Đà tăng giá dầu tuần này được xây dựng trên “nền móng rung lắc”
Giá dầu sắp khép lại một tuần tăng thứ 2 liên tiếp, nhưng đà tăng có thể sẽ không kéo dài khi dịch Covid-19 đang gia tăng chóng mặt ở Mỹ và Châu Âu.
Giá dầu thô thế giới mở cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 13/11 giảm do lo ngại kinh tế thế giới hồi phục chậm kéo nhu cầu nhiên liệu yếu đi giữa bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh. Mặc dù vậy, với những phiên đầu tuần tăng giá mạnh, thị trường dầu chuẩn bị khép lại một tuần hồi phục thứ hai liên tiếp.
Lúc 03h14 GMT ngày 13/11, dầu Brent giảm 75 US cent (1,7%) xuống 42,78 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 89 US cent (2,2%) xuống 40,23 USD/thùng.
Song tính chung cả tuần, hai loại dầu đều có mức tăng khoảng 8%.
Thành quả đó có được là 3 phiên liên giá tăng mạnh liên tiếp bởi kỳ vọng vào một loại vắc-xin chống Covid-19 hiệu quả có thể được ra mắt vào cuối năm nay.
Tin vui này đến đúng lúc OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ, giúp cho đà tăng giá dầu kéo dài 2 tuần liên tiếp. Có thông tin cho biết cả Saudi Arabia và Nga đều muốn kéo dài hơn nữa thời hạn bắt đầu tăng sản lượng dầu (hiện đang dự kiến là thêm 2 triệu thùng/ngày dự kiến từ 1/1/2021), có thể là thêm 3 đến 6 tháng.
Video đang HOT
Nhưng hy vọng về vắc-xin có vẻ quá sớm. Và việc OPEC kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng có lẽ cũng không đủ để ngăn chặn tình trạng dư cung dầu mỏ, nhất là khi Libya tái gia nhập thị trường.
Các nước sản xuất dầu chủ chốt và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều tiếp tục bi quan về triển vọng thị trường dầu mỏ, khi đồng loạt hạ mức dự báo về nhu cầu, với lý do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở Châu Âu và Mỹ, một lần nữa làm u ám bức tranh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.
IEA hôm 12/11 dự báo nhu cầu dầu mỏ năm nay sẽ giảm 8,8 triệu thùng so với năm ngoái, cao hơn mức giảm 8,4 triệu thùng dự báo cách đây một tháng. Cơ quan này bi quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ 6 tháng cuối năm 2020 kéo dài cho tới quý I/2021.
Theo IEA, vắc-xin sẽ không có khả năng đẩy nhu cầu tăng đáng kể cho đến năm 2021, nhưng nâng dự báo nhu cầu năm 2021 sẽ tăng 5,8 triệu thùng/ngày, cao hơn 300.000 thùng/ngay so với dự báo tháng trước, mặc dù kết quả tổng nhu cầu vẫn chưa trở về mức trước khi xảy ra đại dịch.
Thông tin sơ bộ về vắc-xin tiềm năng có hiệu quả cao do Pfizer và BioNTech phát triển đã đẩy giá dầu Brent lên trên 45 USD/thùng vào đầu tuần này, cao nhất trong vòng hơn 2 tháng, khi nhà đầu tư đặt cược là vắc-xin đó sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế và du lịch sớm hồi phục.
Nhưng đang xuất hiện làn sóng phong tỏa lần 2 chống Covid-19 trên khắp Châu Âu, và nguy cơ Mỹ cũng áp dụng tương tự. Điều này có thể cản trở sự hồi phục kinh tế của những thị trường này, khiến nhu cầu dầu mỏ giảm trở lại.
Nhà phân tích Koichi Murakami thuộc công ty Daiichi Commodities Co Ltd. cho rằng: “Giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực trong tuần tới nếu đại dịch tiếp tục lây lan với tốc độ cao như hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới”.
Sau những giây phút vui mừng ngắn ngủi, các nhà đầu tư đều nhận ra rằng từ nay đến lúc bất cứ một vắc-xin nào phát huy hiệu quả ngăn chặn đại dịch còn cần rất nhiều thời gian.
“Theo quan điểm của chúng tôi, giá dầu đang tận hưởng chặng cuối cùng của đợt tăng giá nhờ thông tin về vắc-xin. Thực tại với những yếu tố cơ bản đầy bi quan đang nhấn chìm dầu mỏ”, chuyên gia Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy viết trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình vào ngày 11/11. Theo ông: “Nhu cầu sẽ không tăng nhanh chỉ vì thông tin về kết quả thử nghiệm tích cực của vắc- xin, mà phải là bởi việc phong tỏa giúp các chính phủ thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19″.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 11/11 cũng cho rằng nhu cầu trong lĩnh vực vận tải của Mỹ dự kiến sẽ yếu, kết hợp với việc Châu Âu tái phong tỏa sẽ là lực cản mạnh đối với dầu thô. “Đà hồi phục nhu cầu dầu thô sẽ gặp vật cản lớn, và tình trạng giao thông đi lại trì trệ với nhu cầu nhiên liệu dùng trong lĩnh vực công nghiệp yếu dự báo sẽ còn kéo dài cho đến giữa năm 2021″, OPEC nhận định.
Theo tổ chức này, nhu cầu dầu thế giới năm nay sẽ giảm khoảng 9,8 triệu thùng/ngày, sau đó tăng 6,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2021, tức là đã hạ mức dự báo so với tháng trước.
Giá dầu hôm nay 13/11 duy trì đà tăng
Giá dầu hôm nay 13/11 duy trì đà tăng trước thông tin tích cực từ OPEC .
Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở ngưỡng 41,12 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 43,28 USD/thùng.
Giá dầu giữ vững đà tăng trước hy vọng về việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đồng minh (OPEC ) sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng nguồn cung trên thị trường.
Cuộc họp của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC dự kiến diễn ra vào cuối tháng này sẽ quyết định xem có nên trì hoãn việc nới lỏng cắt giảm theo kế hoạch hay không.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Algeria mới đây cho biết, OPEC có thể gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện tại là 7,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021 hoặc cắt giảm sâu hơn nữa nếu cần thiết.
Theo giới phân tích, triển vọng phục hồi nhu cầu yếu đã gây áp lực lên OPEC , để kìm hãm mức tăng nguồn cung lên 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2021, với việc thị trường hiện đang trì hoãn định giá.
Được biết, cả hai hợp đồng dầu Brent và WTI đều đã tăng vọt trong tuần này, do hy vọng rằng đại dịch Covid-19 có thể được kiểm soát sau khi dữ liệu thử nghiệm ban đầu cho thấy một loại vaccine đang được phát triển bởi Pfizer Inc và BioNTech của Đức có hiệu quả lên tới 90%.
David Lennox, một nhà phân tích tài nguyên tại Fat Prophets cho biết: "Nếu vaccine Covid-19 được đưa ra sử dụng sớm trên toàn cầu như Pfizer đã đề xuất, thì chúng tôi tin rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng lên và dầu thô sẽ được giao dịch với mức giá cao hơn hiện tại. Và đây cũng là sự kiện lớn nhất đột phá sự phục hồi cho thị trường dầu mỏ".
Thị trường ngày 30/10: Giá dầu tiếp tục lao dốc, vàng sụt mạnh xuống thấp nhất 1 tháng Dịch Covid-19 diễn biến xấu đi gây áp lực giảm giá cho thị trường hàng hóa toàn cầu. Thế giới đã trải qua ngày có số ca nhiễm Covid-19 tăng nhiều nhất từ trước tới nay. Pháp và Đức bắt đầu áp dụng phong tỏa trở lại. Nhu cầu hàng hóa có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng. Dầu mất thêm 4% do...