Đã có quy định xử trộm cắp, con nghiện
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng này, pháp lệnh quy định họ được mời luật sư bảo vệ cho mình.
Để giải quyết sự chậm trễ trong việc ban hành quy định đưa người trộm cắp, nghiện vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/1/2014), ngày 20/1, Ủy ban Thường vụ QH đã họp bàn và chính thức thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
VKS phải tham gia
Theo pháp lệnh, đối với những vụ đã xử trước 1/1/2014 thì không xem xét lại. Những vụ đã lập hồ sơ, tổng hợp, tập hợp sau 1/1/2014 thì sẽ áp dụng theo pháp lệnh mới. Pháp lệnh cũng quy định thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 15 ngày, kể từ ngày tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Tại tờ trình, TAND Tối cao khẳng định việc tòa án quyết định các biện pháp hành chính sẽ bảo đảm khách quan, chính xác, tăng cường tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ; đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Việc tòa án quyết định các biện pháp hành chính sẽ bảo đảm khách quan, chính xác, tôn trọng quyền cơ bản của công dân. Trong ảnh: Người nghiện đang tham gia lao động tại trung tâm cai nghiện. Ảnh: HTD
Và để bảo đảm được điều đó, pháp lệnh quy định rõ về sự tham gia của VKS trong tiến trình này để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của tòa án trong quá trình xem xét, quyết định biện pháp xử lý hành chính. Trước đó, khi thảo luận về quy định trên tại phiên họp thứ 24, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH đã thể hiện nhiều quan điểm trái chiều nhau về quy định này. Cụ thể, trong khi tòa án và phần lớn đại diện các ủy ban đều cho rằng quy định VKS tham gia là phù hợp thì Ủy ban Tư pháp và VKSND Tối cao lại cho rằng không phù hợp vì phiên họp này không phải là phiên xét xử mà chỉ là việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên kiểm sát không cần tham gia.
Được mời luật sư tham gia bảo vệ
Video đang HOT
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, pháp lệnh có quy định: Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì tòa án yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ…
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, tòa án có thể yêu cầu các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập, đại diện chính quyền địa phương nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị.
Sau khi tòa án mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính kết thúc, thẩm phán phải ban hành quyết định về việc có áp dụng biện pháp xử lý hay không. Đối với trường hợp quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì ngoài các căn cứ quy định, pháp lệnh yêu cầu thẩm phán phải cân nhắc, đánh giá về độ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức, hoàn cảnh sống và học tập của người chưa thành niên.
“Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không còn biện pháp xử lý thích hợp khác và trong thời hạn ngắn nhất, đủ để giáo dục, giúp đỡ họ nhận thức được sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội” – pháp lệnh nêu rõ.
Có quyền khiếu nại quyết định của tòa án Theo pháp lệnh, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại đối với các quyết định của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi có khiếu nại, kiến nghị đối với TAND cấp huyện thì việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị được giao cho một thẩm phán TAND cấp tỉnh thực hiện.
Theo Thành Văn
Trộm cắp, con nghiện: Xử lý sao lúc giao thời?
Từ 1/1/2014, TAND cấp huyện có nhiệm vụ đưa người trộm cắp, đánh bạc, nghiện ma túy... mà không phải là tội phạm vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, chữa bệnh. Song đến giờ các tòa vẫn chưa biết thực hiện thế nào.
"Phường nào cũng có những đám côn đồ nghiện ma túy, đánh bạc, ăn cắp vặt... quậy phá xóm làng. Trước đây, UBND cấp huyện, tỉnh được xử lý tụi này. Nay luật mới chỉ cho phép TAND cấp huyện làm nhưng tôi chưa thấy họ động đậy gì!". "Chỗ tôi có bốn đứa 16 tuổi thường xuyên gây sự, đánh nhau, bà con kêu dữ lắm. Tôi vừa mới gửi hồ sơ đề nghị UBND quận đưa đi giáo dục bắt buộc nhưng quận bảo phải chuyển qua tòa..."... Rất nhiều phường tại TP.HCM đã bày tỏ nỗi lo lắng khi nhiều nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) lẽ ra phải thực hiện từ ngày 1/1/2014 mà đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu.
Không còn đơn phương quyết định
Luật XLVPHC quy định bốn biện pháp xử lý hành chính là: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Biện pháp một áp dụng với những người từ đủ 12 đến dưới 16 tuổi có hành vi phạm tội, người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi hai lần trở lên trong sáu tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức xử hình sự; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định... Với biện pháp này thì chủ tịch UBND cấp xã vẫn ra quyết định như lâu nay.
Trong cơn phê ma túy đá, Lương Phúc Hưng (24 tuổi) đã dùng búa đập đầu bạn thân của mình (ảnh trái). Nguyễn Quang Mạnh (28 tuổi) bị bắt do giết người cũng trong cơn phê ma túy đá. Ảnh: Ái Nhân
Ba biện pháp còn lại cũng dành cho những trường hợp vi phạm trên nhưng có mức độ nặng hơn hoặc đã được áp dụng tại xã nhưng tái phạm, hoặc không có nơi cư trú ổn định. Thời gian thực hiện từ sáu đến 24 tháng. Song thay vì chủ tịch UBND cấp huyện và tỉnh ra quyết định như trước đây thì kể từ ngày 1/1/2014, việc này được chuyển giao cho TAND cấp huyện.
UBTVQH sẽ ban hành pháp lệnh trình tự, thủ tục đưa sang tòa án quyết định việc áp dụng biện pháp XLHC. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Tư pháp thì có thể phải đến tháng 4/2014 mới có pháp lệnh để các địa phương thực hiện (!). Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp), cho hay: "Theo kế hoạch thì phải đến tháng 2/2014 UBTVQH mới họp thảo luận, cho ý kiến và nếu may mắn được thông qua ngay thì ít nhất sau 45 ngày mới có hiệu lực. Với dự trù như vậy thì sớm nhất cũng phải tới tháng 4 pháp lệnh mới có hiệu lực".
Thả nổi đối tượng: Chuyện gì xảy ra?
Đây là băn khoăn của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khi từ đây mọi người phải sống cùng với những đối tượng tệ nạn do chúng chưa bị cách ly.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 vào đầu tháng 12/2013, Thiếu tướng Phan Anh Minh lưu ý: "Từ ngày 1/7/2013 thì Luật XLVPHC có hiệu lực. Luật có quy định chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp XLHC, trong đó có việc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc từ chủ tịch UBND sang TAND, từ thủ tục hành chính sang thủ tục tư pháp. Song đến thời điểm này vẫn chưa có các văn bản cụ thể để thi hành. "Do kẽ hở của quy định nên bản thân người dân phải đề cao cảnh giác bảo vệ mình" - Thiếu tướng Phan Anh Minh dặn dò.
Tại buổi họp báo chiều 20/12/2013, Đại tá Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Công an TP.HCM lo lắng nguy cơ phát sinh tội phạm từ các con nghiện đang ở ngoài xã hội. Đại tá Lê Anh Tuấn dẫn chứng có một số vụ án mạng hoặc các trường hợp ngang nhiên xông vào nhà bắt cóc trẻ em... xảy ra tại TP do đối tượng sử dụng ma túy bị loạn thần.
Một đội trưởng đội CSĐT tội phạm về ma túy chia sẻ kinh nghiệm: Các con nghiện thường dễ trở thành kẻ phạm tội và kẻ phạm tội thường sử dụng ma túy. Trong quá trình theo dõi, quản lý địa bàn, công an sẽ nhanh chóng bắt con nghiện đưa đi cai nghiện một thời gian khi thấy có dấu hiệu có thể phạm tội. Cạnh đó, nếu đối tượng tội phạm chuyên nghiệp mà quá tinh ranh thì công an có thể thông qua các biện pháp kiểm tra hành chính, kiểm tra ma túy và đưa đối tượng đi cai nghiện để phòng ngừa chúng thực hiện hành vi phạm tội. "Tôi chưa hình dung được tới đây việc xử lý các đối tượng này sẽ ra sao" - ông nói.
Ông Hà Phước Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nêu ý kiến: "Năm 2013 có nhiều nhân tố tác động làm gia tăng tội phạm nhưng TP.HCM đã nỗ lực kiềm chế, làm giảm một số loại tội phạm. Trong đó, có vai trò của Luật XLVPHC và hệ thống pháp luật về XLHC làm cơ sở cho việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là một trong những công cụ quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, đấu tranh với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa hành vi vi phạm hình sự. Nay chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trình tự, thủ tục để tòa án thực hiện các biện pháp XLHC thì sẽ là khó khăn, thách thức lớn đối với địa phương".
Cần có giải pháp lúc giao thời
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Hà Phước Tài cho biết: Ngày 26/12, trong công văn gửi Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp UBTVQH sớm ban hành quy định về trình tự, thủ tục để TAND quyết định áp dụng các biện pháp XLHC theo thẩm quyền. Trường hợp đến ngày 1/1/2014 mà chưa ban hành kịp văn bản quy định về vấn đề trên hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực thì hướng dẫn địa phương việc áp dụng biện pháp XLHC trong giai đoạn giao thời.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, chia sẻ: "Bộ Tư pháp có nhận được văn bản của TAND Tối cao kiến nghị UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp tục áp dụng quy định hiện hành để xử lý vấn đề này".
Quyết định qua phiên họp và cho luật sư tham gia Hiện TAND Tối cao đã trình UBTVQH dự thảo "Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp XLHC tại TAND". Theo Viện trưởng Viện Khoa học xét xử - TAND Tối cao Nguyễn Văn Minh, ba biện pháp trên mang tính cưỡng chế nhà nước, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền của người chưa thành niên. Người bị áp dụng ba biện pháp đó ít nhiều bị hạn chế tự do và một số quyền lợi khác. Vì vậy, việc ban hành quyết định phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công khai, bảo đảm khách quan, chính xác. Việc phán xét về hành vi vi phạm pháp luật và áp dụng chế tài xử lý người vi phạm được giao cho TAND thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đơn phương quyết định của các cơ quan hành chính (UBND các cấp). Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng ba biện pháp trên được xây dựng tương tự như thủ tục tố tụng của tòa án nhưng ngắn gọn hơn. Theo đó, việc xem xét, quyết định áp dụng ba biện pháp được thực hiện thông qua phiên họp do một thẩm phán chủ trì. Phiên họp có sự tham gia của đại diện cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp XLHC, đại diện VKS cùng cấp, người bị đề nghị hoặc đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý. Một số vụ người nghiện bị loạn thần gây án - Chiều 25/12/2013, Tống Duy Tân (ngụ tỉnh Hậu Giang) mang theo dao đến KP 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để cướp tài sản. Y đã đâm một người dân, đâm trọng thương một bảo vệ dân phố và bắt cóc cháu bé hai tuổi làm con tin. - Khoảng 16 giờ 10 ngày 4/10/2013, tại lô R chung cư Nguyễn Kim nằm trên đường Nguyễn Kim (phường 7, quận 10, TP.HCM), Nguyễn Quang Mạnh (ngụ phường 7, quận 10) trong cơn phê ma túy đá đã xin đểu và giết chết chị Lê Mỹ Nguyệt. - Khoảng 16 giờ 30 ngày 12/9/2013, trong lúc bị ảo giác do phê ma túy đá, Lê Đức Quyền (ngụ quận 5) cầm hai con dao chạy từ trong hẻm 12 ra đường Nguyễn Văn Đừng, phường 6, quận 5. Lúc này bé Trịnh Mỹ Hà (tám tuổi, ngụ quận 10) vừa tan học đi vào hẻm để cha chở về bị Quyền chém nhiều nhát. 1.293 là số người nghiện đã được ngành Công an TP.HCM lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các trường, trung tâm cai nghiện trong năm 2013.
Theo Nhóm PV
Lên cơn nghiện, kề dao vào cổ xe ôm cướp 100.000 đồng Đang trong lúc lên cơn, 2 con nghiện giả vờ là khách đi xe ôm rồi dùng dao găm kề vào cổ, đâm trọng thương tài xế xe ôm rồi bỏ chạy. Ngày 3/1, cơ quan CSĐT công an huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết đơn vị này đang tạm giữ hình sự Lê Bảo Thiện (21 tuổi) và Trần Khắc Ngân Bảo...