Đà Nẵng: Người dân không cho phun thuốc diệt muỗi vì ngại ảnh hưởng sức khoẻ
Hiện đang cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết nhưng một số hộ dân không hợp tác với đơn vị chức năng trong việc phun thuốc diệt muỗi do hộ gia đình buôn bán, hoặc ngại việc phun thuốc ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong khi nếu không phun hết (90% hộ gia đình) ở một ổ dịch nhỏ phát sinh thì hiệu quả phòng chống dịch không cao.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 10/10, BS. CK I Nguyễn Thanh Lãm – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng đã chia sẻ khó khăn trên trong việc phun hoá chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn hiện nay.
BS Lãm khẳng định, người dân yên tâm, không lo ngại việc phun hoá chất phòng chống dịch bệnh SXH do các hoá chất được các đội y tế dự phòng ở các quận, huyện sử dụng nằm trong nhóm hoá chất đã được Bộ Y tế phê duyệt và cho phép sử dụng. Các hoá chất này tuỳ liều lượng có thể xua đuổi hoặc diệt muỗi, gián; ảnh hưởng rất thấp đến một số gia cầm, gia súc nhạy cảm, ví dụ như chim cảnh, cá nuôi bể…, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Phun hoá chất là việc làm thường quy ngay khi phát hiện ổ dịch nhỏ (phát hiện có từ 1-2 ca bệnh). Các cán bộ y tế cũng đã được tập huấn chuyên môn, quy trình thực hiện phun hoá chất phòng chống dịch bệnh kỹ lưỡng.
Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng khẳng định việc phun thuốc phòng dịch bệnh SXH do đơn vị chức năng thực hiện đúng quy trình, hoá chất sử dụng không ảnh hưởng đến con người và môi trường
Video đang HOT
Ngoài ra, nếu người dân tự chủ mua thuốc phun diệt muỗi, côn trùng…, cần lưu ý các cơ sở bán thuốc, đơn vị thực hiện phun thuốc của tư nhân đã đăng ký với Sở Y tế, Sở Kế hoạch – Đầu tư hay chưa; cũng như tham khảo quy trình phun thuốc an toàn (đậy thức ăn, thức uống, cần thiết di dời chim, cá cảnh; người trong nhà ra khỏi nhà trước khi phun thuốc, đóng kín cửa sau khi phun thuốc khoảng 30 phút sau mới mở cửa cho thoáng khí và vào nhà)
Thông tin tình hình dịch bệnh SXH, đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng TP Đà Nẵng cho biết: Tình hình chung, cả nước hiện nay ghi nhận 68513 ca bệnh; trong đó, có 11 ca tử vong do SXH (9 ca ở miền Nam, 2 ca ở Khánh Hoà, Bình Định thuộc miền Trung). Riêng ở Đà Nẵng, từ đầu năm đến thời điểm hiện tại (10/10) đã ghi nhận 2510 ca, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước (5318 ca), không có ca tử vong.
Hiện nay đang cao điểm mùa truyền bệnh SXH. Mỗi tuần trên địa bàn thành phố phát sinh từ 10 – 15 ổ dịch nhỏ; nguồn lây từ du khách, các khu nhà trọ công nhân, sinh viên, hoặc các bãi đất trống của các khu dự án đang quy hoạch cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ổ dịch.
Theo tìm hiểu của PV, có hiện tượng một số người dân có tâm lý e ngại việc phun hoá chất phòng chống dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ là do thông tin từ vụ hai mẹ con du khách cùng một trẻ nhỏ của gia đình khác tử vong cùng thời điểm khi cùng lưu trú ở một khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà, Đà Nẵng hồi giữa tháng 9 vừa qua. Thông tin liên quan vụ việc cho biết, ở thời điểm xảy ra vụ việc, tại khách sạn có một số phòng đóng cửa, thông báo đang phun thuốc diệt muỗi, côn trùng.
Tuy nhiên, cho đến nay (10/10), không có một thông tin nào từ cơ quan chức năng (vụ việc đang được Công an TP Đà Nẵng điều tra, làm rõ) kết luận nguyên nhân các trường hợp tử vong trên liên quan đến việc phun thuốc diệt muỗi, côn trùng ở khách sạn.
Khánh Hiền
Theo Dân trí
Bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Đồng Nai
Những năm qua, Đồng Nai luôn là điểm nóng của cả nước về bệnh sốt xuất huyết.
Trong 9 tháng của năm 2018, sốt xuất huyêt tiếp tục bùng phát tại địa phương này với hàng ngàn ca mắc, 2 trường hợp đã tử vong. Hiện đang là cao điểm của mùa mưa, trong khi địa phương này có hàng trăm ngàn công nhân lao động đang sinh sống trong các khu nhà trọ ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh. Nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát thành dịch trên địa bàn rất lớn.
Bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Đồng Nai.
Những ngày này, gia đình chị Niệm Thùy Trang, ngụ ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai phải thường xuyên dọn dẹp nơi ở, vứt bỏ những vật dụng phế thải quanh nhà để hạn chế muỗi phát sinh. Bởi chỉ trong 10 ngày qua, tại dãy trọ chị ở đã có 3 người mắc sốt xuất huyết, có cả người lớn và trẻ em.
Còn tại hộ bà Trần Thị Nhuận, khu phố 4B, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chỉ trong 1 tuần đã có 2 người phải nhập viện do sốt xuất huyết. Lo ngại cho sức khỏe của các thành viên còn lại trong gia đình, cả nhà bà Nhuận đã thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh như dọn vườn, đổ vật dụng tồn động nước mưa, nơi phát sinh lăng quăng, bọ gậy.
Thời gian qua, ngành y tế Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đối với các khu nhà trọ, do phần lớn công nhân ban ngày phải đóng cửa đi làm nên việc phun xịt hóa chất gặp khó khăn.Tỉnh đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân.
Ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết: "Chúng tôi đã thành lập một đội ngũ công tác viên phòng chống sốt xuất huyết, khoảng hơn 4.000 người và giao cho mỗi cộng tác viên sẽ phụ trách một số hộ gia đình. Nhiệm vụ của cộng tác viên là đi đến thăm các gia đình trong địa bàn mình phụ trách, xem có những vật chứa, những vị trí mà lăng quăng phát triển và hướng dẫn người dân dọn dẹp".
Để đề phòng bệnh sốt xuất bùng phát thành dịch, ngoài nỗ lực của cơ quan y tế cũng như các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chung tay dọn dẹp vệ sinh khu dân cư sạch sẽ, thông thoáng, phát quang bụi rậm. Đặc biệt là không vứt rác bừa bãi, lật úp dụng cụ đựng nước khi không sử dụng để phòng ngừa muỗi phát sinh.
Theo vov.vn
Bộ Y tế họp khẩn cảnh báo 3 bệnh gặp nhiều nhất trong mùa đông xuân Tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đều đang tiếp tục gia tăng và sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 11. Bộ Y tế nhận định định mùa đông xuân năm nay đây vẫn là 3 bệnh chủ đạo, trong đó đặc biệt chú ý bệnh tay chân miệng với số ca nhiễm vi rút EV71 gia tăng, biểu hiện nặng...