Đà Nẵng: “Chúng tôi quản lý người nghiện nhân văn chứ không xé rào”
Cho rằng Luật xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp với thực tiễn, gây cản trở trong việc thực hiện đưa người nghiện đi cai, Đà Nẵng đã khởi động cách làm riêng và khẳng định cách làm này là đúng luật, sáng tạo, nhân văn chứ không “vượt rào”.
Theo nghị định số 221 của Chính phủ, muốn đưa người nghiện vào trại cai nghiện tập trung phải qua nhiều quy trình và các khâu thủ tục. Quá trình này phải lập hồ sơ qua nhiều cơ quan khác nhau như tư pháp, lao động – thương binh – xã hội, công an; rất mất thời gian. Nghị định cũng quy định tất cả người mới nghiện đều trải qua cai nghiện tại cộng đồng, sau khi cai nghiện tại cộng đồng không thành công mới đưa vào trại tập trung.
Một bệnh nhân được điều trị cai nghiện bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam
Ông Huỳnh Đức Thơ – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho biết, sau khi có Luật xử phạt vi phạm và các văn bản liên quan đã gây cản trở cho nhiều địa phương trong cả nước. Các địa phương đang đấu tranh về vấn đề này và hiện Chính phủ đang rà soát lại.
Nhận thức được vấn đề này nên Đà Nẵng đã chủ động làm sớm theo cách của mình. Trước khi thực hiện, thành phố đã làm văn bản báo cáo các khó khăn để xin ý kiến các Bộ, ban ngành trung ương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.
Theo đó, Đà Nẵng đã ra quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 6/9/2014 của UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Video đang HOT
Với quy chế này, Đà Nẵng làm theo cách: Tất cả phòng ban, quận huyện, tư pháp, công an, lao động – thương binh – xã hội… ngồi lại với nhau, trong 3 ngày phải thống nhất lập hồ sơ chuyển qua tòa án. Trong vòng 3-5 ngày tòa phải quyết định đưa đi cai nghiện tập trung hay không. Thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cũng được Đà Nẵng rút lại chỉ còn 3 tháng. Ngoài ra, Đà Nẵng còn quyết định thành lập cơ sở quản lý người nghiện ma túy không có nơi cu trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biên pháp xử lý hành chính tập trung cai nghiện bắt buộc. Quyết định ban hành chính sách hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trên địa bàn…
Ông Thơ khẳng định, việc làm của Đà Nẵng đúng luật, sáng tạo và rất nhân văn chứ không “vượt rào”. Những gì trung ương quy định chưa cụ thể, chưa rõ thì Đà Nẵng quy định. Trình tự qua các ban, phòng Đà Nẵng gộp lại làm luôn một lần. Chữ ký của các vị trưởng phòng đều có hết. Việc quản lý, giáo dục người nghiện không nơi cư trú trong thời gian chờ lập hồ sơ đưa ra tòa án quy định do xã, phường, giao cho đoàn thể xã hội; nhưng thành phố có cơ sở vật chất đàng hoàng hơn, đầy đủ phương tiện hơn, có lực lượng y bác sĩ hùng hậu hơn nên đưa người nghiện tới đó.
“Chúng tôi chỉ vận dụng chứ không có gì là “xé rào”. Mình làm sáng tạo và có sáng tạo mới làm tốt hơn. Ví dụ một người nghiện mà đưa về xã, phường thì làm sao sướng bằng đưa vào đó. Ở đó có căng-tin, sân bóng đá, sân bóng chuyền, cây xanh, bác sĩ… Rất là nhân văn”, ông Thơ nói.
Tại buổi đánh giá tình hình triển khai thực hiện quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy chiều 5/11, ông Nguyễn Văn Hoa – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Đà Nẵng) – cho biết, thành phố đang tồn đọng 45 vụ án về ma túy mà tòa án trả hồ sơ yêu cầu công an phải điều tra bổ sung. Nguyên nhân là do vướng quy định mới, đó là tang vật ma túy ngoài việc xét nghiệm định lượng và định tính còn phải xét nghiệm hàm lượng để đủ cơ sở kết tội. Tuy nhiên, việc xét nghiệm hàm lượng hiện tại không thể thực hiện tại địa phương mà phải mang ra Hà Nội.
Ông Thơ cho biết, vì “sự nghiệp” này, thành phố sẵn sàng bỏ ra mấy tỷ để mua máy phục vụ không chỉ cho Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, sau hơn một tháng thực hiện các quy định mới về cai nghiện ma túy, UBND các xã, phường chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 7 trường hợp, trong đó Tòa án thụ lý và đã xét xử 5 trường hợp, còn 2 trường hợp đang được Tổ thẩm định yêu cầu cơ quan thiết lập hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định riêng. Riêng cai nghiện tại gia đình – cộng đồng thì chưa có trường hợp nào.
Khánh Hồng
Theo Dantri
"Không thể vì nhân văn với người nghiện mà để xã hội bất ổn"
Đa số các ý kiến phản hồi đều chia sẻ, đồng tình với việc đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM xin Quốc hội cơ chế đặc biệt để xử lý vấn đề người nghiện tràn phố. Tuy nhiên, quy trình nào để giải quyết kiến nghị "vượt rào" của TPHCM?
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Người bị bệnh phạm tội cũng phải chặn
Tôi ủng hộ kiến nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM. Nhân đạo của con người phải có giới hạn. Nhân đạo với người đáng nhân đạo. Trước đây, khi TPHCM thực hiện Nghị quyết 16 đã đưa vào các trung tâm cai nghiện 32.000 người nghiện. Xã hội lúc đó trở lên bình yên. Tức là chúng ta phải chấp nhận trừng phạt một nhóm người nhỏ để bảo đảm bình yên cho số đông nhân dân. Xã hội phải đi theo nguyên tắc đó. Không thể vì một số người mà để xã hội bị bất ổn.
Nghiện ma túy phải xác định là bệnh lý. Từ bệnh lý mà ra tội phạm. Vậy thì những tội phạm đó phải được quản lý, phải được xem xét và tính toán để ngăn chặn những hành vi trộm cắp, phá hoại, gây thương tích cho xã hội. Nếu chúng ta không làm thì sẽ rất bất ổn. Nếu chúng ta không bảo đảm xã hội trật tự yên ấm thì làm sao phát triển được kinh tế. Kinh tế không phát triển được thì lại dẫn đến tiêu cực trong xã hội. Cả 2 vấn đề này phải song hành. Mà TPHCM lại là đầu tàu kinh tế của cả nước nên càng phải quan tâm.
Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về cai nghiện ma túy là chúng ta rất nhân đạo, đã bàn nhiều, điều đó là đúng. Nhưng ra thực tiễn thì ai cũng thấy, thủ tục hành chính quá nhiều, vì thế không đáp ứng được nhu cầu để xử lý nhanh chóng. Trong khi đó, cai nghiện là vấn đề phải xử lý tức thời.
Với kiến nghị của TPHCM, tới đây các cơ quan chức năng phải ngồi với nhau để xử lý một phương pháp thực thi. Về mặt pháp luật, tôi nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cơ bản sẽ ủng hộ. Vấn đề là bàn cách thức tổ chức thực hiện ra sao để bảo đảm nhanh gọn, không trái luật. Có thể ngay trong kỳ họp này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đứng ra làm trung gian để mời các cơ quan chức năng thảo luận về kiến nghị của TPHCM.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai:Quốc hội cần có Nghị quyết
Liên quan đến vấn đề cai nghiện, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét. Tôi cho rằng cần tính toán lại. Vì trong thực tiễn các cơ quan thực thi pháp luật rất khó khăn trong vấn đề xử lý cai nghiện ma túy và giáo dục tại cộng đồng.
Theo tôi, trên cơ sở xem xét từ tình hình thực tiễn, Quốc hội không cần phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính mà có thể có Nghị quyết để điều chỉnh vấn đề này. Nghị quyết sẽ khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn mà các địa phương, cơ quan thực thi pháp luật đang vấp phải trong xử lý cai nghiện.
Tôi đồng tình với kiến nghị của đoàn ĐBQH TPHCM về việc Quốc hội có Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8 để TPHCM xử lý vấn đề này.
Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Bình Dương - ông Huỳnh Ngọc Đáng: Không sợ ảnh hưởng đến nhân quyền
Tôi đồng ý với đề xuất của đoàn ĐBQH TPHCM. Tôi cho rằng, nếu thực thi kiến nghị đó thì không có gì ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền của con người. Một cơ chế để xử lý vấn đề cai nghiện sẽ tốt cho TPHCM cũng như một số địa phương khác khi có quá nhiều người nghiện gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quản lý Nhà nước trên địa bàn và làm người dân bất an.
P.Thảo ghi
Theo Dantri
Tìm lối ra cho cai nghiện ma túy "Người nghiện ma túy tràn lan", bạn đọc báo kêu lên như vậy. Nạn hút chích, mua bán ma túy diễn ra công khai giữa đường, giữa ban ngày, các tấm ảnh do phóng viên chụp về cũng nói lên điều đó. Dạy nghề cho các đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị...