Đà Nẵng đề xuất giảm quy mô 10 dự án ở Sơn Trà
Rà soát 18 dự án tại Sơn Trà, chính quyền Đà Nẵng đề xuất cắt giảm quy mô 10 dự án, điều chỉnh công năng 6 dự án.
UBND TP Đà Nẵng vừa báo cáo Thủ tướng các vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà
Theo đó, đến thời điểm tháng 12/2012, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực bán đảo này. Quy mô lưu trú của các dự án theo quy hoạch tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn.
Bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hiện có ba dự án đã triển khai ở Sơn Trà là khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (Intercontinental Peninsula Resort); khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa và khu nhà nghỉ; khu du lịch sinh thái Bãi Trẹm. Một dự án đang triển khai là khu nghỉ dưỡng sinh thái biển Tiên Sa (tạm dừng sau vụ phát hiện 40 móng biệt thự không phép).
Ba dự án đã triển khai một phần nhưng sau đó tạm dừng; 11 dự án còn lại chưa triển khai.
Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Peninsula Resort trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sau khi Thủ tướng yêu cầu rà soát và báo cáo về các dự án, Đà Nẵng đưa ra các nguyên tắc phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà, như: Giữ lại dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động có hiệu quả; các dự án phải do nhà đầu tư trong nước thực hiện và không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ, khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh.
Đà Nẵng cũng đưa ra nguyên tắc đảm bào bình độ triển khai các dự án, các công trình có chức năng lưu trú, kiên cố, chỉ được triển khai từ bình độ 100 m trở xuống mặt nước biển (dù Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho phép phát triển các dự án kinh tế xã hội tại Bán đảo Sơn Trà từ bình độ 200m trở xuống); không có yếu tố cư trú tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Kết quả rà soát, có sáu dự án không phù hợp với các tiêu chí đã nêu, Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú; xem xét cắt giảm quy mô của 10 dự án để phù hợp với các tiêu trí đã đưa ra; giữ nguyên hai dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư muốn giữ nguyên số lượng phòng lưu trú và biệt thư
Phía Đà Nẵng cho biết đã làm việc với các nhà đầu tư, và phía doanh nghiệp cho rằng việc chỉ cho phép phát triển dự án từ bình độ 100 m trở xuống sẽ làm phá vỡ cấu trúc quy hoạch của dự án, dẫn đến không thể triển khai được.
40 móng biệt thự không phép, cày xới một góc bán đảo Sơn Trà đã bị tạm dừng thi công. Ảnh: Nguyễn Đông.
Doanh nghiệp đề nghị cho phép triển khai dự án ở bình độ từ 150 m trở xuống; giữ nguyên số lượng phòng lưu trú và biệt thự như quy hoạch được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt. Đối với những dự án ven biển, có cao trình thấp hơn đường lên đỉnh Sơn Trà, không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, đa dạng sinh học và an ninh quốc phòng thì cho phép triển khai theo đúng quy hoạch…
Video đang HOT
Hiệp hội du lịch đề nghị giữ nguyên hiện trạng
Những kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng tại buổi làm việc ngày 28/8 vừa qua cũng được UBND TP Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng. Trong đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng cần quy định việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; giữ nguyên hiện trạng hiện nay tại bán đảo Sơn Trà, không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch, tháo dỡ 40 móng biệt thự xây dựng trái phép.
Chính quyền Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng tiếp tục xác định Bán đảo Sơn Trà là một trong các Khu du lịch quốc gia; quan tâm kiến nghị của các tổ chức và cá nhân về bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển du lịch; xem xét kiến nghị của các nhà đầu tư, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư trong khuôn khổ lợi ích chung của cộng đồng theo hướng phát triển bền vững.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.400 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Từ trước năm 2013, Đà Nẵng cấp phép cho 18 dự án với quy mô tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600.
Sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng).
Cuối tháng 5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá cùng UBND TP Đà Nẵng, chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà; chấp thuận cho Bộ Văn hóa và Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đà Nẵng sẽ huỷ dự án 'nhạy cảm quốc phòng' tại Sơn Trà
Thành phố sẽ chỉ cho phép xây dựng cơ sở lưu trú ở Sơn Trà với bình độ từ 100 m trở xuống thay vì 200 m như trước.
Chiều 28/8, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì cuộc làm việc với Hiệp hội du lịch thành phố.
Buổi làm việc diễn ra trước hai ngày theo thời hạn Đà Nẵng phải báo cáo Thủ tướng (30/8), về các vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND TP Đà Nẵng và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Từ 100 mét trở lên chỉ để tham quan"
Ông Nguyễn Thành Tiến - Phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết trước khi Khu du lịch quốc gia Sơn Trà được duyệt, từ năm 2012, chính quyền thành phố đã cấp phép cho 10 nhà đầu tư tổng cộng 18 dự án trên bán đảo Sơn Trà.
Thời gian qua có bốn nhà đầu tư gửi kiến nghị lên UBND thành phố, những kiến nghị này sẽ được tổng hợp vào báo cáo gửi Thủ tướng.
Ông Tiến nói, UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra một số tiêu chí để rà soát các dự án trên Sơn Trà, trong đó đặc biệt chú trọng đến an ninh quốc phòng.
Theo ông, dù Chính phủ đã phê duyệt bình độ từ 200 mét trên bán đảo Sơn Trà đến mặt nước biển được xây dựng các dự án lưu trú, nhưng thành phố đưa ra đề nghị việc này chỉ được phép từ 100 mét trở xuống, còn từ 100 mét đến 200 mét không có yếu tố lưu trú và không xây dựng công trình, chỉ thuần tuý cho tham quan. "Chúng tôi sẽ cắt giảm những dự án tác động đến khu vực nhạy cảm về quốc phòng", ông Tiến khẳng định.
Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các dự án nằm trong những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng chủ yếu ở phía Đông và Đông Bắc bán đảo Sơn Trà; khu vực dưới 100 mét ở bán đảo Sơn Trà tập trung ở phía Tây và Tây Nam thành phố, từ cảng Tiên Sa qua quân cảng Vùng 3 Hải quân và trung tâm cứu hộ. "Đây là hướng phát triển đô thị. Do đó khi Đà Nẵng phát triển sẽ kết nối với các dự án du lịch trên Sơn Trà, và chỉ dừng lại ở độ cao dưới 100 m. Khu vực này cơ bản nằm dưới tuyến đường đi lên hướng Bãi Bắc", ông Tuấn giải thích.
Cũng theo lãnh đạo Đà Nẵng, Sở Tài nguyên Môi trường đã căn cứ vào các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, chỉ ra khu vực thường gặp sự xuất hiện của voọc cũng như có nhiều cây thuốc quý, đa phần tập trung về phía Đông và Đông Bắc. Vì vậy, quy hoạch du lịch sẽ không phát triển về hướng này; về phía chủ đầu tư đã thống nhất với thành phố trong việc tạo hành lang xanh kết nối các diện tích rừng để thú quý di chuyển.
Đối với khu vực rừng đặc dụng đã được Thủ tướng phê duyệt thì Đà Nẵng "tuyệt đối không xâm phạm".
Một góc bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Phước Chín.
Cắt giảm số buồng phòng cơ sở lưu trú
Ông Nguyễn Thành Tiến thông tin thêm, quan ngại lâu nay của Hiệp hội du lịch cũng như nhiều người dân là việc bán biệt thự trên Sơn Trà để sở hữu và ở lâu dài. "Bây giờ thành phố không cho phép cư trú mà chỉ cho lưu trú về du lịch", ông nhấn mạnh.
Theo ông, số lượng cơ sở lưu trú quy đổi ra buồng phòng trước đây rất cao, và tới đây "thành phố sẽ cắt giảm tương đương với số buồng phòng Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đưa ra".
Voọc chà vá chân nâu - nữ hoàng linh trưởng sống trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Như Mai.
Sẽ báo cáo Thủ tướng đúng thời hạn
Phản hồi những ý kiến nêu trên của đại diện UBND thành phố, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đặt hai câu hỏi: Khi rà soát các dự án, chính quyền thành phố xem xét tính pháp lý của nó hay không? Sơn Trà không chỉ có 18 dự án mà còn gồm hơn 280 biệt thự đã cấp phép cho cá nhân. Các biệt thự này cũng nằm trong vùng rừng của bán đảo, vậy Đà Nẵng rà soát hay không?
Ông Tuấn phúc đáp, lần rà soát này mới về quy mô, trong đó tính pháp lý của dự án cũng là một tiêu chí đánh giá, tuy nhiên "chưa đi sâu vào cụ thể". Khi báo cáo Thủ tướng, thành phố sẽ trình bày tính pháp lý của các dự án và quan điểm của chính quyền địa phương.
Theo ông, số biệt thự đã cấp phép cũng được thành phố rà soát đợt này. Nếu biệt thự nào không nằm trong các tiêu chí mà UBND thành phố đã thống nhất thì đương nhiên phải thay đổi, thậm chí phải hủy. Số lượng cụ thể sẽ được thể hiện trong báo cáo gửi Thủ tướng.
UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định sẽ báo cáo Thủ tướng đúng hạn 30/8.
Ông Tuấn trả lời ý kiến của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng: Ảnh: Nguyễn Đông.
15 nghìn người ký tên ủng hộ Hiệp hội du lịch
Buổi làm việc diễn ra 40 phút, trong đó việc xử lý 40 móng biệt thự không phép đang gây nguy cơ sạt lở Sơn Trà không được nhắc đến.
Tại đây, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết tổ chức này bảo lưu kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà; chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên...
"Hiện có hơn 15 nghìn người ký tên ủng hộ những kiến nghị của Hiệp hội", ông Vinh nói và cho biết 190 nhà khoa học và nhân sĩ trí thức tại hội thảo mới đây về Sơn Trà cũng đồng tình giữ nguyên hiện trạng bán đảo theo hướng không xây mới các cơ sở lưu trú.
Trao đổi với báo giới sau cuộc họp, ông Vinh cho biết bây giờ thành phố rà soát lại các dự án và mới nói đến yếu tố an ninh quốc phòng, "chứng tỏ trước đây nói bình độ bao nhiêu là hợp lý để cấp phép các dự án là cảm tính. Bởi khi nói 200 m, khi lại nói 100m".
"Số phòng trước đây theo Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã công bố là 1.600 phòng và 1.920 biệt thự, bây giờ lại nói giảm đi rất nhiều cho thấy việc làm quy hoạch không ổn", ông Vinh nhận xét.
Dù thành phố khẳng định sẽ cắt giảm các dự án ở độ cao từ 100 đến 200 m, tuy nhiên ông Vinh bày tỏ quan ngại vì khu vực dưới 100 m "vẫn có những dự án chỉ cách quân cảng Vùng 3 Hải quân vài bước chân".
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.400 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Từ trước năm 2013, Đà Nẵng cấp phép cho 18 dự án với số phòng ước tính 5.000. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600.
Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng).
Cuối tháng 5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá cùng UBND TP Đà Nẵng, chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà; chấp thuận cho Bộ Văn hóa và Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch.
Cuối tháng 6, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp báo tại địa phương, khẳng định sẽ giảm các dự án ở Sơn Trà.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Chủ tịch MTTQ Đà Nẵng: 'Hội đồng nhân dân cần thảo luận về Sơn Trà' Bà Đặng Thị Kim Liên cho rằng, vấn đề quy hoạch Sơn Trà được nhiều cử tri quan tâm, do vậy HĐND TP cần thảo luận. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 5/7, bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, đã đề nghị chủ tọa đưa vấn đề liên...