Cựu thủ tướng Singapore: Dùng sức mạnh không giải quyết được tranh chấp Biển Đông
Cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong tuyên bố rằng tranh chấp tại Biển Đông không thể giải quyết dựa trên khái niệm “mạnh là có quyền”; đồng thời những hành động quân sự hoá của Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.
Ông Goh Chok Tong, cựu Thủ tướng Singapore, nhấn mạnh tranh chấp Biển Đông không thể giải quyết được bằng khái niệm “mạnh là có quyền”. BLOOMBERG
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tương lai của châu Á lần thứ 22 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 30.5, cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc của các bên tranh chấp đã đẩy căng thẳng Biển Đông gia tăng. Bên cạnh đó, những tranh chấp này không thể được giải quyết theo khái niệm có sức mạnh là có quyền được, theo báo Nikkei Asian Review ngày 30.5.
Ông Goh đặc biệt nhấn mạnh đến việc Trung Quốc cấp tập cải tạo đảo, xây dựng phi pháp tại Biển Đông, bao gồm xây đường băng, cảng, triển khai vũ khí, máy bay quân sự…
“Lằn ranh giữa chính sách trong nước và đối ngoại đã bị nhoè đi. Sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc sẽ gia tăng khả năng xung đột”, theo ông Goh, người từng giữ chức thủ tướng Singapore trong 14 năm.
Do đó, ông Goh khẳng định Singapore đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp và các thoả thuận quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Theo cựu thủ tướng Singapore, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm dịch chuyển cán cân quyền lực tại châu Á và Biển Đông chính là khu vực đại diện cho những bất hoà chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Video đang HOT
Ông Goh nhận định Mỹ vẫn sẽ là nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu trong tương lai tới. Tuy nhiên Trung Quốc đang tạo ra được nhiều ảnh hưởng, bằng chứng là phần lớn các nước châu Á đều coi Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất hoặc lớn thứ 2, vì vậy các nước sẽ phải điều chỉnh mối quan hệ.
“Sự cạnh tranh giữa các nước lớn là điều không thể tránh khỏi, nhưng không nước nào muốn chọn phe hoặc là Mỹ hoặc Trung Quốc”, ông Goh nói. Hơn nữa, cựu thủ tướng Singapore nêu quan điểm rằng châu Á là khu vực đủ rộng lớn cho tất cả các cường quốc, gồm cả Nhật Bản, chung sống hoà bình và giải quyết vấn đề trên tinh thần xây dựng, không gây căng thẳng.
Trước đó, tại Diễn đàn Hoà bình và Thịnh vượng lần 11 ở Jeju (Hàn Quốc) ngày 26.5, ông Goh có nhắc đến vai trò của các thể chế đa phương trong khu vực trong việc giải quyết mâu thuẫn, biến cựu thù thành đối tác mới, theo Channel News Asia.
“10 nước ASEAN khác nhau rất nhiều về địa lý, dân số, kinh tế, cấu trúc xã hội và thể chế chính trị, nhưng chúng tôi không quên các mục tiêu chung nhằm giảm đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện phúc lợi chung của người dân. Những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu đó mang chúng tôi gần nhau hơn, ghép các mảnh ghép lại với nhau”, ông Goh tuyên bố.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Lầu Năm Góc tố cáo chiêu trò của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội ngày 13.5, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc ồ ạt quân sự hóa trên các đảo, đá ở Biển Đông để thực hiện những đòi hỏi chủ quyền vô lý ở khu vực này.
Tàu hài quân Trung Quốc thường xuyên hỗ trợ lực lượng hải cảnh và ngư dân nước này gây rối ở Biển Đông, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. REUTERS
Trung Quốc sử dụng "chiến thuật cưỡng bức" và gia tăng gây căng thẳng ở những vùng biển mà Bắc Kinh muốn kiểm soát, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Giải thích về "chiến thuật cưỡng bức" của Trung Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Đông Á, ông Abraham Denmark cho biết Trung Quốc cho cảnh sát biển và tàu đánh cá đi chung với nhau nhằm gây rối ở vùng biển mà Bắc Kinh muốn chiếm hoặc khẳng định chủ quyền.
Trung Quốc sử dụng chiêu gây rối với tàu nước khác theo kiểu "thiếu chuyên nghiệp", "tay ngang" nhằm đánh lừa quốc tế không thể phát hiện ra sự hung hăng và mục đích của mình. Đôi khi những hoạt động gây rối của lực lượng hải cảnh và ngư dân được sự hộ tống của tàu hải quân Trung Quốc neo đậu ở vị trí xa.
"Họ thường làm thế trong phạm vi kiểm soát của lực lượng quân đội (Trung Quốc) hoặc ở những nơi chỉ có tàu cá của nước khác nhằm cố gắng thiết lập sự kiểm soát ở vùng biển tranh chấp", ông Denmark nói với các phóng viên. "Những hoạt động này được thiết kế sao cho ở dưới ngưỡng xung đột nhưng có tác dụng hiệu quả từ từ", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nói tiếp.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hăng phun nước vào tàu chấp pháp Việt Nam khi tàu Việt Nam đấu tranh buộc dàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, tháng 5.2014REUTERS
Lầu Năm Góc cũng gọi đó là chiến thuật "mọi sự đã rồi", chiếm đóng lâu dài. Chiến thuật này cũng được áp dụng ở biển Hoa Đông khi Bắc Kinh triển khai máy bay và tàu hải cảnh đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi tranh chấp với Nhật.
Trong khi đó, theo AP dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã cải tạo xong hơn 1.295 ha diện tích ở các đảo nhân tạo xây trái phép thuộc quần đảo Trường Sa. Mục tiêu bây giờ của Trung Quốc là phát triển cơ sở hạ tầng và quân sự hóa chúng.
Trung Quốc xây dựng 3 đường băng, mỗi đường băng dài 3 km, và nhiều cảng, hệ thống hậu cần, giao thông liên lạc ở những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng và xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Đường băng dài 3 km trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp CSIS/AMTI
Mặc dù Trung Quốc tăng cường xây dựng ở đây nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với những hòn đảo nhân tạo này. Tuy nhiên, Lần Năm Góc cho rằng những cơ sở hạ tầng quân sự đó lại giúp Trung Quốc kiểm soát lâu dài và khống chế những hoạt động xung quanh Biển Đông.
"Các cơ sở này sẽ giúp Trung Quốc cải thiện khả năng phát hiện và gây khó khăn cho các nước có tranh chấp hoặc bên thứ ba, đồng thời mở rộng khả năng sẵn có của Trung Quốc và giảm thời gian cần thiết để triển khai chúng", báo cáo viết.
Báo cáo cũng nhắc lại khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter rằng sự gia tăng khiêu khích của Trung Quốc chỉ giúp Mỹ cải thiện mối quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Nỗ lực ngày càng quyết liệt của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong vùng và đẩy các nước trong khu vực phải tăng cường quan hệ với Mỹ", báo cáo viết tiếp.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Trung Quốc cho hoạt động hải đăng mới xây phi pháp ở đá Xu Bi Bộ Giao thông Trung Quốc hôm 5.4 đã làm lễ hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động ngọn hải đăng mới xây dựng trái phép trên đá Xu Bi chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Ngọn hải đăng Trung Quốc xây phi pháp ở đá Xu Bi chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa - Ảnh:...