Cựu tiền đạo Lazaro Paulo De Sousa: Ngôi sao lạc lối
Từ một “phe vé” ở Brazil, Lazaro bỗng vụt thành sao sáng khi đến Việt Nam chơi bóng.
Nhưng ánh hào quang cùng mãnh lực của đồng tiền đã khiến cựu tiền đạo của CLB Quân khu 4 sớm quên đi những lời khuyên nhủ để rồi như bông hoa “sớm nở tối tàn”.
Từ “hàng thải” trở thành “vua”
Nhắc đến Lazaro, HLV Vũ Quang Bảo không quên thời khắc nửa đêm vào cuối năm 2007 phải đánh xe đi đón tiền đạo này về thử việc ở CLB Quân khu 4 sau khi anh bị các đội bóng khác hắt hủi vì chuyên môn kém. Biết là “hàng thải”, nhưng vì cái tình cũng như hạn chót đăng ký ngoại binh đến gần, ông Bảo đã đồng ý nhận Lazaro và nhanh chóng ký hợp đồng sau đó. Cũng dễ hiểu cho việc “thiếu nhiều tố chất” khi Lazaro chỉ chơi bóng đá vỉa hè ở Brazil sau những tháng ngày làm “phe vé” để kiếm sống.
“Lazaro lúc đó chỉ là hàng thải của các đội. Cậu ta thiếu nhiều thứ, chỉ có ưu điểm là tốc độ và solo bóng”, HLV Vũ Quang Bảo nhớ lại. Nhưng trời không phụ lòng người, sự cần mẫn của Lazaro trước những chỉ bảo của ông Bảo giúp anh trở thành ngôi sao thực sự ở giải hạng Nhất 2008. Kết thúc mùa giải năm đó, đội bóng Quân khu 4 làm nên chuyện động trời khi vượt mặt những CLB giàu có như Hà Nội T&T, Cao su Đồng Tháp, V.Ninh Bình để giành chức vô địch và lên V.League. Trong thành tích ấy, Lazaro nổi lên như ngôi sao sáng giá nhất với khả năng bùng nổ mạnh mẽ. Con số 14 bàn thắng, hơn đồng nghiệp cùng chiến tuyến Suleiman (tức Nguyễn Trung Đại Dương) đến 6 pha lập công đã cho thấy, vị thế số 1 trong chiến công lịch sử của Lazaro ở đội bóng Quân khu.
Lazaro (trái)đã có những năm tháng thi đấu rất thành công cho CLB Quân khu 4 Ảnh: MINH TUẤN
Đời lên hương khi lương tăng hơn gấp đôi so với con số 1.500 USD/tháng trước đó, nhưng ở V.League, Lazaro còn thể hiện phẩm chất “sát thủ” đáng gờm hơn dù đẳng cấp của sân chơi này cao gấp bội. Đứng đầu danh sách “dội bom” ở lượt đi với 12 bàn, hơn chân sút đứng ngay sau là Almeida (SHB.ĐN) 3 bàn, Lazaro góp phần đưa CLB Quân khu 4 trở thành “hiện tượng” ở V.League 2009. Nhảy vọt lên đứng thứ ba trên BXH với 21 điểm, chỉ kém đội dẫn đầu vài điểm và hơn đội chót bảng (HN T&T) đến 9 điểm sau nửa chặng đường, HLV Vũ Quang Bảo đã có thể xoa tay mãn nguyện, thậm chí nghĩ đến huy chương vào cuối mùa cho Quân khu 4. Hẳn nhiên, Lazaro lại được nhắc đến với vai trò “công thần” khi được ca ngợi chiếm một nửa sức mạnh của đội bóng áo lính với những màn solo đậm chất kỹ thuật.
Thú nhận chua chát
Khách sạn Thiên Lý (Nha Trang) lúc 19h45 ngày 23/8/2009, toàn đội Quân khu 4 được lệnh lên xe rời phố Biển ngay lập tức sau chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước Khatoco Khánh Hòa. Vẫy tay chào tôi, HLV Vũ Quang Bảo vội lên xe để rời khách sạn chỉ với lời nói vọng: “Các anh phải về ngay thôi”. Một chút bất ngờ nhưng cũng dễ hiểu cho sự hối hả của CLB Quân khu 4, bởi nếu ở lại, thầy trò ông Bảo có thể gặp nguy từ khán giả do không chịu nổi được thất bại của đội nhà.
Lazaro từng là tâm điểm của mọi chiến thắng ở CLB Quân khu 4. Nhưng trong thắng lợi nghẹt thở trên sân 18/9 Nha Trang ấy, tiền đạo này không còn được nhắc đến như một người hùng. Thực ra, tình trạng đó đã bắt đầu từ sau lượt đi. “Một ngày nọ, Lazaro gặp tôi và nói rằng, cậu ấy sẽ không đá ở lượt về. Bởi Lazaro đã ký hợp đồng với đội bóng khác và họ yêu cầu phải giữ chân, không được đá do sợ chấn thương”, HLV Vũ Quang Bảo cho biết, đó là lời nói thật nhưng làm ông sững sờ.
Video đang HOT
Tới Hải Phòng, Lazaro (trái)dần bị rơi vào quên lãng
Với hy vọng khiến tiền đạo này thay tâm đổi tính để tiếp tục “cháy” mỗi khi ra sân, CLB Quân khu 4 phá lệ khi đưa cả vợ con Lazaro sang Nghệ An, trao băng thủ quân bên cạnh chuyện hiển nhiên là tăng tương. Chưa hết, lãnh đạo đội còn mua một chiến điện thoại xịn và khắc tên mình lên đó để tặng Lazaro. Bản thân ông Bảo cũng phải bấm bụng lấy tiền lương tháng ít ỏi 5 triệu đồng mời Lazaro đi ăn tối để thuyết phục cầu thủ này.
Nhưng tất cả đều vô nghĩa! Khi Lazaro đứng yên trên sân, CLB Quân khu 4 đã phải tụt dần trên BXH. Từ vị trí thứ ba, họ rơi đều sau từng vòng đấu để rồi đứng trước nguy cơ xuống hạng và chỉ thoát hiểm phút chót nhờ thắng lợi 3-2 trước Khatoco Khánh Hòa. Không chịu đá ở lượt về, Lazaro chỉ ghi vỏn vẹn thêm 3 bàn. Dấu chấm hết cho một cuộc tình, “ngựa chứng” này đã đầu quân cho Hải Phòng ở mùa giải sau đó.
Lời “tiên tri” của ông Bảo
HLV Vũ Quang Bảo cho biết, ông từng cảnh báo Lazaro không được chơi bóng như ở CLB Quân khu 4 khi khoác áo đội khác. “Tôi từng nói với Lazaro rằng, chỉ có ở CLB Quân khu 4 cậu ấy mới thành “sao”, bởi tất cả đều phục vụ Lazaro. Còn tới CLB khác, cậu ấy sẽ trở nên vô dụng do không biết phối hợp”, ông Bảo tiết lộ. Thực tế, cái tên Lazaro dần rơi vào quên lãng khi đến với Hải Phòng, dù anh nhận lương hàng chục ngàn USD mỗi tháng.
Mùa giải 2010, Lazaro chỉ ghi được 4 bàn cho đội bóng đất Cảng. Khi CLB Quân khu 4 chuyển vào TP.HCM và đổi tên thành Navibank Sài Gòn, Lazaro ăn năn hối cải xin quay về dưới trướng thầy cũ, nhưng ông Bảo đã từ chối. Cái tên Lazaro chìm hẳn từ năm 2012 sau khi đầu quân cho đội hạng nhất Đồng Tâm Long An.
VÀI NÉT VỀ LAZARO
Tên đầy đủ: Lazaro de Sousa
Sinh năm: 1977, tại: Brazil
Vị trí: Tiền đạo
CÁC CLB ĐÃ QUA
2008-2009: Quân khu 4
2010-2011: Hải Phòng
2012: Đồng Tâm Long An
Phan Hồng
Kẻ "lãng du" khắp các sân cỏ Việt
12 năm thi đấu, với 12 lần thay đổi CLB, Nguyễn Trung Đại Dương Suleiman (người gốc Nigeria) trở thành cầu thủ chơi cho nhiều đội bóng nhất.
B.Bình Dương chia tay khá nhiều lão tướng, kể cả công thần Anh Đức nhưng lại sử dụng các ngoại binh Hedipo (32 tuổi), Youssouf Toure và Nguyễn Trung Đại Dương là những cầu thủ đã 34 tuổi là một điểm khá lạ. Ảnh BDFC
Tiền đạo Suleiman sinh năm 1986, ban đầu thi đấu cho Quân khu IV vào năm 2008. Mùa giải đó, HLV Vũ Quang Bảo như được món quà trên trời rơi xuống khi sở hữu cặp ngoại binh Suleiman (Nigeria) và Lazaro (Brazil). Nếu như Lazaro thi đấu kỹ thuật thì Suleiman lại đá càng lướt, bổ sung cho nhau. Họ đã giúp Quân khu 4 của tướng Hưởng (Tư lệnh QK4 lúc đó) có 22 bàn thắng và có tấm vé đá V.League 2019.
Điển hình cho phong cách châu Phi
Ngay lập tức Suleiman được các ông bầu V.Ninh Bình rải thảm đỏ mời ra đá cho đội bóng cố đô. Nhưng cũng như các ngoại binh châu Phi khác những đêm đi bar thâu đêm đã khiến Suleiman tụt phong độ thê thảm và sớm bị V.Ninh Bình đẩy ra đường. May mắn ông thầy Vũ Quang Bảo khi đó đang làm HLV trưởng Navi Bank Sài Gòn (vốn là Quân khu IV) đã chìa tay ra đỡ. Nhưng việc chỉ có 2 bàn thắng suốt cả V.League 2010 không đủ tấm vé bảo lãnh cho ngôi sao này trụ lại được sân Thống Nhất.
12 năm, chơi cho 11 CLB, anh đã trở thành cầu thủ chơi cho nhiều đội bóng nhất. Ảnh VPF
Trong 3 mùa giải từ 2011 đến 2013, Suleiman chơi cho 4 CLB khác nhau là An Giang, Lâm Đồng, Xuân Thành Sài Gòn và Kiên Giang. Mùa bóng 2013 cầu thủ sinh năm 1986 ban đầu đá cho Xuân Thành Sài Gòn (4 trận, 2 bàn thắng) nhưng sau đó lại chuyển sang đá cho Kiên Giang (13 trận, 9 bàn thắng) được cho là thành công nhất trong mấy mùa giải gần đây. Đây là điều bất ngờ vì bản hợp đồng của Suleiman với Xuân Thành Sài Gòn ban đầu có thời hạn 3 năm, nhưng họ đã sớm đường ai, nấy đi ngay sau vài tháng gắn bó.
Đầu năm 2013, Suleiman đã cưới cô gái Sài Gòn, cô giáo dạy thể dục thẩm mỹ Ngọc Trinh anh quen khi còn đá cho An Giang. Mỗi khi đội bóng được xả trại, Suleiman lại bắt xe về TP.HCM, bền bỉ suốt 2 năm trời cưa cẩm cô gái xinh đẹp mà anh vô tình có lần bắt gặp khi đi bar ở quận 1 (TP.HCM).
B.Bình Dương là đội bóng thứ 8 mà cầu thủ gốc Nigeria này đến thi đấu. Nhưng V.League 2014 ngoại binh này không để lại dấu ấn nhiều, sức càn lướt thì vẫn còn nhưng anh di chuyển khá nặng nề và chậm chạp. 7 bàn thắng không đủ để anh được tái ký hợp đồng với đội bóng đất Thủ nhưng nó đủ để anh được Quảng Nam mời gia nhập sân Tam Kỳ. HLV Hoàng Văn Phúc lúc đó đã chọn lối đá sử dụng các đường tạt bóng bổng từ biên, thể hình to cao của ngoại binh này là một lợi thế.
Nhà vô địch V.League 2017
Mùa giải 2015, chính là Suleiman thi đấu thăng hóa nhất, anh có 10 bàn thắng và để đội bóng xứ Quảng quyết định nhập tịch cho cầu thủ quốc tịch Nigeria, chính thức mang cái tên Việt Nguyễn Trung Đại Dương vào năm 2016. Ai cũng nghĩ đây là điều kiện để Suleiman thăng hoa như Hoàng Vũ Samson, đồng hương của anh.
Việc Nguyễn Trung Đại Dương có vợ Việt, nói được tiếng Việt đã khiến việc nhập tịch không quá khó khăn. Ảnh Onsport
Việc Nguyễn Trung Đại Dương có vợ Việt, nói được tiếng Việt đã khiến việc nhập tịch không quá khó khăn. Nhưng do thời gian chờ làm thủ tục, Suleiman phải ngồi ngoài chờ đồng đội thi đấu, chỉ đá 8 trận, ghi được 2 bàn thắng. Cùng với những chấn thương trong tập luyện, Nguyễn Trung Đại Dương lên cân và xoay xở chậm chạp hẳn lên.
Cũng như nhiều cầu thủ châu Phi khác, phong độ thi đấu (và cả sinh hoạt) của Nguyễn Trung Đại Dương khá thất thường. 2 mùa giải sau đó (2017 và 2018) anh chỉ thi đấu lần lượt 25 và 14 trận và số bàn thắng là 6, 1 bàn thắng rồi chia tay sân Tam Kỳ. Trong chức vô địch V.League 2017 của Quảng Nam sự đóng góp của Nguyễn Trung Đại Dương cũng khá khiêm tốn.
Để cứu vãn sự nghiệp, Nguyễn Trung Đại Dương đành chấp nhận đá đội hạng nhất An Giang. Nhưng mới thi đấu cho An Giang 2 trận có 2 bàn thắng thì anh được S.Khánh Hòa mời về trong nỗ lực trốn thoát suất xuống hạng. Nguyễn Trung Đại Dương đã giúp cho HLV Võ Đình Tân có 2 bàn thắng sau 12 trận, nhưng mọi thứ đã muộn màng.
Trở lại Gò Đậu
Tưởng như tuổi 34, Nguyễn Trung Đại Dương sẽ nói lời chia tay với V.League, có chăng là đá hạng nhất với tư cách cầu thủ nhập tịch thì B.Bình Dương lại giang tay đón tiền đạo cao 1,89m này. Ảnh Goal.
Tưởng như tuổi 34, Nguyễn Trung Đại Dương sẽ nói lời chia tay với V.League, có chăng là đá hạng nhất với tư cách cầu thủ nhập tịch thì B.Bình Dương lại giang tay đón tiền đạo cao 1,89m này. HLV Thanh Sơn đã chia tay cầu thủ nhập tịch Đinh Hoàng Max nhưng lại tin dùng Nguyễn Trung Đại Dương. Ông quyết định đưa anh về sân Gò Đậu đá cặp với Youssouf Toure, một cầu thủ cũng đá cho S.Khánh Hòa mùa giải năm ngoái.
Mùa này, B.Bình Dương chia tay khá nhiều lão tướng, kể cả công thần Anh Đức nhưng lại sử dụng các ngoại binh Hedipo (32 tuổi), Youssouf Toure và Nguyễn Trung Đại Dương là những cầu thủ đã 34 tuổi là một điểm khá lạ. Phải chăng là HLV Thanh Sơn dùng cầu thủ nhập tịch này khi sử dụng các đường chuyền bổng cuối các trận đấu?
12 năm thi đấu tại Việt Nam, Nguyễn Trung Đại Dương đã thi đấu 11 CLB (riêng B.Bình Dương 2 lần) quả là cả câu chuyện đáng kể với cầu thủ gốc Nigeria có vợ Việt này.
Thảo Chi
10 "gã du mục" đích thực tại V.League gồm những ai? Nghiệp "quần đùi áo số" vốn dĩ gắn liền với sự bất ổn về môi trường làm việc. Một sự thay đổi từ cấp thượng tầng hay băng ghế chỉ đạo có thể khiến... một nửa đội bóng có thể rời đi trong khoảnh khắc. Vì lẽ đó, từ nhiều năm qua, người hâm mộ Việt Nam đã không còn quá ngạc nhiên...