Đà Nẵng: Nước lũ bủa vây, hàng ngàn hộ dân bị cô lập
Mưa lớn những ngày qua khiến nước sông dâng cao, nhấn chìm nhiều địa phương ở Đà Nẵng. Nhiều nơi người dân bị cô lập, thiếu đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt.
Theo ghi nhận của PV ngày 16/12, mưa lớn khiến nhiều nơi trên địa bàn TP Đà Nẵng (Đà Nẵng) bị ngập nặng. Các khu vực trũng thấp, ven sông như xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phước (huyện Hòa Vang); Hòa Xuân, Hòa Thọ (Quận Cẩm Lệ)… ngập sâu từ 0,5m trở lên.
Nhà dân, các công trình đang thi công, cánh đồng rau sạch… tất cả đều chìm trong biển nước. Nhiều thôn, xã bị cô lập 3 ngày nay, không có đồ ăn, không có phương tiện để di chuyển ra ngoài.
Bà Nguyễn Thị Mai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết, lũ lụt hầu như năm nào cũng xảy ra nhưng năm nay xảy ra muộn, nước lũ rút chậm nên gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là việc dự trữ lương thực.
“Mọi năm nước rút nhanh, năm nay rút chậm quá nên chúng tôi không kịp chuẩn bị lương thực. Mình thì sao cũng được, nhưng khổ bọn trẻ con nó không có gì ăn. Không có đồ ăn đã đành, muốn ra ngoài mua đồ ăn cũng không có cái gì để mà đi”, bà Mai chia sẻ.
Mưa lũ khiến nhiều nơi ở Đà Nẵng bị nhấn chìm trong biển nước.
Tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tuyến đường ADB 5 và đường ĐH409 đã bị tê liệt vì lũ tràn qua, gây cô lập nhiều thôn. Một người dân ở thôn Lệ Sơn 2 bị té ngã gãy chân phải đưa đến trạm y tế cấp cứu.
Nước lũ cũng khiến hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang bị ngập trong biển nước. Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường cho các em học sinh nghỉ học, chờ nước rút để đảm bảo an toàn.
Tại thôn Tây An (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), tuyến đường chính dẫn vào thôn đã bị ngập sâu hơn 1m. Nhiều nhà dân bị ngập và phải di chuyển đồ đạc đến công trình Đài phát sóng An Hải.
Khu vực tổ 40 và 40C, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, nước lũ tràn vào nhiều nhà. Nhiều gia đình phải đóng cửa đi di tản hoặc cố gắng kê cao đồ đạc để tránh bị lũ làm hư hại.
Video đang HOT
Nhiều hộ dân phải di chuyển đồ và di dời lên khu vực cao hơn để đảm bảo an toàn.
Hiện nay, mưa lớn vẫn đang diễn ra trên diện rộng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Nếu nước trên sông tiếp tục dâng cao, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành sơ tán dân tại các khu vực ngập nặng trong đêm nay và sáng mai .
Thượng tá Nguyễn Văn Tăng, trưởng Công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện như ca nô, xuồng máy để đưa người dân lên vị trí cao hơn nếu tình hình mưa lũ diễn biến xấu”.
Với tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp như hiện nay, BCH PCTT & TKCN TP Đà Nẵng lưu ý người dân hạn chế lưu thông hoặc đi qua các khu vực nước lũ chảy xiết, chảy mạnh với độ sâu từ 0.3m trở lên, các khu vực vùng núi cần đề phòng với nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất!
Trong khi đó, từ 12 giờ ngày 15/12 đến 10 giờ sáng nay (16/12), do lưu lượng chảy về các hồ thủy điện quá lớn, các hồ thủy điện ở Đà Nẵng đã phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập, chính vì thế, lũ ở những vụ hạ du thêm phần lớn hơn.
Thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 (3 trong 4 hồ thủy điện lớn nhất trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn) phải để lũ về hồ chảy qua tràn với lưu lượng xả bằng lưu lượng lũ về hồ. Lưu lượng xả của hồ thủy điện Sông Tranh 2 là từ 2.300-2.900m3/s, của hồ Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 là từ 1.100-1.700m3/s.
Đến 14 giờ ngày 16/12, lũ về hồ thủy điện Sông Tranh 2 giảm xuống khoảng 2.300m3/s, hồ Sông Bung 4 chỉ còn 587m3/s… Dự kiến, lũ lớn còn đổ về, các thủy điện sẽ còn tiếp tục xả tràn, ảnh hưởng đến các địa phương của thành phố Đà Nẵng đến trưa mai (17/12).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên từ nay đến hết ngày 17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa trên 150mm. Riêng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-300mm. Từ ngày 18/12, vùng mưa vừa, mưa to có xu hướng thu hẹp và còn duy trì ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ.
Theo Triệu Quang – Phạm Hoa (Dân Việt)
Cầu trôi, 1 xã hơn 1.400 người bị cô lập
Chiều tối 2/11, ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư huyện ủy A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết cầu A Sáp thuộc xã Đông Sơn đã bị cuốn trôi do mưa lũ lớn ở thượng nguồn, gây cô lập hoàn toàn xã Đông Sơn với hơn 1.400 người.
Tại cây cầu A Sáp này vào năm 2009 đã bị đứt 2 đầu cầu, huyện phải sắp rọ đá lát ván để bà con đi lại, nay do nước lớn quá đã cuốn đi hết cả cây cầu. Hiện toàn xã Đông Sơn không giao thông với bên ngoài được đang bị cô lập.
Theo Bí thư Hồ Xuân Trăng, do lường trước tình hình nên trước khi mưa lũ đợt này, lãnh đạo huyện đã về xã này cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con. Công tác chuẩn bị ở trong xã được thực hiện tốt nên nếu khoảng 4 ngày trở lại thì tình hình bà con vẫn sẽ ổn. Hiện nguồn điện tại đây vẫn không bị gián đoạn do rút kinh nghiệm làm các chân mố, cột điện... xa vùng nước.
Đầu đường dẫn đến cầu A Sáp
Đoạn giữa cầu A Sáp dẫn vào xã Đông Sơn bị trôi hoàn toàn, làm cả xã với hơn 1.400 người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc bị cô lập hoàn toàn
"Tuy nhiên, nếu quá 4 ngày nước lũ vẫn không rút thì huyện sẽ dự tính khắc phục đường quốc phòng từ xã Hương Phong qua xã Đông Sơn để tiếp tế lương thực cho bà con. Hiện ở xã này có 345 hộ với trên 1.400 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Paco" - ông Trăng trao đổi.
Cùng với cầu A Sáp còn có 2 cầu khác bị trôi một phần và sạt lở nặng đó là cầu tràn Hồng Kim qua sông Tà Rình bị cuốn trôi một nửa và cầu Khe Chai - xã Đông Sơn bị sạt lở hai bên mố cầu. Do xã Hồng Kim có đường vòng nên bà con trong xã không bị cô lập.
Cầu tràn Hồng Kim qua sông Tà Rình bị cuốn trôi một nửa
Trong huyện này, 10 hộ dân tại thôn A Đớt và thôn Chi Lanh - A Ro thuộc xã A Đớt bị ngập đã được tiến hành di dời; 1 hộ dân ở xã A Roàng bị sập nhà do sạt lở đất; 1 người bị thương ở xã Hồng Thái do di chuyển đồ đạt. Riêng ở xã Hương Lâm bị ngập cục bộ tại thôn Ba Lạch và thôn A So 2, đã tiến hành di dời 3 hộ dân.
Ngập lụt các tuyến đường liên thôn
Ngập lụt các hộ dân ở xã A Đớt
Đường Hồ Chí Minh qua A Lưới bị sạt lở tại Km314 400 (khu vực đèo Pê Ke xã Hồng Thủy) với khối lượng đất đá chừng 3.000m3, ô tô các loại ùn ứ khoảng 15 chiếc. Một đoạn từ xã A Roàng đi đồn biên phòng Hương Nguyên bị sạt lở ở Km 378, hiện Hạt quản lý đường bộ A Lưới đang tiến hành thông tuyến.
Riêng tuyến Quốc lộ 49A qua A Lưới cũng bị sạt lở trên 10 điểm, trong đó có 3 điểm sạt lở nặng tại Km55, Km92 - hiện Hạt Quản lý đường bộ A Lưới đã thông tuyến.
Sạt lở nặng lấp đường QL49 đi Huế - A Lưới.
Xe đặc dụng tiến hành thông đường
Một phần đường của tuyến Quốc lộ 49A đã được thông trong chiều nay (2/11)
Thủy điện A Roàng bị sạt lở đất, ngập vào tầng 1 nhà máy phải dừng phát điện vào lúc 4h sáng ngày 2/11. Các chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đến xử lý sạt lở, may mắn việc sạt lở không ảnh hưởng đến dân cư vùng hạ du. Hiện thủy điện này đang xả 3 trên 4 cửa tràn.
Thủy điện A Lưới xả nước qua nước bạn Lào, hiện đã xả được 3 đợt. Đợt 3 mới nhất vào sáng 2/11 có lưu lượng xả 800m3/s, dự kiến tăng dần đến 1.200m3/s. Nguồn điện toàn huyện miền núi A Lưới hiện đang ổn định.
Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao nên từ 1h ngày 30/10 đến 13h ngày 2/11 ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa đến mưa to và dông, lượng mưa phổ biển từ 400-600mm, một số nơi mưa rất to như trạm Thượng Nhật (sông Tả Trạch) 672mm, trạm Bạch Mã 936mm, trạm Tà Lương (A Lưới, thượng nguồn sông Bồ) 422mm, trạm A Lưới 403mm. Dự báo từ chiều 2/11 đến ngày 4/11 trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi. Trong đợt này hồ thủy điện Hương Điền đã chứa được 100 triệu m3, hồ thủy điện Tả Trạch và Bình Điền đã chứa được 170 triệu m3 góp phần cắt, giảm lũ cho vùng hạ du.
Đại Dương
Theo Dantri
Nữ sinh Anh bị trường cô lập vì đi giày có nơ Nữ sinh 12 tuổi ở trường học Anh bị đưa vào phòng cách ly vì vi phạm quy định đồng phục. Bố em cho rằng việc trừng phạt một cô bé đi giày có nơ là vô lý. Chris Hale, ông bố người Anh nói rằng con gái 12 tuổi tên Chloe bị trường cô lập vì đôi giày mới có đính nơ....