Đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè
Để nâng cao năng suất, sản lượng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) vụ xuân hè, các địa phương trong tỉnh đã và đang áp dụng cách nuôi kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nuôi luân canh các đối tượng khác nhau mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp tại xã Nga Tân (Nga Sơn) đầu tư cơ sở hạ tầng, nuôi 3 vụ trong năm.
Vụ xuân hè 2021, huyện Nga Sơn thả nuôi thủy sản với diện tích 890 ha nước ngọt, 370 ha nước mặn, 439 ha nước lợ và hơn 20 ha nuôi tôm công nghiệp. Phấn đấu năng suất bình quân đối với nuôi cá truyền thống nước ngọt đạt 2,5 tấn/ha; tôm, cua các loại nuôi quảng canh cải tiến đạt 1 tấn/ha và tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 12,2 tấn/ha… Ngoài ra, tôm thẻ chân trắng còn nuôi xen vụ trên diện tích nuôi cá nước ngọt, nước lợ bình quân đạt 1,2 tấn/ha. Để đạt được kết quả trên, huyện Nga Sơn đang tập trung xây dựng kế hoạch nuôi cụ thể vùng NTTS tại 3 xã Nga Tân, Nga Tiến và Nga Thủy và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả các diện tích mặt nước, bãi triều; ruộng nhiễm mặn, ruộng sâu trũng cấy lúa, trồng cói kém hiệu quả kinh tế. Mở rộng hình thức nuôi xen ghép các loại thủy sản, như: cá đối mục với cua xanh, cá rô phi với tôm sú và rau câu,… theo hình thức thâm canh để giảm bớt rủi ro trong nuôi trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật nuôi, giống mới và sử dụng thức ăn công nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh đối với vùng nuôi. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Tân, cho biết: Trong những năm qua, xã đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất cói không hiệu quả sang NTTS và áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình NTTS theo hình thức xen ghép, kết hợp cá đối, tôm thẻ và cua xanh trong cùng một ao, đem lại lợi ích kép cho người dân, vừa có giá trị kinh tế, vừa có tác động tích cực đến môi trường ao nuôi. Với hình thức nuôi này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi. Ngoài ra, người dân trong xã đã chuyển đổi 45 ha NTTS quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 1 – 5 tỷ đồng/ha. Đơn cử, như hộ các ông Phạm Văn Hiếu, thôn 4; Trần Văn Lâm, thôn 7; Nguyễn Văn Kiên, thôn 3…
Hiện toàn tỉnh có 19.500 ha diện tích NTTS; trong đó, nước ngọt 14.150 ha, nước mặn 1.250 ha, nước lợ 4.100 ha. Những năm gần đây, diện tích NTTS được mở rộng, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, cải tạo hệ sinh thái vùng nuôi… các hộ NTTS ở các địa phương trong tỉnh đã áp dụng cách nuôi kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nuôi luân canh các đối tượng khác nhau theo mùa vụ trong năm. Tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn… đã thực hiện các mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua xanh và cá rô phi đơn tính; mô hình nuôi tôm kết hợp với cá đối mục… Đây là những mô hình dễ thực hiện, vốn đầu tư phù hợp với người dân. So với NTTS độc canh trên cùng diện tích, nuôi luân canh, xen canh các đối tượng khác cho giá trị kinh tế cao hơn khoảng 30%. Việc áp dụng hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau, hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Với việc đa dạng hóa con nuôi trong NTTS đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro do dịch bệnh, do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi. Tạo hướng đi mới cho nghề NTTS và giúp xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhất là, đã cải tạo được những ao, đầm kém hiệu quả trong nuôi trồng thâm canh, mang lại thu nhập cho người dân.
Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông
Mặc dù thời tiết mùa đông giá lạnh gây ra nhiều khó khăn trong nuôi trồng thủy sản, nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đầu tư nhà bạt để nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Trương Văn Toàn, xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) kiểm tra tôm nuôi vụ đông trong nhà bạt.
Trước đây, các hộ nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn chủ yếu thả nuôi tôm thẻ chân trắng 2 vụ chính trong năm. Do nguồn giống tôm công nghiệp phần lớn được vận chuyển ở các tỉnh phía Nam nên không chịu được nhiệt độ lạnh của mùa đông miền Bắc. Trong khi, nhu cầu của thị trường tôm thương phẩm những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh tăng cao dẫn đến khan hiếm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nhà bạt nuôi thả tôm vụ đông áp dụng công nghệ cao. Đến thăm vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) trong thời tiết lạnh giá, khi các hộ nuôi tôm công nghiệp nơi đây đang tập trung cải tạo, vệ sinh ao nuôi chuẩn bị cho vụ nuôi xuân hè năm 2021. Các hộ nuôi tôm công nghiệp đầu tư xây dựng bể nổi có mái che ứng dụng công nghệ cao vẫn đang tích cực chăm sóc tôm nuôi để phục vụ thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Các bể được thiết kế hình tròn khung sắt lót bạt HDPE xung quanh và hệ thống cung cấp oxy bao quanh cùng với máy móc, thiết bị cần thiết để duy trì và ổn định nhiệt độ thời tiết mùa đông chênh lệch giữa ngày và đêm quá lớn. Anh Trương Văn Toàn, chủ trại nuôi tôm công nghiệp của xã Hoằng Yến, cho biết: Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh đã huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng 12 bể nuôi có diện tích từ 300 - 400m2/bể, với chi phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Vụ đông năm nay anh thả nuôi 5 bể với mật độ 380 - 400 con/m2. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng đang phát triển tốt, bảo đảm kích cỡ khi bán vào dịp Tết Nguyên đán. Ưu điểm nuôi tôm trong nhà bạt tránh được thời tiết bất lợi, như: mưa và gió làm giảm PH, nhiệt độ, độ mặn và gây phân tầng nước trong ao nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, người nuôi còn chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên trong điều kiện nhiệt độ ao thay đổi nhanh. Đồng thời, sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt. Mặc dù nuôi tôm công nghiệp vụ đông đạt kích cỡ thương phẩm chậm hơn, do thời tiết lạnh giá ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Nhưng chi phí nuôi tôm ít hơn, đến thời điểm hiện tại giá tôm kích cỡ 100 con/kg, có giá bán từ 120.000 - 130.000 đồng/kg và dự kiến vào dịp tết giá còn cao hơn.
Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 500 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, sản lượng ước đạt 7.500 tấn/năm. Các địa phương ven biển luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, đầu tư ao nuôi theo quy trình khép kín từ xử lý nguồn nước, môi trường ao nuôi và kiểm soát con giống sạch bệnh. Đồng thời, tích cực tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh trong nuôi tôm công nghiệp. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Phòng Nuôi trồng (Chi cục Thủy sản), vụ đông năm nay toàn tỉnh có 40 hộ nuôi với diện tích khoảng 30 ha nuôi tôm trong nhà bạt. Hiệu quả kinh tế mang lại trong nuôi tôm vụ đông cao hơn so với sản xuất 2 vụ chính, do ít hộ đầu tư thả nuôi vào mùa đông. Chủ yếu các hộ đã đầu tư xây dựng các ao nuôi có nhà bạt che phủ, lót bạt dưới đáy ao và có hệ thống quạt oxy để kiểm soát nhiệt độ, bảo đảm nhiệt độ bên trong và ngoài ao chênh lệch từ 7 - 12oC giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Tôm thương phẩm vẫn bảo đảm kích cỡ, chất lượng và có năng suất tương đương 2 vụ chính, ước tính mỗi ha đạt từ 25 - 30 tấn/vụ. Do nhu cầu của thị trường tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm tăng nên tôm thương phẩm có giá bán cao gấp 1,5 lần so với chính vụ. Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển nuôi tôm công nghệ cao nhằm phát triển nuôi tôm vụ đông theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính vào đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Hải Dương: Dạy nghề + hỗ trợ lập mô hình liên kết, xuất hiện nhiều nông dân giỏi Song song với thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã chủ động đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm, thành lập mô hình liên kết sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập. Nhân rộng điển hình nông dân giỏi Với đặc điểm vùng đất trũng trồng lúa không hiệu quả,...