Đà phục hồi ‘chệch hướng’ do biến thể Delta
Tại thời điểm cuối tháng 5/2021, khi số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ giảm xuống còn khoảng 22.000 và tỷ lệ người dân được tiêm chủng tăng mạnh, ngành du lịch và giải trí của quốc gia này dường như đang phục hồi mạnh mẽ.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi đó, các nhà kinh tế đã ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng trưởng gần 10% trong quý II/2021 và sẽ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ cho đến năm 2022. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi biến thể Delta lây lan tại Mỹ.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến cuối tháng 8/2021, hơn 92% các hạt ở Mỹ trở thành “khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao”, trong khi 4,16% hạt khác được xếp vào diện “có tỷ lệ lây nhiễm đáng kể”. Trên toàn nước Mỹ, số ca tử vong do COVID-19 hiện hơn 1.100 ca mỗi ngày, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2021 và số ca nhiễm mới mỗi ngày trung bình là hơn 152.000 ca, tương đương với mức cuối tháng 1/2021. Tính đến đầu tuần này, số người nhập viện do COVID-19 là khoảng 85.000 người, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2021. Dự báo từ nay đến đầu tháng 12, sẽ có thêm gần 100.000 ca tử vong tại Mỹ do COVID-19.
Trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta lần này, số ca bệnh đã tăng lên trên phạm vi toàn nước Mỹ. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) đã chật kín những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng, cao hơn cả thời kỳ đỉnh dịch trước đây. Chẳng hạn, bộ phận ICU tại Bệnh viện Phoebe Putney Memorial ở bang Georgia có chỗ cho 38 bệnh nhân nặng và thông thường, mỗi ngày bình thường chỉ có hai hoặc ba bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, ngày 25/8, bộ phận này đã phải tiếp nhận 50 bệnh nhân COVID-19 nặng và khoảng một nửa trong số này phải sử dụng máy thở.
Tại New Mexico, ngày 25/8, giới chức y tế đã cảnh báo rằng bang này chỉ còn cầm cự được khoảng một tuần nữa do số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã tăng hơn 20% chỉ trong một ngày. Trong khi đó, tại bang Idaho, giới chức bang đã kêu gọi người dân tình nguyện giúp duy trì hoạt động của các cơ sở y tế. Có ít nhất 6 bang khác, gồm Arkansas, Florida, Louisiana, Hawaii, Mississippi và Oregon, số bệnh nhân nhập viện đã lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, số ca nhập viện do COVID-19 đang tăng cao tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Texas và Kentucky. Đến nay, bang Texas có gần 47% dân số được tiêm chủng đầy đủ, dưới mức trung bình toàn nước Mỹ là gần 52%. Thống đốc Greg Abbott, người theo đảng Cộng hòa, đã cấm các cơ quan và trường học ra quy định bắt buộc nhân viên và học sinh đeo khẩu trang và tiêm vaccine. Trong khi đó, ở bang Kentucky, chưa đầy 48% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Các quan chức y tế công cộng cho rằng sự chậm trễ này là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm của bang. Các biện pháp kiểm soát lây lan dịch COVID-19 do Thống đốc Andy Beshear của đảng Dân chủ ban hành đã hết hạn vào tháng 6/2021 và cơ quan lập pháp bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đã ngăn ông ban hành các quy định mới về việc bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đáng chú ý, trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta hiện nay, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh cũng ở mức cao. Theo giới chức y tế bang Tennesee, tại thời điểm ngày 25/8, có đến 36% số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại bang này là trẻ em. Chỉ trong vòng một tuần, tiểu bang này đã có 14.000 ca bệnh nhi, tăng 57% so với tuần trước đó.
Tại bang South Carolina, các học sinh phải đeo khẩu trang trên xe buýt, bắt đầu từ ngày 30/8, do số ca mắc COVID-19 ở trẻ em và học sinh đang tăng nhanh. Có tới gần 30% trường hợp mắc mới ở bang này trong hai tuần qua là ở những người từ 20 tuổi trở xuống. Theo các quan chức bang, cùng thời điểm năm 2020 chỉ có khoảng 17% các ca nhiễm bệnh là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Video đang HOT
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Coral Gables, gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trao đổi với phóng viên TTXVN về thời điểm nước Mỹ sẽ kiểm soát được biến thể Delta, Tiến sỹ Chris Dickey – Giáo sư chuyên ngành Y tế toàn cầu, Đại học New York, cho rằng việc ước tính thời điểm có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường tại Mỹ là điều không dễ dàng. Biến thể Delta đã lập đỉnh rất cao ở Anh và Ấn Độ và sau đó suy giảm tương đối mạnh. Tiến sỹ Chris Dickey nhận định “điều này cũng có thể xảy ra ở Mỹ và chúng ta sẽ ghi nhận một số hoạt động trở lại bình thường vào khoảng giữa tháng 10/2021″.
Tại thành phố New York, nơi từng là tâm dịch của nước Mỹ trước đây, tỷ lệ nhiễm biến thể Delta có thể đã vượt qua thời kỳ đỉnh điểm trong làn sóng lây nhiễm lần này. Biến thể Delta đã lây lan mạnh trên toàn thành phố, hiện chiếm 97% tổng số mẫu dương tính được xét nghiệm.
Tuy nhiên, trong vòng hai tuần gần đây, tốc độ lây nhiễm tại New York đã giảm, là một dấu hiệu cho thấy tình hình có thể đang được cải thiện. Tỷ lệ nhập viện đã giảm 14% so với thời điểm tháng trước, cho thấy các khu vực ở New York có thể đã vượt qua đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm lần này. Mặc dù cả 5 quận của thành phố New York vẫn được CDC coi là các “khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao”, song dữ liệu của CDC cho thấy tỷ lệ nhập viện ở tất cả các quận đều giảm mạnh.
Đánh giá tác động của biến thể Delta đối với các doanh nghiệp và cộng đồng tại New York trong thời gian qua, Tiến sỹ Chris Dickey cho biết đến nay nhiều cơ sở kinh doanh trong nhà đã yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang trở lại theo quy định của chính quyền bang New York, bất kể đã tiêm chủng đầy đủ hay chưa. Người dân thành phố New York cũng có ý thức đeo khẩu trang nhiều hơn khi ra ngoài đường, ngay cả tại các không gian mở như Công viên Trung tâm. Các nhà hàng cũng kiểm tra cẩn thận hơn về tình trạng tiêm vaccine của khách hàng thông qua ứng dụng Excelsior Pass trên điện thoại. Các trường thuộc hệ thống công lập, trong đó có Đại học New York đã yêu cầu học sinh, sinh viên đeo khẩu trang tại các lớp học.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Biến thể Delta đã tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế Mỹ. Theo một số báo cáo được công bố tháng trước, người tiêu dùng hiện có xu hướng cắt giảm một số khoản chi tiêu giải trí và các doanh nghiệp trì hoãn việc quay trở lại hoạt động bình thường.
Trong lĩnh vực hàng không, số lượng khách di chuyển qua các trạm kiểm soát an ninh sân bay đã bắt đầu xu hướng giảm trở lại. Theo số liệu của Cơ quan Quản lý an ninh vận tải, ngày 24/8, có 1,47 triệu người Mỹ di chuyển bằng máy bay, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Số lượng hành khách trung bình trong 7 ngày đã giảm xuống còn khoảng 1,76 triệu hành khách mỗi ngày tại thời điểm cuối tháng 8/2021 so với mức 2,05 triệu hành khách một tháng trước đó. Mặc dù điều này phần nào là do đến nay đã hết thời kỳ nghỉ Hè, song các hãng hàng không cũng cho rằng biến thể Delta là một nguyên nhân quan trọng.
Trong lĩnh vực nhà hàng và ẩm thực, theo số liệu của công ty xử lý đặt chỗ trực tuyến OpenTable, trong những tuần gần đây, số lượng khách đi ăn tại các nhà hàng tại Mỹ đã giảm khoảng 10% – 11% so với cùng kỳ năm 2019, sau khi thu hẹp khoảng cách xuống chỉ còn 5% – 6% vào cuối tháng 7/2021. Các chuyên gia nhận định sự lo ngại về biến thể Delta và các yêu cầu chống dịch bắt buộc của các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Theo STR, công ty chuyên theo dõi dữ liệu kinh doanh khách sạn, mặc dù ngành du lịch đã giúp thúc đẩy một số điểm thu hút khách nổi tiếng trong mùa Hè năm nay, nhưng công suất sử dụng phòng khách sạn đã giảm trong 4 tuần liên tiếp. Trong khi đó, giá cho thuê phòng trung bình cũng đã giảm liên tục trong 3 tuần gần đây. Trong số 25 địa điểm thu hút khách lớn của Mỹ, không có địa điểm nào ghi nhận công suất thuê phòng tăng trong thời gian qua so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thuê phòng giảm hơn 40% ở thành phố San Francisco, là mức giảm lớn nhất trên toàn nước Mỹ.
Đối với thị trường lao động, mặc dù nhiều nhà tuyển dụng vẫn đang gặp khó khăn để tìm đủ nhân sự cho các vị trí trong doanh nghiệp, tuy nhiên đã có một vài dấu hiệu cho thấy nhu cầu tuyển lao động đang giảm dần trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành tại Mỹ. Trang mạng tuyển dụng nhân sự Indeed.com đã ghi nhận sự sụt giảm số bài đăng tuyển dụng đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên với khách hàng như văn phòng nha khoa và chăm sóc trẻ em.
Một chỉ số khác cũng đang cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại là tỷ lệ sử dụng văn phòng, trong đó kế hoạch của các công ty lớn ở Mỹ đưa nhân viên trở lại làm việc tại văn phòng đã không diễn ra như dự kiến. Theo số liệu của hãng Kastle Systems, tại thời điểm ngày 18/8, công suất sử dụng văn phòng trung bình tại 10 trong số các khu kinh doanh lớn nhất nước Mỹ đã giảm xuống 31,3% so với thời kỳ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến ngành bất động sản mà còn ảnh hưởng đến một loạt các doanh nghiệp phụ thuộc vào văn phòng, như tiệm giặt là và nhà hàng, qua đó ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của các thành phố.
Theo Tiến sỹ Chris Dickey, việc người dân tham gia một số hoạt động giải trí thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn. Những người không tiêm chủng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì công việc ở một số ngành nghề nhất định. Ông nhấn mạnh “điều này có nghĩa là tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ thời gian tới cũng sẽ tăng lên, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đưa cuộc sống trở lại bình thường”. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng các khu vực khác nhau sẽ trải qua quá trình phục hồi khác nhau, trong đó tình hình tại một số khu vực sẽ được cải thiện nhanh hơn những khu vực khác.
Thế giới ghi nhận 216, 4 triệu ca mắc, 4,5 triệu ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h (giờ Việt Nam) ngày 28/8, thế giới đã ghi nhận 216.412.473 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.502.904 ca tử vong.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 193.408.016 bệnh nhân bình phục và vẫn còn 18.501.553 bệnh nhân đang phải điều trị.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 39.540.401 ca mắc và 653.405 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.652.754 ca mắc và 437.501 ca tử vong; Brazil với 20.703.906 ca mắc và 578.396 ca tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca mới và tử vong do COVID-19 vẫn ở mức cao trong 24 giờ qua, đặc biệt Philippines ghi nhận số ca mới cao nhất lần thứ 3 trong 9 ngày qua, với 19.441 ca mới và 167 ca tử vong; Malaysia với 22.597 ca mới và 252 ca tử vong; Indonesia 10.050 ca mới và 591 ca tử vong; Thái Lan có thêm 17.984 ca mới và 292 ca tử vong, Lào 115 ca mới.
Tại Lào, các cơ sở điều trị đang được mở rộng để đảm bảo ứng phó đầy đủ với số ca mắc mới ngày càng tăng. Nước này hiện có 20 bệnh viện và 22 bệnh viện dã chiến để phục vụ việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, khoảng 3.000 nhân viên y tế dịch tễ và nhân viên dự phòng cùng tình nguyện viên đang tích cực tham gia điều trị cho người mắc COVID-19 trên cả nước.
Còn tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ lớn thứ 2 ở vùng đô thị Manila cho đến ngày 7/9. Mặc dù một số cơ sở kinh doanh có thể hoạt động tới 50% công suất, song hoạt động ăn uống bên trong nhà hàng, dịch vụ chăm sóc cá nhân và mọi hoạt động tôn giáo vẫn bị cấm tại vùng đô thị Manila, hiện là tâm dịch với số ca mắc chiếm 1/3 và số ca tử vong chiếm 1/4 trong tổng số ca. Ngoài ra, 9 tỉnh và 6 thành phố khác của Philippines vốn đang đương đầu với số ca mắc gia tăng cũng được áp đặt các biện pháp hạn chế cấp độ lớn thứ 2 này. Hiện Chính phủ Philippines đặt kỳ vọng phục hồi kinh tế vào chương trình tiêm chủng quốc gia vốn được triển khai từ tháng 3. Cho đến nay, Philippines đảm bảo có được 194,89 triệu liều vaccine, đủ để tiêm cho khoảng 100,5 triệu người (hơn 100% số người trưởng thành của nước này). Gần 49 triệu liều đã được giao trong khi 42 triệu liều khác sẽ đến trong vòng 1 tháng.
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ ngày 28/8 ghi nhận 46.759 ca mới trong 24 giờ qua. Đây là mức cao nhất trong gần 2 tháng, trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh tại bang miền Nam Kerala, nơi chiếm khoảng 2/3 số ca nhiễm của cả nước.
Trước đó, ngày 27/8, Ấn Độ đã lập kỷ lục tiêm 10,2 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1. Kỷ lục tiêm chủng trước đó của Ấn Độ là 8,8 triệu mũi ghi nhận ngày 21/6. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay nhưng mới chỉ khoảng 15% được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Ấn Độ hiện phê chuẩn 3 loại vaccine gồm Covishield của AstraZeneca-Oxford, Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ) và Sputnik V của Nga.
Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ, có thêm 4.191 ca mới và 120 ca tử vong, nâng tổng số ca lên 1.148.572 ca và 25.535 ca tử vong.
Trong khi đó, bang New South Wales (NSW) của Australia vẫn đang phải chứng kiến số ca mới không ngừng tăng, với mức kỷ lục là 1.035 ca vào ngày 28/8. Như vậy, bang NSW với hơn 9 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số Australia, đã ghi nhận hơn 18.000 ca COVID-19 tại địa phương, phần lớn được báo cáo trong đợt bùng phát mới nhất bắt đầu từ ngày 16/6. Trong khi khu vực Tây Nam và Tây Sydney là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dịch bệnh hiện đã lan về các vùng nông thôn rộng lớn ở NSW và tấn công các địa phương lân cận bao gồm Vùng lãnh thổ Thủ đô (ACT), bang Victoria và cả nước New Zealand, gây ra các ổ dịch lớn đang ngày càng lan rộng.
Một số chuyên gia cho rằng số ca cao ở bang NSW là do việc áp dụng quá chậm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, bên cạnh những thách thức mà biến thể Delta gây ra.
Theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature mới đây cho thấy người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus khoảng gần 2 ngày trước khi có triệu chứng. Đây được xem làm một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây. Sự lây nhiễm tiền triệu chứng là một đặc điểm của các biến thể trước đó khi nghiên cứu trên cho thấy khoảng cách từ lúc có kết quả dương tính tới lúc xuất hiện các triệu chứng là 0,8 ngày. Tuy nhiên, với biến thể Delta, khoảng thời gian này là 1,8 ngày. Do đó, gần 3/4 số ca nhiễm biến thể Delta xảy ra trong giai đoạn tiền triệu chứng.
Giám đốc y tế của Lực lượng chống dịch COVID-19 của DispatchHealth, một dịch vụ chăm sóc y tế theo yêu cầu, Stefen Ammon cho rằng "biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn một phần là bởi những người mắc bệnh mang và làm bắn ra nhiều virus hơn so với các chủng trước đó". Theo chuyên gia này, trong khi các chủng virus trước đó có khả năng lây nhiễm giống như cảm lạnh thông thường thì biến thể Delta có mức độ lây nhiễm còn hơn cả cúm mùa, bệnh bại liệt, đậu mùa, Ebola, cúm gia cầm và có mức độ lây nhiễm tương đương bệnh thủy đậu.
Do mức độ lây nhiễm cao nên biến thể Delta đã trở thành biến thể lây lan chính trên thế giới hiện nay. Số người nhiễm biến thể này cũng chiếm hơn 90% số ca bệnh tại Mỹ. Trong khi vaccine vẫn có hiệu quả cao để ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 thì các nghiên cứu cho thấy những người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus, còn gọi là "các ca lây nhiễm đột phá", có thể có tải lượng virus cao ngang với những người chưa tiêm vaccine, điều đó tức là họ vẫn có thể lây lan dịch bệnh. Dù vậy, những nghiên cứu gần đây vẫn cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với sức khỏe cá nhân và hạn chế sự lây nhiễm.
Dịch COVID-19 ngày 27/8: Số ca mắc tăng mạnh trở lại ở Mỹ và Ấn Độ Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h (giờ Việt Nam) ngày 27/8, thế giới đã ghi nhận trên 215,82 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 4,5 triệu ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 192,97 triệu bệnh nhân bình phục và vẫn còn trên 18,32 triệu người đang phải điều trị. Nhân viên y tế chăm...