Cựu tổng thống Pháp muốn phần tử cực đoan phải đeo vòng điện tử
Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy cho rằng cần phải giám sát các phần tử có dấu hiệu cực đoan trên toàn lãnh thổ Pháp bằng cách cho họ đeo vòng tay điện tử.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: AFP
“Chúng ta phải cải thiện triệt để công tác an ninh nội địa. 11.500 đối tượng trong danh sách S cần phải được theo dõi và giám sát tại gia bằng cách đeo vòng điện tử”, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia TF1. S là danh sách các đối tượng có dấu hiệu bị cực đoan hóa.
Theo ông, đây là biện pháp an ninh hữu hiệu nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố.
Vài ngày sau các cuộc tấn công đẫm máu tại Pháp, chủ tịch đảng “Những người Cộng hòa” khẳng định vấn đề trước mắt không chỉ là đoàn kết dân tộc mà là tăng cường an ninh.
Trong số các biện pháp mà ông Sarkozy đưa ra bao gồm trục xuất bằng vũ lực tất cả đối tượng hồi giáo cực đoan và đóng cửa những nhà thờ chúng thường xuyên qua lại, cũng như triệt phá các đường dây buôn vũ khí tại các khu phố ổ chuột ngoại ô Paris.
“Tất cả những đối tượng cực đoan trở về từ Syria và Iraq cần phải bị bỏ tù ngay lập tức, những phần tử mang hai quốc tịch sẽ không được ở lại Pháp thêm bất cứ một giây phút nào”, ông Sarkozy nhấn mạnh.
Ngoài ra, cựu tổng thống Pháp còn kêu gọi xây dựng thêm nhiều trung tâm chống cực đoan hóa để giải quyết vấn đề tâm lý cho các đối tượng mới xuất hiện dấu hiệu cực đoan.
Ông Sarkozy đưa ra bình luận sau khi Pháp rung chuyển vì các vụ đánh bom tự sát và xả súng tại trung tâm Paris hôm 13/11, khiến 129 người thiệt mạng. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm đứng sau vụ khủng bố này. Những phần tử tham gia vụ tấn công bị nghi là có liên quan đến Syria.
Video đang HOT
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
IS tự đào mồ chôn mình với vụ thảm sát Paris
Các chuyên gia tin rằng IS đang tiến gần đến chỗ diệt vong khi thực hiện tội ác khủng bố ở cấp độ chưa từng thấy trong lịch sử.
Người dân Paris đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố. Ảnh: AFP
Với đợt tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris của Pháp hôm 13/11 khiến ít nhất 129 người chết, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) là tổ chức khủng bố đầu tiên trên thế giới cùng một lúc có thể thực hiện các hình thức tấn công khác nhau vào nhiều địa điểm trên lãnh thổ phương Tây và gây ra thiệt hại nặng nề đến như vậy, theo Telegraph.
Đây cũng là tổ chức khủng bố đầu tiên trên thế giới trong chưa đầy hai tuần tuyên bố gây ra ba vụ tấn công quy mô lớn ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tài sản. Đầu tiên là vụ gài bom trên chiếc máy bay Nga hôm 31/10 khiến 224 người thiệt mạng, với phiến quân IS ở Ai Cập nhận trách nhiệm. Tiếp theo đó là hai vụ đánh bom tự sát gần như đồng thời trên một con phố ở thủ đô Beirut của Lebanon khiến 41 người chết, chỉ một ngày trước khi xảy ra đợt khủng bố ở Paris. Tổng cộng, nhóm khủng bố này đã sát hại 393 người vô tội mang các quốc tịch khác nhau như Lebanon, Ukraine, Pháp và Nga.
Đỉnh điểm của tội ác
Khi Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng những vụ khủng bố ở Paris cho thấy IS đang muốn "giết người hàng loạt" ở "cấp độ lên kế hoạch và phối hợp mới", có lẽ đó là cách nói giảm nhẹ về mức độ hủy diệt cũng như khả năng chưa từng có tiền lệ của một tổ chức khủng bố trong lịch sử hiện đại, theo các chuyên gia phân tích.
Các chuyên gia an ninh cho rằng thông thường mỗi nhóm khủng bố sẽ đi theo một chiến lược tấn công riêng, mang bản sắc tàn bạo của mình. Phiến quân al-Qaeda dưới thời của trùm khủng bố Osama bin Laden đặc biệt chú ý đến các máy bay chở khách, mà đỉnh điểm của sự tàn ác là cuộc tấn công ngày 11/9 vào tòa tháp đôi của Mỹ.
Những cuộc tấn công ở Paris cho thấy phiến quân IS đã thuần thục tất cả các kỹ năng khủng bố mà tất cả các nhóm khác chưa từng đạt được. Trong một thời gian ngắn, chúng gây ra các vụ xả súng, đánh bom tự sát và tấn công máy bay chở khách, đặt các cơ quan an ninh, tình báo trên khắp thế giới vào tình thế bất ngờ, không kịp trở tay.
Vụ đánh bom kép ở thủ đô Beirut hôm thứ năm tuần trước đã thể hiện khả năng của IS thực hiện một hình thức tấn công tương đối quen thuộc của khủng bố nhưng luôn gây ra hậu quả rất thảm khốc về sinh mạng. Những kẻ tấn công kích hoạt đai thuốc nổ gắn trên người tại các địa điểm đông đúc, khiến con số thương vong luôn rất lớn và gây chấn động mạnh trong dư luận.
Cảnh sát Pháp tăng cường an ninh trên đường phố Paris sau vụ khủng bố. Ảnh:AFP
Còn ở Paris, các phần tử khủng bố sử dụng súng và thuốc nổ để thực hiện cuộc thảm sát giống như những cuộc tấn công kiểu "du kích đô thị" của những kẻ theo chủ nghĩa "bất cần đời" tại châu Âu vào thập niên 1970.
Thời kỳ đó, nhiều thanh niên Đức và Italia đã gia nhập các băng nhóm Lữ đoàn Đỏ hay Baader-Meinhof rồi dùng súng bắn giết nhau ngay trên đường phố. Họ bắt cóc con tin, giết những người qua đường, khiến người dân Italy phải gọi giai đoạn lịch sử này là "Những năm Chì", bởi những viên đạn chì rải đầy đường phố sau mỗi vụ đấu súng.
Phiến quân IS đã làm tái hiện thời kỳ khủng khiếp này ở thủ đô Paris, chỉ khác là chúng chỉ tập trung tàn sát người dân vô tôi chứ không phải cảnh sát hay quan chức chính phủ, và tội ác của những kẻ khủng bố này chỉ chấm dứt bằng cái chết của chúng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng có một điều không thể nhầm lẫn, đó là dù gài bom một chiếc máy bay, bắt cóc con tin, cử những kẻ đánh bom tự sát đến Beirut, hay tiến hành vụ thảm sát ở Paris, các phần tử IS đều thực hiện một cách nhanh chóng và liên tiếp. Mật độ thực hiện những cuộc tấn công này vượt xa khả năng của bất cứ nhóm khủng bố nào khác trên thế giới, kể cả al-Qaeda.
Tự đào mồ chôn mình
Theo chuyên gia về Hồi giáo và chủ nghĩa jihad William McCants thuộc Trung tâm Chính sách Trung Đông, khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm đối với vụ thảm sát ở Paris, chúng muốn chứng tỏ với thế giới về khả năng gây ra tội ác lên đến đỉnh điểm, nhưng đồng thời đây cũng sẽ là hành động "tự đào mồ chôn mình".
McCants cho rằng, vụ thảm sát ở Paris đã khiến người dân các nước phương Tây bị chấn động sâu sắc, và điều này có thể thúc đẩy họ ủng hộ cho một chiến dịch tấn công quy mô lớn vào IS ở Iraq và Syria, kể cả sử dụng bộ binh, phương án mà Mỹ và châu Âu từ trước tới nay luôn né tránh vì lo ngại phản ứng tiêu cực của dư luận.
Ngay sau vụ thảm sát, Pháp đã có những phản ứng quyết liệt khi tuyên bố sẽ không gục ngã trước chủ nghĩa khủng bố, và lập tức đáp trả bằng những cuộc không kích dữ dội vào sào huyệt Raqqa của IS ở Syria. Anh, Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ cao đối với quyết tâm tiêu diệt IS của Pháp, đồng thời có những động thái nhằm tăng cường hợp tác với Nga đẩy mạnh cường độ chiến dịch không kích ở Syria.
Theo ông McCants, đây là thời điểm nhạy cảm có thể khơi mào cho một chiến dịch tấn công bằng bộ binh vào lãnh thổ Syria để tiêu diệt IS, khi chính phủ các nước phương Tây có đủ động lực từ dư luận để thay đổi chính sách đối ngoại của mình.
Theo đó, những vụ đánh bom, xả súng đẫm máu ở Paris đã tạo động lực cho các lãnh đạo chính trị làm được những điều mà họ còn lưỡng lự trước đây vì những trở ngại đến từ chính trường trong nước. Trong những tình huống như thế này, người dân sẽ dễ dàng ủng hộ quyết định cứng rắn của các nhà lãnh đạo hơn.
Pháp mở chiến dịch không kích dữ dội trả đũa IS tại sào huyệt Raqqa. Ảnh:Alarabiya
Khi nhận được sự ủng hộ của dư luận và phát động cuộc chiến trên bộ, quân đội các nước phương Tây có thể dễ dàng tiêu diệt phiến quân IS ngay tại sào huyệt, điều mà các cuộc không kích trong một năm rưỡi qua không làm được.
Tuy nhiên, chiến dịch tấn công bằng bộ binh nếu có cũng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà cần có sự chuẩn bị lâu dài. Các nhà hoạch định chiến lược cũng sẽ rất thận trọng khi tính toán đến phương án này, bởi nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhưng ông McCants tin rằng ngay cả khi phương Tây không dùng đến bộ binh, phiến quân IS cũng sẽ bị diệt vong.
Chuyên gia này chỉ ra rằng khi một tổ chức khủng bố trỗi dậy, sớm hay muộn nó cũng sẽ lụi tàn khi phải đối đầu với một cường quốc. Các tổ chức jihad toàn cầu như IS đang đe dọa đến an ninh, lợi ích của nhiều cường quốc trên thế giới, và đến một lúc nào đó, các cường quốc này sẽ nhất trí loại trừ chúng.
Các tổ chức khủng bố như Taliban, al-Qaeda ở bán đảo Arab, al-Qaeda ở Mali, Shabab ở Somalia đều thất bại không phải vì chúng quá tàn bạo, mà vì chúng thách thức quyền lực của cường quốc nào đó. "Khi thực hiện nhiều vụ khủng bố trên nhiều quốc gia trong thời gian ngắn, IS đã chọc giận hai cường quốc là Nga và Pháp, và đây có thể là bước đầu tiên trên con đường diệt vong của chúng", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Pháp đã làm gì ở Syria khiến IS muốn trả thù Pháp vài tháng gần đây tiến hành một loạt động thái mạnh mẽ, đánh vào tài chính và nhân lực của IS tại Syria, có thể khiến nhóm cực đoan trả thù bằng vụ khủng bố Paris. Máy bay Pháp xuất kích tấn công hàng loạt cứ điểm IS Raqqa, Syria hôm 15/11. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp Nhóm Nhà nước Hồi giáo...