Đã đến lúc phải hủy tục tảo hôn ở Hoa Kỳ
Đối với rất nhiều người, đám cưới là ngày mà họ đã mơ tưởng từ thời còn bé. Nhưng đối với hàng trăm cô gái vị thành niên trên khắp nước Mỹ, ngày này nó giống với một cơn ác mộng hơn, bởi vì tục tảo hôn vẫn tiếp tục được duy trì.
“Phản bội trong chính gia đình của tôi”. Đó là cách mà Fraidy Reiss – một phụ nữ lớn lên trong một cộng đồng Do Thái Chính thống ở Brooklyn New York, miêu tả 15 năm bà phải chịu đựng một cuộc hôn nhân cưỡng ép được dàn xếp.
Không thể ly dị chồng, tốt nghiệp đại học bất chấp mọi trở ngại, sau khi dành dụm được ít tiền, bà Reiss bỏ nhà ra đi, mang theo hai con gái.
Nhà hoạt động Fraidy Reiss cho biết: “Gia đình tôi và cộng đồng vẫn coi như tôi đã chết, sau hơn 1 thập niên…”
Trải nghiệm đó đã khiến Reiss trở thành một nhà hoạt động, quyết tâm đấu tranh chống hôn nhân cưỡng ép, và tục tảo hôn. Bà thành lập tổ chức Unchained At Last – tạm dịch là ‘Cởi bỏ xiềng xích’, một tổ chức vô vụ lợi ở New Jersey chuyên giúp các nạn nhân của tục tảo hôn.
Từ năm 2001, hơn 550 người đã thoát được các cuộc hôn nhân đó nhờ sự giúp đỡ của Reiss, và các nỗ lực của bà trong năm 2018 dẫn tới kết quả là New Jersey trở thành một trong chỉ có hai tiểu bang của Hoa Kỳ, đặt ra ngoài vòng pháp luật các cuộc hôn nhân cho các đối tượng dưới 18 tuổi.
Fraidy Reiss chia sẻ: “Thật là kinh khủng… Khi tôi bắt đầu hoạt động, hôn nhân đối với những người dưới 18 tuổi được coi là hợp pháp tại tất cả 50 tiểu bang của Mỹ. “
Tại đa số các tiểu bang của nước Mỹ, vị thành niên có thể thành hôn khi lên 16 tuổi, hai tiểu bang cho phép các cuộc hôn nhân từ 14 tuổi, trong khi 13 tiểu bang khác hoàn toàn không có bất cứ quy định nào về tuổi tác.
Idaho là tiểu bang có tỷ lệ tảo hôn cao nhất nước với hơn 400 ngàn cuộc hôn nhân như thế được tổ chức từ năm 2000 tới năm 2010.
Năm 2019, bà Melissa Wintrow, nhà lập pháp của Đảng Dân chủ tại Hạ viện tiểu bang Idaho đã cố gắng, nhưng thất bại trong nỗ lực nâng số tuổi tối thiểu trong hôn nhân lên 16. Bà nói:
“Xét lịch sử và bản chất bảo thủ của tiểu bang này, tôi đã đề nghị một giải pháp tương nhượng mà tôi cho là hợp lý, nâng số tuổi tối thiểu để lập gia đình lên 16 tuổi, là tuổi phù hợp với tuổi hợp pháp để làm quyết định, cũng như tuổi tối thiểu trong các luật về cưỡng bức.”
Theo luật hiện hành, một đứa trẻ có thể lập gia đình nếu được tòa án cho phép “nếu cuộc hôn nhân đó phục vụ các lợi ích tốt nhất của xã hội.” Đó là một dấu hiệu to lớn mà về cơ bản, phản ánh các giá trị đã lỗi thời.
Năm 2019, bang Luoisiana nâng số tuổi tối thiểu cho hôn nhân lên 16 tuổi, và khoảng cách biệt về tuổi tác giữa hai vợ chồng, trong trường hợp một trong hai người thuộc tuổi vị thành niên, không thể quá 3 năm.
Diễn đàn Gia đình Luoisiana nằm trong số các nhóm chống đối sửa đổi này.
Kathleen Benfield, đại diện Diễn đàn Gia đình Louisiana, nói: “Tại đây, bang Luoisiana, chúng tôi đặt cao giá trị của hôn nhân, chúng tôi tin rằng hôn nhân là một định chế quan trọng, là nền tảng vững chắc của đất nước, của văn hóa và xã hội của chúng ta. Hôn nhân bảo đảm và giúp nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ con, thế cho nên chúng tôi tin rằng hôn nhân là một định chế hết sức quan trọng. Cuộc tranh luận về tuổi tối thiểu cho hôn nhân dẫn tới một bước ngoặt đen tối theo nghĩa, dường như nó bôi bẩn hôn nhân.”
Các nhà lập pháp và giới đấu tranh chống tục tảo hôn nói rằng đây là một vấn đề sâu xa hơn là một cuộc tranh luận về thế nào là một gia đình.
Melissa Wintrow cho biết thêm: “Nếu nhìn vào thành phần những đứa trẻ lập gia đình, các em thuộc thành phần da trắng, tần lớp trung lưu. Đây là vấn đề của chúng ta và nó bắt rễ sâu xa trong lịch sử về những thành kiến giữa nam và nữ giới tại đất nước chúng ta. Tôi nghĩ đã quá rõ rằng đây là một sự vi phạm quyền con người bởi vì dựa trên nghiên cứu về sự phát triển của não bộ, trẻ con chưa sẵn sàng để có thể làm những quyết định cả đời về tương lai của mình.”
Đối với bà Reiss, không có tranh luận về liệu có nên cấm các cuộc hôn nhân của vị thành niên hay không. Bà nói chính phủ Hoa Kỳ đã lên án các truyền thống tương tự tại các nước khác, và miêu tả chúng là các vi phạm nhân quyền.
Theo các dữ liệu do Unchained At Last thu thập được, hơn 250,000 đứa trẻ đã lập gia đình trong thập niên 2000-2010. Đa số là những thiếu nữ dưới tuổi thành niên, thành hôn với những người đàn ông lớn tuổi.
Theo VOA
Vụ án "hack não" nhất mọi thời đại: Nhảy lầu từ tầng 10, qua tầng 9 bị đạn lạc bắn chết và những cú twist cuối cùng khiến ai cũng phải ngỡ ngàng
Một người nhảy từ tầng 10 xuống, nhưng qua tầng 9 bị đạn bắn chết. Vậy đây là tự sát hay giết người?
Chuyện kỳ lạ, trên đời này có lẽ chẳng thiếu. Một ngày đẹp trời có thể ai đó ném vào mặt bạn cả một cục tiền mà chẳng vì lý do gì (ừ biết đâu đấy, cứ mơ vậy đi). Tuy nhiên, đôi khi có những câu chuyện kỳ lạ, hack não và nhiều plot twist đến mức bạn sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng nổi, như vụ án bạn sắp được thấy sau đây.
Vụ án: Cái chết đầy... twist của Ronald Opus
Ngày 23/3/1994, cảnh sát Mỹ tìm thấy thi thể của Ronald Opus. Khám nghiệm tử thi cho thấy Opus chết vì một mảnh đạn shotgun xuyên qua đầu.
Ảnh minh họa
Vấn đề là trước đó, Ronald Opus đã gieo mình tự vẫn từ tầng 10 của tòa nhà. Tại nơi nhảy vẫn còn lưu lại mảnh thư tuyệt mệnh, cho thấy anh rơi vào cảnh tuyệt vọng như thế nào. Nhưng khi rơi qua tầng 9, một khẩu shotgun bỗng khạc đạn. Viên đạn xuyên qua kính cửa sổ găm vào đầu Opus, khiến anh thiệt mạng gần như tại chỗ.
Giờ là cú twist đầu tiên: Cả Opus lẫn người bắn khẩu súng đều không biết rằng ngay tầng 8 của tòa nhà có giăng một tấm lưới, dùng để bảo hiểm cho công nhân xây dựng. Xác của Opus rơi trúng tấm lưới, và lẽ ra anh đã không chết nếu như không có phát súng oan nghiệt kia.
Tình huống này sẽ phải xử trí ra sao? Đây là tự sát hay giết người?
Theo luật Mỹ, một người muốn tự tử và thành công, dù nguyên nhân gây ra cái chết không giống như ý định thì vẫn được xem là tự sát. Tuy nhiên Opus chết khi chưa kịp tự sát thành công, mà dù có rơi xuống cũng chưa chắc đã thiệt mạng. Vậy nên, các giám định viên tin rằng đây nhiều khả năng là một vụ ngộ sát, thậm chí là cố ý giết người.
Ảnh minh họa
Mục tiêu điều tra hướng về ô cửa sổ của tầng 9 - căn nhà của 2 vợ chồng già. Khi ấy họ đang cãi nhau hết sức kịch liệt, và ông chồng thì dọa vợ bằng một khẩu shotgun. Tranh cãi lên đến đỉnh điểm, ông lão bóp cò súng. May mắn là viên đạn không trúng bà vợ, nhưng bay thẳng ra cửa sổ và găm vào Opus đang trên đà rơi xuống.
Lại là luật pháp Mỹ: khi một kẻ muốn giết "A", nhưng lại khiến "B" phải chết, kẻ đó sẽ vẫn bị truy tố tội danh giết người, nhưng là với B.
Tuy nhiên khi thẩm vấn, cặp vợ chồng già tỏ ra phản đối kết luận này một cách dữ dội. Cả hai đều khai họ không hề biết khẩu súng có đạn. Còn việc ông chồng lôi súng ra dọa vợ thì là một thói quen đã có từ lâu. Khẩu súng ấy vốn chưa bao giờ được nạp đạn, và người chồng cũng không có ý định giết vợ.
Hay nói cách khác, việc khẩu súng có đạn là điều không ai ngờ tới, và vụ án có thể khép lại với kết luận là một tai nạn ngoài ý muốn.
Ảnh minh họa
Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết bất ngờ. Lại có nhân chứng cho biết đã thấy cậu con trai của 2 ông bà ngồi nạp đạn cho khẩu súng, khoảng 6 tuần trước khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra. Theo điều tra, người con trai và mẹ đã có mâu thuẫn rất lớn sau khi bà dừng chu cấp tài chính cho cậu.
Oán hận dâng cao, người con quyết định lập mưu mượn tay bố giết mẹ bằng cách nạp đạn vào khẩu shotgun, vì cậu nắm rất rõ thói quen lôi súng ra dọa mỗi khi cãi nhau của ông bà cụ.
Kẻ nạp đạn hoàn toàn nhận thức rõ viễn cảnh sẽ xảy ra, nên người con trai sẽ bị truy tố tội giết người dù không phải kẻ trực tiếp bóp cò. Người này chính là nhân vật phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Ronald Opus.
Cuộc điều tra tưởng đến đây là hết, nhưng không ngờ lại xuất hiện một cú twist cực căng nữa: Hóa ra, con trai của ông bà cụ chính là Ronald Opus!
Người nhảy lầu lại chính là con trai của 2 vợ chồng già
Sau khi lập kế hoạch sát hại mẹ nhưng mãi không thành (mất 6 tuần), cộng thêm việc không còn tiền để sinh sống, hắn quá chán nản mà tự vẫn. Opus nhảy lầu tự tử, để rồi bị chết bởi chính phát đạn oan nghiệt mà gã đã nạp vào khẩu súng của bố mình. Nói cách khác, Opus đã vô tình tự giết bản thân, và rốt cục vụ án khép lại với kết luận là một vụ tự tử, không hơn không kém.
Và cú twist căng nhất
Vụ án trên đã được kể đi kể lại rất nhiều lần. Nó trở thành một ví dụ hoàn hảo cho thấy hậu quả pháp lý có thể trở nên "xoắn não" như thế nào dựa trên các tình tiết xảy ra trong vụ án.
Vấn đề ở đây chỉ là câu chuyện này... không có thật.
Tiến sĩ Don Harper Mills
Các tài liệu điều tra không hề ghi nhận bất kỳ sự việc nào liên quan đến cái tên Ronald Opus. Mà quan trong nhất là tiến sĩ Don Harper Mills - người đầu tiên kể chuyện đã tiết lộ rằng vụ án này hoàn toàn là hư cấu, mà ông kể ra để góp vui cho một bữa tối vào năm 1994.
Mục đích khi kể chuyện hoàn toàn chỉ là giải trí, nhưng chẳng rõ vì sao nó lại được lưu truyền như một huyền thoại trong lịch sử luật pháp Hoa Kỳ vậy.
Tham khảo: Quora, Truth or fiction
Theo Helino
Thi tát ở Peru Nhiều người đến tham gia cuộc thi tát đầu tiên ở Lima, Peru, các thí sinh thay phiên tát nhau để giành giải thưởng trị giá 296 đôla. Để giành chiến thắng, người tham gia phải đứng yên và phải tỉnh táo sau khi bị tát. Cuộc thi này được khởi sự ở Hoa Kỳ và nay đã lan rộng đến nhiều nơi...