Đã có hồi kết cho câu chuyện nhân sự của Eximbank?
Tính đến ngày 30.11.2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 552 tỉ đồng, mới chỉ hoàn thành 55,2% so với kế hoạch.
Có khá nhiều cuộc khẩu chiến ở đại hội cổ đông các công ty, nhưng ngân hàng thì khá hiếm hoi. Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank ngày 15.12 vừa qua là tình huống khá điển hình để mô tả về một “cuộc chiến” giữa các nhóm cổ đông ngân hàng.
Đêm trước khi đại hội diễn ra, đã có danh sách khác về nhân sự Hội đồng Quản trị mới được ký duyệt. Để rồi ngày hôm sau, các cổ đông chất vấn, vì sao lại loại bỏ những người đã được cổ đông ủy quyền một cách chóng vánh như thế.
Mọi chuyện bắt đầu từ đầu năm nay, khi một lượng lớn giao dịch cổ phần tại Eximbank được trao tay và xuất hiện những nhóm cổ đông mới, trong đó nổi lên là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm. Hai vị này từ nhiệm vị trí tại Ngân hàng Nam Á trước đó không lâu. Khi ấy, thị trường đồn đoán rằng liệu chăng sẽ có một thương vụ sáp nhập diễn ra ở Eximbank?
Cho đến nay, câu chuyện sáp nhập đang dần đi vào quên lãng, khi các bên liên quan đều chính thức phủ nhận. Tuy nhiên, nổi lên nhiều hơn lại là câu chuyện về đường đến chiếc ghế Hội đồng Quản trị Eximbank của 2 cá nhân này. Dù đã tổng hợp đủ số cổ phần cần thiết (mỗi người đều đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% số cổ phần của Eximbank), song hành trình đến chiếc ghế chính thức của 2 vị này mang nhiều tình tiết bất ngờ, có nhiều nút thắt và mở ở từng giai đoạn.
Có lẽ, nút thắt đầu tiên là lúc mà Eximbank không được tổ chức đại hội thường niên vào tháng 4 như thường kỳ. Eximbank khi đó nằm trong đợt thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tỉ lệ sở hữu của cổ đông và hoạt động của Ngân hàng. Mãi đến tháng 7, Đại hội cổ đông thường niên của Eximbank mới được tổ chức, song câu chuyện nhân sự cũng không được đưa vào trong chương trình nghị sự khi đó.
Thực tế, một trong những lý do khiến đại hội ở Eximbank phải dời lại là vì câu chuyện nhân sự. Theo bà Ngô Thị Hòa, đại diện cho cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Eximbank là ngân hàng đặc biệt, trục trặc khá nhiều lần trong quá khứ và mọi chuyện đều bắt nguồn từ câu chuyện nhân sự. “Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt chú ý đến vấn đề nhân sự của Eximbank lần này”, bà Hòa cho biết.
Cánh cửa đến với chiếc ghế Hội đồng Quản trị của 2 đại diện nguyên là lãnh đạo Nam Á có vẻ như dần thu hẹp lại. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, tên của 2 vị này lại xuất hiện trong danh sách Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới. Thị trường cho rằng cuối cùng câu chuyện nhân sự đã có đường tháo gỡ với nút mở mới, song một lần nữa thị trường lại lầm.
Đêm trước khi đại hội diễn ra, một bản danh sách Hội đồng Quản trị mới được đưa ra, từ 11 rút xuống còn 8 đại diện, mà trong đó lại xóa đi tên của ông Vũ và ông Tâm. Rất nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi “Tại sao Hội đồng Quản trị hiện hữu lại xóa tên ứng viên mới đột ngột như thế?”.
Video đang HOT
Đại diện cho Eximbank, ông Hà Thanh Hùng, thành viên Hội đồng Quản trị, thẳng thắn kể lại câu chuyện liên quan đến 2 cổ đông đặc biệt này. Theo nguyên tắc, danh sách ứng cử Hội đồng Quản trị mới phải được các thành viên Hội đồng Quản trị xét duyệt về các tiêu chuẩn tham gia, sau đó mới gửi cho Ngân hàng Nhà nước xem xét và thông qua.
Ông Hùng cho rằng Hội đồng Quản trị Eximbank đã lưu ý đến trường hợp của 2 vị này, cuối cùng mang thắc mắc gửi lên Ngân hàng Nhà nước. Sau khi có thông tin phản hồi, Hội đồng Quản trị mới quyết định gạt tên ra vì trường hợp này có liên quan đến “đạo đức nghề nghiệp”.
“Trong thời gian điều hành ở ngân hàng cũ, ông Vũ và ông Tâm đã duyệt một số khoản vay có giá trị rất lớn mà người thụ hưởng dùng sai mục đích”, ông Hùng nói. Ngay trong đêm trước đại hội, đã có những bài báo liên quan đến vấn đề về Hội đồng Quản trị Eximbank cũ lạm quyền, “song người viết đã bỏ qua chi tiết rất quan trọng này”, ông Hùng cho biết thêm.
Cổ đông không tin và yêu cầu sự chứng thực từ phía Ngân hàng Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, đại diện cho cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, rồi bà Hòa, lần lượt đứng lên “điều trần” về việc kiểm soát nhân sự ở Eximbank.
Theo ông Dũng, chuyện phê duyệt những khoản vay là có, song tại thời điểm thanh tra Ngân hàng Nam Á, chưa có đủ cơ sở để kết luận đó là những khoản vay sai phạm. Ông cũng khẳng định, Eximbank chỉ gửi hồ sơ để hỏi ý kiến Ngân hàng Nhà nước, chứ không phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước xét duyệt.
Bổ sung thêm ý kiến của ông Dũng, bà Hòa cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ duyệt danh sách do Eximbank gửi lên. Danh sách cuối cùng không có tên của ông Vũ và ông Tâm là công văn mà mãi đến sáng ngày tổ chức đại hội, bà Hòa mới nhận được. Cuối cùng, lại là câu chuyện của “văn thư”.
Có khá nhiều cổ đông đứng lên đòi hoãn đại hội lần này vì việc gạt tên 2 đại diện ra khỏi danh sách là chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, đại hội cuối cùng cũng kết thúc với việc thông qua dàn nhân sự mới, cho dù tỉ lệ chấp thuận là khá thấp so với những cuộc bầu cử thông thường.
Trong 8 thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới, có đến 2 đại diện xuất thân từ nhóm cổ đông lớn Vietcombank; nhóm 3 người do Hội đồng Quản trị Eximbank cũ giới thiệu trở lại, mà không là đại diện của bất kỳ cổ đông tổ chức hay cá nhân nào; nhóm 2 người liên quan đến cổ đông ngoại là Sumitomo Mitsui Banking Corporation và một nhân tố mới chưa rõ là ông Ngô Thanh Tùng.
Người ta nói nhiều đến ông Vũ, ông Tâm, song câu chuyện rời khỏi danh sách cũng có thêm ông Đặng Phước Dừa, ngoài Phạm Hữu Phú từ nhiệm (trước khi Hội đồng Quản trị mới ra mắt, ông Phú từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc). Ông Dừa, đại diện cho hơn 10%, cũng bị loại khỏi danh sách bầu cử Hội đồng Quản trị mới nhất. Ông Dừa cũng là nhân tố mới xuất hiện ở Eximbank trong 2 năm gần đây. Ông Dừa là thành viên Hội đồng Quản trị được bầu bổ sung kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Eximbank. Trong lĩnh vực ngân hàng, trước Eximbank, ông Dừa được biết đến với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đông Á.
Chuyện ông Vũ, ông Tâm, ông Dừa liệu đã kết thúc? Ít nhất là đúng cho đến thời điểm hiện tại, song tương lai gần thì dường như câu chuyện nhân sự ở Eximbank vẫn chưa thực sự có đáp án cuối cùng.
Bà Hòa, Ngân hàng Nhà nước, đã có gợi ý khá quan trọng trong bài trình bày của mình, đó là cổ đông nếu thấy không đủ số người thì có thể đề xuất tăng thêm. Hiện danh sách Hội đồng Quản trị mới chỉ có 8 người, trong khi dự kiến trước đây là đến 11 người. Liệu mùa đại hội sau, vào tháng 3 và tháng 4, có thể là cơ hội mở lại cánh cửa lần 2 cho nhóm cổ đông mới?
“Eximbank đang cần làn gió mới”, một cổ đông chia sẻ ý kiến. Trong kỳ đại hội lần này, có nhiều cổ đông tin tưởng khả năng của những cái tên mới ở trên, song một số lại tỏ ra e dè.
Dù như thế nào, ban quản trị mới sẽ phải gánh trách nhiệm nặng nề. Một trong những sai phạm của Eximbank trong bản công bố thanh tra vừa qua là chuyện Eximbank cho công ty con Eximland vay, để mua lại chính tòa nhà mà Eximbank bán ra. Giao dịch qua lại như vậy đã giúp Eximbank hạch toán tăng thu nhập thêm hơn 1.116 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2013, chưa kể những khoản phí liên quan.
Tính đến nay, Eximbank đã tự khắc phục được hơn 284 tỉ đồng. Giờ đây Hội đồng Quản trị mới phải có trách nhiệm đưa ra kiến nghị về cách giải quyết vấn đề này trong vòng 3 năm tới.
Một vấn đề nữa là Eximbank cần sớm ổn định câu chuyện nhân sự cấp cao, nhất là khi chuyện khủng hoảng nhân sự đang ảnh hưởng không nhỏ đến Ngân hàng trong thời gian gần đây. Lợi nhuận của Eximbank năm ngoái chỉ còn 56 tỉ đồng do quan điểm mạnh tay trích lập dự phòng. Còn trong năm nay, tính đến ngày 30.11.2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 552 tỉ đồng, mới chỉ hoàn thành 55,2% so với kế hoạch.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Sự thật về lợi nhuận của Eximbank
Tại Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh hôm nay 15/12, ngoài những bức xúc của cổ đông về bất ngờ "người đi - ở" trong danh sách ứng viên HĐQT, thì sự thật về lỗ- lãi kinh doanh của ngân hàng này thời gian qua khiến nhiều cổ đông phải choáng váng, giật mình.
Theo kết quả thanh tra được thông tin tại, tính đến ngày 31/12/2014, Eximbank lỗ lũy kế 1.618,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, giai đoạn từ 2010- 2013, ngân hàng này đã sử dụng thu nhập từ hoạt động bất động sản để hạch toán tăng thu nhập chứ không từ hoạt động kinh doanh tín dụng.
3 năm chia lãi không từ kinh doanh tín dụng
Sáng nay 15/12, Đại hội cổ đông bất thường để bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank (mã CK: EIB) đã diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh. Về nguyên nhân lỗ tính đến 31/12/2014 được thanh tra chỉ ra là do trích lập dự phòng bổ sung 710,73 tỷ đồng. Xuất toán lãi dự thu 128,41 tỷ đồng, giảm thu nhập do bán tài sản cố định không quy định 831 tỷ đồng, giảm thu nhập với khoản lãi dự thu 4,4 tỷ đồng.
Theo kết luận Thanh tra, Eximbank đã có sai phạm về tín dụng như: giải ngân bằng tiền mặt, chứng từ sử dụng vốn chưa bổ sung đầy đủ, tài sản đảm bảo chưa được kiểm tra liên tục theo quy định. Thanh tra đã kiểm tra 30% dư nợ bảo lãnh thì thấy chứng từ chưa đầy đủ. Eximbank đang khắc phục bằng cách yêu cầu các chi nhánh Eximbank bổ sung chứng từ còn thiếu.
Thanh tra cũng đã thanh tra 5/6 hồ sơ đầu tư tài chính phát hiện sai phạm gần 6.000 tỷ đồng, trong đó Eximbank đã vi phạm về giám sát đầu tư của khách hàng. Hiện Eximbank đang yêu cầu khách hàng bổ sung chứng từ để ngân hàng báo cáo thanh tra.
Theo tờ trình gửi đến cổ đông, Eximbank xin ý kiến cổ đông thông qua một số vấn đề liên quan đến nội dung nêu tại Kết luận Thanh tra. Theo đó, Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay để thực hiện việc mua các bất động sản này, đã hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (không phải thu nhập từ HĐKD) đến thời điểm 31/12/2013 là 1.116,67 tỷ đồng; Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 đến năm 2013. Đến nay, Eximbank đã khắc phục được hơn 284,83 tỷ đồng còn 831,83 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa. Bên cạnh đó, việc mua bán BĐS đã phát sinh một số khoản chi phí có liên quan cần phải xử lý.
Thanh tra kết luận việc hạch toán vào thu nhập trong khi Eximbank vẫn còn quản lý và sử dụng BĐS là chưa đúng quy định theo chuẩn mực kế toán và thanh tra yêu cầu HĐQT phải xin ý kiến ĐHCĐ gần nhất để thông qua phương án khắc phục.
Bán nợ cho VAMC để giảm nợ xấu
Tính đến 30/11/2015, Eximbank đạt 552 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 55,2% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 1.724 tỷ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán trong năm là 1.172 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, EIB tiếp tục trích lập dự phòng xử lý nợ xấu. Năm 2015, ngân hàng cũng đã bán 2.000,68 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Theo báo cáo tài chính, qua 9 tháng đầu năm ngân hàng báo lãi trước thuế 667 tỷ đồng, tuy nhiên con số vừa được công bố tại ĐHCĐ thì chỉ đạt lãi 552 tỷ đồng trong 11 tháng. Điều này có nghĩa trong tháng 10 và 11 ngân hàng lỗ 125 tỷ đồng. Lãnh đạo Eximbank cho biết, thứ nhất, xử lý trong thời gian 03 năm từ 2016 - 2018. Đồng thời đại hội đồng cổ đông thống nhất ủy quyền cho Hội đồng quản trị đề xuất phương án chi tiết trình Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện và thông báo kết quả thực hiện cho cổ đông.
Tại đại hội các cổ đông đã yêu cầu lãnh đạo Eximbank trả lời cho việc chủ trương đầu tư vào Eximland là ai đưa ra, con số nợ xấu thực tế là bao nhiêu, là ngân hàng đưa ra hay thanh tra kết luận? Phần đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào Eximland có phải là nợ xấu không? Đầu tư của Eximbank vào Eximland bản chất là thế nào, mối quan hệ nội bộ của HĐQT với Eximland là thế nào?
Vì sao hai ứng viên nặng ký rút tên? Gửi công văn đến NHNN để xin thẩm tra xác minh về lai lịch và năng lực của hai ứng viên, và dù nhận được đánh giá rất cao về năng lực và trình độ của Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm, tuy nhiên đến giờ chót, hai nhân vật này đều không có tên. Trong văn bản gửi đến NHHN, Eximbank đã thông qua danh sách các ứng viên. Riêng hồ sơ của 2 ứng viên Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm, phía Eximbank tạm ngưng và giải trình sẽ gửi ngay trong ngày cho NHNN khi có công văn xác minh và được sự chấp thuận của NHNN. Ngay sau đó, ngày 10/12/2015, theo Công văn số 2197, Chánh Thanh tra Giám sát ngân hàng đã có kết luận thanh tra và đánh giá về ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm trong quá trình công tác. Theo kết luận thanh tra thì cả ông Vũ và ông Tâm đều có trình độ, năng lực chuyên môn cao, tư cách và đạo đức nghề nghiệp tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nam Á... Trong quá trình công tác tại đây và tính đến thời điểm hiện nay, ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm chưa có các sai phạm dẫn đến tổn thất cho Nam Á trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ tại ngân hàng này. Do đó về cơ bản, các nhân sự này chưa vi phạm tiêu chuẩn điều kiện về đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Luật tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, như Tiền phong đã đưa tin tối qua 14/12, chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ nữa là diễn ra Đại hội Cổ đông bất, Eximbank vẫn chưa bổ sung hồ sơ về 2 nhân sự là ông Vũ và ông Tâm cho NHNN. Động thái này sáng nay đã gây bức xúc cho một số cổ đông đã tin tưởng ủy quyền và cho rằng quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo_24h
Eximbank: Bất ngờ với danh sách đề cử Hội đồng quản trị vào phút chót Cổ đông của ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank- mã EIB) khá bất ngờ với danh sách 8 ứng viên được đề cử vào Hội đồng quản trị khi có hàng loạt thay đổi bất ngờ. 4/8 ứng viên là những gương mặt mới so với danh sách được công bố trước đó. Ảnh minh họa. Sáng nay (15/12), Eximbank tổ chức...