Da 5 Bloods: Nhân vật bị ‘nhét chữ vào miệng’, thở ra cũng thấy cả bầu trời triết lý
Trong Da 5 Bloods, đạo diễn Spike Lee có vẻ hơi tham nhồi nhét thông điệp nên cứ vài phút lại thấy nhân vật ‘thở’ ra một câu triết lý.
Xem Da 5 Blood ( 5 chiến hữu), gom sương sương cũng được cả rổ rá triết lý. Không chỉ trích dẫn những bài phát biểu của những nhân vật nổi tiếng, đạo diễn còn ‘nhét chữ vào miệng’ các nhân vật của mình, khiến khán giả có cảm giác họ chỉ cần ‘thở’ ra thôi cũng thấy cả bầu trời triết lý. Dưới đây là một số câu nói nổi bật trong phim.
Trailer phim Da 5 Bloods
Từ phát ngôn của những thủ lĩnh tinh thần của người da đen
Phim đã dành một khoảng thời lượng không nhỏ cho những hình ảnh, thước phim tư liệu về phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, trong đó có trích dẫn cả những phát ngôn của những người nổi tiếng.
‘Lương tâm không cho phép tôi bắn anh em mình, hoặc người da sậm hơn, hoặc nghèo đói hơn nơi bùn lầy. Vì nước Mỹ mạnh mẽ to lớn, bắn họ để làm gì chứ. Họ không hề gọi tôi là mọi đen, họ không hành hình tôi. Họ không thả chó cắn tôi, không cướp quốc tịch của tôi.‘ ( Muhammad Ali, Chicago, 1978)
Tay đấm Muhammad Ali.
Câu nói của Muhammad Ali (1942 – 2016) là câu mở đầu phim. Ông là một cựu vận động viên quyền Anh người Mỹ, cũng là nhà hoạt động từ thiện, được mệnh danh là The Greatest (Người vĩ đại nhất). Ông tên thật là Cassius Marcellus Clay Jr., năm 1961, ông cải đạo sang đạo Hồi và lấy tên là Muhammad Ali. Năm 1966, Ali từ chối nhập ngũ, do đạo đức và niềm tin tôn giáo nên ông đã không tham gia Chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ông bị bắt và phải giải nghệ tạm thời. Đến năm 1971 ông mới được tuyên bố vô tội và được thả.
‘Cứ chiến tranh hay hái bông lại cử 20 triệu người da đen mà chẳng đền bù cho họ đàng hoàng. Sớm muộn gì lòng trung thành của họ cũng sẽ phai đi. ( Malcolm X, Chicago 1962)
Malcolm X.
Malcolm X (tên thật Malcolm Little, 1925 – 1965) là một tu sĩ Hồi giáo Mỹ gốc Phi, phát ngôn viên cho tổ chức Quốc gia Hồi giáo. Ông lớn lên trong cảnh nghèo khó, từng vào tù ra tội vì phạm tội ở khu ổ chuột. Trong tù, ông đã chăm chỉ đọc sách, tiếp thu nhiều tri thức. Ông qua đời vào năm 39 tuổi vì bị ám sát.
‘Mỹ đã tuyên chiến với người da đen’. ( Kwame Ture, Washington DC, 1968)
Kwame Ture.
Kwame Ture (1941 – 1998), là một nhà tổ chức nổi bật trong phong trào dân quyền ở Hoa Kỳ và phong trào Pan-African toàn cầu. Ông đã phát triển phong trào Black Power (quyền lực đen) và trở thành người lãnh đạo Đảng Cách mạng nhân dân toàn châu Phi (A-APRP).
Đến những câu ‘thở’ ra đã thấy triết lý của các nhân vật
‘Bọn khốn Hollywood kỳ quái đó cố quay lại và thắng cuộc chiến Việt Nam’. (Eddie – Norm Lewis)
‘Tôi sẽ xếp hàng đầu tiên nếu có phim về một anh hùng thật sự, một chiến hữu của ta, ai đó như Milton Olive, cậu ấy đè lên quả lựu đạn và cứu mạng các chiến hữu.’ (Otis – Clarke Peters).
Các chiến hữu khịa cả Hollywood.
Đây là đoạn 4 chiến hữu cùng hướng dẫn viên Vinh (Johnny Trí Nguyễn) tám gẫu khi đi dạo trên đường phố Sài Gòn. Đạo diễn Spike Lee, thông qua câu thoại của nhân vật đã tranh thủ ‘cà khịa’ cả Hollywood. Nước Mỹ đã làm ra những bộ phim siêu anh hùng nổi tiếng, những bộ phim chiến tranh với những chiến binh dũng cảm, nhưng thực tế họ đã thất bại ở cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Eddie và Otis đang mỉa mai một Hollywood giả tạo với những anh hùng giả tạo.
Milton Olive.
Otis còn kể ra Milton Olive, một nhân vật có thật. Milton Lee Olive III (1946 – 1965), là một lính Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ông là lính da đen Mỹ đầu tiên nhận Huân chương danh dự cho những hành động của mình trong cuộc chiến, trong đó có việc ông dùng thân mình đè lên quả lựu đạn, cứu sống các đồng đội.
‘Đây là người bạn cũ của mẹ, Otis, từ cuộc Chiến tranh Mỹ’. (Tiên – Lê Y Lan)
Đây là câu nói của bà Tiên khi giới thiệu Otis với con gái. Đáng nói là cách dùng từ của bà về, thay vì gọi là Vietnam War – như cách truyền thông, báo chí phương tây vẫn gọi, bà gọi cuộc chiến là American War. Ở đây, Spike Lee đã chỉ rõ bản chất của cuộc chiến, đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam.
‘Nó là đứa con hoang của kẻ thù. Em từng là điếm, bố nó là mọi đen (the nigger). Lính da trắng đã dạy bọn em từ đó.’ (Tiên)
Câu nó của bà Tiên khi nói về con của mình với Otis đã thể hiện sự kỳ thị, chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ quân đội Mỹ. Đều là lính Mỹ nhưng người da trắng gọi người da đen là ‘mọi đen’ và coi cả con cái của họ là thứ hạ đẳng.
‘Người Pháp đã ở đâu trong Thế chiến 2, Hitler đã cho các ông tan tác, nước Mỹ chết tiệt đã cứu các ông đấy!’ (Paul – Delroy Lindo)
Đó là câu Paul – một trong các cựu binh da đen đã nói với Desroche (Jean Reno) – một doanh nhân người Pháp trong phi vụ làm ăn. Paul và đồng bọn trở lại Việt Nam để tìm vàng và muốn thông qua Desroche để đổi vàng thành tiền. Ban đầu Desroche không đồng ý vì đây là phi vụ mạo hiểm, mức độ rủi ro cao. Paul đã tức giận lật lại lịch sử để mắng thẳng mặt Desroche, ám chỉ người Pháp phải mang ơn người Mỹ trong Thế chiến thứ 2 mà trong đó có cả những lính Mỹ da đen đã hy sinh mạng sống của mình.
‘Cảm ơn ông về phiên bản một chiều ngu ngốc của người Mỹ về thế chiến 2′. (Desroche)
Desroche đương nhiên cũng không phải tay vừa, ông ta đủ hiểu biết về lịch sử để ‘phản dame’ Paul. Người Mỹ luôn thao thao bất tuyệt về vai trò của quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng lại cố tình lờ đi những đóng góp của hồng quân Liên Xô. Sau này khi gặp lạ, Desroche còn nói thêm rằng: ‘Chúng ta ai cũng hy sinh hết, da đen không làm cho sự hy sinh của họ vĩ đại hơn.’
‘Chú Sam cũng chẳng làm tốt hơn Pháp ở Việt Nam đâu. Và Vive la France’ (Desroche)
Desroche nói, sau khi đã chốt kèo và rời đi. Chú Sam – Uncle Sam là một từ nhân cách hóa quốc gia chỉ nước Mỹ và đôi khi cụ thể hơn là chỉ chính phủ Mỹ. Ở đây, Desroche đang cố tình cà khịa quân Mỹ, đánh đông dẹp bắc ở đâu không biết nhưng từ phương diện cuộc chiến ở Việt Nam mà nói thì rõ ràng ‘Chú Sam’ cũng không làm tốt hơn người Pháp, cả hai đều thua cuộc và phải rút quân về nước.
Hình ảnh Chú Sam trong văn hóa Mỹ.
Nguồn gốc của tên gọi Chú Sam bắt đầu từ một người đóng thịt hộp tên là Sam Wilson. Trong cuộc chiến năm 1812, Sam được cử làm viên chức kiểm tra thịt trong lực lượng quân sự Mỹ đóng ở New Jersey. Thịt do Anderson cung cấp được đóng dấu chữ ‘EA-US’ là chữ tắt tên của nhà thầu (Elbert Anderson) và quốc gia cung cấp (United States). Tuy nhiên, theo lời truyền tụng, khi thống đốc New York Daniel D. Tompkins đến thăm nhà máy đóng hộp và hỏi về những chữ tắt trên, một công nhân đã trả lời ông ta ‘US’ là chữ tắt của ‘Uncle Sam Wilson’ (Chú Sam Wilson).
Từ đó các binh sĩ Mỹ truyền tai nhau là những chuyến hàng tiếp tế cho quân đội đến từ Chú Sam. Trò đùa này chẳng mấy chốc lan truyền khắp nơi, Uncle Sam xuất hiện trên báo chí và hình ảnh hoạt họa về cính trị. Không biết từ lúc nào, biệt hiệu của người bán thịt lại trở thành biệt hiệu của một đất nước. Hình tượng Chú Sam xuất hiện trong áp phích kêu gọi nhập ngũ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và sau đó được chế lại để sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Câu ‘Vive la France’ mà Desroche nói trước khi rời đi có nghĩa là ‘Nước Pháp muôn năm’. Đây là một thành ngữ được người Pháp sử dụng để thể hiện lòng yêu nước. Câu nói này thường được để nguyên bản tiếng Pháp thay vì dịch ra những thứ tiếng khác. Cụm từ này bắt nguồn từ Ngày Bastille hay Ngày Quốc khánh Pháp, Ngày lễ quốc gia Pháp (Fête nationale) là ngày kỷ niệm sự kiện chiếm ngục Bastille diễn ra vào 14/7/1789 trong thời kỳ Cách mạng Pháp.
‘Thay mặt cho nhóm người da đen ở Mỹ, là nhóm duy nhất không bầu cử cho tên khốn đó, chúng tôi tuyên bố vô tội với mọi cáo buộc, yêu sách, buộc tội, luận điệu và sự liên hệ với gã kỳ thị chủng tộc ở phòng Bầu dục. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi.’ (David – Jonathan Majors).
Đây là tuyên ngôn của David – con trai Paul trước những người bạn người Pháp khi bị khịa là bầu một tên hề truyền hình thực tế lên làm tổng thống. Ở đây anh đã thể hiện sự phản đối của những người Mỹ gốc Phi với tổng thống đương nhiệm, ông Donald Trump.
Câu ‘Xin chúa hãy giúp tôi’ (So help me God) như một cách đối đáp lại câu In God we trust (Chúng ta tin vào Chúa) – tiêu ngữ của Hoa Kỳ.
‘Không có gì quý hơn độc lập tự do, Bác của chúng tôi đã nói thế.’
‘Bác nào?’
‘Bác Hồ Chí Minh.’
‘Giờ đó là bác anh à?’
‘Thật ra đó là người cha của Việt Nam hiện đại như George Washington của các ông.’
‘Người anh em Việt Nam của tôi, bác của chúng tôi sở hữu 128 nô lệ.’
Bác của Johnny Trí Nguyễn khác bác của người Mỹ nhé!
Đây là đoạn hội thoại đắt giá giữa Vinh với những gã cựu binh Mỹ da đen. Ở đây Spike Lee đã thể hiện sự cà khịa một cách trực diện khi so sánh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ của Việt Nam với George Washington – Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, lãnh tụ tinh thần của người Mỹ mà chủ yếu là người Mỹ da trắng. Còn những người Mỹ da đen, gốc gác vốn là nô lệ được mang từ châu Phi sang và ‘bác’ của họ là tư sản sở hữu 128 nô lệ. So sánh Bác Hồ với ‘bác’ Washington, rõ ràng khập khiễng về bản chất.
‘Chúng ta là lũ ngốc tìm vàng.’
‘Vàng khốn kiếp, thần thánh đây rồi.’
‘Cậu nghĩ Norman quan tâm đến việc ta tìm ra hài cốt của cậu ấy không à?’
‘Cậu nhớ Norman nói gì mà: Số vàng đó thuộc về dân mình. Vàng đó nên dùng để giải phóng người da đen.’
‘Ừ, giải phóng chúng ta, làm vì bản thân.’
‘Tôi đang nói về bồi thường cho người da đen.’
‘Tôi có phần của tôi rồi.’
‘Còn dân ta thì sao?’
Khi tìm thấy vàng, các chiến hữu sẽ lao vào cắn xé nhau ngay thôi. Họ quên mất một phần mục đích cho lần trở lại Việt Nam, chiến hữu cũng không quan trọng bằng vàng. Họ từng cảm thấy bất công cho người da đen, từng lên tiếng đòi quyền lợi, nhưng khi có cơ hội trong tay họ cũng đâu nghĩ đến việc giải phóng người da đen như di nguyện của đồng đội. Chốt lại là ‘Đồng tiền quan trọng hơn màu da.’
‘Tiếng gì vậy bố nhỉ?’
‘Tiếng ve đấy!’
‘Nghe không giống ở nhà.’
‘Ta đâu có nhà, con trai.’
Ảnh minh họa
Đó là đoạn hội thoại giữa David với Paul, hai cha con trên hành trình tìm vàng trở về. Cậu thanh niên David lần đầu tiên nghe thấy thứ âm thanh lạ lẫm ở một đất nước khác, không giống như ở nhà. Còn Paul thì cho rằng họ không hề có cái gọi là ‘nhà’.
‘Các người biến tôi thành ác tính. Tắm tôi trong chất độc da cam, diệt cỏ gây ung thư đó. Lũ khốn quân đội, chúng đốt mặt đất bằng thứ đó, xịt thứ đó vào không khí và nước, ngấm vào máu tôi, tế bào tôi, ADN tôi và linh hồn chết tiệt của tôi.’ (Paul)
‘Bọn tao là chiến hữu, bọn tao đã chiến đấu trong một cuộc chiến phi nghĩa không phải của mình. Vì những quyền bọn tao không có.’ (Paul)
Đó là những câu mà Paul đã độc thoại khi một mình tách team, từ bỏ cả con trai, đi lang thang trong rừng. Paul có lẽ là người chịu dư chấn tâm lý nặng nề nhất sau cuộc chiến, hắn bị chứng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) hành hạ. Những câu độc thoại của Paul cho thấy sự điên loạn của hắn ngày càng trở nên mất kiểm soát, nhưng những câu nói ấy lại cho thấy một tầm nhận thức rất ‘tỉnh’.
‘Trải qua chiến tranh, ta hiểu rằng nó không bao giờ thật sự kết thúc. Dù trong suy nghĩ của ta hay trong thực tại, chỉ khác về tốc độ.’ (Vinh)
Trận chiến End game mà Vinh được tham gia.
Câu nói của Vinh chốt lại trò chơi đào vàng đẫm máu của ‘5 chiến hữu’. Rõ ràng hòa bình đã lập lại nhưng họ vẫn chĩa súng vào nhau, vẫn đổ máu, vẫn vĩnh viễn gửi lại máu xương nơi đất khách cho những thứ phi nghĩa.
Da 5 Bloods đã có mặt trên Netflix.
'Da 5 Bloods': Nỗi đau chiến tranh còn mãi và thông điệp muôn thuở về nước Mỹ
Đạo diễn Spike Lee tiếp tục thể hiện sở trường của mình ở mảng đề tài xung đột sắc tộc, nhưng tác phẩm lần này kỳ vọng sẽ có sức nặng hơn khi kết hợp với yếu tố chiến tranh
Da 5 Bloods xoay quanh 4 cựu binh Mỹ từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau nửa thế kỷ, họ quyết định quay trở lại chiến trường xưa với mục đích đi tìm hài cốt của người chỉ huy đã hy sinh, đồng thời lấy lại số kho báu đã chôn giấu nhằm thực hiện lời hứa năm nào. Dấn thân vào hành trình này, họ không chỉ đối diện với vết thương từ quá khứ mà còn phải giải quyết những mâu thuẫn ở hiện tại.
Với một bộ phim lấy đề tài chiến tranh như Da 5 Bloods thì nỗi đau, sự tàn khốc luôn là thứ được đặt lên hàng đầu. Và còn gì hoàn hảo hơn khi điều đó được lấy dẫn chứng ngay từ thực tế. Những thước phim tài liệu được đưa cài cắm rải rác là phong cách điển hình của đạo diễn Spike Lee, bởi chính ông cũng như nhiều khán giả tin rằng nó sẽ là chất xúc tác khi theo dõi tác phẩm. Sự tàn khốc của chiến tranh hiện lên không thể chân thực hơn, đánh mạnh vào cảm xúc và lý trí của người xem.
Cả 4 bốn nhân vật chính, với tư cách là những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, đều đã phải chịu những tổn thương do bom đạn gây ra. Nhưng nỗi đau lớn nhất mà không thuốc men nào có thể xoa dịu được đó là nỗi đau về tinh thần, về người chỉ huy cũ mà họ xem như anh cả. Đó là thứ gây ám ảnh suốt một thời gian dài, xuất hiện cả trong giấc mơ với những cuộc trò chuyện nửa thực nửa ảo. Do đó chuyến đi này giống như cơ hội để đối diện với quá khứ và hóa giải những uẩn khúc đang dần ăn mòn tâm hồn họ.
Bên cạnh đó, Da 5 Bloods cũng không quên nhắc nhở chúng ta rằng chiến tranh là nỗi đau của cả hai bên. Dân tộc Việt Nam cũng trải qua nhiều hy sinh, mất mát để có được hòa bình như ngày hôm nay. Nhưng dẫu nhìn từ phía nào thì người xem vẫn phải công nhận một điều rằng, những tổn thương mà cuộc chiến này hay bất cứ cuộc chiến nào gây ra, cũng là thứ tồn tại mãi mãi như vết sẹo hằn sâu trong ký ức.
Không chỉ lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa, đạo diễn Spike Lee còn gửi gắm vào Da 5 Bloods lời tố cáo về nạn phân biệt chủng tộc. Những người da màu, họ hy sinh vì đất nước mình nhưng không nhận được sự đối đãi xứng đáng. Bởi vì trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo Mỹ, người da màu chỉ là công cụ, không phải con người.
Đây vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ và thông điệp này càng có ý nghĩa khi nhìn vào thời điểm hiện tại. Chiến dịch Black Lives Matter vẫn đang diễn ra mạnh mẽ và bộ phim này ra mắt vào thời điểm không thể phù hợp hơn.
Là bộ phim mang nặng tính thông điệp nhưng có vẻ như Da 5 Bloods vẫn chưa chạm đến chất lượng của một tác phẩm tốt như khán giả kỳ vọng.
Đầu tiên là ở phần nhạc phim. Có lẽ đạo diễn Spike Lee mong muốn tạo nên sự khác biệt khi lồng ghép phần nghe và phần nhìn không mấy liên quan đến nhau. Nhưng khi xem, khán giả mới thực sự tin rằng chúng không nên kết hợp với nhau là có lý do chính đáng. Sự đối lập này khiến việc trải nghiệm Da 5 Bloods hơi khó khăn.
Trong chuyến hành trình trở về Việt Nam, có thể thấy tâm lý của các nhân vật cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng ngần ấy vẫn không đủ để giải thích cho sự thay đổi cảm xúc đến chóng mặt của họ, đặc biệt là nhân vật Paul. Các nhân vật thường xuyên gọi nhau là "bloods" (chiến hữu) để thể hiện mức độ găn bó giữa các thành viên. Nhưng họ lại thường xuyên xích mích và có những mâu thuẫn hết sức nực cười.
Hay ngay cả việc nhóm nhân vật đi tìm hài cốt và kho báu cũng khó lòng thuyết phục được khán giả. Nhiều chi tiết khiên cưỡng mà nếu không phải do chủ ý sắp đặt của đạo diễn thì sẽ khó lòng xảy ra ngoài đời thực.
Nói một cách nghiêm túc thì hai yếu tố chiến tranh và phân biệt sắc tộc nếu đứng riêng đều có đủ sức để làm nên một câu chuyện hay. Nhưng đạo diễn Spike Lee lại muốn kết hợp chúng với nhau để nhân đôi thông điệp, trong khi sợi dây liên kết không thực sự chắc chắn. Thậm chí khán giả có thể thấy thông điệp về chủng tộc có phần hơi thừa thãi khi nhìn vào tổng thể bộ phim.
Có lẽ trước khi thưởng thức Da 5 Bloods, bạn nên hạ thấp kỳ vọng xuống một chút vì ngoài thông điệp mang tính nhân văn ai cũng có thể đồng cảm, thì cách thể hiện của đạo diễn Spike Lee vẫn khá dị, kén khán giả và khó xem.
Ngô Thanh Vân cùng hàng loạt bom tấn Hollywood sắp đổ bộ trên Netflix, vang danh tên tuổi người Việt Hàng loạt tác phẩm điện ảnh mới của Ngô Thanh Vân sắp đổ bộ trên kênh truyền hình trực tuyến Netflix. Cô cũng chính là một trong những người tiên phong trong việc mang tên tuổi của nền điện ảnh Việt Nam đến với thế giới Trong khoảng thời gian gần đây, rất nhiều người tại khắp nơi trên thế giới đều đang...