Đã liên lạc được với 26 ngư dân Bình Định mất tích
2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư đã lên đường cứu nạn, trực thăng sẵn sàng cất cánh.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 vào lúc 8 giờ ngày 28-10, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm (46 tàu/368 lao động của Bình Định đã ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bão đang tấn công dữ dội các tỉnh miền Trung
Riêng thông tin về 2 tàu bị mất liên lạc của Bình Định không thay đổi so với báo cáo lúc 23 giờ ngày 27-10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ ngư dân Bình Định.
Lúc 9 giờ 30 phút, tàu hải quân đã rời Cam Ranh hướng đến vị trí tàu gặp nạn. Tàu kiểm ngư đang khẩn trương tiếp cận hiện trường; sóng hiện cao 2-3m. Dự kiến khoảng 20 giờ tối sẽ tiếp cận tàu gặp nạn. Lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với 26 thuyền viên, hiện sức khoẻ của họ ổn định.
Video đang HOT
Trực thăng cứu hộ cũng đã sẵn sàng, ngay khi bão giảm sẽ cất cánh.Trước đó, tối 27-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cho biết, 2 tàu cá của tỉnh vừa gặp nạn khi đang chạy để tránh bão.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn
Theo đó, lúc 15 giờ 15 phút cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhận được thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn ở thị xã Hoài Nhơn ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Minh (ngụ cùng địa phương) làm thuyền trưởng, đã bị chìm ở tọa độ 12043′N – 111027′E. Tàu còn lại mang số hiệu BĐ 97469 TS, trên tàu có 14 người cũng bị chìm, các thuyền viên bị nạn vẫn chưa tìm thấy.
Vụ chìm tàu đầu tiên xảy ra vào khoảng 13 giờ chiều cùng ngày khi tàu đang trên đường chạy về cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để tránh bão. Khoảng 30 phút sau đó, tàu các BĐ 98658 TS của ông Nguyễn Văn Toàn (ngụ cùng địa phương) đã tiếp cận tàu cá BĐ 96388 TS và tìm kiếm 12 thuyền viên trên tàu bị nạn nhưng vẫn chưa tìm thấy.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đã có văn bản kính đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều phương tiện hỗ trợ tìm kiếm tàu cá BĐ 96388 TS.
Bão số 9 diễn biến phức tạp, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo "nóng"
Bộ GTVT vừa có công điện yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 9 trên biển Đông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực gác, kiên quyết không cho phương tiện đi vào vùng nguy hiểm, ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 - Ảnh minh họa
Nội dung công điện nêu, theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ tối và đêm ngày 27/10, bão số 9 bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền. Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.
Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12. Riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Cũng theo dự báo, từ đêm 27 - 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.
Từ 28 - 31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
"Để chủ động ứng phó với cơn bão số 9 diễn biến phức tạp trên biển Đông trong những ngày tới, Cục Hàng hải VN tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn. Tổ chức neo đậu; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Kiên quyết không cấp phép rời cảng đối với các phương tiện tại những cảng thuộc khu vực bão bổ bộ", Bộ GTVT yêu cầu.
Tổng cục Đường bộ VN được giao chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II, III và IV chủ trì, phối hợp với các sở GTVT và lực lượng chức năng địa phương phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông, hạn chế các phương tiện từ các địa phương khác đi vào vùng tâm bão trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền.
Đồng thời, cấm đường tại các vị trí nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này.
"Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước; Có kế hoạch dừng chạy tàu tại các khu gian trong vùng bão đổ bộ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện", công điện nêu.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường thuỷ nội địa VN phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.
Cục Hàng không VN được giao chỉ đạo các cảng hàng không, hãng hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 9 để đóng mở sân bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay.
"Các sở GTVT phối hợp chặt với cơ quan liên quan ngành GTVT tiến hành khắc phục sự cố do bão, mưa, lũ gây ra; phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hoá... ngay khi lũ rút", Bộ GTVT yêu cầu.
Đưa 13 ngư dân gặp nạn trên biển vào bờ an toàn Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, tàu cá BĐ 96365 TS đang hành nghề tại vị trí cách bờ biển huyện Phù Cát (Bình Định) khoảng 24 hải lý về phía Đông thì bị ngập nước, tàu chìm sau đó, 13 ngư dân phải rời tàu xuống thuyền thúng thả trôi trên biển. Tàu cá bị chìm, 13...