Đà Lạt lạnh là thế nhưng đi 1 mình cũng không thấy cô đơn nếu biết “mò” ra địa chỉ uống sữa này
Đã đến Đà Lạt là không thể không thưởng thức món sữa nóng này đâu nhé!
Thật ra thì Đà Lạt lạnh là chuyện đương nhiên, nhất là vào buổi sáng sớm và buổi tối. Cứ văn hoa là đi có đôi có cặp hay có bạn có bè thì không sợ lạnh, nhưng lạnh thì vẫn lạnh thôi mà, công nhận không? Chẳng thế mà ở Đà Lạt mới sinh ra đủ thứ đồ ăn đồ uống nóng hổi để làm người ta ấm lòng. Mà một trong những “đặc sản” mà đến Đà Lạt bạn nhất định phải đi thử, đó là uống sữa đậu nành, đậu xanh nóng.
Sữa đậu nành, đậu xanh thì ở đâu chẳng có mà cứ phải gọi là “đặc sản”? Thật ra là khác lắm đó, bởi khi ở Đà Lạt, cái thú thưởng thức món đồ uống này rất đặc biệt, chẳng nơi nào có được. Nó không chỉ “đặc sản” ở món đồ ăn đồ uống, mà còn đặc sản bởi cái cách thưởng thức, không gian xung quanh, rồi ngay cả thời tiết nơi đây cũng góp phần làm nên nét đặc biệt cho thú ẩm thực này. Sữa đậu nóng được khuấy thêm vào một chút sữa bò đặc, uống trong thời tiết giá lạnh là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
Trong cái không khí lạnh se se, càng về khuya càng se sắt như ở Đà Lạt, có một cốc sữa nóng trong tay, mân mê thôi cũng thấy ấm lên phần nào. Rồi nhấp một ngụm, cảm giác ấm nóng lan toả khắp khoang miệng, rồi lan sang các giác quan, bao nhiêu sự lạnh lẽo bỗng được xua đi hết.
Mà chưa hết, ở Đà Lạt đi uống sữa đậu nành, đậu xanh thì nhất định phải gọi thêm vài cái bánh ngọt, bánh sừng bò… ăn cùng. Có cốc sữa nóng, thêm miếng bánh ngọt vào là chắc cái dạ, chẳng phải lo đói lo rét nữa.
Ở Đà Lạt, sữa đậu nành, đậu xanh nóng được bán rất phổ biến. Có nhiều quán nhỏ, có hàng ăn cũng bán kèm cả sữa nóng, rồi có khi đang lang thang ở mấy điểm tham quan cũng bắt gặp một hàng sữa nhỏ nhỏ ngồi ngay đấy… Thế chẳng phải là “đặc sản” thì là gì?
Thế nhưng, một trong những điểm uống sữa nóng mà người ta hay rủ nhau đến chính là 64 Tăng Bạt Hổ. Ở đây còn bán cả các loại sữa khác như sữa đậu phộng, sữa bắp, tuy nhiên 2 món được khách hàng yêu thích nhất vẫn là sữa đậu nành, đậu xanh.
Món sữa nóng này ngon nhất là uống khi trời có chút se lạnh, thường là vào buổi tối. Thậm chí nếu có đi chơi về khuya thì lại càng cảm thấy trân trọng cốc sữa này biết bao. Nếu đến Đà Lạt thì đừng quên thưởng thức bạn nhé!
Theo Tri thức trẻ
Ba quán bún cho khách thích đổi vị ở Đà Lạt
Thực khách có thể chọn bún bò Huế hoặc bún riêu cho bữa sáng hoặc trưa trong hành trình khám phá thành phố ngàn hoa.
Dưới đây là gợi ý các địa chỉ cho người thích ăn các món bún nóng hổi.
Bún bò Huế
Quán ăn trên đường Ba Tháng Tư mở hơn 3 năm nhưng đã được nhiều người đánh giá ngon. Vị ở quán nhạt hơn một chút so với nhiều nơi khác, nhưng thêm chút nước mắm ớt được pha chế theo cách riêng, sẽ làm món ăn trở nên đậm đà hơn.
Giá cho một tô bún bò Huế ở Đà Lạt từ 30.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Quán nằm ngay mặt tiền đường nên thuận tiện cho khách tìm đến. Sợi bún được dùng có độ to vừa phải. Khi ăn bạn cảm nhận được độ mượt và dẻo của nó mà không ngán. Khách có thể gọi thêm rau trụng nếu thích. Quán mở cửa vào sáng sớm đến trưa. Bạn nên đi sớm để thưởng thức món ăn được ngon hơn.
Bún riêu
Bún riêu là món không mấy phổ biến ở thành phố ngàn hoa. Có lẽ vì vậy mà nhiều thực khách đi ngang con đường Nguyễn Văn Trỗi ở phường 1 vẫn không kiềm lòng dừng lại ở một quán bình dân đã có thâm niên hơn 20 năm.
Chủ quán bún riêu này là bà Phạm Thị Lan. Trung bình mỗi ngày quán bán khoảng 60 kg bún. Đến mùa du lịch con số này tăng dần đều, có ngày cuối tuần quán không đủ để bán.
Quán mở từ 2h chiều và đóng lúc 8h tối, thường kín chỗ tầm 4 - 5h chiều. Ảnh: Lê Nam.
Điểm nổi bật trong tô bún là miếng riêu cua to được nấu khéo, vị đậm đà. Suất ăn còn có vài miếng huyết và xương heo. Cà chua chín có vị chua đặc trưng giúp món ăn thêm tròn vị, không bị ngấy. Khách có thể chọn tô bình thường giá 25.000 đồng hoặc tô đặc biệt đắt hơn 5.000 đồng.
Du khách có thể lựa chọn quán ăn không biển hiệu với thâm niên 30 năm ở Đà Lạt. Địa chỉ này nằm ở đầu đường Nguyễn Du, hướng vào từ đường Quang Trung. Ngoài bún riêu, thực đơn của quán này còn có bún bò Huế và mì Quảng.
Bún sứa
Nằm cuối đường Nguyễn Văn Trỗi, quán bún cô Trà đã mở bán gần 6 năm. Quán có nhiều món ăn khác nhau như: bún chả cá, bún cá ngừ đại dương... nhưng hút khách nhất là bún sứa chả cá. Điều khiến tô bún hấp dẫn thực khách là độ tươi ngon của miếng sứa cùng hương vị đậm đà của nước dùng.
Giá tô bún sứa trung bình 30.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Theo lời chủ quán, sứa ở quán được lấy từ Quy Nhơn mỗi ngày. Ngoài ra, miếng chả cá tươi ở quán chắc, ngọt mềm. Món ăn còn có trái xoài xanh bào sợi và đậu phộng béo ngậy, khiến tô bún càng bắt mắt và hương vị thêm phần phong phú.
Vị nước dùng là một trong những điều ghi điểm trong lòng thực khách. Nước có vị mặn vừa đủ, ngọt từ cá và xương, mùi thơm của cà chua và cay của ớt. Món được ăn kèm với rau sống trụng nóng, nếu muốn tăng thêm vị bạn có thể cho thêm chút nước mắm ớt và chanh.
Không gian quán đơn giản nhưng lịch sự và sạch sẽ. Những chiếc bàn tròn lớn cùng ghế nhựa được xếp đặt ngay ngắn thích hợp cho bữa ăn gia đình hay nhóm bạn bè.
Di Vỹ
Theo Vnexpress
Hàng bún riêu là thanh xuân của một thế hệ người Đà Lạt Quán bún riêu Cô Lan mở cửa từ hơn 20 năm trước. Có những người khách ăn từ thuở bé nay đã có gia đình vẫn quay lại. Hàng bún riêu là thanh xuân của một thế hệ người Đà Lạt. Tản bộ quanh khu Hòa Bình (trung tâm TP Đà Lạt) cùng nhóm bạn, tôi lạc vào con đường dốc Nguyễn Văn...