Đã có kết quả kiểm tra, rà soát giá cước vận tải biển
Sau gần 2 tháng thực hiện nhiệm vụ Bộ Giao thông Vận tải giao, Cục Hàng hải Việt Nam đã có báo cáo bộ này về kết quả kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa.
Đáng chú ý, tại báo cáo này cho hay đã có một số doanh nghiệp có các nội dung chưa phù hợp về kê khai, niêm yết giá.
Tàu hàng cập cảng container quốc tế Cái Lân. Ảnh minh họa: Thanh Vân/TTXVN
Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, các tổ công tác đã kiểm tra 33 doanh nghiệp gồm: 9 doanh nghiệp cảng biển, 6 công ty hoa tiêu, 9 công ty lai dắt, 5 công ty vận tải biển và 4 công ty giao nhận, kho bãi.
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp cảng biển đều áp dụng mức giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo nằm trong khung giá theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTV của Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, hầu hết doanh nghiệp cảng đều áp dụng mức giá tối thiểu, riêng Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân áp dụng mức giá tối đa. Giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và đối tượng khách hàng nhưng vẫn nằm trong khung giá quy định.
Về dịch vụ hoa tiêu, đa số doanh nghiệp đều áp dụng mức giá tối đa đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế và áp dụng mức giá tối thiểu đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa.
Video đang HOT
Đối với hoạt động lai dắt, các doanh nghiệp cũng áp dụng đúng khung giá theo quy định, song, có một số dịch vụ trong trường hợp đặc biệt thời tiết sóng gió bất thường, mức giá doanh nghiệp tự đưa ra cao hơn so với khung giá.
Các tổ công tác cũng chỉ ra một số vấn đề chưa phù hợp trong niêm yết giá dịch vụ lai dắt tàu biển như: nội dung niêm yết không quy định rõ đối tượng áp dụng đối với tàu hoạt động nội địa và hoạt động quốc tế; một số tuyến dịch vụ cung cấp chưa kê khai, niêm yết mức giá cụ thể mà mức giá trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng (ví dụ giá dịch vụ lai dắt trong trường hợp cứu hộ);
Bên cạnh đó, các tổ công tác cũng cho biết việc niêm yết giá theo lượt mà chưa niêm yết theo công suất tàu lai, mức giá niêm yết chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Tại thời điểm kiểm tra, một số trang thông tin điện tử của doanh nghiệp không truy cập được bảng niêm yết giá.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, kết quả kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều thực hiện niêm yết giá cước và các loại phụ thu ngoài giá trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra giá cước niêm yết và hóa đơn xác định mức giá cước niêm yết không phản ánh đúng giá thực tế doanh nghiệp ký hợp đồng với khách hàng mà tùy thuộc vào từng đối tượng và thường thấp hơn giá niêm yết.
“Về hoạt động dịch vụ giao nhận hàng hải khi kiểm tra 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại và tiếp vận quốc tế Interlog Quy Nhơn và Công ty TNHH King Freight Logistics Việt Nam thì cả hai chưa thực hiện niêm yết giá cước vận tải và các loại phụ thu theo quy định.
Cùng với đó, cũng có 2 doanh nghiệp dịch vụ kho bãi, depot được kiểm tra đã có thông báo về hạng mục giá dịch vụ cung cấp cho khách hàng, có niêm yết trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp nhưng chưa đầy đủ nội dung các hạng mục dịch vụ”, báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đối với các trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định mức giá, kê khai giá và niêm yết giá theo các quy định liên quan, đơn vị này sẽ giao Thanh tra hàng hải phối hợp với cảng vụ khu vực tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để rà soát các nội dung chưa phù hợp và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Trước đó, trong tháng 9/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định thành lập tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại các khu vực: Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Nam, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Hàng container qua cảng biển giữ đà tăng trưởng cao
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 535,7 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN
Thời gian qua, dù hàng hóa thông qua một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, ước đạt gần 18,6 triệu TEU, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu TEU (tăng 13%), hàng nhập khẩu ước đạt hơn 6,1 triệu TEU (tăng 18%), hàng nội địa ước đạt hơn 6,3 triệu TEU (tăng 13%).
Trước đó, trong 8 tháng đầu năm 2021, hầu hết khu vực cảng biển có khối lượng hàng container thông qua lớn đều có mức tăng trưởng dương như: khu vực Vũng Tàu tăng 28%, khu vực Đồng Nai tăng 17%, khu vực TP Hồ Chí Minh tăng 11%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 15%.
Một số khu vực cảng biển dù thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng có lượng hàng thông qua rất lớn và giữ mức tăng trưởng như: khu vực TP Hồ Chí Minh tăng hơn 7%; khu vực Vũng Tàu tăng 5%; khu vực Hải Phòng tăng gần 11,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng liên quan đến cảng biển, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm, thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước.
Nhóm cảng biển số 1 gồm 5 cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Nhóm cảng biển số 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng biển: Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận.
Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng biển: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An.
Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng và được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư...
Sẵn sàng phương án điều phối hàng hóa khi cảng biển có ca nhiễm Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cảng biển. Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN...