Đà Nẵng chi tiền tỷ mua vật mẫu về giám định ma túy
“Ba hay bốn tỷ đồng cũng phải mua để xử lý nhanh những vụ án ma túy”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói trước việc mỗi lần giám định hàm lượng ma túy công an lại phải đưa ra Hà Nội.
Chiều 5/11, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với các ngành liên quan để thống nhất việc triển khai quy chế mà thành phố mới ban hành, nhằm sớm đưa người nghiện đi cai tập trung. Đây là quy chế mà Đà Nẵng “ sáng tạo” từ luật Xử lý vi phạm hành chính với hành vi sử sụng trái phép chất ma túy sau khi những bất cập của luật này khiến người nghiện không đi cai tập trung, từ đầu năm đến hết tháng 9.
Đại diện Công an Phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) cho biết, những ngày đầu luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (1/1), việc lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn do thiếu quá nhiều giấy tờ. Mỗi khi bắt giữ người nghiện lại phải lên mạng lục tìm biểu mẫu vừa ban hành để in ra và làm theo. Nhiều trường hợp người test cho kết quả dương tính với ma túy nhưng hết thời gian quy định nên công an đành thả về. Đến khi công an xuống tận nhà người nghiện mời lên làm việc thì họ tìm cớ chối quanh, thậm chí trèo lên mái nhà để trốn thoát.
Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó chánh án TAND TP Đà Nẵng cho hay tòa đang vừa chịu áp lực từ TAND Tối cao vừa từ phía Đà Nẵng, khi thực hiện quy chế. Nhiều trường hợp trong khi chờ tòa phán quyết thì người nghiện rút hồ sơ, hay người nghiện trốn khi chưa đọc và ký vào hồ sơ thì tòa cũng không xét xử được.
“Cần thống nhất rằng, nếu thử dương tính với ma túy thì xét lập hồ sơ ngay và cho người nghiện đọc để sớm hợp thức hóa hồ sơ. Nếu họ vắng mặt thì tòa vẫn ra phán quyết được. Khi đó công an có trách nhiệm truy tìm người nghiện để yêu cầu họ chấp pháp”, bà Hà nêu ý kiến.
Video đang HOT
Người nghiện được tư vấn về sức khỏe tại cơ sở xã hội của thành phố Đà Nẵng mới thành lập. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thượng tá Nguyễn Văn Hoa – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Đà Nẵng – thẳng thắn cho rằng, không gia đình nào muốn giữ con nghiện ma túy ở nhà để cai khi mà mọi tài sản đã bị người này đem bán. Do đó, những trường hợp gia đình muốn tự nguyện đưa con đi cai nghiện, thì ngay cả khi đang trong quá trình lập hồ sơ cũng cần đi ngay.
Ông Hoa đề xuất đưa ra định nghĩa cụ thể với những người nghiện không có nơi cư trú ổn định để kiên quyết đưa vào cơ sở xã hội mà Đà Nẵng mới thành lập. “Người có nơi cư trú ở các quận, huyện thì phải thường xuyên ở nhà. Nếu công an xuống kiểm tra mà người đó bỏ đi nơi khác thì lập tức xác định là không có nơi cư trú để đưa vào cơ sở cai nghiện”, vị Thượng tá nói và cho biết do quá nhiều ngành cùng làm nên từ khi áp dụng quy chế, Đà Nẵng mới lập 11 hồ sơ và đưa qua tòa xét duyệt 7 hồ sơ, trong đó có 3 người được đưa vào cai nghiện tập trung.
Vấn đề bất cập nhất, theo ông Hoa, là thành phố đang tồn đọng 45 vụ án về ma túy mà tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì theo quy định mới tang vật ma túy ngoài việc xét nghiệm định lượng và định tính còn phải giám định hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất để đủ cơ sở kết tội. Mỗi lần giám định phải đóng gói tang vật, cử cán bộ hộ tống ra Viện Khoa học hình sự Bộ Công an rất tốn kém. “Chưa kể có vụ do tang vật quá ít nên giám định xong thì hết luôn cả mẫu vật, không còn cơ sở xử lý”, Thượng tá Hoa nói.
Trước việc Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho hay Đà Nẵng có 4 giám định viên và đầy đủ máy móc nhưng mẫu chuẩn chỉ duy nhất Viện Khoa học hình sự có (vì họ mua của Liên Hợp Quốc), ông Huỳnh Đức Thơ lập tức yêu cầu công an thành phố làm công văn trình Chính phủ, Bộ Công an và các ban ngành Trung ương để mua được mẫu chuẩn này về cho Đà Nẵng tự giám định. “Dù phải tốn ba hay bốn tỷ thì Đà Nẵng cũng sẵn sàng mua”, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định.
Theo ông Thơ, vật mẫu chuẩn mà Liêp Hiệp Quốc bán cho Viện Khoa học hình sự thì cũng có thể bán cho nhiều viện khác ở Việt Nam và Đà Nẵng cũng phải được mua. Hiện, mỗi lần xét nghiệm tốn gần 5 triệu đồng tiền máy bay và các chi phí khác, nhiều khi công an nản quá rồi cũng bỏ. Việc có mẫu chuẩn, không chỉ giúp Đà Nẵng tự giám định để xử lý nhanh những vụ án ma túy mà còn để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực xử lý tội phạm ma túy. Đà Nẵng cũng sẽ đứng ra giám định mẫu miễn phí cho các tỉnh ở miền Trung.
“Nếu không làm triệt để giữa các địa phương, ma túy lại tràn về Đà Nẵng”, ông Thơ nói. Phó Chủ tịch thành phố cũng khẳng định sẵn sàng cấp thêm đất cho Trung tâm cai nghiện 05-06 (huyện Hòa Vang) nếu số người vào đây tăng cao, nhằm tạo điều kiện cho họ sửa sai, làm lại cuộc đời. Ông cũng chỉ đạo ngành y tế thành phố đẩy mạnh việc nghiên cứu, thực hiện cai nghiện bằng phương pháp đông y, bởi “nếu làm được sẽ có ý nghĩa to lớn”.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tiền tỷ chôn theo hầm bộ hành
Hà Nội hiện có hơn 20 hầm đi bộ với 14 hầm đã đưa vào sử dụng. Tuy vậy, kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, hầu hết các hầm đều không phát huy tác dụng, gây lãng phí và búc xúc trong nhân dân.
Hầm đường bộ tiền tỷ thành cống thoát nước
Thống kê của Thanh tra Bộ GTVT cho thấy, toàn địa bàn TP Hà Nội hiện có 17 hầm đi bộ (H1-H17) tại dự án xây dựng đường Vành đai III giai đoạn I đoạn Mai Dịch-Pháp Vân do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, và đã bàn giao 14 hầm cho Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội quản lý và khai thác. Bốn hầm đi bộ (H1-H4) ở dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL 32 đoạn Cầu Diễn-Nhổn chưa thể bàn giao do vẫn còn dang dở.
Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào vận hành số hầm đi bộ trên gần như không phát huy hiệu quả. Không ít hầm bỏ không, là nơi tập kết hàng hóa, rác thải, khu trú ngụ của các đối tượng xã hội... Tỷ lệ người tham gia giao thông sử dụng hầm bộ hành rất ít. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hầm bộ hành H15 dù đã được bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng không vận hành, khai thác, cửa luôn trong tình trạng khóa. Xung quanh khu vực cửa hầm cỏ mọc um tùm, rác thải, vật liệu xây dựng ngập ngụa. Hay, hầm đường bộ trên đường Khuất Duy Tiến, kể từ khi hoàn thiện đến nay chưa thể hoạt động và trong tình trạng khóa trái cửa và bị ngập nước. Do không có sự quản lý, nên khu vực cửa hầm trở thành nhà vệ sinh công cộng và nơi xả rác của người dân.
Theo nhận định của Thanh tra Bộ GTVT, các hầm đi bộ chưa được bàn giao đồng loạt để đơn vị quản lý, khai thác do việc thi công kéo dài (chậm tiến độ), nhà thầu thi công không tổ chức bảo vệ, bơm hút nước, dọn vệ sinh khu vực công trình đang thi công. Một số vị trí vỉa hè trước cửa đường hầm bị phá hỏng do các công trình thi công lân cận gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Còn theo đại diện Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội, hầm bộ hành được đầu tư xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, với kinh phí 3-7 tỷ đồng/hầm. Đến nay, nhiều hầm vẫn chưa được bàn giao để khai thác sử dụng vì thủ tục hoặc hạ tầng chưa xong. Cả hệ thống đường hoặc hầm phải hoàn thiện đồng bộ thì việc khai thác mới có hiệu quả.
Tuy vậy, Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị xem xét trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban QLDA, đơn vị thi công để chậm tiến độ, không bảo quản tốt công trình, gây phản cảm trong dư luận. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan khẩn trương thi công, hoàn thiện 4 hầm (H1, H2, H3, H4) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL 32 đoạn Cầu Diễn-Nhổn để bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng. Ngoài ra, 3 hầm còn lại thuộc trách nhiệm của Ban QLDA Thăng Long, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công để bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng.
Theo ANTD
Biệt thự tiền tỷ thành nơi "nghỉ dưỡng"...của bò Nhiều căn biệt thự nằm ở vị trí đắc địa tại cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, nơi tưởng như là khu nghỉ dưỡng lý tưởng giờ đây đang rơi vào tình trạng bị bỏ hoang và trở thành nơi "nghỉ dưỡng" của bò. 10 sáng 11/8, PV Dân trí có mặt tại khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9)...