Đà Nẵng điều chỉnh chiến lược chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 thế nào?
Đà Nẵng quyết định chuyển toàn bộ các ca bệnh COVID-19 khỏi Bệnh viện Đà Nẵng để bệnh viện này cùng Bệnh viện C phục vụ khám chữa bệnh cho hơn 1 triệu dân thành phố.
Tại buổi làm việc trực tuyến với Thủ tướng chiều 2/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, thành phố đang điều chỉnh chiến lược chữa trị.
Theo đó, toàn bộ các ca bệnh COVID-19 đang được chuyển khỏi Bệnh viện Đà Nẵng, đưa về Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Hiện các cơ quan chuyên môn đang làm sạch Bệnh viện Đà Nẵng để bệnh viện này không còn COVID-19 và không chữa COVID-19.
Các y bác sỹ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. (Ảnh: Sở Y tế cung cấp).
Mục đích là bệnh viện lớn nhất thành phố này không điều trị bệnh nhân COVID-19, sẽ được làm sạch để sớm trở lại hoạt động bình thường, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của hơn 1 triệu dân thành phố.
Trong khi đó, tại Bệnh viện C, theo đánh giá hiện cơ bản vượt qua giai đoạn ban đầu, trong một vài ngày tới sẽ tiếp tục xét nghiệm. Nếu kết quả thuận lợi sẽ tính tới dỡ bỏ phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng trong thời gian sớm.
Video đang HOT
Đây được coi là cách làm đúng của Đà Nẵng trong thời gian qua nhằm sớm phục hồi 2 cơ sở chữa bệnh chủ lực phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của hơn 1 triệu dân thành phố.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: “ Dự kiến trong 3 ngày tới, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang sẽ được lắp đặt thêm thiết bị, máy móc, giường bệnh và sẽ trở thành trung tâm chữa trị COVID-19 với đầy đủ năng lực”.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng có Bệnh viện Phổi và đang xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn với công suất tối đa 700 giường. Trong tuần tới sẽ hoàn chỉnh bệnh viện dã chiến này“.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, hiện ngành Y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác giám sát các biện pháp phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng.
Theo đó, Tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng đã được kích hoạt trên địa bàn thành phố, dựa trên mô hình hoạt động của các tổ dân phố trước đây. Tổ giám sát cộng đồng sẽ do các Bí thư chi bộ, tổ trưởng, hội phụ nữ địa phương đảm nhận, mỗi tổ gồm 3 thành viên, thực hiện giám sát từ 30-40 hộ dân trong khu dân cư.
Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, hiện nay Đà Nẵng đang gấp rút nâng cao năng lực xét nghiệm. Theo đó, Đà Nẵng đã hoàn chỉnh 3 cơ sở xét nghiệm gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Ngoài ra, 2 labo xét nghiệm đang được gấp rút lắp đặt, hoàn thiện tại Bệnh viện 199, Bộ Công an và Bệnh viện C17, Bộ Quốc phòng.
Dự kiến khi 5 cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2 hoàn thiện, Đà Nẵng sẽ nâng số lượng mẫu bệnh phẩm được phân tích và cho kết quả khoảng 10.000 mẫu/ngày. Điều này phù hợp với tình hình thực tế, khi số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, Đà Nẵng phải ưu tiên, tập trung xét nghiệm kháng nguyên theo kỹ thuật RT-PCR để cách ly, tìm ra F1, F2 chính xác, hơn là sử dụng phương pháp test nhanh kháng thể theo kỹ thuật Elisa.
Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn với quy mô ban đầu khoảng 700 giường bệnh.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Đà Nẵng, đến 8h ngày 3/8, toàn thành phố xác định 116 ca mắc COVID-19.
Riêng từ 14h ngày 2/8 đến 8h ngày 3/8, Đà Nẵng ghi nhận 16 trường hợp dương tính nCoV, 1 trường hợp tử vong do suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, suy thận mạn, đái tháo đường type 2 và COVID-19.
Hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang điều trị cho 11 bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Phổi là 39, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Trung tâm Y tế Hòa Vang) 49 ca, chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế 16 ca.
Đà Nẵng cũng thiết lập thêm 6 cơ sở cách ly tập trung, gồm Trạm Y tế xã Hòa Sơn, Trường Tiểu học Hòa Sơn, Trường Mầm non Hòa Phong 2, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh (xã Hòa Phước), Khu Ký túc xá sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Doanh trại Tiểu đoàn Công binh 29 – Lữ đoàn Công binh).
Thứ trưởng Y tế xin phép Thủ tướng ở lại Đà Nẵng hết dịch Covid-19 mới về!
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã xin phép Thủ tướng Chính phủ được ở lại TP Đà Nẵng đến khi dịch chấm dứt mới về.
Ngày 2/8, phát biểu tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh thành về phòng chống Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 24/7, các đội phản ứng nhanh thuộc bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã có mặt tại Đà Nẵng.
Sau khi đến Đà Nẵng, ông Sơn cùng các đồng nghiệp thường xuyên đến các khu cách ly ở khu dân cư để hướng dẫn quy trình cách ly và tập huấn cho các nhân viên đặc biệt là lực lượng sinh viên của Trường Đại học kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng về các phương pháp lấy mẫu xét nghiệm, tham gia các đội hướng dẫn cách ly trong khu dân cư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Về công tác điều trị, ông Sơn cho hay các tổ công tác đã hỗ trợ TP Đà Nẵng giảm tải bệnh nhân Covid-19, thân nhân bệnh nhân, các trường hợp nhân viên y bị nhiễm ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng.
"Đến nay cả số lượng người trong hai bệnh viện này đã giảm xuống rất nhiều, đặc biệt Bệnh viện C đã tương đối sạch. Trong thời gian tới các trường hợp ở 2 bệnh viện này sẽ được xét nghiệm lại lần thứ 2 và có thể công bố bệnh viện mở cửa đón bệnh nhân trở lại", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Theo ông Sơn, bộ phận thường trực đã phối hợp với Đà Nẵng quyết liệt triển khai 2 nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đến nay tại hai địa điểm này đã hoàn tất được 2 khu chăm sóc đặc biệt để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Cùng với đó khu chạy thận nhân tạo đã được hoàn thành với có 10 máy, có thể nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo dương tính với Covid-19.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Thứ trưởng Sơn đã đề nghị cần phải đẩy nhanh công tác xét nghiệm để phát hiện các bệnh nhân mới trong cộng đồng. Bởi theo ông Sơn, bên cạnh cách ly tốt thì đến thời gian này việc truy vết, cách ly là vấn đề cần thiết, nhưng chưa cần thiết bằng vấn đề xét nghiệm.
"Xét nghiệm thì vấn đề cần thiết nhất là trang thiết bị và sinh phẩm. Trong thời gian vừa qua việc mua sắm sinh phẩm cũng như trang thiết bị ở một số địa phương như báo cáo là rất khó khăn. Thực tế, không phải khó khăn là không có hàng, mà khó khăn về cơ chế mua sắm. Anh em rất sợ về giá cả cho nên xin Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các địa phương thông qua đấu thầu hoặc quy định mức giá trần để cho các địa phương mua", ông Sơn đề nghị.
Cụ thể, đối với sinh phẩm, ông Sơn kiến nghị cần có chính sách khuyến khích cho các đơn vị trong nước tự cường hơn nữa việc sản xuất các bộ kit xét nghiệm để phục vụ cho công tác xét nghiệm phòng chống Covid-19.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng, kết thúc phần báo cáo với Thủ tướng, ông Sơn nói: "Về tâm lý anh em ở trong này rất ổn định, làm việc rất hăng say. Em xin phép được ở Đà Nẵng cho đến khi dịch chấm dứt thì mới về!".
Kon Tum ra thông báo khẩn tìm người đi chung xe với bệnh nhân Covid-19 Theo thông báo này, hành khách đi trên xe Vạn Thành từ Đà Nẵng về Kon Tum vào ngày 27-7 cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khai báo y tế. Tối 2-8, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã ban hành thông báo khẩn đề nghị người dân đi trên xe khách từ Đà Nẵng về Kon Tum khẩn...