Đà Nẵng: Đề nghị công an và 2 Sở ngăn chặn Grab, Uber hoạt động
Để ngăn chặn GrabCar và Uber hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.Đà Nẵng vừa có công văn đề nghị Công an và 2 Sở khác vào cuộc.
Như Dân Việt đã thông tin thời gian qua, UBND TP.Đà Nẵng đã từ chối thí điểm ứng dụng GrabCar trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều phương tiện không phù hiệu, không hợp đồng hoạt động đón khách thu tiền qua ứng dụng Grab.
Xe ô tô đón khách thu tiền theo dịch vụ GrabCar trên địa bàn Đà Nẵng (Ảnh: Đình Thiên)
Để ngăn chặn tình trạng trên, Ban ATGT TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Công an, Sở TT&TT và Sở GTVT.
Theo Ban ATGT TP. Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT về việc đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ Grabcar trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hình thức vận tải hành khách bằng xe ô tô dùng ứng dụng phần mềm Grab, Uber trên điện thoại di động vẫn diễn ra lén lút trên địa bàn.
Đây là hình thức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền cho phép, ảnh hưởng đến tình hình trật tự vận tải trên thành phố.
Video đang HOT
Ban ATGT đề nghị Sở TT&TT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà mạng 3G trên địa bàn thành phố thực hiện việc ngăn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng Grabcar, Uber.
Công an thành phố Đà Nẵng điều tra, làm rõ hình thức hoạt động trái phép của Grabcar và Uber trên địa bàn thành phố; ngăn chặn việc truy cập vào phần mềm Grabcar và Uber; cung cấp thông tin và phối hợp với Sở GTVT để kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải trái phép.
Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác phối hợp với lực lượng cảnh sát trật tự, CSGT để kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi sử dụng xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trái phép theo quy định pháp luật.
Theo Danviet
Đà Nẵng từ chối GrabCar: Quản lý không được, sợ sai?
Liên quan đến việc TP.Đà Nẵng từ chối Bộ GTVT thí điểm ứng dụng hệ thống GrabCar, Luật sư Lê Cao - Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho rằng: "Đà Nẵng nảy sinh việc này vì sợ không quản lý được, sợ sai và thiếu trình độ về thu thuế".
Vừa qua Dân Việt đã thông tin việc UBND TP.Đà Nẵng từ chối thí điểm ứng dụng hệ thống GrabCar. Trong khi Đà Nẵng từ chối thí điểm, qua khảo sát cho thấy nhiều ô tô 4 chỗ vẫn hoạt động đón khách và thu tiền trên địa bàn Đà Nẵng theo hệ thống ứng dụng GrabCar.
Ô tô 4 chỗ đón khách theo ứng dụng GrabCar trên địa bàn Đà Nẵng (Ảnh:Đình Thiên).
Liên quan đến thông tin đang được dư luận quan tâm này, Dân Việt đã có trao đổi với Luật sư Lê Cao - Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng về góc độ pháp lý của Luật cạnh tranh, Luật doanh nghiệp hiện hành.
Theo Luật sư Lê Cao, việc một số ý kiến phản đối việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, ở đây là hình thức GrabCar và cụ thể mới nhất là UBND TP.Đà Nẵng đã từ chối, cho thấy việc này chưa phải đứng về góc độ quyền lợi của người dân.
"Hiện nay, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, hay luật thương mại, cạnh tranh đều không cấm hình thức hợp đồng điện tử hoặc các giao dịch hợp đồng hiện đại trong hoạt động kinh doanh. Phương thức giao kết hợp đồng không có lỗi, việc ứng dụng công nghệ cho các dịch vụ phục vụ con người là điều cần khuyến khích", luật sư Cao nói.
Sở GTVT TP.Đà Nẵng cho biết: "Ngày hôm qua (20.2), Thanh tra của Sở đã tiến hành mời một số chủ xe hoạt động đón khách và thu tiền theo hệ thống GrabCar chưa được cấp các giấy phép theo quy định lên làm việc và có hướng xử phạt hành chính".
Ông Cao cũng cho rằng, người dân họ sẽ không sử dụng GrabCar nếu nó đắt hơn, ít tiện lợi hơn các loại dịch vụ taxi truyền thống khác. Còn việc viện cớ lo lắng cho kẹt xe, ùn tắc giao thông thì rõ ràng chưa có cơ sở nào cho thấy điều đó.
"Hiện cùng một phương thức vận chuyển giống nhau được lựa chọn, nhu cầu người dân họ dùng GrabCar rồi thì sẽ thôi chọn taxi. Sao không nghĩ đến điều này. Còn câu chuyện giao thông không đơn thuần vì số lượng phương tiện mà cả chuyện của đường sá, cầu cống, hệ thống giao thông công cộng...", luật sư Lê Cao phân tích.
Về các điều luật liên quan, ông Cao viện dẫn, theo Điều 4 Luật cạnh tranh 2004 và Điều 7 Luật doanh nghiệp 2014, nếu hình thức kinh doanh nào pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm. Nếu doanh nghiệp vận tải nào có đủ điều kiện về kinh doanh vận tải theo luật định, có ứng dụng công nghệ hiện đại để giao kết hợp đồng thì phải để họ kinh doanh bình thường.
Trong khi đó, chính quyền TP.Đà Nẵng vẫn tiến hành cấm quảng bá và thậm chí phạt các chủ xe hoạt động đón khách theo hệ thống ứng dụng GrabCar và bắt đơn vị này tháo toàn bộ biển bảng quảng cáo trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trần Hoàng - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị này đã mời đại diện Grab lên làm việc và yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động quảng bá, tuyên truyền Grab ở Đà Nẵng.
"Hình thức này chủ yếu triển khai trên ứng dụng điện thoại di động nên khó kiểm soát. Do đã hạn chế và thường xuyên kiểm tra nên tốc độ phát triển GrabTaxi hay GrabCar ở Đà Nẵng giảm. Nếu phát hiện có hoạt động GrabCar thì chúng tôi sẽ xử lý ngay", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho biêt thêm, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và xử lý 2 trường hợp chạy chở khách theo hình thức GrabCar, mỗi trường hợp bị phạt 1,5 triệu đồng, tước phù hiệu 2 tháng.
"Luật chỉ cấm việc kinh doanh mà không đăng ký, trốn thuế và không đáp ứng được các điều kiện kinh doanh thôi. Còn khi người ta có đủ điều kiện kinh doanh mà anh lại còn vẽ ra quy định này kia để từ chối thì rõ ràng năng lực quản lý kém nên không theo kịp thực tiễn hoạt động kinh doanh. Không quản lý được, không kiểm soát được vì sợ sai và thiếu trình độ về thu thuế... Việc này đã làm mất quyền lợi của người dân", luật sư Lê Cao chia sẻ.
Theo Danviet