Đã có ngân hàng đề nghị hỗ trợ VN huy động vốn quốc tế
Ông Ajay Kanwal – Tổng Giám đốc khu vực ASEAN và Nam Á, Thành viên Ban điều hành Tập đoàn Standard Chartered đã chính thức ngỏ lời với Bộ Tài chính hỗ trợ Việt Nam kế hoạch huy động vốn quốc tế năm 2015 và 2016.
Standard Chartered ngày 13.11 cho biết, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chiều qua, ông Ajay Kanwal đã đưa ra nguyện vọng và cam kết hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Bộ Tài Chính trong một số vấn đề như hỗ trợ kế hoạch huy động vốn quốc tế năm 2015 và 2016, triển khai chương trình quản lý nợ trung hạn, cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia…
Riêng về đề nghị hỗ trợ Việt Nam kế hoạch huy động vốn quốc tế năm 2015 và 2016 của Standard Chartered, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trao đổi với lãnh đạo Standard Chartered rằng: Trong tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã thông qua Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020. Ngày 11.11.2015, Quốc hội đã thông qua chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ trong nước của Chính phủ trong 2 năm 2015 và 2016. Bộ Tài chính đang tính toán, cân nhắc lại hiệu quả của đợt phát hành, đặc biệt trong tương quan so sánh với các phương án huy động nguồn lực trong nước nên Bộ trưởng đề nghị Standard Chartered tiếp tục phối hợp để cập nhật thông tin diễn biến thị trường vốn quốc tế và xây dựng lộ trình phát hành để đạt được được yêu cầu “đảm bảo lợi ích quốc gia” như Quốc hội đã đề ra.
Trước đó, Quốc hội đã cho phép Chính phủ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm nay và 2016 để cơ cấu lại nợ trong nước trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD. Quốc hội cũng đồng ý đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên.
Video đang HOT
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 3 tỷ USD, trước đó, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo cuối tháng 10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, việc phát hành này không làm thay đổi nợ, chỉ thay đổi chủ nợ và lãi suất và cam kết khi thực hiện phải cân đối đảm bảo an ninh tài chính hiệu quả nhất. Thư trương Bộ Tai chinh bô sung thêm: “Công tác chuẩn bị phat hanh la khả thi và dưa trên nguyên tắc nhu cầu đến đâu sử dụng đến đó. Ca 3 tỷ USD la trần cho cả giai đoạn 2015-2016 chứ không phải bức bách cho môt thời điểm”.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ mới đạt gần 127.500 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch. Trong đó, kỳ hạn 5 năm là hơn 64.000 tỷ đồng, 10 năm trở lên đạt hơn 63.400 tỷ đồng, và riêng kỳ hạn 20 năm là 4.230 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi trái phiếu Chính phủ trong 9 tháng là gần 160.700 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vốn huy động mới không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi nợ đến hạn, thiếu hụt hơn 33.200 tỷ đồng. Trước diễn biến này, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tái cơ cấu nợ, đồng thời khẳng định vẫn duy trì tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% dư nợ, theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Trước đó vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm đảo nợ các khoản vay đến hạn vào năm 2016 và 2020.
Theo_24h
Cho phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ
Sáng ngày 11/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016 với 79,35% đại biểu nhấn nút đồng ý.
Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước dự kiến là 1.014.500 tỷ đồng, chưa kể 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ ngân sách địa phương năm 2015 sang năm 2016. Dự kiến, số chi cân đối ngân sách sẽ là khoảng 1.273.200 tỷ đồng.
Như vậy, bội chi ngân sách năm 2016 dự kiến ở mức 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP.
Việc tăng lương từ 1/5/2016 đã được Quốc hội chốt phương án, với mức tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Quốc hội cũng thông qua việc sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán vốn cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển.
Các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua dự toán ngân sách Nhà nước sáng nay.
Trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, Quốc hội cho phép Chính phủ sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Riêng số tiền 30.000 tỷ đồng còn lại được đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.
Việc bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015 cũng được thông qua trong kỳ họp này. Chính phủ cũng được phép phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu đã được Quốc hội quyết định.
Về kỳ hạn của trái phiếu Chính phủ, Quốc hội yêu cầu chỉ phát hành với thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD.
Theo_Zing News
Tăng 5% lương cơ sở từ ngày 1/5/2016 lên mức 1,21 triệu đồng/tháng Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng (mức hiện nay) lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua...