Đã tìm ra nguyên nhân cua Cà Mau chết bất thường trên diện rộng nhưng nông dân vẫn bó tay
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, qua kết quả kiểm tra, phân tích mẫu, bước đầu đã tìm ra nguyên nhân gây ra cua chết bất thường.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả.
Liên quan đến việc cua Cà Mau lại chết bất thường trên diện rộng, ngày 25/3, tin từ Sở NNPTNT tỉnh cho biết, qua kết quả kiểm tra, phân tích mẫu trên tôm, cua tại các hộ dân, bước đầu đã tìm ra nguyên nhân gây ra cua chết bất thường.
Theo báo cáo của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, cua bệnh chết nhiều trong giai đoạn hiện nay là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỷ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua.
Bên cạnh đó, vi khuẩn V. parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao>1.000 CFU/ml/(gram) là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.
Trước đó, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp khảo sát tình hình nuôi cua, tôm tại 5 huyện với 24 xã và trực tiếp thu mẫu tại 21 hộ trên địa bàn tỉnh.
Cua chết bất thường trên diện rộng tại gia đình ông Trương Thanh Nhân (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vào năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Ảnh: CTV.
Theo đó, mức độ thiệt hại đến thời điểm này tại huyện Đầm Dơi vào khoảng 16.606 ha/9.983 hộ, mức độ thiệt hại từ 10-70%; huyện Năm Căn khoảng 13.128 ha/4.386 hộ, mức độ thiệt hại 30-100%; huyện Cái Nước có mức độ thiệt hại khoảng 165,6ha/104 hộ, với 2 xã là Đông Thới, tỷ lệ thiệt hại từ 20-30%, xã Trần Thới 80-100%; huyện Ngọc Hiển có khoảng 200 ha, ở 2 xã là Viên An Đông và Tân Ân Tây, mức độ thiệt hại 50-100%.
Riêng tại huyện Thới Bình thì theo khảo sát điều tra thực tế tại 8 hộ tại các xã Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc Bắc, Tân Bằng, Biển Bạch và Biển Bạch Đông nhận thấy: Tình hình cua, tôm nuôi tại Thới Bình có dấu hiệu chết rải rác. Trên cua không phát hiện ký sinh trùng giáp xác chân tơ.
Video đang HOT
Trong thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, có những vùng thiếu nguồn nước cấp như: Thới Bình, U Minh, ảnh hưởng lớn đến môi trường nuôi tôm, cua và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho người nuôi tôm, cua.
Cua chết vẫn do nguyên nhân là ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành. Ảnh: CTV.
Trước tình hình trên, Sở NNPTNT Cà Mau khuyến cáo người dân nuôi tôm, cua cần theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để phối hợp với các cơ quan chuyên môn nhằm kịp thời xử lý khắc phục giảm thiệt hại trong thời gian tới. Bởi hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.
Đáng lưu ý, theo kết quả phân tích, xét nghiệm của Viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, về tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng giáp xác chân tơ trên cua thì nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đối với bệnh này.
Do đó, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau đã đưa ra hướng dẫn cho người nuôi cần nắm, chủ động thực hiện các giải pháp trước mắt.
Mẫu cua bị đen mang (trái) và cua bị ốp (phải) do ký sinh trùng. Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau cung cấp năm 2021.
Cụ thể, người dân cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh hiện nay; không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi; sau khi cải tạo ao nuôi, người dân cần chọn con giống khỏe mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn trước khi thả nuôi.
Ngành chuyên môn cũng lưu ý, nông dân nên thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm tôm, cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi, đặc biệt làm tăng chi phí sản xuất.
Khi phát hiện cua chết nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi nóng hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh; thường xuyên theo dõi, quan sát thủy sản nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc chết cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản hoặc thú y để phối hợp xử lý…
Sở NNPTNT Cà Mau đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu phối hợp với đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời hướng dẫn khắc phục ổn định sản xuất.
Đồng thời, UBND tỉnh cần xem xét cấp kinh phí nghiên cứu các giải pháp phòng, trị bệnh do ký sinh trùng (giáp xác chân tơ) gây ra trên cua nhằm giúp người dân nuôi cua giảm thiệt hại; đề xuất Bộ NNPTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu để sớm đưa ra giải pháp xử lý dịch bệnh trên cua hiện nay.
Tại sao cua Cà Mau lại chết bất thường trên diện rộng, có vuông thiệt hại toàn bộ?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, xác định nguyên nhân cua nuôi trên địa bàn bị chết bất thường.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, xác định nguyên nhân cua nuôi trên địa bàn bị chết bất thường.
Theo đó, tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển xảy ra tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm chết bất thường với mức độ thiệt hại từ 30 - 100%.
Theo phản ánh của nông dân, khi đang phát triển và bắt đầu cho thu hoạch thì tình trạng cua chết xảy ra liên tiếp hai con nước gần đây. Cua khi bắt lên khoảng 20 phút thì chết, nên thương lái không thu mua.
Ông Trần Văn Tuyên (ngụ xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), cho biết: "Hiện tượng cua chết bất thường xuất hiện thường xuyên thời gian gần đây. Cua chết dưới vuông cũng có, mà vừa bắt lên khỏi bờ rồi chết cũng có. Gia đình tôi thả khoảng 10.000 con cua giống, nay khi đến kỳ thu hoạch thì lượng cua chết khoảng 70%".
"Con cua chết có vỏ bị mỏng, mềm và thịt không chắc. Số cua còn lại không chết thì cũng bị ốp, chỉ bán được cua xô giá rẻ", ông Tuyên chia sẻ.
Cua chết bất thường trên diện rộng tại gia đình ông Trương Thanh Nhân (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vào năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các địa phương trên và các sở, ngành, đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết.
Nếu cua chết do nguyên nhân tương tự những năm trước đây, Sở NNPTNT phải đưa ra biện pháp, hướng dẫn nhân dân khắc phục triệt để, tránh tình trạng cua chết lặp lại hàng năm; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đồng thời, rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện).
Trước đó, vào năm 2021, cua biển ở các huyện trên cũng bị chết bất thường, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Hiện tượng cua Cà Mau chết bất thường trên diện rộng từng xảy ra vào năm 2021. Ảnh: CTV.
Theo một số nông dân ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, không chỉ diễn ra tình trạng con cua khỏe mạnh bị chết sau khi bắt lên mà hiện tượng cua chết tấp vào mé bờ cũng xảy ra. Đặc biệt, những con cua còn sống chất lượng thịt cũng không bình thường.
Sau khi lấy mẫu, ngành chức năng tỉnh xác định các mẫu cua chết tại các huyện do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina.sp.
Lào Cai: Trồng thử nghiệm giống sâm có nguồn gen đặc biệt quý hiếm, có nhiều hoạt chất như sâm Ngọc Linh Hội Nông dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vừa hỗ trợ trồng thử nghiệm mô hình cây sâm Lai Châu cho hội viên tại phường Sa Pả. Hội Nông dân thị xã Sa Pa vừa hỗ trợ trồng thử nghiệm mô hình cây sâm Lai Châu Ông Nguyên Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho biết,...