Đà Nẵng: Giải tỏa hoang mang, lo sợ cho doanh nghiệp trước dịch COVID-19
Ngày 17/2, UBND TP Đà Nẵng ban hành văn bản về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).
Tại Đà Nẵng, mặc dù đến nay chưa có trường hợp nào dương tính với COVID-19 nhưng bị ảnh hưởng lớn nhất, dễ thấy nhất bởi tác động của dịch bệnh này là các doanh nghiệp (DN) trong ngành kinh tế mũi nhọn của TP – du lịch dịch vụ. Cập nhật của ngành chức năng đến ngày 10/2 cho thấy, ước thiệt hại của các DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển du lịch khoảng 674 tỷ đồng. Trong đó khối lữ hành, vận chuyển khoảng 285 tỷ đồng, khối lưu trú khoảng 389 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp ngành du lịch phát khẩu trang y tế phòng dịch COVID-19 cho du khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng
Ngày 12/2, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch TP, tại đây, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ là “rất lớn, trước mắt chưa thể đánh giá bằng con số cụ thể được”.
Trong khi đó, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, cùng với các DN ngành vận tải, lữ hành, ăn uống, lưu trú… thì các DN có hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất từ Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Theo ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, những tác động này đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện rõ, nhất là với các địa phương có cơ cấu kinh tế và lao động nằm trong các ngành kinh tế bị ảnh hưởng.
Tiêu thụ, sản xuất giảm mạnh
“Tâm lý hoang mang, lo sợ cũng là yếu tố làm cho tiêu thụ và sản xuất giảm mạnh hơn là nó vốn có. Nếu dịch cứ tiếp tục kéo dài và không có giải pháp hiệu quả khắc phục tâm lý này cũng như hỗ trợ các DN khó khăn thì sắp đến, DN có nguy cơ ngừng sản xuất tràn lan, thậm chí có nguy cơ phá sản trên diện rộng!” – Ông Hà Đức Hùng nói.
Video đang HOT
Để khắc phục tâm lý hoang mang, lo sợ này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã kiến nghị lãnh đạo chính quyền TP chỉ đạo Sở Y tế thường xuyên cập nhật về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông chính thống cho cộng đồng và các DN được biết. Đồng thời, ban hành các quy chuẩn phòng tránh dịch bệnh chung cho DN thực hiện
Ông Cao Trí Dũng cũng kiến nghị: “Lãnh đạo chính quyền TP cần chỉ đạo sát sao các ngành liên quan, báo chí và truyền thông đưa tin chính xác, không đặt tiêu đề câu views, tránh làm cho độc giả và người dân hiểu lầm. Có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp đưa tin không chính xác trên báo chí chí cũng như trên mạng xã hội để đảm bảo sự ổn định của môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương”.
Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch và Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng đề nghị chính quyền TP xem xét một số vấn đề cụ thể như giảm tiền thuê đất, giảm chi phí quảng cáo…; đồng thời đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất; giãn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội… để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng nặng vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.
UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN
Trước những kiến nghị này, UBND TP Đà Nẵng giao Sở KH&ĐT phối hợp với BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng chủ động liên hệ với các DN trên địa bàn để động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật để giúp các DN nhanh chóng thực hiện dự án, phục vụ tăng cường kinh tế của địa phương và của quốc gia.
UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Bộ KH&ĐT khảo sát nhanh các DN trong một số ngành, lĩnh vực sản xuất để đánh giá tác động; đề xuất Chính phủ các hành động hỗ trợ DN nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp tăng trưởng kinh tế xã hội. Đồng thời tổng hợp, báo cáo UBND TP kịp thời gửi về Bộ KH&ĐT các vấn đề phát sinh liên quan đến DN để phối hợp các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Sở Công thương, Cục Hải quan Đà Nẵng được giao phối hợp với các sở, ngành có biện pháp hỗ trợ DN trong xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng. Công an Đà Nẵng cũng được đề nghị phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoài… nhập cảnh để sớm triển khai công việc sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, Sở TT&TT được yêu cầu tăng cường tuyên truyền thông tin tới các DN và người lao động trên địa bàn về tình hình diễn biến dịch bệnh, các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và địa phương để DN và người lao động yên tâm, ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời có các biện pháp hiệu quả nhằm tuyên truyền, vận động các cấp chính quyền, đối tác Việt Nam, mọi người dân và người lao động chia sẻ, hỗ trợ, tương thân tương ái với các nhà đầu tư, chuyên gia, người nước ngoài đang làm việc trong các DN tại địa phương.
Theo Hải Châu/Infonet
Đà Nẵng lên tiếng vụ một phụ nữ từ Trung Quốc trở về "lọt cửa" giám sát y tế
Chiều tối 16/2, Sở Y tế Đà Nẵng đã chính thức thông tin về vụ một phụ nữ Quảng Nam từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) trở về Việt Nam được cho là "lọt cửa" giám sát y tế tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Chiều tối 16/2, Sở Y tế Đà Nẵng đã có thông tin chính thức về việc một phụ nữ quê ở Quảng Nam từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) trở về Việt Nam ngày 9/2 nhưng đã "lọt cửa" giám sát y tế tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Kiểm tra thân nhiệt đối với khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng (Ảnh: Vân Vũ)
Vụ việc khiến Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (COVID-19) Quảng Nam ngày 12/2 phải có văn bản 25/CV-BCĐ gửi Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng đề nghị tăng cường chỉ đạo kiểm soát người nhập cảnh từ vùng có dịch về Việt Nam.
Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin về việc bà T.T.T.L (sinh năm 1992, ở xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) từ Tứ Xuyên - Trung Quốc nhập cảnh vào TP Đà Nẵng nhưng không được giám sát y tế tại sân bay Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng đã lập tức triển khai công tác giám sát.
Cụ thể là khẩn trương ghi nhận thông tin về người nhập cảnh, quá trình nhập cảnh, lưu trú và di chuyển từ khi nhập cảnh vào TP Đà Nẵng. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng kiểm tra lại thông tin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Qua đó cho thấy, bà T.T.T.L. từ sân bay Thành Đô (Trung Quốc) sang Thái Lan và từ Thái Lan nhập cảnh vào Việt Nam. Khi qua cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng thì bà L. và các hành khách cùng chuyến bay không có dấu hiệu sốt hoặc những triệu chứng hô hấp khác và không thuộc diện phải khai báo y tế (chỉ áp dụng đối với các chuyến bay trực tiếp đến từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Ma Cau, Đài Loan).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, đồng thời liên lạc trực tiếp với bà T.T.T.L. để xác nhận tình trạng sức khỏe từ khi nhập cảnh vào TP Đà Nẵng đến nay. Kết quả, sức khỏe của bà chưa có biểu hiện bất thường.
Sau khi ghi nhận đầy đủ các thông tin, Sở Y tế Đà Nẵng nhận định đây là trường hợp người Việt Nam từ Tứ Xuyên - Trung Quốc trở về (có quá cảnh qua Thái Lan) nhưng chưa có biểu hiện sức khỏe bất thường, chưa nghi ngờ nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 thì chưa cần giám sát những người có tiếp xúc gần với bà T.T.T.L kể từ khi bà nhập cảnh vào TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho những người đang ở tại Đà Nẵng có tiếp xúc gần với bà L., Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với Trung tâm Y tế các quận ghi nhận tất cả những người đang ở tại Đà Nẵng có tiếp xúc gần với bà L. (bao gồm những người ở chung cơ sở lưu trú và cùng đi chung trên chuyến xe từ Đà Nẵng về xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Tiến hành liên lạc với những người tiếp xúc gần với bà L. như nêu trên để giải thích, tư vấn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm giúp họ an tâm, không hoang mang, lo lắng; đồng thời biết cách tự theo dõi sức khỏe cá nhân hàng ngày, khi cần thì liên hệ với các cơ quan y tế.
"Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm của bà T.T.T.L., Sở Y tế nhận thấy bà L. được lấy mẫu xét nghiệm sau khi đã tiếp xúc với những người hiện đang ở tại TP Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ÂM TÍNH với chủng mới của virus Corona, chứng tỏ trong quá trình tiếp xúc, bà L. không có bệnh để lây cho những người này.
Vì vậy, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị không tiếp tục giám sát những người tiếp xúc gần với bà T.T.T.L. nhưng vẫn tiếp tục truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân!" - Đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết chiều tối 16/2.
Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết, hiện có 04 trường hợp (gồm 03 người Việt Nam, 01 người Singapore) nghi mắc COVID-19 đang được theo dõi tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tuy nhiên từ 8h00 ngày 16/02 đến 13h30 cùng ngày, trên địa bàn TP không ghi nhận thêm trường hợp nghi ngờ nào.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận kết quả 111 mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm và tất cả đều âm tính, chưa có trường hợp nào dương tính voswis COVID-19. Ngoài ra, hiện còn 12 trường hợp đang giám sát tại cộng đồng và tất cả đều có sức khỏe bình thường.
Theo infonet
Đà Nẵng và Kiên Giang sẵn sàng tiếp nhận công dân trở về từ Trung Quốc Đà Nẵng và Kiên Giang đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận công dân trở về từ Trung Quốc. Theo kế hoạch, thành phố Đà Nẵng sẽ đón khoảng 250 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid- 19 (nCoV). Nơi nghỉ đã...