Cựu tiền đạo Tshamala Kanbanga: Xưa là ’sát thủ’, nay ‘gõ đầu trẻ’ và sắm vai thợ hồ
“Alo, Tshamala đang bận trộn hồ, cất nhà cho bà chị chút, có gì xíu nữa gọi lại nhé người anh em”, cựu tiền đạo của Long An, Tshamala Kanbanga nói với tôi trong cuộc gọi chiều qua.
Một người Việt đích thực
Ý định của tôi là gọi cho Tshamala xem anh có đi dạy học hay không, để có một cuộc hẹn phỏng vấn trên sân tập Phú Thọ (TP.HCM). Cũng nói thêm, sau khi giải nghệ, cựu tiền đạo của Long An về đầu quân cho Trung đào tạo trẻ S&A Academy được thành lập bởi cựu tuyển thủ U23 Việt Nam, Đoàn Hoàng Sơn và Apisit, trợ lý của cựu HLV đội tuyển Thái Lan, Kiatisuk Senamuang. Cuộc gọi vừa rung chuông, Tshalama bốc máy liền tay. Chưa kịp hỏi han, anh đã lên tiếng: “Tshamala đang bận trộn hồ, cất nhà cho bà chị chút, có gì xíu nữa liên lạc nha người anh em”.
Đợi mãi, cuối cùng Tshamala cũng gọi lại. Anh nói một hơi không ngớt: “Có gì thông cảm cho Tshamala, bận lo giúp bà chị cất nhà quá nên không có nhiều thời gian. Mấy nay do dịch Covid-19 nên Tshamala chỉ đi dạy vào thứ Bảy và Chủ nhật, còn lại ở dưới quê. Có gì lên Sài Gòn gọi cà phê hoặc lai rai vài chia bia cũng được”. Thực ra, tôi biết anh chàng người Congo “gõ đầu trẻ” đã lâu nhưng không ngờ, anh lại có thể sắm luôn vai… thợ hồ. Mà theo như Tshamala tiết lộ thì: “Dịch thế này đói lắm, nghề gì cũng làm, ai kêu gì làm đó”.
Tshamala (áo sẫm) khi còn thi đấu cho Long An Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Lâu lắm rồi không gặp, tôi thực sự ngạc nhiên với vốn tiếng Việt có thể luyến láy, nói cả “tiếng lóng” của Tshamala. Lại nhớ năm 2011, trong một giải đấu giao hữu tại Gia Lai, nửa đêm Tshamala rủ tôi và đám bạn đi hát karaoke. Dù đã cà phê, nói bao chuyện trên trời dưới biển nhưng tôi vẫn phải “giật mình” khi nghe Tshamala hát. Trong đó, có bài “Ước gì” của Mỹ Tâm được anh thể hiện rất ngọt, chỉn chu từng nốt. Chính nhờ vốn tiếng Việt ấy mà cựu tiền đạo của Long An nhận được nhiều thiện cảm từ hàng xóm đang sống ở Bến Lức và có lẽ nó cũng là lý do giúp anh tìm được một công việc như ý ở thời điểm hiện tại.
Chẳng có lý do gì để về quê
Tshamala đầu quân cho Long An năm 2004, nhưng chỉ một năm sau anh được cho Quảng Nam mượn chơi tại giải hạng Nhất. Tshamala trở lại Long An sau một năm biệt phái rồi gắn bó đến 6 mùa giải với đội bóng của ông bầu Võ Quốc Thắng. Trong thời gian thanh xuân, Tshamala là một trong những ngoại binh đáng xem nhất của V.League. Anh đã giành 1 chức vô địch V.League vào năm 2006 và 2 ngôi á quân V.League vào các năm 2007, 2008.
Tuy nhiên, những chấn thương đã khiến Tshamala không còn giữ được phong độ cao. Năm 2012, Long An quyết định nói lời chia tay với ngoại binh này. Tshamala đã thử sức ở nhiều đội bóng khác, nhưng anh không tìm được chỗ đứng. Trong sự thất vọng tột cùng, tiền đạo người Congo nhận được cuộc gọi từ một người quen rủ sang Lào chơi bóng cho CLB Champasak. Sau này kể lại, Tshamala nói rằng, đó thực sự là quãng thời gian đáng quên với anh. Đoàn Hoàng Sơn, người kéo Tshamala trở lại Việt Nam chính là người hiểu hơn ai hết về đồng nghiệp một thời này.
“Tôi biết Tshamala đã lâu, nhưng thật tình chẳng ngờ cậu ấy lại khổ đến vậy. Tshamala lại bị nợ lương, tiền ăn trong 7-8 tháng. Tôi quyết định kéo cậu ấy về Việt Nam và tìm cho cậu ấy một công việc. Đó là lý do, Tshamala đang làm việc cho Trung đào tạo trẻ S&A Academy của chúng tôi”, cựu tuyển thủ U23 Đoàn Hoàng Sơn chia sẻ.
Tshamala hiện làm nghề “gõ đầu trẻ” ở Trung đào tạo trẻ S&A Academy
Ở Việt Nam, ngoài tiền đạo Đặng Amaobi đang dạy các lớp bóng đá cộng đồng, Tshamala là thầy giáo bóng đá nước ngoài hiếm hoi nhận được sự tin cậy. Khi được hỏi, HLV Đoàn Hoàng Sơn khẳng định: “Tshamala là người nói tiếng Việt rất tốt, đáp ứng được mặt ngôn ngữ cơ bản. Cậu ấy còn cầu thị và chịu khó. Quan trọng hơn cả, Tshamala dành tất cả tâm huyết cho học trò. Đó là điều không phải HLV nào cũng có được dù rằng, kỹ năng sư phạm của Tshamala có phần hạn chế”.
Cái tên Tshamala hiện không còn xa lạ với các sân “phủi” dành cho các lão tướng. Sự vui vẻ và dễ gần giúp anh nhận được sự yêu mến của nhiều người. Vợ chồng Tshamala hiện sống ở Bến Lức (Long An). Quãng đường phải chạy xe máy từ chỗ ở lên TP.HCM không hề gần, nhưng với Tshamala, nó chẳng có gì to tát. “Quan trọng là tôi có một công việc ưa thích và được nhiều người hỗ trợ. Cuộc sống ở Việt Nam với tôi đang rất tuyệt cho nên chẳng có lý do gì để trở về Congo cả”, Tshamala khép lại câu chuyện.
Suýt được nhập tịch Việt Nam
Khi V.League 2009 vẫn còn 5 vòng đấu nữa mới hạ màn, Long An đã xúc tiến nhập tịch cho tiền vệ Issawa (Thái Lan) và tiền đạo Tshamala (Congo). Hai cầu thủ này đáp ứng được yêu cầu tối thiểu là chơi bóng tại Việt Nam trên 5 năm. Họ đã được kiểm tra trình độ tiếng Việt cũng như làm đúng trình tự nhập tịch. Ở đại bản doanh Bến Lức, các đồng đội đã bắt đầu gọi Issawa bằng cái tên Lý Lâm Wa, còn Tshamala là Lê Minh Tshamala. Nhưng vào phút cuối, chuyện nhập tịch cho hai ngoại binh này đã bị hủy bỏ mà không rõ nguyên nhân.
VÀI NÉT VỀ TSHAMALA KABANGA
Sinh năm: 1984; tại: Congo
Cao: 1m89; nặng: 79 kg
CÁC CLB ĐÃ QUA
2001-2002: Mazembe
2003: Oriando Pirates
2004: Long An
2005: Quảng Nam
2006-2012: Long An
THÀNH TÍCH
Vô địch V.League 2006, á quân V.League 2007 và 2008 cùng Long An
Giáo dục cầu thủ bằng sự tử tế quan trọng như thế nào?
Nhân rộng những điều tốt đẹp, giáo dục cầu thủ trong bóng đá luôn rất quan trọng để tạo nên một phông văn hóa về "bóng đá thật - sạch".
"Các con phải nhớ kỹ không được đá xấu, đá láo trên sân, không được thiếu ý thức và hành xử thiếu văn hóa với người hâm mộ...", bầu Đức dặn dò các cầu thủ Học viện HAGL - JMG vào tháng 3 năm ngoái.
Nói chính xác, bầu Đức đào tạo cầu thủ theo tiêu chí riêng. Các cầu thủ HAGL chỉ chơi bóng sau khi đến trường, còn ban đêm học thêm ngoại ngữ. Ở Học viện HAGL còn có trường học, nơi đọc sách... để dạy dỗ các cầu thủ. Mục đích của bầu Đức là những cầu thủ HAGL phải tốt nghiệp Đại học, biết tiếng Anh và ý thức về chính mình trong khía cạnh làm người, chứ không thể đá bóng giỏi rồi sinh ra thói xấu...
Văn hóa bóng đá thực sự cực kỳ quan trọng với bóng đá Việt Nam khi đang trên con đường chuyên nghiệp. Trách nhiệm đó phải đến từ "những người cầm lái", các ông bầu, HLV, thậm chí là các cầu thủ lớn dạy dỗ các đàn em. Câu chuyện kể trên về bầu Đức dạy các cầu thủ là một ví dụ điển hình, qua đó hiểu vì sao CLB HAGL nhận được sự yêu mến rất lớn của người hâm mộ cả nước.
Bầu Đức đích thân dạy dỗ các cầu thủ trẻ của Học viện HAGL - JMG.
Một ông chủ khác nổi tiếng của bóng đá Việt Nam là bầu Thắng cũng đề cao sự giáo dục cầu thủ. Bầu Thắng từng tâm sự rằng: "Tôi luôn nói với các cầu thủ phải ý thức được bản thân. Các em đá bóng trên sân thì phải hết mình vì người hâm mộ, chơi trung thực và cống hiến. Mỗi ngày cuối tuần, khán giả đến xem các em thi đấu bao gồm rất nhiều người trong xã hội, trong đó có cả những người bán vé số, chạy xe ôm - thu nhập của họ không nhiều. Thế nhưng, họ bỏ vài chục nghìn để mua vé vào sân thì các em phải hết sức trân trọng, đừng để họ phải buồn".
Cũng từ quan điểm răn dạy các cầu thủ của bầu Thắng, Tài Em đã trở thành cầu thủ để lại câu chuyện rất đẹp trong lòng người hâm mộ. Tài Em đã dũng cảm đứng ra tố vụ bán độ ở SEA Games năm 2005.
Sau này, Tài Em cảm ơn sự dạy dỗ của bầu Thắng: "Ba mẹ tôi làm ruộng, và nhà tôi đúng là nông dân. Ba mẹ luôn dạy tôi phải sống thật thà, và điều ấy tác động lớn tới phong cách sống, phong cách ứng xử của tôi. Nhưng đấy mới chỉ là sự khởi đầu thôi. Tôi nghĩ rằng mình may mắn khi được sống và gắn bó với CLB Long An trong phần lớn thời gian thi đấu. Đó là một tập thể sạch sẽ, luôn đá bóng với tư tưởng có thể xuống hạng, chứ nhất định không chịu bắt tay tiêu cực với đội nọ đội kia. Tôi nhớ là anh Thắng (bầu Thắng) ngay từ đầu đã nêu cao tôn chỉ đó".
Bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải có cùng quan điểm về bóng đá sạch nên cho ra đời giải sinh viên.
Cũng trên quan điểm làm bóng đá kể trên, bầu Đức, bầu Thắng, ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch NutiFood) cho ra đời thương hiệu Cà phê Ông Bầu với slogan: "Sống thật, cà phê thật". Tức mọi thứ đều sạch sẽ, từ bóng đá đến chuyện kinh doanh cà phê cũng phải thật như chính tính cách của những ông bầu dạy dỗ các cầu thủ.
Bầu Hải cũng là một người làm bóng đá đầy đam mê, trong đó xác định văn hóa bóng đá cực kỳ quan trọng. Thế nên, Học viện bóng đá NutiFood tuyển sinh rất nhiều cầu thủ trẻ xuất thân từ bóng đá học đường. Nhiều em ở trường năng khiếu Nguyễn Thị Định (TPHCM) đang là học viên của Học viện bóng đá NutiFood.
Gần nhất, bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải cùng 5 doanh nhân khác cho ra đời giải bóng đá sinh viên. Ngay tại buổi họp báo, chủ đề được bàn luận nhiều nhất chính là sự trong sạch, chơi thật và chơi có ý thức. Họ nghiêm cấm chuyện đá gian lận tuổi, chạy theo thành tích này nọ.
Bàn xa hơn câu chuyện đá thật và bóng đá sạch, bóng đá học đường có một vai trò quan trọng với mọi nền bóng đá trên thế giới. Giá trị cốt lõi chính là văn hóa bóng đá. Nếu như sân chơi sinh viên tạo ra được ý thức về bóng đá sạch thì bóng đá chuyên nghiệp sẽ thay đổi, qua đó tạo nên chỉ số niềm tin lớn cho người hâm mộ. Đó còn là sức bật lâu dài cho một nền bóng đá.
Ví dụ sự thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Nhưng có một điều cực kỳ quan trọng chính là văn hóa và ý thức các cầu thủ thay đổi rất lớn. Người hâm mộ có niềm tin tuyệt đối với các cầu thủ, vì họ nhìn thấy được những giá trị tốt đẹp. Đó là Xuân Trường ôm áo ấm ra cho các đồng đội mặc, nhiều cầu thủ chung tay cào tuyết cho Quang Hải đá phạt... Tất cả là những hình ảnh rất đẹp để nói về tinh thần đoàn kết, ý thức của cầu thủ Việt Nam rất cao so với những câu chuyện buồn trong quá khứ.
Nhìn lại những câu chuyện đẹp kể trên để thấy rằng, bóng đá Việt Nam đang thực sự đáng lo khi xuất hiện chuyện U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định vừa bị Ban kỷ luật VFF ra án phạt, hay các cầu thủ trẻ của Đồng Tháp tham gia cá cược. VFF phải mạnh tay xử lý để răn đe ngay từ lúc này nhằm dẹp bỏ ngay sự tiêu cực và xấu xí làm ảnh hưởng bóng đá Việt Nam.
Bàn về thật - sạch thì không chỉ riêng bóng đá, bởi trên sân bóng hay mọi điều trong cuộc sống thì giá trị tốt đẹp, sống chân chính và sự tử tế mới bền vững.
Văn Nhân
Huyền thoại Thái Lan nói đùa "giam giữ" hai cô con gái khiến người hâm mộ giật mình Cựu HLV đội tuyển Thái Lan Kiatisak Senamuang vừa đón hai cô con gái trở về từ Anh do các trường học tạm thời đóng cửa vì dịch Covid-19. Trên trang Instagram cá nhân, HLV Kiatisak viết: "Giam giữ con gái trong 14 ngày. Hôm nay, những đứa trẻ sẽ trở về nhà. Chúng sẽ bị tách khỏi gia đình, chỉ ở phòng...