Đã có quy định về thu học phí, các trường tại tỉnh Nam Định không được lạm thu
Ủy ban Nhân dân tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã có quy định chi tiết các khoản thu học phí và ngoài học phí. Phụ huynh nên biết điều này!
Trong tháng 9 và tháng 10/2019, tại một số huyện của tỉnh Nam Định phụ huynh phản ánh tình trạng lạm thu đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Mới đây, một phụ huynh của trường tiểu học Nam Thái (xã Nam Thái, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) gọi điện phản ánh đến báo: Một số khoản thu không minh bạch của trường.
Khi phụ huynh có trực tiếp đến trường để hỏi, nhà trường thông báo các khoản thu bao gồm: công trình hội, quỹ hội, tiền vệ sinh môi trường, quỹ lớp, chăn chiếu, điện, cây cảnh, dầu máy, tiền Bảo hiểm, trang trí lớp…Theo phụ huynh tên N.V.T: “Các khoản thu của nhà trường chỉ ghi chung chung: 1.370.000 đồng mà không nói rõ bao gồm những khoản nào.
Trong khi nhiều trường hợp không ở bán trú nhưng vẫn thu tiền chăn, chiếu, điện, nước sạch.
Tiền mua tivi năm nào nhà trường cũng bắt ủng hộ. Ngoài ra đã thu tiền nước sạch, tiền uống nước còn thu cả tiền rửa tay chân của học sinh”.
Phụ huynh cung cấp chi tiết các khoản tiền nhà trường bắt ủng hộ và rất bức xúc:
“Ông bà ở nhà cứ khuyên đấu tranh thì tránh đâu. Nhưng nếu mình không nói thì cũng không biết họ thu cái gì, số tiền này đi về đâu, ai sử dụng.
Cho nên tôi muốn phản ánh để nhà trường có cách ứng xử về sau cũng là giúp cho các khóa học sinh sau này.
Vì ở quê thuần nông chúng tôi nuôi một đứa con ăn học phải đóng nhiều khoản tiền lớn rất vất vả”.
Số tiền phụ huynh trường tiểu học Nam Thái phải đóng lên đến hơn 3 triệu đồng (Ảnh:N.D)
Trước những thông tin này, đặc biệt trong tháng 9/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh tại tỉnh Nam Định về một số trường thu những khoản không rõ ràng, có dấu hiệu lạm thu.
Để thuận tiện cho phụ huynh theo dõi, chúng tôi xin đăng tải các khoản thu học phí, thu ngoài học phí do Ủy ban Nhân dân; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định quy định:
Công văn số: 1090/SGDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định: Về thực hiện quản lý thu, chi học phí và các khoản đóng góp ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do tỉnh quản lý năm 2019-2020.
I.Mức thu học phí ( đơn vị: tháng/ học sinh)
Mầm non: 130.000 đồng/ thành thị; 90.000 đồng/ nông thôn
Video đang HOT
Trung học cơ sở: 100.000 đồng/ thành thị; 70.000 đồng/ nông thôn
Trung học phổ thông: 130.000 đồng/ thành thị; 90.000 đồng/ nông thôn
Giáo dục thường xuyên cấp 3: 130.000 đồng/ thành thị; 90.000 đồng/ nông thôn.
Công văn hướng dẫn thu các khoản học phí và ngoài học phí của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định (Ảnh:N.D)
II.Công tác xã hội hóa giáo dục
Thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân.
Phụ huynh học sinh chủ động mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, tư trang cá nhân của học sinh, các loại hình bảo hiểm tự nguyện, đảm bảo đủ điều kiện cho con em mình học tập và sinh hoạt tại trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục thực hiện chức năng nhiệm vụ theo đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011.
III. Quản lý, sử dụng, công khai các khoản thu
Các khoản thu chi phải đưa vào sổ sách kế toán, hạch toán theo quy định và phải thực hiện công khai các khoản thu, chi trên hệ thống phương tiện truyền thông để nhân dân, cha mẹ học sinh biết, thực hiện.Các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm tổ chức thu, quản lý sử dụng nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, thực hiện yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi sai quy định
Cam kết với các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp bằng văn bản về việc thực hiện nghiêm túc các khoản thu, chi và không thu, chi trái quy định.
Như vậy theo công văn trên, phụ huynh có quyền được biết về các khoản thu, chi chứ không chỉ ghi một cách chung chung như trường tiểu học Nam Thái đang làm.
Bên cạnh đó các trường cần thực hiện đúng theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định về các khoản thu và chi.
Đối với các khoản tiền xã hội, thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân.
Năm học này, tại tỉnh Nam Định nhức nhối tình trạng lạm thu (Ảnh:N.D)
Nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ
1. Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
2. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
3. Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí.
Với những thông tin trên, hy vọng phụ huynh có thể nắm được những khoản phải đóng theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng bị lạm thu.
Việc các trường lạm thu sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của mảnh đất giàu truyền thống hiếu học Nam Định.
Nam Dương
Theo giaoduc.net
Hiệu trưởng lạm thu, sao lại phê bình cả tập thể?
Xử lý trường học lạm thu phải xử lý kỷ luật hiệu trưởng một cách nghiêm minh bằng hình thức đình chỉ công tác, cách chức; có như thế mới chấm dứt nạn lạm thu.
Thu quá mức quy định, thu các khoản không được phép thu, chưa được phép thu gọi chung là lạm thu. Từ khi các trường học thu các khoản đầu năm sai quy định, "thuật ngữ" lạm thu mới được phổ biến như hiện nay.
Chuyện Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An "phê bình Trường Mầm non Bình Minh trước toàn ngành giáo dục Cửa Lò do thu sai quy định" đã phần nào làm "dịu" dư luận.
Thế nhưng không ít người đặt ra câu hỏi: Thu sai quy định là lạm thu, sao lại phê bình tập thể?
Ai phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra lạm thu trong trường học?
Trong trường học, giáo viên không có nhiệm vụ thu tiền; giáo viên cũng không muốn trở thành "người đòi nợ thuê". Thế nhưng khi hiệu trưởng phân công thu tiền, giáo viên phải thực hiện; thu bao nhiêu, thu như thế nào đều do hiệu trưởng chỉ đạo.
Giáo viên có thể biết hoặc không biết các khoản thu đó sai hay đúng những vẫn phải thu. Vì thế nếu các khoản thu đó là thu sai, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các khoản thu đầu năm của Trường Mầm non Bình Minh sai quy định. (Ảnh: Báo điện tử Nghệ an)
Trường học xảy ra lạm thu, phải xử lý như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn Số: 2976/BGDĐT-KHTC về việc thực hiện chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong năm học 2019-2020. Công văn nêu rõ:
Thực hiện nghiêm và đầy đủ các nội dung đã được nêu tại Công văn số 1052/BGDĐT-KHTC ngày 18/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chỉ đạo điều hành và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong năm học 2019-2020 như:
Vấn đề phân bổ ngân sách cho các cơ sở giáo dục, thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính;
Thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, thu ngoài học phí;
Rà soát các điều kiện để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giá sách giáo khoa, vật tư giáo dục cũng như tăng giá đột biến các mặt hàng văn phòng phẩm khác,... trước khi bước vào năm học mới.
Như vậy xử lý kỉ luật với trường học xảy ra lạm thu theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, thu ngoài học phí; Người bị xử lý là hiệu trưởng nhà trường.
Xử lý lạm thu như chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò e rằng chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giaó dục và Đào tạo.
Đã qua rồi kiểu xử lý "Mất mùa là do thời tiết, được mùa là nhờ chỉ đạo của anh Chủ nhiệm".
Xử lý không nghiêm minh, không đúng chỉ đạo của cấp trên, gây tâm lý coi thường luật pháp, coi thường dư luận; không có tác dụng răn đe, giáo dục.
Xử lý trường học lạm thu phải xử lý kỷ luật hiệu trưởng một cách nghiêm minh bằng hình thức đình chỉ công tác, cách chức; có như thế mới chấm dứt nạn lạm thu gây nhức nhối cho xã hội; gây mất niềm tin của phụ huynh với giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
1.thuvienphapluat.vn/cong-van/tai-chinh-nha-nuoc/Cong-van-2976-BGDDT-KHTC-2019-thuc-hien-chi-dao-dieu-hanh-gia-va-cac-khoan-thu-trong-giao-duc-418829.aspx
2. baonghean.vn/phe-binh-truong-mam-non-binh-minh-truoc-toan-nganh-giao-duc-cua-lo-do-thu-sai-quy-dinh-256402.html
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định nói về cuộc thi đặc biệt Nam Định đặt ra 5 nhiệm vụ chủ yếu nhằm hưởng ứng phong trào "chống rác thải nhựa". Cả nước đang phát động phong trào chống rác thải nhựa, Nam Định cũng là một trong nhiều địa phương tham gia rất tích cực, đặc biệt là với học sinh, sinh viên. Chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường tại trường tiểu học...