Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị kết án 17 năm tù
Tòa án Tối cao Hàn Quốc giữ nguyên mức án 17 năm tù đối với cựu tổng thống Lee Myung-bak về tội tham ô và hối lộ trong phán quyết hôm nay.
Cựu tổng thống 78 tuổi, lãnh đạo Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013, bị truy tố hồi tháng 4/2018 với 16 cáo buộc hình sự, gồm tham ô liên quan đến công ty phụ tùng ô tô DAS, và nhận hối lộ.
Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak chào hỏi những người ủng hộ trước khi dự phiên tòa xét xử tại Tòa án Cấp cao Seoul hồi tháng 2. Ảnh: Yonhap.
Hồi tháng 2, một tòa phúc thẩm tuyên án ông 17 năm tù, nộp phạt 13 tỷ won (10,9 triệu USD) và bị tịch thu 5,7 tỷ won (5 triệu USD). Tòa cũng từ chối yêu cầu tại ngoại của ông Lee nhưng ông đã đệ đơn kháng cáo và được tại ngoại kể từ đó.
Sau phán quyết của Tòa án tối cao, ông Lee sẽ bắt đầu thụ án tù.
Video đang HOT
Các công tố viên cho biết hầu hết các hành vi sai phạm của ông Lee diễn ra trong thời gian ông làm tổng thống, hoặc khi ông còn là ứng viên trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007. Các cáo buộc chống lại ông Lee gồm việc nhận khoảng 10 triệu USD tiền hối lộ từ Samsung Electronics, cơ quan tình báo Hàn Quốc và cựu giám đốc điều hành một tập đoàn ngân hàng.
Công tố viên cũng cho biết ông Lee đã biển thủ khoảng 30 triệu USD từ một công ty phụ tùng ô tô mà ông sở hữu và trốn khoảng 280.000 USD tiền thuế doanh nghiệp.
Ông từng bị giam một thời gian ngắn năm 2018 sau khi nhận án 15 năm tù và bị phạt 13 tỉ won (11 triệu USD). Tuy nhiên, ông sau đó kháng cáo và được tại ngoại nhờ cam kết chấp nhận các quy định giám sát nghiêm ngặt tại gia và nộp phạt một tỷ won (885.000 USD).
Tại phiên tòa hồi tháng 2, Tòa án quận trung tâm Seoul nâng mức án từ 15 năm tù lên 17 năm đối với ông Lee Myung-bak vì “không có dấu hiệu hối lỗi hay tinh thần trách nhiệm” về những hành động sai trái của mình. Thay vào đó, ông Lee đổ lỗi cho những người làm việc cùng và nhân viên của Samsung, tòa tuyên bố.
Một số tổng thống Hàn Quốc đặt dấu chấm cho sự nghiệp của mình trong tù, với các cuộc điều tra thường được khơi mào bởi các đối thủ chính trị. Người kế nhiệm cựu tổng thống Lee, bà Park Geun-hye, đang thụ án tù 32 năm vì nhận hối lộ, lạm quyền sau những bê bối chấn động Hàn Quốc, gây ra các cuộc biểu tình khắp cả nước. Một cựu lãnh đạo khác là Roh Moo-hyun tự sát năm 2009 sau khi bị điều tra tham nhũng liên quan tới gia đình ông.
Lee Myung-bak luôn phủ nhận các cáo buộc, khẳng định mình vô tội và việc truy tố ông là đòn “trả thù chính trị” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in do cái chết của cố tổng thống Roh Moo-hyun, người tiền nhiệm của Lee. Tổng thống Moon Jae-in từng là trợ lý cấp cao của ông Roh.
Biden chỉ trích Thượng viện phê chuẩn thẩm phán 'nhanh kỷ lục'
Biden chỉ trích việc Thượng viện Mỹ nhanh chóng phê chuẩn bà Barrett trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao chỉ vài ngày trước thềm bầu cử tổng thống.
"Sự phê chuẩn gấp gáp chưa từng thấy giúp Amy Coney Barrett trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao, giữa lúc cuộc bầu cử đang diễn ra, nên trở thành lời nhắc nhở rõ ràng dành cho mỗi người Mỹ, rằng phiếu bầu của các bạn quan trọng", ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden viết trên Twitter hôm nay.
Bình luận được Biden đưa ra sau khi Thượng viện Mỹ ngày 26/10 phê chuẩn bà Barrett trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao, đúng một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử bà. Đây là quá trình phê chuẩn thẩm phán Tòa án Tối cao nhanh kỷ lục trong lịch sử Mỹ.
Việc bà Barrett được phê chuẩn là kết quả đã được đoán trước vì Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Nữ thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 5 trong lịch sử Mỹ đã tuyên thệ và sẽ bắt đầu công việc ngay lập tức.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại thành phố Chester, bang Pennsylvania, hôm 26/10. Ảnh: AFP.
Tương tự những thành viên khác của đảng Dân chủ, Biden cũng phản đối việc phê chuẩn chức vụ của Barrett ngay sát ngày bầu cử tổng thống, đồng thời cáo buộc Trump lựa chọn Barrett với mục đích xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá phải chăng (ACA), hay còn gọi là Obamacare, khi Tòa án Tối cao dự kiến xem xét đạo luật này vào ngày 10/11.
"Mục tiêu suốt 10 năm của đảng Cộng hòa được phản ánh qua việc lựa chọn ứng viên này, bất chấp sự tổn hại gây ra cho Thượng viện Mỹ, cũng như niềm tin người dân Mỹ đặt vào tính chính đáng của Tòa án Tối cao và nền dân chủ của chúng ta, bất chấp ACA đã bảo vệ hàng trăm triệu người và giúp đối phó đại dịch như thế nào", Biden viết trong bài đăng trên trang web vận động tranh cử.
Cựu phó tổng thống Mỹ cũng không ngừng kêu gọi những người phản đối việc phê chuẩn bà Barrett đi bỏ phiếu. "Nếu bạn muốn bảo vệ việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, nếu bạn muốn tiếng nói của mình được lắng nghe tại Washington, nếu bạn muốn phản đối, thì sự lạm dụng quyền lực này không đại diện cho bạn. Hãy đi bỏ phiếu", bài đăng có đoạn.
Việc bà Barrett được phê chuẩn giúp đảng Cộng hòa nới rộng thêm cán cân bảo thủ tại Tòa án tối cao, với số thẩm phán được tổng thống hai bên đề cử lần lượt là 6 và 3. Nữ thẩm phán 48 tuổi được các nhà hoạt động chống phá thai và đồng minh của Nhà Trắng coi là lựa chọn đáng tin cậy, giúp cán cân tại Tòa án Tối cao nghiêng thêm về phe bảo thủ.
Barrett đã tránh trả lời các câu hỏi về phá thai, quyền lực tổng thống, biến đổi khí hậu, quyền bỏ phiếu, Obamacare và các vấn đề khác trong phiên điều trần bổ nhiệm giữa tháng này, khiến các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp không hài lòng.
Tổng thống Trump đề cử bà Barrett ngay sau khi thẩm phán Dân chủ Ruth Bader Ginsburg qua đời tháng trước, bất chấp tâm nguyện của Ginsburg là trì hoãn việc thay thế vị trí của bà tới sau bầu cử. Hồi năm 2016, thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã từ chối phê chuẩn đề cử thẩm phán của Barack Obama với lý do bầu cử đang đến gần. Khi đó, ngày bầu cử tổng thống Mỹ còn cách hơn 11 tháng.
Thượng viện Mỹ phê chuẩn thẩm phán Trump đề cử Thượng viện Mỹ phê duyệt bổ nhiệm thẩm phán Barrett vào Tòa án Tối cao, kết quả được cho là chiến thắng cho Trump trước bầu cử. Với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện Mỹ tối 26/10 (sáng 27/10 giờ Hà Nội) đã phê chuẩn thẩm phán Amy Coney Barret vào Tòa án Tối cao. Đây là kết quả đã...