Da diết đêm nhạc nhớ Trịnh
Tròn 22 năm người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời bỏ ‘kiếp rong chơi’ trần thế – cái triết lý thân phận mà có lẽ chỉ riêng ông mới biểu đạt như vậy, là cũng chừng ấy thời gian giới mộ điệu chưa một ngày lãng quên ông, bằng việc hát lên những giai điệu đắm say, nồng nàn…
Âm nhạc của ông vẫn ở lại với cuộc đời, sống khỏe khoắn, bền bỉ, thách thức thời gian… Đêm đầu tiên của ngày tháng Tư, ở nhiều địa điểm tại thành phố Vinh, những “Nhớ Trịnh”, “Như một lời chia tay”, “Gọi mãi tên nhau”… các chương trình ca nhạc đã được tổ chức ấm cúng, giản dị… để những người yêu mến nhạc Trịnh cùng đốt nến, tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa, để cùng nhau ngân lên những giai điệu đẹp trong kho tàng ca khúc mà hơn 40 năm sáng tác miệt mài ông gửi lại cuộc đời. Những đêm nhạc ấy, cả người đến thưởng thức âm nhạc, lẫn những nghệ sĩ biểu diễn, đều rưng rưng xúc động…
Nhà báo Phạm Thùy Vinh cất lên những lời ca say đắm trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Gọi mãi tên nhau. Ảnh: Cảnh Yên
Đêm nhạc để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng người yêu nhạc Trịnh. Ảnh: Cao Đông
Nhiều năm nay, vào ngày mất của nhạc sĩ họ Trịnh, nữ nhà báo Thùy Vinh vẫn cùng bạn bè của mình tổ chức những đêm nhạc để nhớ về ông. Tại một quán cà phê nào đó trong thành phố này, họ tự đánh đàn, tự hát cho nhau nghe những ca khúc của Trịnh. Năm nay, chị chia sẻ, có phải vì không gian được chọn rộng rãi hơn, hay vì điều gì khác, mà “Gọi mãi tên nhau” – tên chương trình mà họ tổ chức tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Quốc Trị (TP. Vinh) – lại thu hút người đến nghe rất đông, chủ yếu là lứa tuổi 7x, 8x. Quán với sức chứa 300 khán giả không còn chỗ trống. Đông là vậy, nhưng vẫn đủ trật tự để không gian ấy chỉ còn âm nhạc vang lên.
Gia đình nhạc sỹ Hoàng Sơn – ca sỹ Phương Linh cùng cất lên bài hát “Ở trọ” với giai điệu tươi vui. Ảnh: Cảnh Yên
Các “nghệ sĩ” biểu diễn trên sân khấu, đa số không phải ca sĩ, nhạc công chuyên nghiệp. Họ là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, là giáo viên, kỹ sư, nhân viên văn phòng hay người lao động… yêu nhạc Trịnh tha thiết. Trong đêm nhạc ấy, trên sân khấu có “nghệ sĩ” U80 và có cả những em bé lên 5, lên 6 hòa giọng ca. Họ chơi đàn, hay cất tiếng hát mộc mạc của mình một cách hồn nhiên, đầy ngẫu hứng. Khán giả, hầu hết cũng là bạn bè, thưởng thức âm nhạc với sự trân trọng, biết ơn.
Trong ánh nến, người nghe bật đèn flash điện thoại, đu đưa và hát theo những giai điệu quen thuộc của “Ở trọ”, “Hãy yêu nhau đi”, “Đêm thấy ta là thác đổ”…. Chị Thanh Nhàn, một khán giả có mặt trong đêm nhạc đã chia sẻ cảm xúc của mình: “Chúng tôi – những người đã dành cả thanh xuân để yêu âm nhạc của Trịnh Công Sơn, rất xúc động khi được ngồi trong không gian này với những người bạn cùng sở thích, cùng đam mê. Chẳng phải nói gì cả, chỉ yên lặng để nghe và thấm là đủ rồi”.
Đêm nhạc ấm cùng với rất đông khán giả yêu nhạc Trịnh. Ảnh: Cảnh Yên
Vẫn là những người chơi nhạc không chuyên, Câu lạc bộ Diễm xưa cũng có “Như một lời chia tay” rất xúc động và ấn tượng với khán giả. Anh Xuân Đỉnh, một thành viên của CLB cho biết: Chúng tôi vốn dĩ không ai là nghệ sĩ chuyên nghiệp cả, vì yêu mến nhạc Trịnh mà tập hợp nhau lại, tập nhạc và biểu diễn cho những người cùng sở thích như chúng tôi. Khán giả lặng lẽ tìm đến, và xem đây là điểm hẹn mỗi cuối tuần. Bản thân tôi có suy nghĩ rằng nhạc Trịnh, nghe thì cứ nghe thôi, không cần phải đắn đo suy tính mình bao nhiêu tuổi, mình là ai hay mình đang làm công việc gì… Bởi Trịnh là dành cho tất cả…”.
Không gian đẹp và ấm cúng với tên gọi “Như một lời chia tay”. Ảnh: Nguyệt Anh
Không gian sân vườn, dưới cơn mưa phùn mùa Xuân, khán giả ngồi nghe cô giáo Hạ Huệ, doanh nhân Hữu Lâm, anh kỹ sư ô tô Bảo Thái… cất lên tiếng hát của mình. Những nghệ sĩ nghiệp dư ấy cho rằng, mỗi lần hát nhạc Trịnh đều như tìm thấy mình trong đó và lần nào hát cũng đầy cảm xúc. Ban tổ chức chỉ bố trí một lượng ghế nhất định cho khách để phù hợp với không gian không quá rộng của quán. Không ai bảo ai, họ đều cố gắng ngồi sát vào nhau, chừa chỗ cho người tới sau. Kết thúc đêm nhạc, khán giả còn chưa muốn ra về.
Không gian nhỏ “Như một lời chia tay” thu hút lượng đông khán giả. Ảnh: Nguyệt Anh
Không chỉ đến để nghe các ca khúc nhạc Trịnh, khán giả còn bày tỏ tình cảm của mình với người nhạc sĩ tài hoa bằng những tác phẩm của mình, và “trình làng” với những bạn bè yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trên sân khấu của “Như một lời chia tay”, cô giáo Thu Hiền (Trường PTTH Dân tộc Nội trú) đã đọc bài thơ “Chiều Trịnh”, một sáng tác cô viết vào đúng ngày nhạc sĩ ra đi cách đây 22 năm. Bài thơ là kỷ niệm của riêng cô, cũng là nỗi lòng của tất cả những người yêu mến người nghệ sĩ tài hoa “Nắng thủy tinh đưa thiên sứ về trời/ Cứ tưởng trò đùa trong “ngày nói dối”/ Thanh thản lắm khi về cát bụi/ Mình nâng ly cho cạn một ngày…” . Bằng giọng đọc diễn cảm của mình, Thu Hiền đã mang đến nỗi tiếc nuối, xúc động cho người nghe khi cô chia sẻ rằng “Trước những biến cố cuộc đời, cô đã vin vào âm nhạc của Trịnh Công Sơn để bước qua, dù bước đi ấy vẫn còn chông chênh lắm”.
Như một món quà đặc biệt gửi đến người nhạc sĩ tài hoa, cũng như người hâm mộ ông, vợ chồng cô giáo Kim Oanh (Trường Chính trị tỉnh) đã ghép tên 139 tình khúc của ông để làm nên bài hát “Tình khúc Trịnh Công Sơn”. Lần đầu tiên trên sân khấu, NSƯT Diễm Hằng trình bày ca khúc này trong nỗi xúc động rưng rưng của vợ chồng tác giả Kim Oanh và khán giả yêu nhạc Trịnh.
Không khó hiểu khi đã 22 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa nhưng gia tài âm nhạc của ông vẫn sống trong lòng khán giả. Bằng cách này hay cách khác, việc tổ chức những đêm nhạc của riêng Trịnh Công Sơn vào ngày giỗ của nhạc sĩ cũng là một cách để nhạc Trịnh đến nay vẫn được nhiều thế hệ giữ gìn, tiếp nối, để dòng nhạc này có sức sống trường tồn bất biến với thời gian. Những đêm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức trong ngày mất của cố nhạc sĩ đã trở thành một không gian âm nhạc tuyệt vời để khán giả thành phố Vinh chìm đắm trong dòng cảm xúc. Ở đó, họ được sống với đam mê của mình, kết nối được với những tâm hồn đồng điệu để cùng nhau làm một cuộc hành hương tìm về những giá trị nguyên bản của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sau nhiều năm ông rời xa “cõi tạm”.
Mộc San - Làn gió mới của nhạc Trịnh
Ca sĩ Mộc San sẽ trình bày 15 ca khúc trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của cố nhạc sĩ.
Thời gian gần đây, trên các nền tảng âm nhạc xuất hiện một giọng ca mới của dòng nhạc Trịnh với những ca khúc có lượt nghe khủng như: Ru ta ngậm ngùi, Biển nhớ, Diễm xưa, Cát bụi... Nữ ca sĩ nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả với những ca khúc nhạc Trịnh trên chính là Mộc San.
Với giọng ca mộc mạc, gần gũi kết hợp với guitar, những ca khúc nhạc Trịnh qua tiếng hát của Mộc San như những lời kể chuyện nhẹ nhàng và có một sức hút kỳ lạ đối với người nghe. Dưới những ca khúc nhạc Trịnh do Mộc San trình bày, đông đảo khán giả đã để lại những bình luận khen ngợi hết lời.
"Vô tình nghe được giọng ca trẻ Mộc San hát nhạc Trịnh quá tuyệt vời, giọng ca nhẹ nhàng mà sâu lắng, truyền cảm... Cuối cùng cũng tìm ra được giọng ca trẻ hát nhạc Trịnh hay như vậy...", một người nghe bình luận.
"Tôi đã nghe nhiều bản cover của Mộc San hát nhạc Trịnh. Mộc San và bạn chơi guitar đã cho tôi một cảm giác nghe nhạc thực thụ, làm người nghe phải phiêu theo hai bạn đến từng nốt nhạc...", một người khác viết.
Mộc San được rất nhiều khán giả yêu mến - Ảnh: NVCC
Mộc San chính là Đam San - nữ ca sĩ đến từ Đà Lạt bước ra từ cuộc thi Solo cùng Bolero 2017. Mộc San còn được mệnh danh là "Hoa hậu Bolero" bởi cô không chỉ có giọng hát hay mà còn có ngoại hình đẹp, chiều cao lý tưởng.
Nói về việc thay đổi nghệ danh, Đam San cho biết: "Thật ra ban đầu tôi không nghĩ đổi nghệ danh hay thay đổi gì cả vì vốn dĩ khán giả đã quen với cái tên Đam San. Tôi tạo ra kênh YouTube Mộc San chỉ để chia sẻ những ca khúc hát "mộc" với guitar thôi nhưng không ngờ lại nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả. Vì thế, tôi nghĩ cái tên Mộc San có duyên với mình nên quyết định xin Tổ nghiệp đổi nghệ danh là Mộc San...".
Chia sẻ về cơ duyên hát nhạc Trịnh, Mộc San bật mí: "Về nhạc Trịnh và nhạc xưa trên kênh Mộc San có thể là lần đầu khán giả biết đến tôi ở dòng nhạc này. Họ vốn đã quen tôi với xuất phát điểm từ một cuộc thi Bolero. Tuy nhiên, nhạc Trịnh Công Sơn và nhạc xưa là dòng nhạc chính đã gắn bó với tôi hơn 10 năm trời ở các phòng trà tại Đà Lạt.
Tôi thấy may mắn vì mình có thể hát được nhiều dòng nhạc. Còn cơ duyên để tôi quay trở lại với dòng nhạc này có lẽ là do cuộc sống. Sau 2 năm dịch bệnh tôi nhận ra mình cần sống chậm lại, suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn. Thế là tôi hát lại dòng nhạc này vì tôi tìm thấy mình trong đó...".
Mộc San được xem là làn gió mới của nhạc Trịnh
Nhiều khán giả nghe Mộc San hát đã có nhận định rằng cô là tiếng hát kế thừa của ca sĩ Khánh Ly, cố danh ca Lệ Thu, cố danh ca Ngọc Lan... Mộc San chia sẻ: "Khi nghe những nhận xét hay bình luận như thế, tôi cảm thấy trân trọng và cảm ơn sự quan tâm, yêu mến của khán giả dành cho mình. Tuy nhiên, tôi không bao giờ dám đưa mình so sánh với các ca sĩ gạo cội đi trước. Các cô luôn là những tượng đài lớn để tôi nhìn vào và học hỏi, hoàn thiện bản thân. Mộc San đơn giản chỉ là một người yêu hát, thích hát. Tôi tìm thấy mình ở những bản nhạc và muốn chia sẻ cảm xúc âm nhạc đó đến tất cả những người đồng điệu".
Nói về kế hoạch sắp tới, Mộc San cho biết: "Với tôi, âm nhạc như là hơi thở nên tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm chỉn chu nhất với cái tâm của người làm nghệ thuật chân chính. Thời gian tới, có thể tôi sẽ phát hành 1, 2 CD nhỏ để gửi đến người hâm mộ vì có rất nhiều khán giả hỏi mua đĩa... Còn về dòng nhạc chính trong thời gian tới thì tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục với nhạc Trịnh và nhạc xưa, song song đó tôi vẫn có thể hát Bolero, dân ca... nếu được khán giả yêu cầu".
Vào lúc 19 giờ ngày 1.4 sắp tới, nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Mộc San sẽ kết hợp với Đài truyền hình Tây Ninh tổ chức một đêm nhạc mang tên Mộc San - Làn gió mới của nhạc Trịnh.
"Trong đêm nhạc này, tôi muốn gửi lời tri ân chân thành nhất đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cảm ơn những ca khúc của cố nhạc sĩ đã làm say đắm bao nhiêu thế hệ khán giả và chữa lành tâm hồn tôi. Đây cũng là dịp để tôi hát tặng cho những khán giả đã yêu mến Mộc San trong thời gian qua".
Ngoài hình ảnh với áo dài duyên dáng, Mộc San cũng thường tạo cho mình một phong cách trẻ trung năng động
Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Tây Ninh TTV11 với sự tham gia của các khách mời Quán quân "Người kể chuyện tình 2022" Tuấn Nghĩa, Guitar Nhật Đông - Viết Thành, Saxophone Nguyễn Thành, MC Phú Khánh... Trong chương trình, ca sĩ Mộc San sẽ cùng với khách mời trình bày 15 ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc gồm Ru ta ngậm ngùi, Biển nhớ, Diễm xưa, Cát bụi, Như cánh vạc bay, Huyền thoại mẹ, Mưa hồng, Để gió cuốn đi, Hạ trắng, Chiều một mình qua phố, Còn tuổi nào cho em, Dấu chân địa đàng, Nối vòng tay lớn...
Video ca sĩ Mộc San hát Tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
Đêm nhạc Trịnh theo phong cách blue-jazz Đêm nhạc với chủ đề Bống bồng ơi của ca sĩ Hồng Nhung sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó, chương trình sẽ được tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 5. Hồng Nhung cho biết đêm nhạc nhằm kỷ niệm 22 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm và 30...