Đã buộc chỉ cổ tay rồi, sao đành để mất nhau?
Mối tình đầu như mây trắng ngang đỉnh núi. Để rồi chiều nay từ phố em về với sợi chỉ đỏ thắm buộc ở cổ tay của hội chợ Tây Bắc cùng đầy vơi nhớ tiếc… Anh còn nhớ hay anh đã quên lễ buộc chỉ cổ tay năm ấy? Đã buộc chỉ cổ tay rồi, sao đành để mất nhau?
(ảnh minh họa)
Năm 19 tuổi, em- cô gái Hà Nội lần đầu tiên bước chân vào vườn hồng cùng với anh- một chàng trai đến từ núi rừng Tây Bắc. Cuối năm học đó, em cùng anh về thăm quê anh, một bản người Thái xinh đẹp của núi rừng Sơn La.
Ngôi nhà anh ở nép mình bên sườn đồi, đó là một ngôi nhà sàn cổ từ đời ông bà anh để lại, gỗ lim lên màu thời gian đen bóng. Nhà người Thái cổ có hai cầu thang, cầu thang chính ở phía đầu nhà dành riêng cho nam giới, thường có 7 bậc ứng với 7 vía của người đàn ông.
Còn cầu thang nhỏ hơn ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. Cạnh chân cầu thang có một khoảng nhỏ chạy ra khoảng sân phía trước, tựa như chiếu nghỉ là nơi các mẹ, các chị, các em… thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa. Cầu thang phía sau có cả thảy 9 bậc, ứng với 9 vía của phái nữ.
Buộc chỉ cổ tay
Em nhớ tới câu hát mà em vẫn ngân nga trong bài “Chín bậc tình yêu” nhưng đến nay bước chân lên bậc nhà sàn này mới hiểu: “Những bước chân đầu tiên, về làm dâu nhà người/ Bước ngập ngừng,chín bậc tình yêu…”.
Mẹ anh nói với em: “Đây là lần đầu tiên con trai ta dẫn một đứa gái về nhà nên con là khách quý. Theo tục lệ, ta sẽ buộc chỉ cổ tay để con được bình an, cũng là để giữ vía con ở lại với thần bếp lửa, với bậc nhà sàn, với hồn vía của con trai ta…”
Và rồi lần đầu tiên trong đời, em được dự lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái. Mẹ bảo lễ buộc chỉ cổ tay được diễn ra trong nhiều dịp trong năm và mỗi dịp cũng mang một ý nghĩa khác nhau về tâm linh. Có ba màu chỉ được buộc trong dịp lễ là màu đỏ, màu trắng và màu đen.
Theo đó, sợi chỉ đỏ được buộc cổ tay cho khách lữ hành (có thể là những người thân, bạn bè của gia chủ hay khách du lịch ghé thăm bản làng…), cầu chúc cho khách đến với bản vui vẻ, khoẻ mạnh, vượt qua được mọi gian lao, trở ngại.
Nhà sàn người Thái ở Tây Bắc
Đối với các cặp vợ chồng mới cưới, làm lễ buộc chỉ cổ tay để cột chặt hồn vía cặp vợ chồng trẻ, cầu mong sau này họ sẽ có cuộc sống hạnh phúc, con cái sinh sôi nảy nở, công việc làm ăn trôi chảy. Đối với những người mới ốm hoặc gặp phải những biến cố không may mắn trong cuộc sống làm lễ buộc chỉ cổ tay với mong muốn chóng hồi phục sức khỏe, mọi chuyện qua đi suôn sẻ.
Chỉ đen được buộc trong dịp đầy tháng của trẻ nhỏ bởi trẻ mới sinh yếu bóng vía khi đó người lớn trong gia đình sẽ làm lễ buộc chỉ cổ tay. Hoặc những người bị bệnh tật kéo dài bị cho là hồn vía đi xa, chơi không biết đường về nên dùng chỉ đen cột cổ tay. Đối với các nhà có chuyện buồn, tang sự thì sau đám tang, người Thái cũng làm tục buộc chỉ đen cổ tay để cầu hồn vía cho người thân được yên nghỉ.
Chỉ trắng thường buộc cho các thành viên trong gia đình khi có đám tang, sau đó chỉ trắng được tháo ra và chôn cùng quan tài người đã khuất để thể hiện linh hồn người đã mất không cô quạnh.
Núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng có rất nhiều tập tục đẹp đẽ và nhân văn
Trước khi làm lễ buộc chỉ cổ tay, mẹ kính cẩn đặt cuộn chỉ đỏ lên bàn thờ, lầm rầm khấn vái hồi lâu bằng thứ tiếng em nghe không hiểu. Sau đó mẹ buộc vào cổ tay bên phải của em sợi chỉ đỏ được bện rất cầu kỳ và tinh xảo- được tết bằng 9 sợi chỉ đỏ nhỏ hơn.
Anh cũng được buộc một sợi chỉ đỏ tương tự, nhưng buộc vào cổ tay bên trái và được tết từ 7 sợi chỉ đỏ nhỏ. Mẹ bảo, buộc chỉ cổ tay cho hai đứa để được bên nhau mãi mãi, sau này dẫu sướng khổ thế nào, dẫu đường đời xa ngái cũng không lạc mất nhau.
Anh giải thích thêm rằng, theo quan niệm xưa thì đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì những con người đó sẽ không còn tồn tại đích thực trên trần gian, hoặc trong trường hợp người đó bị lạc đi vài vía thì sẽ sống không yên ổn, có thể bị gặp ốm đau, tai họa…
Vì vậy mà sau khi đặt cuộn chỉ lên bàn thờ làm lễ xin ban cho quyền năng của thế lực siêu nhiên nhập vào cuộn chỉ để phù trợ cho con giữ được vía luôn mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn. Trong lòng em khi đó có nỗi xúc động xen lẫn chút lo sợ mơ hồ. Sợi chỉ bé bỏng màu đỏ tươi như máu cho em có niềm tin rằng, dẫu thế nào thì sau này anh và em cũng bên nhau mãi mãi.
Video đang HOT
Mối tình đầu qua như mây trắng ngang qua đỉnh núi, ta đã để mất nhau chỉ vì những chuyện vặt vãnh vu vơ khi cả hai người trẻ đều nông nổi, em hay dỗi hờn vô cớ mà anh thì tự ái quá cao.
Để rồi chiều nay từ phố em về với bàn tay phải buộc sợi chỉ đỏ thắm duyên dáng từ Hội chợ Tây Bắc được tổ chức ngay tại Thủ đô mà bỗng thấy con tim mình nghẹn ngào hối tiếc. Anh còn nhớ hay anh đã quên lễ buộc chỉ cổ tay năm ấy?
Nếu bây giờ được lựa chọn lại một lần nữa, có lẽ em sẽ bỏ qua những hờn giận vu vơ, những tự ái trẻ con để chúng mình lại có nhau như ngày ấy. Nhìn những đôi lứa tay trong tay tràn trề hạnh phúc, con tim em bỗng thì thầm như muốn nói: Đã buộc chỉ cổ tay rồi, xin đừng để mất nhau!
Linh Huệ
Theo Câu chuyện Pháp luật
Hoa trên đỉnh Pù Ngùa
Mỷ rất sợ màu hoa vàng của cây ngón. Màu vàng ấy như màu nắng quái của một buổi chiều tai nghiệt, ám vào lòng Mỷ nỗi đau đứt ruột.
Ngày ấy, Mỷ mới 5 tuổi, đang chơi con quay với mấy đứa trẻ trong bản, bỗng nghe tiếng chân huỳnh huỵch huỳnh huỵch. Tiếng gọi tao tác ời ời...
Mỷ nhìn xuống bàn chân. Bàn chân gầy guộc, gót đã chai vì leo nương leo đồi nhiều. Ngoài kia trời hoác hơ là nắng. Sau mấy ngày mưa nhũn cả núi đồi, nắng lên khiến ngón chân cái của Mỷ lại đau giần giật. Ngón cái đã mất đi chiếc móng từ lâu, thịt cộm lên thành sẹo. Cái sẹo khiến Mỷ đau mỗi khi trở trời, khiến đôi mắt Mỷ nhồn nhột mỗi khi nhìn xuống.
Cứ ngỡ rồi nó sẽ mọc lại, như mái tóc cắt đi rồi sẽ lại dài, như ngón tay bị gai mây cào sẽ liền mau chóng. Mà không... Cái móng chân đã rời bỏ Mỷ trong một buổi sáng của 4 năm về trước, nó nằm lại trên một con dốc chơ vơ sỏi đá, mãi mãi không quay về.
Có tiếng leng keng dưới đèo xa. Ba con dê thả rông trên núi lặng lẽ tự trở về. Bóng lão May A - bố Mỷ - loạng choạng khuất vào lùm cây. Mỷ phủi váy đứng dậy vào bếp. Hoàng hôn buông trùm xuống Pù Ngùa, mùi cơm ngòn ngọt dậy lên trên những mái ngói xỉn màu hoen mưa hoen nắng.
"Chiều mai nhà thầy Pó làm lễ cúng ma cho thằng Dính. Mày lo mà đi xuống đấy, không thì...".
Tiếng May A nhừa nhựa cất lên, sau khi lão tợp nguyên chén rượu sắn đắng khé cổ. Mỷ ngoan ngoãn cúi đầu. Mỗi lần bố nói chuyện, Mỷ đều cúi đầu như thế. Lão May A chẳng cần biết con có đồng ý hay không. Chỉ cần Mỷ cúi đầu, là lão không nói thêm điều gì nữa. Mỷ cắm cúi chan nước lã vào bát cơm nấu nát, tra thêm mấy hột muối trắng. Trời hôm nay mới nắng sau trận mưa dài, đường lên nương còn trơn trượt, nên Mỷ ở nhà. Ở nhà thì không có rau rừng, không có gì ăn cả. Bát cơm chan nước lã trôi tuột vào cổ Mỷ, để lại vị mằn mặn chan chát nơi cuống lưỡi.
Đêm buông vào Pù Ngùa tiếng con nai tác ở rừng xa. Mỷ kéo chiếc chăn con công đã sờn rách lên ngang ngực. Chiếc chăn làm Mỷ nhớ mẹ. Mẹ Mỷ chết lâu rồi, từ độ Mỷ vừa lên 5 tuổi. Nghe nói, chiếc chăn ấy là của hồi môn bà ngoại trên Na Tao cho mẹ mang về nhà chồng. Bà chỉ có một mình mẹ.
Trước ngày bố sang bắt mẹ về làm vợ, bà ngoại gùi một gùi gạo nếp nương từ đỉnh núi cao nhất bản Na Tao, kẹp nách thêm con lợn mán chục cân, vượt 2 ngọn núi, 6 cái đèo, xuống dưới chợ huyện đổi cái chăn con công rực rỡ nhất. Mụ chủ hàng tạp hóa người Kinh béo núc ních chê gạo không đều hạt, lợn không béo, nên đòi đổi cái chăn kém sắc hơn cho bà.
Tức mình, bà không nói một lời, gùi gạo, vác lợn, lầm lụi đi bộ gần 2 chục cây số đường núi về nhà, mặc mụ chủ hàng to béo gọi ời ời đằng sau. Phiên chợ sau, bà lại mang từng ấy gạo, với đúng con lợn ấy, quay lại đúng cái hàng tạp hóa của mụ chủ người Kinh, để đổi đúng chiếc chăn rực rỡ mà bà ưng bụng. Mụ chủ hàng không dám mặc cả một lời, đổ vội đổ vàng gùi gạo vào bao, nhét lợn vào rọ tre, rồi trao chăn đẹp cho bà ngoại.
"Nó mà không đổi nữa, tao lại gùi gạo vác lợn về chứ. Cái bụng người Mông tao không thích nói hai lời". Mỗi khi kể lại câu chuyện ấy, bà đều móm mém cười, phô hàng lợi hồng hồng đã rụng răng gần hết...
Mẹ Mỷ mang chăn về nhà chồng, đắp được đúng 6 mùa nương thì mất. Mỷ như cây cỏ tranh bơ vơ. "Mẹ con Mỷ bị ma bắt về trời. Con ma rừng ác lắm". Người lớn trong bản Pù Ngùa nói với Mỷ điều đó, khi bỏ nó trong chiếc gùi, gùi lên nương, hay khi thả nó trần truồng, chơi lê lết bên cối giã gạo đặt ở cái hiên đất ẩm thấp mùi gió mưa cũ kỹ.
Mỷ lớn lên, đắp cái chăn con công mẹ để lại. Có lẽ thế nên Mỷ giống mẹ. Mỷ có đôi mắt sáng và đen như mắt nai rừng. Đôi mắt ấy lúc lên 6,7 tuổi đã biết cúp xuống mỗi khi lão May A trở về nhà, người nồng mùi rượu sắn, khật khà khật khưỡng đá niêu cơm đen xỉn, lèm bèm quát Mỷ vì sao để con gà vào bươi tro bếp.
Thêm một hai mùa nương nữa đi qua, Mỷ biết thổi niêu cơm bé xíu, biết giã gạo, xay ngô đồ mèn mén, rồi Mỷ biết đi nương. Những con đường lên nương nhà Mỷ dài thật là dài, cao thật là cao. Đi hết con đường ấy, đàn trâu và đàn dê còn mệt muốn hết hơi. Vậy mà Mỷ lầm lụi đi suốt từ lúc tuổi con thơ cho đến thời con gái.
Những đứa con gái khác của bản Pù Ngùa thường lên nương cùng mẹ hay chị em của chúng, còn Mỷ đi một mình. Bố Mỷ nếu không xuống chợ phiên tìm người đàn bà của ông, thì sẽ tụm năm tụm ba nơi nào đó uống rượu say nhè. Mỷ đã quen đeo gùi một mình, quen hái rau rừng một mình, quen chăm con lợn mán đen một mình.
Các bà già ngồi bên gốc đào trong bản thường dặn Mỷ, đi nương một mình, nếu có ai gọi từ phía sau thì đừng quay lại. Trong núi Pù Ngùa có con ma ngón ác lắm. Con ma ẩn trong sắc hoa vàng rực rỡ của cây lá ngón. Chúng hay giả làm cô gái đẹp, tìm những đoạn đường hoang vắng để bắt hồn người. Nếu lỡ chẳng may mà nghe tiếng gọi lạ, ai quay lại, sẽ bị ma ngón bắt mất hồn, đi lạc vào rừng sâu, hay ốm đau mà chết. Ai không chết vì bệnh tật, rồi cũng sẽ lên núi, tìm ngọn lá ngón hay hoa ngón ăn để lên trời.
Mỷ rất sợ màu hoa vàng của cây ngón. Màu vàng ấy như màu nắng quái của một buổi chiều tai nghiệt, ám vào lòng Mỷ nỗi đau đứt ruột. Ngày ấy, Mỷ mới 5 tuổi, đang chơi con quay với mấy đứa trẻ trong bản, bỗng nghe tiếng chân huỳnh huỵch huỳnh huỵch. Tiếng gọi tao tác ời ời. Một người đàn ông to lớn cõng một người đàn bà gầy gò đi như chạy về phía nhà Mỷ. Khi người ta đặt người đàn bà xõa xượi ấy xuống giường, Mỷ chen vào đứng dưới chân người lớn. Mỷ khóc ré lên. Đúng là mẹ rồi, đúng cái váy mẹ mặc, đúng cái vòng đồng mẹ đeo. Nhưng mặt mẹ đã tím bầm lại. Mẹ như con ếch, bụng trương phình, chân tay co quắp trên chiếc chăn con công. Chiếc chăn rực lên như màu máu. Dân bản nhốn nháo. Mỷ gào khóc tèm lem mặt mũi. Lão May A đi uống rượu đâu đó vẫn chưa về.
Mẹ Mỷ chết vì một cọng ngón đầy hoa. Khi những cơn gió lành lạnh kéo về, nắng nhạt bớt đi, thì đỉnh núi Pù Ngùa của Mỷ cũng rờn rợn trong sắc vàng của cây lá ngón. Những cọng dây xanh um tùm như đàn rắn lục bò lan trên mặt đất, vắt vẻo trên tán mấy cây xoan rừng, sà xuống cả lối đi. Hoa ngón đẹp như hoa lý hoa vằng, nhưng con ma trong nó thì tàn độc. Ma ngón lại dễ dẫn dụ người trong bản.
Thì đó, năm kia bà Pa Cú mất con ngan trống. Con ngan to cồ cộ, mào đỏ như hoa huyết rồng, bà nuôi suốt một năm trời mà chẳng dám ăn. Bà định để đến Tết, đợi thằng Tẩn con bà đang làm thợ kéo luồng dưới bản người Thái trở về sẽ thịt, thế mà đứa nào đang tâm nỡ bắt mất của bà.
Tiếc quá, xót quá, không làm sao được, bà đứng dạng chân nói vống sang nhà Sùng Văn Ly. Vợ Ly không vừa cũng chỉ tay cãi lại. Pa Cú nói to, vợ Ly nói càng to hơn nữa. Cãi một hồi không lại, giận quá, Pa Cú bỏ lên nương ăn 9 ngọn lá ngón. Khi khiêng về thì đã chết cứng rồi.
Ma ngón ác lắm, nào có phải chỉ rủ những người già như Pa Cú về trời đâu. Con Xua, bạn của Mỷ biết mẹ có hai tờ 50 nghìn. Nó xin mẹ đi chợ huyện chơi, mẹ tiếc tiền không cho. Nó ở nhà, vạch gối mẹ, lấy cả hai tờ 50 nghìn ấy. Xuống chợ, nó mua một chiếc áo phông, một cái vòng đồng. Còn thừa tiền, nó lại mua thêm khoanh thịt ba chỉ. Mẹ Xua về, thấy trong bếp thơm lừng mùi thịt luộc, thấy cái áo phông sặc sỡ treo trên dây mắc áo, lại thấy chiếc vòng đồng mới lúc lỉu trên tay Xua thì điên ruột lên vì xót của.
"À! Con Xua này. Mày hư hỏng rồi. Tao làm cả nương ngô mới để ra được hai tờ tiền ấy mà mày nỡ lấy mua vòng mua áo. Mày làm khổ tao rồi. Đợi bố mày về nó đánh chết mày....". Bà mẹ nói xong bỏ ra hiên ngồi khóc bên cối đá. Buổi chiều, Xua ngồi ngơ ngẩn bên cửa số. Sáng sớm hôm sau, người trong bản đi nương đã thấy Xua nằm chết dưới gốc ngô, miệng trào ra thứ nước dãi vàng nhơn nhớt... Năm ấy Xua 16 tuổi.
Bản Pù Ngùa của Mỷ có hơn một trăm nóc nhà, mà hầu như nhà nào cũng có người chết vì ma ngón. Nghe nói, những người phụ nữ nhai lá ngón đều được lên trời. Lên trời là không còn đói rách, không còn bị chồng đánh đập. Lên trời là được sống một đời hạnh phúc. Chẳng biết có phải không? Mỷ kéo chăn, nghe tiếng nai rừng tao tác vọng lại từ trong đêm tối...
Buổi chiều hôm ấy, nhà thầy cúng Pó trở nên nhộn nhịp. Nhà Pó to nhất bản Pù Ngùa, trong bếp lúc nào cũng xếp gần 20 bao lúa, bao ngô. Người nhà Pó không bao giờ bị đói mùa giáp hạt. Nhưng hơn nửa năm nay, thằng Dính, con trai út độc nhất của Pó cứ đau ốm thường xuyên. Nó gầy đi, mắt lồi ra như hai con ốc suối, mà cái hõm mắt thì chìm sâu vào trong. Nó ho khù khụ khù khụ suốt ngày. Thầy thuốc trạm y tế xã bảo Pó cho con đi bệnh viện huyện, nhưng Pó quả quyết Dính bị ma ngón bắt mất hồn.
Khi Mỷ đang cọ đám nhọ nồi đặc quánh, đen kịt bám đầy chiếc nồi gang to bên vòi nước chảy nhà Pó, bỗng nghe thấp thoáng tiếng người. Tim Mỷ như ngừng đập. Ngón chân cái của Mỷ lại đau giần giật. Là Vá. Phải rồi! Vá có họ với thầy Pó, nên lặn lội từ bản Lùng sang đây làm lễ cúng ma. Bốn mùa nương rồi Mỷ không gặp Vá. Mỷ những muốn quên đi.
Gặp nhau trong bếp, Vá nói to, Vá đi lại thản nhiên, như không nhìn thấy Mỷ. Mỷ thấy má mình nóng ran. Mỷ nép vào một góc, khi không ai để ý thì khẽ liếc sang Vá. Vá gầy đi nhiều, già hơn, mà đôi mắt một mí thì vẫn sáng quắc như thế. Đôi mắt đã vì Mỷ mà tìm hoa tím trong đêm. Đôi mắt đã vì Mỷ mà nhìn đắm đuối, như làm mềm cả tiếng khèn môi. Nhưng đôi mắt ấy, cuối cùng đã không vì Mỷ mà đến bắt Mỷ về làm vợ. Lòng Mỷ bối rối, vừa mong không gặp Vá, nhưng lại buồn khi gặp rồi mà Vá làm như không quen.
Trời bắt đầu tối. Trên nhà, thầy Pó đã vào lễ cúng. Không gian đặc quánh lại trong tiếng nguyện cầu rờn rợn. Chùm tua vải đỏ rực trong tay thầy lắc lên lắc xuống. Những hình nhân cắt bằng giấy trắng nhởn treo vật vờ trên cành tre gai cắm bên mấy bao ngô. Vá đã ngồi bên bậu cửa từ lúc nào, cùng một trai bản nữa. Mỗi người cầm một khẩu súng kíp chĩa ra màn đêm. Ngoài kia, núi Pù Ngùa sẫm tối...
Thầy Pó nhảy múa càng lúc càng nhanh, chiếc tua đỏ quật lên quật xuống vun vút. Khi Pó hét lên những tiếng cuối cùng trong bài cúng, hai tiếng súng chát chúa nổi lên. Hình nhân quằn mình dưới lửa. "Con Ma đi rồi" - Thầy Pó mồ hôi ướt đầm sống áo, hảo hển nói hắt ra. Thằng Dính ngồi trên giường, đôi mắt lờ đờ lóe lên niềm vui nhợt nhạt.
Dưới bếp bắt đầu xôn xao dọn cỗ. Mỷ buồn... Mặc kệ mọi người bày cơm rượu, Mỷ lén đi ra cửa sau, bật đèn pin, một mình xuyên màn đêm trở về nhà. Đêm nay không còn tiếng nai tác. Con vật ấy có lẽ cũng bỏ Mỷ mà đi, như Vá...
Buổi sáng, Mỷ thức dậy, mắt sưng húp. Ở bậu cửa có mùi thơm thoang thoảng tỏa ra. Tim Mỷ lại thêm lần nữa ngừng đập. Cạnh cối giã gạo, mấy nhành hoa đêm tím biếc nằm chơ vơ, cánh vẫn còn ướt đẫm sương...
Giàng Seo Vảng, Bí thư xã đoàn vào bản Pù Ngùa lúc trời sầm sập tối. Nhìn thấy bóng Vảng từ dưới con dốc, Mỷ khép nhanh cửa lại. Mấy tháng nay, cứ vài ngày, Vảng lại ghé bản vận động thanh niên và bà con đi phát cây lá ngón. "Ây dà. Thằng Vảng bị mất trí rồi. Cả bản ta không ai dám cắt cây ngón. Con ma sẽ bắt chết để trả thù".
Thầy Pó rền lên khi thấy bóng Vảng. Lão May A bố của Mỷ cũng không muốn nhìn thấy Vảng. Vậy mà Vảng cứ tới. Cửa đóng thì Vảng đứng ngoài nói vọng vào. Cái tiếng Mỷ ơi Mỷ ời nghe dịu dàng lắm chứ nào có giống đi vận động đâu. "Vận động" mãi mà người trong nhà không ra mở cửa, anh Bí thư có đôi vai rộng như đỉnh Pù Ngùa còn đứng tần ngần mãi, rồi mới quay lưng bỏ đi.
"Con Mỷ, mày mà còn để hoa tím trong nhà nữa, là tao đánh mày". Lão May A dấm dấm nắm tay vào khuôn mặt Mỷ trong bữa tối. Hôm nay Mỷ đồ mèn mén. Ngô để từ mùa trước, già đanh, xay thành bột vẫn già. Bát mèn mén khô bứ cổ, Mỷ đưa trôi vào họng bằng muôi canh rau rừng nấu suông lõng bõng. Mỷ cúi mặt. "Mày lại gặp thằng đó à. Phải rồi. Hôm qua cúng ma nhà lão Pó. Khốn kiếp".
Mỷ lý nhí: "Bố à, con không gặp...". Choang! Mỷ định thần thấy chiếc bát trên tay đã bị bố hất văng xuống đất, vỡ tan tành. Mỷ khóc. "Còn khócnữa, tao đánh mày!". Bố Mỷ lại giơ nắm day dứ dứ vào mặt con gái rồi lảo đảo đi ra khỏi nhà. Mỷ ào đến giường, lật tung chiếc gối cũ, mấy cánh hoa tím xác xơ đã hết hẳn mùi hương. Mỷ gục mặt xuống gối nấc không thành tiếng. Móng chân cái giần giật đau.
Mỷ thương Vá, thương từ mùa nương năm Mỷ 15 tuổi. Nhà Vá bên bản Lùng, cách Pù Ngùa của Mỷ 1 ngọn núi với 2 con đèo cheo leo dốc đứng. Mùa thu, đêm nào, bên vách nhà Mỷ cũng thoang thoảng mùi hương của loài hoa tím biếc. Cái miệng Vá đã thốt ra những lời thề hẹn. Lão May A biết có hoa tím để bên cối đá, lão khật khưỡng đi qua. Lão nghe tiếng con gái trở mình, tiếng lạo xạo bên vách, tiếng khèn môi cứ thảng hoặc xa dần, lão im lặng. "Con Mỷ đến tuổi gả chồng rồi"...
Nhưng cái ngày May A phát hiện Vá là con trai lão Quảy bản Lùng, thì tất cả bát đũa, quần áo trong nhà đều bay ra ngoài trong cơn cuồng nộ. "Con Mỷ! Mày theo nó, tao giết mày. Tao thấy bóng nó quanh bản Pù Ngùa này, tao giết nó". Mỷ ngơ ngác khóc. Trái tim yêu của đứa con gái 16 tuổi vỡ hoác ra trong cơn giận điên cuồng của người cha.
Sau này, Mỷ mới biết, mẹ của Vá đã từng là người mà lão May A thương nhất. Chỉ vì nhà lão nghèo, bà đã theo bố Vá về bản Lùng làm dâu. Phiên chợ huyện nào bà đi, phiên chợ đó bố Mỷ cũng đi. Vì thương mà hận! Nỗi hận của đàn ông Mông nặng như đá trên đỉnh Pù Ngùa, bao năm rồi May A vẫn không thể quên.
Mỷ toan muốn cãi cha, cha giết đi cũng được. Nhưng Vá không dám cãi lời lão Quảy. Đầu nhà không còn hoa tím. Tiếng khèn tịnh không xuất hiện. Vá cưới vợ. Vợ Vá 14 tuổi, cùng ở bản Lùng, nghe nói xinh hơn Mỷ. Mỷ bỏ lên nương. Mùa thu, hoa ngón vàng hiu hắt. Loài hoa ma ấy đưa người ta lên trời rồi, người ở lại sẽ ân hận, nhung nhớ khôn nguôi...
Khi được tìm thấy, bụng Mỷ đã trương lên, nhưng đôi mắt sáng như mắt nai rừng còn chơm chớp.
Cuống cuồng.
Nhốn nháo.
Hệt như cái ngày người ta đưa mẹ Mỷ về.
Hai trai bản khỏe mạnh kẹp Mỷ ở giữa, phóng xe Wave Tàu ọp ẹp đã tháo tung cả yếm, vượt đèo vun vút lao xuống bệnh viện huyện cách đó hơn 20 cây số. Đến cái đèo cuối cùng của Pù Ngùa, ngón chân cái của Mỷ quệt xuống đường đá mấp mô. Cái móng chân bật ra, tóe máu. Máu chảy tong tả thành một vệt đỏ dài thăm thẳm. Cái móng chân Mỷ nằm lại ở đoạn đường cô đơn hoang vắng.
Mỷ sống sót qua lần tự tử ấy. Cảm giác đau đớn kinh hoàng, ruột gan cào xé, ngực không thở được nặng như trái núi đè lên đến bây giờ vẫn khiến Mỷ sợ. Nhưng nó không dai dẳng bằng vết đau nhè nhẹ trên cái móng chân thành tật, mỗi độ trở trời lại nhưng nhức. (Nhưng nhức trên ngón chân, hay trong lòng Mỷ, Mỷ cũng không biết nữa).
Mỷ bây giờ 20 tuổi. Trai bản đã lấy vợ gần hết rồi, mà Mỷ thì chưa muốn tìm chồng. Lấy chồng khổ lắm. Ở bản Mỷ, có ai lấy chồng mà sung sướng đâu. Chồng đi uống rượu. Chồng chẳng chịu lên nương. Chồng xuống chợ hẹn hò các cô gái bản khác; để mặc vợ gùi gùi ngô đến gù cả lưng, chăm đàn con quanh năm trần truồng ốm nheo ốm nhóc.
Hôm kia đi nương về, Mỷ gặp cái Sênh tắm cho 4 đứa con bên suối, mặt nó đã đầy nếp nhăn, mà nó mới 19 tuổi. Hôm qua, chị Chư ngồi vá áo, khoe Mỷ thêm một cái răng vừa rụng, và cười nụ cười trống hoác phô cả lợi. Chị mới 37 tuổi, mà đã làm bà ngoại được 5 năm nay. Những mùa nương ở Pù Ngùa cứ buồn thê thiết với những bữa cơm chỉ ăn cùng muối trắng và bát canh rau lõng bõng; với những người đàn bà chẳng biết có bao giờ cảm thấy hạnh phúc hay không.
Là bởi vậy, nên trong một buổi chiều mùa xuân mưa rây rắc nào đó, có cô thiếu nữ ngồi bên bậu cửa, bỗng dưng thấy đời hoang hoải quá, liền nghĩ đến loài hoa vàng giúp bay lên trời, nơi có bộ váy áo rực rỡ và những bữa ăn đủ đầy. Lại một buổi chiều đông lạnh giá nào đó, một bà vợ bị chồng đánh sưng vều cả môi, nhìn ra con đường trước nhà, nơi bóng tối đang nhập nhoạng xuống, tự thấy bóng tối ấy cũng như đời mình, nên cũng lên nương tìm lá, bỏ lại đàn con bơ vơ, những mong khi ông chồng tỉnh cơn say, sẽ vì ân hận mà phải nhung nhớ vợ một lần.
Mỷ đã không còn muốn đi tìm lá kể từ năm 16 tuổi. Mỷ cũng không tin loài ma ngày nào sẽ bỗng dưng tìm đến. Nhưng, Mỷ sợ những lời rì rầm trong bản; sợ vòng tua đỏ trên tay thầy Pó, sợ hơi rượu sắn nồng gắt phả ra từ người ông bố.
Một sáng, bản Pù Ngùa xôn xao...
Các bà già ngồi dưới gốc đào vuốt mặt than trời. Đàn ông hầm hè, phụ nữ rúm lại. Mỷ cũng chạy ra xem. Thì ra, Bí thư đoàn Giàng Seo Vảng cùng các cô giáo trong điểm trường tiểu học đang phát cây lá ngón mọc đầy rẫy quanh trường. Mới mấy hôm trước, thẳng Pẩu 3 tuổi lên sân trường chơi với anh, thấy cái hoa vàng đèm đẹp, đói bụng, nó tưởng hoa có mật nên bỏ vào miệng nhai. Mươi phút sau, người nó giật lên như con nhái bén gặp mưa. May mà cứu được. Chắc Bí thư Vảng thấy không vận động suông được nữa nên tổ chức buổi phát cây này đây mà. "Thằng Vảng! Cho mày đi học, mày làm cán bộ để mày về hại người Mông ta à? Không ai được phát cây ngón hết. Con ma sẽ về hại bản ta".
Thầy cúng Pó cố giằng con dao trên tay Vảng mà không được. "Tôi làm tôi chịu. Bà con xem. Trong trăm ngày tôi không làm sao, thì chẳng có con ma nào cả". "Cái đồ... Ma bắt mày! Ma bắt mày đi" - Thầy Pó phùng má hùng hổ bỏ đi...
Vảng không chết, mà thằng Dính con của thầy Pó thì chết, chết mòn. Bác sỹ trên huyện bảo, nó bị lao phổi kèm suy nhược trầm trọng, nếu đưa đến bệnh viện sớm thì đã không sao. Pó đứng nhìn xác con nằm đó với vệt máu chảy dài trên khóe miệng, khóc nấc. Lão đã cúng ma rồi mà, sao thằng Dính vẫn đi? Trong cơn đau, Pó giật tung chùm tua đỏ ném xuống nền đất. Hình nhân bằng giấy còn sót lại rơi lảo đảo xuống đất, cái miệng bị cắt bằng kéo sắc lẻm trông như nụ cười man rợ.
Đi đám ma Dính về, Mỷ vẩn vơ suy nghĩ. Mỷ ngước lên nhìn trời. Trời Pù Ngùa xanh thăm thẳm. Mỷ tự hỏi: Mẹ có đang hạnh phúc trên trời không, hay xương thịt mẹ đã tan vào đất Pù Ngùa, cùng nỗi đau không lời của một người đàn bà Mông.
"Mỷ, nghe tôi. Không có con ma nào cả. Mỷ đừng u mê nữa. Bản Mông mình đã khổ lắm rồi, Mỷ không thấy sao. Nghe tôi. Đi phát cây lá ngón, đi tham gia sinh hoạt đoàn với tôi. Vui lắm. Còn được xuống miền xuôi. Miền xuôi đẹp lắm".
Lời Vảng như gió thoảng. Bờ vai Vảng rộng như núi Pù Ngùa. Nhưng, loài hoa tím mùa thu vẫn thoảng thơm cồn cào. Loài hoa ấy, thỉnh thoảng vẫn được ai lén đặt bên cối đá nhà Mỷ, khiến lòng Mỷ không yên...
Bốp! Lão May A giáng vào mặt Mỷ cái tát điếng người khi bắt gặp Mỷ trên con đèo về nhà. Con dao quắm trong tay Mỷ vương vài cánh hoa vàng ởn. Bốp! Bốp! Hai cái tát bồi thêm khiến Mỷ khuỵu xuống.
"Con Mỷ. Ai cho mày làm chuyện ngu ngốc này? Mày muốn con ma giáng họa cho nhà ta à?- May A gầm lên, mắt vằn như con thú dữ - Mẹ mày chết rồi đó. Mày có nhìn thấy bụng mẹ mày căng lên như bụng con ếch không? Mẹ mày bị ma bắt. Hay mày cũng muốn như mẹ của mày, làm con ếch trương bụng lên mà chết?".
Con ếch! Con ếch! Tai Mỷ ù đi. Con ếch tội nghiệp giương đôi mắt như mắt nai rừng, dại đi trên tấm chăn con công đỏ chót. Màu đỏ trào lên trên đôi mắt Mỷ; trào lên trong khuôn miệng rớm máu của Mỷ cùng cục hơi nóng giần giật nơi bầu ngực.
"Con ma là ông!" - Mỷ gào lên.
"Mày nói cái gì?".
"Con ma là ông! Nếu ông không uống rượu về đánh mẹ, nếu ông chịu lên nương, nếu ông không xuống chợ huyện gặp bà ấy, thì mẹ đã không đi tìm lá. Mẹ chết vì ông, vì ông, vì ông...". Tiếng Mỷ thét lên lanh lảnh, vọng xuống thung sâu, vù lên đỉnh non cao, rồi quất vun vút vào dãy Pù Ngùa mây trắng. May A đứng như trời trồng. Đứa con gái luôn cúi mặt đã thốt vào mặt lão những lời ấy. Lão thõng người, để mặc hơi rượu bay lên, còn bờ vai mỏi mệt trễ xuống. Phía xa, Mỷ đã chạy lên đỉnh dốc. Chiếc váy hoa bay phấp phới như con bướm nhiều màu.
Truyện ngắn của An Thư
Theo vnca.cand.com.vn
"Độc cô cầu bại" tại ĐNÁ, bóng đá Việt Nam đã bỏ xa Thái Lan? Việt Nam đã biến người Thái thành cựu vương SEA Games và lên ngôi quán quân thuyết phục. Tuy vậy, người Thái vẫn chưa tâm phục khẩu phục. SEA Games 30 là chiến tích lịch sử của bóng đá Việt Nam. Chúng ta giành cú đúp vàng môn bóng đá cả đội tuyển nam và nữ. Binh đoàn Rồng Vàng quật ngã Indonesia,...