Cựu Trưởng phòng tham mưu cho thuê đất quốc phòng: ‘Nể nang các anh tôi ký’
Bị cáo Bùi Như Thiềm khai ký hợp đồng 07 về góp vốn bằng quyền sử dụng đất là do “nể nang các anh” chứ không phải chức trách, nhiệm vụ của mình.
Video: Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng
Chiều 18/5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân tiếp tục phiên xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và các bị cáo liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Mở đầu phiên làm việc chiều nay, HĐXX yêu cầu bị cáo Bùi Như Thiềm, cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân lên bục khai báo.
Bị cáo Thiềm cho biết, bản thân nhận được chỉ thị ngày 14/6/2006 về tổ chức đàm phán ở khu đất số 2 và số 7-9 Tôn Đức Thắng, tham gia đàm phán vào hợp đồng ở khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng.
Khi tham gia đàm phán với các đối tác tại những khu đất trên, bị cáo Thiềm khai được giao nhiệm vụ đàm phán nội dung thương mại, cơ chế thương mại, phối hợp Phòng Tài chính quân chủng, Công ty Hải Thành liên quan đến tiền khoán, thời gian trả tiền khoán.
Bị cáo Thiềm khai đàm phán với công ty Cảnh Hưng, Công ty Yên Khánh. Trong quá trình này, bị cáo không kiểm tra năng lực của đối tác.
Kết quả thương thảo với đối tác, Thiềm khai đã báo cáo Phó Tư lệnh quân chủng lúc đó là Lê Văn Đạo. Sau khi báo cáo các văn bản với Bộ Tư lệnh đã có văn bản báo cáo với Thường vụ quân chủng về kết quả đàm phán.
Bị Cáo Bùi Như Thiềm – cựu Trưởng phòng Quân chủng Hải quân. (Ảnh: Thông tấn Quân sự)
Cựu Trưởng phòng Quân chủng Hải quân cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ông cùng phòng Tài chính quân chủng, Công ty Hải Thành đàm phán thêm với Công ty Cảnh Hưng, Yên Khánh, Mai Anh. Bị cáo Thiềm cũng nêu rõ, thời hạn liên doanh của các hợp đồng này là 49 năm.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc liên doanh này có lợi cho Quân chủng Hải quân không, bị cáo Thiềm nói, đơn vị thuê 2 đơn vị là văn phòng luật sư và công ty luật đã trả lời bằng văn bản, khuyên không nên góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng như thành lập pháp nhân mới vì sẽ gây bất lợi cho Quân chủng.
“Bị cáo đã in văn bản này, gửi cho từng vị Thường vụ Quân chủng đề nghị không lập pháp nhân mới”, cựu Trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân nói.
Bị cáo Thiềm cho rằng, hợp đồng liên doanh này thực chất là cho thuê đất. Đồng thời, tại thời điểm ký hợp đồng liên doanh thì 3 khu đất này chưa được chuyển mục đích sử dụng đất.
Đại diện VKS sau đó hỏi bị cáo Bùi Như Thiềm về việc thương thảo hợp đồng kinh doanh với Công ty Yên Khánh. Bị cáo Thiềm khai việc này thực hiện khoảng 4 lần với Giám đốc công ty Hải Thành, cơ quan công ty, luật sư…
Trong các buổi thương thảo, Công ty Yên Khánh có 3-4 người, Hải quân có 2 người. Đối với nội dung các buổi thương thảo, bị Thiềm khai lần 1 không đạt được kết quả gì. Lần thứ 2 chuyển hình thức do Công ty Yên Khánh đề xuất là thành lập pháp nhân mới và về giá cũng căng thẳng.
Lần 3 nhất trí được phương án ký hợp đồng theo hình thức khoán kinh doanh và tiền trả theo phương án sau thuế. Kết quả lần thứ 4 nhất trí hình thức hợp đồng là thành lập pháp nhân mới, tiền khoán 5 USD/m2, tiền khoán thu cho Công ty Hải Thành 6 tháng/lần.
Đại diện VKS sau đó công bố bút lục lời khai trong quá trình điều tra, trong đó, bị cáo Thiềm khai có 2 lần bị cáo Hệ tham gia đàm phán. Bị cáo Thiềm sau đó khai, có gặp 2 lần bị cáo Hệ trước khi đàm phán, được giới thiệu là Út.
Theo bị cáo Thiềm, thời điểm ký hợp đồng số 07, có bị cáo Bùi Văn Nga và Công ty Yên Khánh có khoảng 3-4 người (trong đó có bị cáo Hoan), Quân chủng có bị cáo Thiềm, bị cáo Thảo. Trước khi ký hợp đồng, bị cáo Nga đề nghị bị cáo Thiềm, bị cáo Thảo ký nháy. Ông Thiềm hỏi luật sư và được trả lời, chữ ký đó không phải chịu trách nhiệm gì nên ký.
Về hợp đồng số 07, theo ông Thiềm có 2 người ký chính thức là ông Bùi Văn Nga và bị cáo Hoan. Trước khi ký hợp đồng 07, bị cáo Thiềm không tham mưu gì mà chỉ thực hiện theo nhiệm vụ được giao.
Đại diện VKS sau đó đã nêu văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong đó có nội dung yêu cầu Quân chủng Hải quân không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất và hỏi bị cáo Thiềm về việc bị cáo vẫn tiếp tục tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh tiếp tục góp vốn là đúng hay sai?
Bị cáo Thiềm trình bày: “Tôi mới mổ tim xong, yếu, nằm nhà”. Tuy nhiên, đại diện VKS sau đó ngắt lời và nhắc lại câu hỏi. Bị cáo Thiềm cho rằng, việc liên quan đến đất, tiền không liên quan, còn ký là “nể nang các anh tôi ký” chứ không phải chức trách, nhiệm vụ của mình.
Sau đó, HĐXX tiếp tục yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Tư lệnh quân chủng Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lên bục khai báo.
Lừa dối cơ quan chức năng, Út 'trọc' vẫn nói mình vô tội
Tại phiên xét xử cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị cáo liên quan, bi cao Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') vẫn khẳng định không có tội.
Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng
Trưa 18/5, sau khi trình bày xong cáo trạng, đại diện VKS tại phiên tòa đã nêu bổ sung cáo trạng.
Cụ thể, theo đại diện VKS, trong cáo trạng nêu, khi ký kết hợp đồng họp tác liên doanh tại khu đất số 7-9, các bị can không căn cứ vào giá đất được UBND TP.HCM quy định, dẫn đến thực hiện việc họp tác liên doanh góp vốn với giá đất hàng năm tính theo m2 thấp hơn nhiều so với giá Nhà nước quy định, gây thiệt hại số tiền 20.382.653.362 đồng (tính từ 4/9/2006 đến năm 2018).
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") tại phiên tòa sáng 18/5 . (Ảnh Thông tấn quân sự)
Các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, VKS quân sự Trung ương xác định không đủ căn cứ xác định thiệt hại này.
Vì vậy, tại phiên tòa hôm nay, VKS rút nội dung yêu cầu các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo liên đới bồi thường số tiền này.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng bổ sung việc sửa lại một số số liệu trong cáo trạng do lỗi đánh máy nhầm. Sau khi đại diện VKS trình bày cáo trạng, HĐXX cho biết, do sức khỏe yếu nên bị cáo Bùi Như Thiềm được đưa ra ngoài.
Sau đó, chủ tọa đã hỏi bị cáo Thiềm về một số nội dung liên quan và bị cáo này đồng ý, không có ý gì khác.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc có ý kiến gì đối với tội danh bị truy tố theo cáo trạng không, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trả lời "không phạm tội này".
Trước đó, sáng 18/5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) mở phiên toà xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) Nguyễn Văn Hiến, cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") và các bị cáo liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Theo cáo buộc, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu), sinh viên năm thứ nhất hệ cao đẳng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đứng tên giám đốc, là người đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh đăng ký kinh doanh ngày 29/7/2005 với vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng.
Công ty gồm 2 thành viên đứng tên góp vốn là Vũ Thị Hoan và Đỗ Văn Trưởng (Trưởng là bảo vệ của Công ty Đức Bình). Năm 2007, Đinh Thị Hiên là thành viên góp vốn thay Đỗ Văn Trưởng (thực chất Hoan, Trưởng, Hiên không có vốn góp). Trụ sở công ty là nhà riêng của Đinh Ngọc Hệ tại số 72 đường số 3, phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM.
Vũ Thị Hoan làm giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc Hoan đều làm theo chỉ đạo, điều hành của Hệ. Theo chỉ đạo của Hệ, ngày 2/1/2009, Hoan ký Quyết định số 01/QĐ-CT bổ nhiệm Phạm Văn Diệt làm Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh và ngày 19/12/2012 ký Quyết định số 01/QD-HDTV bổ nhiệm Diệt làm Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh.
Những năm đầu, công ty không có cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính, kinh nghiệm kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh theo đăng ký kinh doanh do Đặng Thái Hà làm Tổng giám đốc, vốn điều lệ của công ty là 1.250 tỷ đồng. Trong đó, Hoan 868,75 tỷ đồng, Đinh Thị Hiên 375 tỷ đồng, Đinh Ngọc Liên 6,25 tỷ đồng, thực chất những cá nhân này chỉ đứng tên trên danh nghĩa nhưng không có vốn góp.
Đinh Ngọc Hệ còn nhờ người thân, bạn bè đứng tên để thành lập một số công ty như: Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình (Tập đoàn Đức Bình), Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép, Công ty cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P,...
Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa pháp luật là độc lập nhưng thực tế hoạt động hoàn toàn dưới sự chỉ đạo và điều hành của Hệ.
Phạm Văn Diệt được Hệ bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Đức Bình, là "cánh tay nối dài" của cựu thượng tá quân đội.
Quá trình hoạt động, các công ty chịu sự điều hành của Tập đoàn Đức Bình. Các bên ký kết hợp đồng kinh tế, chuyển tiền lòng vòng cho nhau; tùy tiện giới thiệu, bổ nhiệm, ủy quyền để giúp nhau ký kết các văn bản, hợp đồng không đúng quy định...
Năm 2006, Hệ biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP.HCM sang làm kinh tế, Hệ đã chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký Tờ trình số 10/CV-YK ngày 8/3/2006 gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh tại khu đất số 7-9, diện tích 4.044m2 (sau điều chỉnh còn 3.531 m2) đường Tôn Đức Thăng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Nội dung Tờ trình phản ánh gian dối về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã thực hiện. Mục đích để Công ty Hải Thành và Quân chủng Hải quân tin tưởng Công ty Yên Khánh có đủ năng lực để thực hiện dự án, thực chất Công ty Yên Khánh không đủ năng lực thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng như đã đề nghị với Quân chủng Hải quân.
Trong buổi đàm phán đầu tiên, Hệ xuất hiện tại Công ty Hải Thành, tự giới thiệu là chủ của Công ty Yên Khánh, những người tham gia đàm phán là người của Hệ, sau đó Hệ xin vắng mặt, không tham gia đàm phán và đề nghị tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh sớm được ký hợp đồng với Công ty Hải Thành.
Sau khi đàm phán thành công, ngày 4/9/2006, Hệ chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án tại khu đất số 7-9.
Sau khi ký được họp đồng, Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan phối hợp Công ty Hải Thành và QCHQ cung cấp các văn bản để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 7-9 từ đất quốc phòng sang làm kinh tế.
Bị cáo Vũ Thị Hoan tại phiên xét xử.
Ngày 3/10/2010, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) khu đất số 7-9 cho Công ty Hải Thành, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Phạm Văn Diệt làm các thủ tục để Công ty Yên Khánh nhận và quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặc dù Công ty Yên Khánh không góp 288 tỷ đồng theo đúng hợp đồng đã cam kết, nhưng Hệ đã chỉ đạo thực hiện trong việc lừa các cơ quan chức năng để được cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (sau này đổi thành Công ty cổ phần Yên Khánh Hải Thành).
Ngày 18/3/2010, sau khi có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 mang tên Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành, Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan sử dụng Biên bản họp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị Công ty Yên Khánh Hải Thành ký giả mạo chữ ký của Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) là người đại diện pháp luật phần vốn góp của Công ty Hải Thành trong liên doanh, đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 bảo lãnh thế chấp cho các công ty của Đinh Ngọc Hệ vay tiền tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô, thực hiện vào mục đích riêng không liên quan đến việc thực hiện dự án.
Tài sản Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân là quyền sử dụng khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, phường Ben Nghé, quận 1, TP.HCM có giá trị tại thời điểm tháng 2/2010 là 525.312.106.562 đồng.
Cáo trạng nhận định, hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò là người tổ chức và phải chịu trách nhiệm hình sự chính trong vụ án.
Xử vụ Út "trọc": Diễn biến bất ngờ liên quan đến cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến Cuối giờ sáng nay (18/5), khi công bố xong cáo trạng truy tố 8 bị cáo trong vụ Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc"), đại diện Viện Kiểm sát Quân chủng Hải quân đã có bổ sung chi tiết liên quan đến cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến. Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong cáo trạng nêu, khi ký kết hợp đồng...