực hiện lộ trình tăng tuổi, kéo dài thời gian làm việc của người lao động là đã tính tới yếu tố về sức khỏe, điều kiện lao động, khả năng làm việc của người lao động.
Nếu như năm 1960 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ là 40 tuổi thì đến năm 2010 tuổi thọ của người Việt Nam đã là 73 tuổi, trong khi đó sau hơn 50 năm kể từ Điều lệ tạm thời về BHXH năm 1961 cho đến nay thì quy định về tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam là không thay đổi (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ).
Cũng theo số liệu từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 thì số năm trung bình còn sống được của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm.
Luật Người cao tuổi Việt Nam đã quy định: người đủ 60 tuổi-là người cao tuổi (được nghỉ ngơi). Thế mà dự thảo BHXH tuổi nghỉ hưu lại là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Như vậy, bắt buộc cả người cao tuổi thông thường phải làm việc là không đúng, thiếu nhân văn. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?.
Theo tôi, Luật BHXH chỉ quy định điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Thực tế theo quy định hiện nay, nhiều người lao động đã làm việc sau tuổi 60 như các nhà khoa học, những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Gần đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 cho phép giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ có thể làm việc tiếp từ 5 đến 10 năm sau tuổi 60.
(Ảnh minh họa)
Một độc giả phản ánh đến TS như sau: Tôi 56 tuổi là cán bộ khối hành chính sự nghiệp hoàn toàn không tán thành với nội dung tăng tuổi nghỉ hưu. Lý do kéo dài tuổi nghỉ hưu vì lo sợ vỡ quỹ BHXH là bất hợp lý. Bà đánh giá như thế nào về ý kiến của độc giả này?.
Đúng là nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH đang là thách thức đặt ra yêu cầu cần có những cải cách trong hệ thống chính sách BHXH hiện hành.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có đề xuất kéo dài thời gian đóng BHXH đối với người lao động, tuy nhiên đây chỉ là một trong các giải pháp nhằm tiến tới đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng góp phần cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.
Ngoài ra, cùng với đó là các giải pháp về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nâng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo tiền lương thực tế, thay đổi công thức tính lương hưu, hạn chế đối tượng nghỉ hưu trước tuổi quy định,… cũng được quy định trong Luật BHXH (sửa đổi).
Có như vậy mới vừa đảm bảo được cân đối quỹ BHXH, vừa đảm bảo thực hiện an sinh xã hội cho người lao động trong tương lai.
Nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH xuất phát từ quan hệ đóng- hưởng trong chính sách BHXH chưa đảm bảo, mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng, cùng với đó là do tác động của già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh ở Việt Nam.
Hiện nay có nhiều DN nợ BHXH, trốn BHXH, đối với những đơn vị này BHXH đã có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
Để khắc phục thực trạng trên, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH thì BHXH Việt Nam cần chỉ đạo BHXH các địa phương báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình nợ BHXH với UBND, với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, khởi kiện các đơn vị nợ đóng; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý số lao động trong các doanh nghiệp.
Nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH trong đó nâng mức xử phạt vi phạm, nâng mức lãi suất chậm đóng BHXH, đề xuất đưa vào Bộ Luật Hình sự tội danh trốn đóng BHXH để có cơ sở xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm luật về BHXH.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để làm căn cứ cho các ngân hàng thương mại thực hiện và chỉ đạo để thực hiện một cách nghiêm túc…
Xin cám ơn bà!
Theo Vietbao
Công chức già cắp ô đi, người trẻ canh cửa...ngồi chờ
Xung quanh thông tin "Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên, lương hưu sẽ giảm xuống", hầu hết ý kiến độc giả đều cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu thì cơ hội nào cho thế hệ trẻ có năng lực, nhiệt huyết, sức khỏe...cống hiến?.
Rào cản cho người trẻ
Tuổi nghỉ hưu liên quan mật thiết đến hiện trạng việc làm của xã hội. Theo ý kiến nhiều bạn đọc, nếu lực lượng lao động trên 60 tuổi vẫn làm việc thì người đến độ tuổi lao động sẽ không có việc làm. Đó là một hệ quả khó thể chối cãi. Thực tế hiện nay người ở độ tuổi lao động thất nghiệp khá cao sẽ phải giải quyết như thế nào?
"Tuổi trẻ sẽ mất cơ hội cống hiến", đó là khẳng định của độc giả Hoài An. Bạn đọc này phân tích: "Nhiều sinh viên đại học, trên đại học tốt nghiệp từ trong và ngoài nước nếu có tâm nguyện về nước làm việc nhưng sẽ không có nhiều cơ hội bởi biên chế nhà nước có hạn.
Mất cơ hội là đẩy những thành phần này vào cho các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Khoa học càng ngày càng tiến bộ, phải cập nhật kiến thức mới, bắt nhịp cùng với các cường quốc trên thế giới và khu vực. Lớp tuổi trên 60 có thể làm được chuyện này chăng?".
Chi trả lương hưu tại Bưu điện văn hóa xã Bình Tận, TP. Tân An, Long An (Ảnh minh họa: Lao động)
Độc giả Lê Xuân Hoàn cũng đồng tình: "Nếu làm bài toán so sánh một người nghỉ hưu sẽ mang lại cơ hội cho 02 sinh viên mới tốt nghiệp có việc làm (tính một chuyên viên nghỉ hưu lương 4,98 mà chuyên viên mới ra trường lương khởi điểm 2,34). Tình hình đất nước hiện nay sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đi gõ cửa khắp nơi chỉ được trả lời là "không có chỉ tiêu biên chế"".
Trong khi đó, nhiều độc giả ở độ tuổi trung niên đã bày tỏ sự mỏi mệt khi nếu phải tăng tuổi hưu.
Độc giả ở email: landao...@yahoo.com.vn chia sẻ: "Tôi là giáo viên năm nay 53 tuổi sức khỏe giảm sút. Mắt mờ, chân đau sau 30 năm đứng lớp, nếu chờ 60 tuổi mới được nghỉ hưu thì không biết có đủ sức khỏe mà công tác nữa không?"
"Người già không nắm bắt CNTT bằng thanh niên và sức khỏe càng ngày càng yếu đi. Đơn cử trong cơ quan của tôi, nhiều ông chưa quá 50 đã rệu rã vì rượu bia... Nhiều anh nhiều chị trốn công việc đi tập vật lý trị liệu, khám bệnh và đương nhiên công việc chuyên môn bị đình trệ", bạn đọc Nguyễn Thị Trúc Đoàn khẳng định.
Ở một góc độ khác, bạn đọc Nguyễn Nguyên cho rằng: "Ban dự thảo luật BHXH đã bỏ qua một quy trình rất quan trọng - đó là điều tra XHH về tình trạng sức khoẻ người trên 60 tuổi.
Hãy lấy số liệu từ ngành Y tế 10 năm nay, số người trên 60 chiếm tỷ lệ mắc bệnh và chữa bệnh vào hàng cao nhất. Ở tuổi này, một loạt bệnh xuất hiện như tiểu đường, gút, máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, rối loạn tim mạch, loãng xương, thoái hoá sống lưng, sống cổ...vì vậy ở độ tuổi này phải để cho người lao động đi chữa bệnh và hồi sức chứ không thể buộc phải làm việc tiếp".
"Tôi 50 tuổi, cũng là nữ viên chức đang làm công tác văn phòng. Ở độ tuổi này cho dù tôi vẫn đang được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ, thế nhưng tự sâu thẳm của riêng mình tôi vẫn cảm nhận được sự chồn chân, mỏi gối.
Tuổi tác đã xuất hiện trong tôi sự bằng lòng với hiện tại. Bản thân tôi cảm thấy mình nên rút lui ở tuổi 55 theo quy định để nhường chỗ cho thế hệ trẻ", độc giả Phan Thị Kim Dung chia sẻ trên báo Tuổi trẻ từ chính kinh nghiệm của bản thân.
Cùng chung suy nghĩ, một giáo viên khác cho biết: "Tôi công tác hơn 37 năm, chỉ mong ngày về hưu để được an dưỡng và nhường chỗ cho lớp trẻ. Ở lại, mỗi tháng công việc phù hợp, nhẹ nhàng mà lương tháng chục triệu, nhiều người mơ cũng chẳng có. Song 40 năm công tác là quá đủ rồi, giờ thì mắt mờ, nói trước quên sau trình độ lại không cập nhật như lớp trẻ".
Email lebichlan...@gmail.com, được gửi từ một giáo viên vùng cao, chị nói: "Những giáo viên vùng cao như chúng tôi đến tuổi này không thể leo núi đến lớp được nữa, bây giờ tôi mới có 45 tuổi mà đã muốn về hưu lắm rồi".
Quy định tuổi hưu nên linh hoạt
Bên cạnh những ý kiến phản đối, một bộ phận không nhỏ độc giả cũng đồng tình với ý kiến "Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên, lương hưu sẽ giảm xuống". Đa số đều đồng tình với lập luận: "Tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hợp lý, phù hợp với cách mà các nước trên thế giới họ đã làm".
Email: dinhhoang...@yahoo.com nhấn mạnh: "Kinh tế - xã hội phát triển, sức khỏe, tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao thì việc tăng tuổi làm việc là tất yếu, nếu không quỹ BHXH sẽ gặp khó. Tuổi thọ trung bình người Việt Nam hiện đã quá 71 tuổi (so với năm 1988 là 65 tuổi) thì tuổi lao động cũng phải tăng lên tương ứng".
Cùng vấn đề trên, độc giả Cao Minh lại cho rằng: "Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhà khoa học đã có công trình ứng dụng vào thực tế hoặc ít nhất đã được tạp chí Khoa học Thế giới đăng tin. Còn các vị làm quản lý chung thì nên cho nghỉ hưu sớm để không làm kìm hãm sự năng động phát triển của giới trẻ".
Một độc giả khác cũng nêu quan điểm: "Nên có trần tuổi nghỉ hưu chung cho cả nam và nữ, tiếp theo đó là xem xét vai trò, vị trí của việc làm, ngành nghề độc hại và xem xét tính tự nguyện của người lao động.
Ví dụ nếu có tăng tuổi nghỉ hưu thì tăng đối với nhà nghiên cứu khoa học. Những người công nhân lao động trực tiếp môi trường độc hại, lao động vất vả muốn nghỉ hưu sớm thì có thể giải quyết theo nguyện vọng của họ."
Nhiều độc giả khác cũng hiến kế để vấn đề tuổi hưu, lương hưu được giải quyết một cách linh hoạt: "Theo tôi nên giảm tuổi nghỉ hưu đối với những cán bộ không hoàn thành tốt nhiệm vụ, năng lực hạn chế, sức khỏe yếu..." và "Theo tôi cứ 62 tuổi nghỉ hưu thì cũng được. Nhưng mấy sếp đang giữ chức vụ thì hãy chuyển chức vụ ấy sang người khác, lui về làm cố vấn và nhường cơ hội cho lớp sau....".
Những ý kiến này đều nhận được sự đồng thuận của nhiều người.
L.Lam
Theo_VietNamNet
Cho ý kiến sửa đổi quy định lấy phiếu tín nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tiếp tục phiên họp thứ 27, tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đáng chú ý, tuần...